ĐCSTQ khởi xướng ‘mỗi làng, một nhà ăn,’ thời công xã nhân dân sẽ xuất hiện trở lại?
Gần đây, chủ đề về việc khởi xướng “mỗi làng, một nhà ăn” trên khắp cả nước Trung Quốc đã tràn ngập Internet. Các nhà phân tích cho rằng để ứng phó với khủng hoảng kinh tế và kiểm soát người dân, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã nỗ lực khôi phục các công xã nhân dân với “nhà bếp công xã” – “nồi cơm lớn” trong thời kỳ “Đại nhảy vọt”.
“Nồi cơm lớn” dùng để chỉ các công xã nhân dân ở nông thôn Trung Quốc năm 1958 và “nhà bếp công xã” trong thời kỳ “Đại nhảy vọt.” Đây là sản phẩm tiêu biểu của việc ĐCSTQ thực hiện kinh tế kế hoạch và kiểm soát phân phối vật chất. Tuy nhiên, cuối cùng kế hoạch này đã kết thúc trong thất bại.
Hôm 07/09, cơ quan truyền thông của ĐCSTQ, tờ Nhân dân Nhật báo Online đăng tải bài viết có tiêu đề “Khái niệm ‘Thành phố nhân dân’ vẽ nên bức tranh về một ‘Thành phố hạnh phúc.’” Mở đầu bài viết là đoạn: “Đi, chúng ta xuống nhà ăn đi!” Đến giờ ăn, Đoàn Phong chào hỏi vài người bạn cũ rồi họ cùng nhau bước vào nhà ăn tập thể …
Trước đó, hôm 27/07, tờ Nhân dân Nhật báo cũng đưa hình ảnh về nhà ăn “Hiếu thiện đường” dành cho người cao tuổi ở làng Tưởng Gia Trì Đầu, quận Phụng Hóa, thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, lên trang nhất để tuyên truyền.
Những ngày qua, chủ đề về việc khởi xướng “mỗi làng, một nhà ăn” trên khắp cả nước Trung Quốc tràn ngập Internet, đặc biệt là trên mạng xã hội. Người dân được nghe tuyên truyền rằng, để giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm và dinh dưỡng ở khu vực nông thôn, nông dân có thể ăn những bữa ăn rẻ và bổ dưỡng, mỗi bữa chỉ tốn 2 đến 5 nhân dân tệ (RMB).
Giáo sư Tạ Điền (Xie Tian) từ Trường Kinh doanh Aiken thuộc Đại học South Carolina nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế, ĐCSTQ đã cố gắng khôi phục lại hợp tác xã và “nồi cơm lớn” của chế độ phân phối khẩu phần, nhằm mục đích dễ dàng kiểm soát người dân Trung Quốc.
Ông nói rằng những người cao tuổi ở Trung Quốc đều biết ĐCSTQ đã thành lập các nhà ăn xã hội chủ nghĩa và phá hủy các vùng nông thôn ở Trung Quốc, dẫn đến nạn đói lớn. Những công ty độc quyền nhà nước này như nhà ăn lớn và các hợp tác xã sẽ dần dần kiểm soát nguồn cung của tất cả các thương phẩm cũng như nông phẩm, và thao túng giá cả.
Nhà sử học Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua) cho rằng trong nền kinh tế thị trường, cung-cầu là do thị trường quyết định, nên ĐCSTQ không thể kiểm soát được. ĐCSTQ muốn kiểm soát mọi thứ. Ngoài kiểm soát “cán dao, ngòi bút, nòng súng,” đảng này còn muốn kiểm soát người dân thông qua nền kinh tế kế hoạch. ĐCSTQ từng thành lập các công xã nhân dân và sử dụng bếp ăn tập thể, khiến không ai thu hoạch mùa màng và dẫn đến nạn đói lớn.
Nhà bình luận thời sự Lưu Nhuệ Thiệu (Liu Ruishao) cũng cho biết ông không ngờ rằng nền kinh tế kế hoạch lại xuất hiện trở lại, có vẻ như nền kinh tế Trung Quốc đang rất tệ. ĐCSTQ đã kiệt sức và không còn lựa chọn nào khác ngoài việc áp dụng cách tiếp cận này.
Thông tin này cũng làm dấy lên nhiều nghi vấn trong dư luận.
Hôm 12/09, trương mục weibo nổi tiếng Địch Đức Phương (翟德芳) đã đăng một bài viết với nội dung:
“Đọc tin tức, thấy kế hoạch ‘mỗi làng, một nhà ăn’ đã được phát động trên khắp cả nước. Người ta nói rằng kế hoạch này sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc sống của người dân nông thôn, để nông dân không còn phải lo nấu nướng nữa! Người nông dân không còn phải tốn nhiều thời gian vào bếp, mà có thể dành nhiều thời gian hơn cho sản xuất, làm việc và giải trí.
Tuy nhiên, theo hiểu biết của tôi về người nông dân, họ lo nấu nướng từ khi nào? Ở các vùng nông thôn ngày nay, người nông dân có xem việc giải trí là mục đích của mình không? Nghĩ xa hơn, tại nhà ăn nông thôn này có rất nhiều chuyện có thể thảo luận, bao gồm mua sắm, giá cả, việc làm, địa điểm … thực sự vượt xa sự đơn giản của cuối những năm 1950. Tôi không dám nghĩ tiếp!”
Một số cư dân mạng đã bình luận như sau:
“Nhà ăn cộng sản”;
“Bữa tiệc nồi lớn đã bắt đầu”;
“Thất bại nối tiếp thất bại, đấu tranh đến cùng”;
“Sáu mươi năm trước chẳng phải đã để lại bóng ma sao?”
“Đừng gây tai họa. Nông dân không có lương hưu dành cho nhà ăn. Người cao tuổi mỗi ngày mua hai lạng thịt và trồng một ít rau để tiêu dùng. Trước đây đã từng nhiều năm như vậy, trừ khi họ không thể đi được nữa.”
“Trước là xây nhà ăn, sau kiểm soát vật tư, ép mọi người ăn trong nhà ăn. Sau đó từ từ quay về bếp công xã”;
“Những người làm việc trong nhà ăn để kiếm tiền đều là họ hàng của trưởng thôn. Sở dĩ nông dân vẫn có thể sống với thu nhập thấp là vì họ tự cung tự cấp. Hiện tại chúng tôi muốn chặn những con đường này.”
“Kết quả là một số lượng lớn những người trong ngành kinh doanh này kiếm được rất nhiều tiền.”
“Thay vì làm việc này, tốt hơn hết là giải quyết vấn đề chăm sóc y tế và người cao tuổi cho nông dân”;
Hạ Tùng thực hiện
Mai Thanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ