Moscow khước từ đề nghị rút quân khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine của TT Biden
Điện Kremlin đã từ chối điều kiện để tổ chức các cuộc đàm phán song phương do Tổng thống (TT) Joe Biden đưa ra — cụ thể là, rút hoàn toàn lực lượng khỏi các vùng lãnh thổ Ukraine mà Nga đã sáp nhập hai tháng trước.
“Tổng thống Putin đã, đang, và sẽ sẵn lòng gặp gỡ để đàm phán,” phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm ngày 02/12. “Tất nhiên, con đường được ưu tiên đối với việc bảo đảm lợi ích của chúng tôi đó là ngoại giao hòa bình.”
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng Hoa Kỳ “vẫn không công nhận những vùng lãnh thổ mới gia nhập Liên bang Nga, và điều đó khiến việc tìm kiếm các lý do tiềm năng cho việc thảo luận trở nên khó khăn hơn nhiều.”
Những tuyên bố của ông Peskov được đưa ra nhằm đáp lại những nhận xét mà tổng thống Hoa Kỳ đưa ra trước đó một ngày.
“Tôi sẵn sàng nói chuyện với ông Putin nếu trên thực tế ông ấy quan tâm đến việc quyết định tìm cách chấm dứt cuộc chiến này,” ông Biden nói hôm 01/12. “Ông ấy vẫn chưa làm điều đó.”
Trình bày trong một cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ông Biden nói thêm: “Có một cách để cuộc chiến này kết thúc; cách hợp lý này là: ông Putin có thể rút quân khỏi Ukraine.”
Hôm 30/09, Moscow chính thức sáp nhập bốn khu vực của Ukraine — Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia, và Kherson — vào Liên bang Nga dựa trên kết quả của các cuộc trưng cầu dân ý gây tranh cãi.
Kể từ đó, Moscow xem cả bốn khu vực này là lãnh thổ Liên bang Nga.
Về phần mình, Kiev và các đồng minh phương Tây bác bỏ tính hợp pháp của hành động này, mà họ cho biết thực chất đó là việc sáp nhập lãnh thổ bất hợp pháp của Nga.
Giới chức Ukraine đã nhiều lần cam kết sẽ dùng vũ lực để chiếm lại cả bốn khu vực nói trên, cùng với khu vực Hắc Hải của Crimea.
Crimea, nơi hạm đội Hắc Hải của Nga đang hiện diện, đã được sáp nhập vào Liên bang Nga hồi năm 2014 sau một cuộc trưng cầu dân ý tương tự.
Các nội dung của cuộc họp tại Ankara vẫn còn mơ hồ
Trong khi đó, vẫn chưa rõ chính xác những gì đã được thảo luận tại cuộc họp kín giữa các giám đốc tình báo Nga và Hoa Kỳ diễn ra trong tháng này tại Ankara.
Hôm 14/11, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương William Burns đã tổ chức cuộc hội đàm bí mật với ông Sergei Naryshkin, người đứng đầu cơ quan tình báo ngoại quốc của Nga, tại thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ.
Mặc dù nghị trình của cuộc họp này vẫn còn là điều bí ẩn, nhưng đây là cuộc gặp gỡ trực tiếp đầu tiên được biết đến giữa các quan chức cao cấp nhất của Hoa Kỳ và Nga kể từ khi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine bắt đầu hồi cuối tháng Hai.
Các quan chức Hoa Kỳ vẫn kiên quyết rằng cuộc trao đổi riêng tư này không cấu thành bất kỳ hình thức “đàm phán” nào liên quan đến Ukraine.
Sau cuộc họp nói trên, một phát ngôn viên của Tòa Bạch Ốc được Reuters trích dẫn nhấn mạnh rằng ông Burns, cựu đại sứ tại Moscow, đã không thảo luận về bất kỳ “việc giải quyết cuộc chiến ở Ukraine” nào với người đồng cấp Nga.
Theo phát ngôn viên này, giám đốc CIA chỉ đơn thuần đã “truyền tải thông điệp về hậu quả của việc Nga sử dụng vũ khí hạt nhân và các nguy cơ leo thang đối với sự ổn định chiến lược.”
Nhưng vào hôm 30/11, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov, khi được hỏi trực tiếp về cuộc gặp này, đã nói rằng Hoa Thịnh Đốn “xác định các tình huống theo cách phù hợp với lợi ích của mình.”
Ông Ryabkov nói trong một cuộc phỏng vấn bằng Anh ngữ với hãng truyền thông Nga Russia Today, “Chúng tôi nhận được một số thông điệp của nhân vật quan trọng từ phía các quan chức cao cấp của Hoa Kỳ về những gì đã xảy ra ở Ankara.”
“Ở một số khía cạnh quan trọng,” ông nói thêm, “những thông điệp này không hoàn toàn tương thích với hiểu biết của chúng tôi về cách thức cuộc họp này diễn ra và những gì đã được thảo luận ở đó.”
Kyiv tranh luận về tuyên bố thương vong
Trong một diễn biến liên quan, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, cho biết quân đội Ukraine đã thiệt mạng từ 10,000 đến 13,000 binh sĩ kể từ khi cuộc xung đột này bắt đầu.
Ông Podolyak nói với kênh truyền hình Kanal 24 của Ukraine hôm 01/12, “Chúng tôi có số liệu chính thức từ bộ tổng tham mưu, chúng tôi có số liệu chính thức từ chỉ huy cao nhất, và con số này lên tới [từ] 10,000 và 12,500 cho đến 13,000 binh sĩ thiệt mạng.”
Đây đã là con số thương vong chính thức đầu tiên được Kyiv đưa ra kể từ tháng Tám, khi các quan chức quân đội Ukraine đưa ra con số binh sĩ Ukraine thiệt mạng vào khoảng 9,000 người.
Khẳng định của ông Podolyak dường như được đưa ra để đáp lại những tuyên bố mà Chủ tịch Ủy ban Âu Châu (EC) Ursula von der Leyen đưa ra một ngày trước đó.
Trong một tuyên bố qua video hôm 30/11 được đăng trực tuyến, bà Von der Leyen tuyên bố rằng số quân nhân Ukraine thiệt mạng trong cuộc xung đột này là “hơn 100,000 người.”
Tuy nhiên, trong vòng vài giờ, tuyên bố này đã bị loại khỏi hồ sơ chính thức, trong đó một phát ngôn viên của EC nói rằng con số 100,000 ngươi của bà Von der Leyen trên thực tế đã đề cập đến “cả số người thiệt mạng lẫn bị thương.”
Tháng trước, Đại Tướng Lục quân Hoa Kỳ Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, đã đưa ra con số binh lính Nga thiệt mạng và bị thương lên tới hơn 100,000 người kể từ khi cuộc xung đột này bắt đầu.
Ông tiếp tục tuyên bố rằng quân đội Ukraine “có lẽ” đã phải chịu một con số thương vong tương tự.
Tuy nhiên, ông Milley đã không cung cấp bất kỳ cơ sở nào cho những khẳng định của mình.
Hồi tháng Chín, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu đã tuyên bố rằng khoảng 61,000 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng trong cuộc xung đột này.
Ông Shoigu cho biết thêm, khoảng 6,000 binh lính Nga đã thiệt mạng trong trận chiến trong cùng thời kỳ.
Hôm 30/11, ông Oleksiy Arestovych, một cố vấn khác của ông Zelensky, đã cho rằng tổng số binh sĩ thiệt mạng của Nga cao gấp bảy lần so với Ukraine.
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times