Bộ trưởng Hải quân: Việc trang bị vũ khí cho cả Hoa Kỳ và Ukraine có thể trở thành ‘thách thức’
Hôm 11/01, Bộ trưởng Hải quân Carlos Del Toro đã cảnh báo rằng việc trang bị vũ khí cho cả Ukraine lẫn Hoa Kỳ có thể trở thành thách thức trong những tháng tới trong bối cảnh thiếu hụt vũ khí.
Theo hãng thông tấn Defense One, ông Del Toro đã đưa ra những lời nhận xét này tại hội nghị của Hiệp hội Hải quân Mặt nước (Surface Navy Association) ở Arlington, Virginia, khi được hỏi liệu Hải quân Hoa Kỳ có sắp phải lựa chọn giữa việc trang bị vũ khí cho chính mình và giúp trang bị vũ khí cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, hay liệu họ đã tới bước đó hay chưa.
Ông Del Toro hồi đáp, “Liên quan đến việc cung cấp các hệ thống vũ khí cho cuộc chiến ở Ukraine… Vâng, đó luôn là mối quan tâm của chúng tôi. Và chúng tôi đang theo dõi điều đó rất, rất chặt chẽ.”
Mặc dù ngài bộ trưởng lưu ý rằng Hải quân Hoa Kỳ vẫn chưa “hoàn toàn tới bước đó”, ông nói thêm rằng nếu cuộc xung đột này tiếp diễn trong sáu tháng hoặc một năm nữa, thì “chắc chắn sẽ tiếp tục gây căng thẳng cho chuỗi cung ứng theo những chiều hướng đầy thách thức.”
Phần lớn vũ khí Hoa Kỳ trao cho Ukraine là vũ khí trên bộ chứ không phải là vũ khí hải quân.
Ông Del Toro nói với các phóng viên rằng Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Kathleen Hicks đang làm việc “rất chặt chẽ với ngành công nghiệp [quốc phòng], để thúc đẩy họ tìm ra những thách thức hoặc trở ngại để có thể tăng tỷ lệ sản lượng của chính họ.”
Các công ty cần tăng cường sản xuất vũ khí
“Rõ ràng là … những công ty này có một quy trình sản xuất khá quy mô cho tương lai,” ông Del Toro nói. “Bây giờ họ cần đầu tư vào lực lượng lao động của mình, cũng như các khoản đầu tư vốn mà họ phải thực hiện trong các công ty của mình để tăng sản lượng.”
Nhận xét của ông Del Toro được đưa ra ngay sau khi Đô đốc Daryl Caudle, chỉ huy Bộ Tư lệnh Lực lượng Hạm đội Hoa Kỳ, cũng trình bày tại hội nghị và cáo buộc các công ty quốc phòng sử dụng đại dịch COVID-19 như một cái cớ để trì hoãn việc giao các mặt hàng vũ khí.
“Tôi không tha thứ cho cơ sở công nghiệp quốc phòng. Tôi chính là không tha thứ,” ông nói. “Tôi không tha thứ cho việc các quý vị đã không giao vũ khí mà chúng tôi cần. Tất cả những thứ về COVID này, các bộ phận, chuỗi cung ứng này, tôi không thực sự quan tâm. Tất cả chúng ta đều có những nhiệm vụ khó khăn.”
“Tôi cần những chiếc SM-6 được giao đúng hạn. Tôi cần thêm ngư lôi Mark 48 được giao đúng hạn. Được rồi, chúng ta đang nói về chiến tranh, an ninh quốc gia, và chống lại một đối thủ cạnh tranh ở đây và là một kẻ thù tiềm năng không giống với bất kỳ địch thủ nào mà chúng tôi từng thấy. Và chúng tôi không thể luẩn quẩn mãi với những đợt giao hàng này,” ông Caudle nói thêm.
Cho đến nay, chính phủ Tổng thống (TT) Biden đã cho phép khoản viện trợ hơn 110 tỷ USD — thông qua tiền đóng thuế của người Mỹ — cho Ukraine trong bối cảnh nước này đang diễn ra xung đột với nước láng giềng Nga.
Trong số 110 tỷ USD nói trên, có 45 tỷ USD đến từ dự luật chi tiêu tổng hợp trị giá 1.7 nghìn tỷ USD do Tổng thống Joe Biden ký hôm 29/12 và nhằm mục đích duy trì hoạt động của chính phủ này cho đến khi năm tài khóa này kết thúc vào tháng 09/2023.
Đầu tháng Mười Hai, TT Biden thông báo rằng Hoa Thịnh Đốn sẽ gửi thêm 1.8 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm cả hệ thống phòng thủ hỏa tiễn đất đối không Patriot.
Đảng Cộng Hòa bày tỏ lo ngại về việc viện trợ cho Ukraine
Khoảng 100 binh sĩ Ukraine sẽ tới Hoa Kỳ vào tuần tới để tham gia khóa huấn luyện về cách sử dụng hệ thống phòng không, có thể nhắm mục tiêu vào phi cơ, hỏa tiễn hành trình và hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn.
Hôm thứ Sáu (06/01), Tòa Bạch Ốc thông báo rằng Hoa Kỳ sẽ gửi 3.75 tỷ USD vũ khí quân sự và các viện trợ khác, bao gồm cả xe thiết giáp Bradley, tới Ukraine và các nước lân bang ở sườn phía đông của NATO.
Khoản tài trợ này — gói hỗ trợ lớn nhất của Hoa Kỳ cho đến nay đối với Kyiv — bao gồm 225 triệu USD tài trợ quân sự ngoại quốc và chỉ thị Bộ Quốc phòng giải ngân 2.85 tỷ USD từ kho dự trữ thiết bị quân sự của mình.
Khoản tiền này cũng bao gồm 682 triệu USD tài trợ quân sự ngoại quốc cho các đồng minh ở Âu Châu để giúp khuyến khích và bù đắp cho các khoản tài trợ thiết bị quân sự mà họ đã sản xuất cho Ukraine.
Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre cho biết: “Cuộc chiến này đang ở thời điểm then chốt và chúng ta phải làm mọi thứ có thể để giúp người Ukraine chống lại sự xâm lược của Nga.”
Các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa, trong đó có Dân biểu Thomas Massie (Cộng Hòa-Kentucky), đã lên án chính phủ ông Biden vì đã cho phép viện trợ hàng tỷ dollar cho Ukraine vào thời điểm người Mỹ đang oằn mình dưới sức nặng của lạm phát tăng cao.
Ngọc Mai biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times