Đoạn phim gây tranh cãi về binh lính bị hành quyết làm nổi bật ‘chiến tranh nhận thức’ giữa Nga và Ukraine
Đoạn video dường như cho thấy những quân nhân Nga không mang vũ trang đang bị binh lính Ukraine hành quyết đã lập tức làm dấy lên những tuyên bố ăn miếng trả miếng về “tội ác chiến tranh” giữa hai bên tham chiến.
Theo Moscow, đoạn phim này cho thấy rõ rằng binh lính Ukraine đang sát hại những quân nhân Nga vốn đã đầu hàng. Tuy nhiên, Kyiv nói rằng binh lính của họ chỉ hành động “tự vệ” sau khi bị bắn.
Vụ việc này làm nổi bật bản chất tối tăm của cuộc xung đột kể từ khi cuộc chiến nổ ra cách đây chín tháng, có đặc điểm gồm những câu chuyện hoàn toàn trái ngược về các sự kiện tại chiến trường.
Ông Aydin Sezer, một nhà phân tích chính trị Thổ Nhĩ Kỳ, nói với The Epoch Times: “Nếu chỉ dựa vào cảnh quay này, thì không thể nói chính xác chuyện gì đã xảy ra.”
“Bất kể thực tế của tình huống này là gì,” ông nói thêm, “[thì] cuộc xung đột này đã chứng kiến vô số vụ việc có thể dễ dàng bị xem là các tội ác chiến tranh.”
Vụ thảm sát ở Makiivka
Loạt video ngắn này đã xuất hiện đầu tiên trên các tài khoản mạng xã hội Ukraine hồi tuần trước, trong đó có một cảnh quay do một quân nhân Ukraine quay bằng điện thoại và một cảnh quay khác do một thiết bị bay không người lái ghi lại được.
Hôm 20/11, tờ New York Times đã đăng một bài báo dài về đoạn phim nói trên, tuyên bố rằng đã xác minh tính xác thực của video này.
Vụ việc được cho là xảy ra hồi đầu tháng này tại thị trấn Makiivka thuộc vùng Luhansk ở đông bắc, nơi vẫn là chiến trường giao tranh ác liệt giữa quân đội Nga và Ukraine.
Trong đoạn phim này, có thể thấy một số binh sĩ Nga, những người dường như đã đầu hàng, đang nằm úp mặt xuống đất trong khi các binh sĩ Ukraine có vũ trang đứng nhìn.
Tại một thời điểm trong đoạn phim, một người lính Nga xuất hiện từ một căn nhà gần đó và nổ súng, sau đó máy quay đột ngột cắt đi.
Hiện vẫn chưa rõ điều gì xảy ra tiếp theo, nhưng trong một đoạn video ngắn khác, có thể thấy cũng chính những binh lính Nga đó đang nằm bất động trên vũng máu.
Một chuyên gia pháp y được New York Times trích dẫn cho biết hầu hết các binh sĩ Nga bị sát hại dường như đã bị bắn vào đầu.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết đoạn phim này là bằng chứng về việc “sát nhân có chủ ý và có phương pháp” của các binh sĩ quân đội Ukraine.
Bộ này còn cho biết trong một tuyên bố hôm 18/11: “Vụ sát hại các quân nhân Nga một cách tàn bạo lần này không phải là tội ác chiến tranh đầu tiên và duy nhất.”
Họ tiếp tục tuyên bố rằng những tội ác như vậy là “thông lệ phổ biến” trong quân đội Ukraine và “được chế độ Kyiv hỗ trợ tích cực và được những người ủng hộ phương Tây của Kyiv phớt lờ.”
Kể từ đó, Nga đã kêu gọi Liên Hiệp Quốc điều tra về các cáo buộc “tội ác chiến tranh” của họ.
Ông Sezer, một cựu cố vấn thương mại tại đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Moscow, đã bày tỏ nghi ngờ rằng lời kêu gọi của Nga đối với cơ quan thế giới này liệu sẽ mang lại bất kỳ kết quả cụ thể nào hay không.
“Ngay cả khi có thể chứng minh rằng quân đội Ukraine đã gây ra một tội ác chiến tranh, nhưng tôi cho rằng sẽ không có bất cứ điều gì xảy ra [để giải quyết] vụ việc này.”
“Phần lớn thế giới, đặc biệt là phương Tây, xem Nga như một kẻ xâm lược,” ông nói. “Và thật không may, những vụ việc kiểu này là không thể tránh khỏi trong thời chiến.”
Lời phản tố của Kyiv
Ông Dmytro Lubinets, ủy viên nhân quyền của Kyiv, đã bác bỏ những tuyên bố của Nga rằng quân đội Ukraine đã phạm các tội ác chiến tranh.
Hôm 20/11, ông Lubinets phản tố lại trước những lời cáo buộc, nói rằng binh lính Nga đã giả vờ đầu hàng sau đó nổ súng vào những người lính Ukraine bắt giữ họ.
Ông nói trên ứng dụng nhắn tin Telegram rằng: “Từ các phần riêng biệt của đoạn phim này … có thể kết luận rằng, bằng cách sử dụng một cảnh quay được dàn dựng, những người Nga này đã phạm tội ác chiến tranh.”
“Họ đã nổ súng vào những người lính [Ukraine],” ông cáo buộc, và tiếp tục buộc tội những người lính Nga bị sát hại là “bội ước.”
Theo Công ước Geneva, vốn đặt ra các tiêu chuẩn quốc tế về ứng xử nhân đạo trong thời chiến, “bội ước” có thể được định nghĩa là “việc giả vờ đưa ra ý định đàm phán với lý do đình chiến hoặc đầu hàng.”
Hôm 21/11, bà Beth van Schaack, đại sứ Hoa Kỳ về tư pháp hình sự toàn cầu, đã nói về những cáo buộc từ phía Nga.
Bà nói với các phóng viên: “Luật chiến tranh áp dụng cho tất cả các bên như nhau, cả quốc gia xâm lược và quốc gia phòng thủ, và đây là một biện pháp bình đẳng.”
Tuy nhiên, bà Van Schaack đã tiếp tục chế giễu các phản ứng của Nga trước những cáo buộc tội ác chiến tranh trong khi ca ngợi phản ứng của Kyiv đối với những tuyên bố như vậy.
Bà nói: “Nga chắc chắn sẽ phản ứng bằng tuyên truyền, phủ nhận, cung cấp thông tin sai lệch và tin giả, trong khi chính phủ Ukraine nhìn chung đã thừa nhận các hành vi lạm dụng, cũng như đã lên án và cam kết sẽ điều tra những hành vi này.”
Về phần mình, ông Sezer đã phản đối lời khẳng định nói trên.
Ông nhấn mạnh: “Nga không bao giờ đưa ra thông tin sai về những sự kiện mà có thể sẽ khiến nước này rơi vào tình thế khó khăn về sau.”
“Đúng vậy, Nga đang thực hiện một chính sách đối ngoại cứng rắn,” ông Sezer nói thêm. “Nhưng trong những trường hợp như thế này, họ thường cung cấp thông tin trung thực và nói rõ trước những gì nước này sẽ làm.”
‘Chiến tranh nhận thức’
Hôm 22/11, Kyiv được cho là đã bắt đầu các thủ tục tố tụng hình sự của riêng mình chống lại các lực lượng vũ trang Nga với cáo buộc “bội ước” và vi phạm “các quy tắc chiến tranh.”
“Các binh sĩ Nga, giả vờ đầu hàng các binh sĩ Ukraine, đã nổ súng vào các binh sĩ Ukraine,” theo một tuyên bố đăng trên Telegram của văn phòng tổng công tố Ukraine.
Tuyên bố này cho biết thêm, “Những hành động như vậy bị cấm theo luật nhân đạo quốc tế.”
Đáp lại, ông Daniil Bessarabov, một nhà lập pháp nổi tiếng của Nga, đã cáo buộc Kyiv “cố gắng trốn tránh trách nhiệm bằng cách đưa ra các phản tố.”
Nói chuyện với hãng thông tấn TASS của Nga hôm 23/11, ông Bessarabov đã kêu gọi “tất cả những người có lý trí” “không được để cho kẻ phạm tội trốn tránh trách nhiệm, mà hãy xác định danh tính và bảo đảm họ phải được xét xử công bằng.”
Theo ông Sezer, toàn bộ tình huống nói trên phản ánh một cuộc “chiến tranh nhận thức” đang diễn ra giữa Moscow và các đồng minh phương Tây đáng gờm của Kyiv.
“Cuộc chiến thực sự không phải giữa Ukraine và Nga,” ông nói. “Ukraine chỉ là một con tốt đang được phương Tây sử dụng.”
Kyiv cũng thường nhận được sự ủng hộ của các hãng truyền thông chính thống phương Tây, mà ông Sezer đã mô tả là “khá khéo léo” trong việc thao túng dư luận.
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times