Luật sư Trung Quốc bị bức hại vì bài viết về dịch bệnh COVID ở Vũ Hán, quyết tâm lên tiếng bảo vệ quyền lợi
Việc kiểm duyệt ngôn luận nghiêm ngặt của Trung Quốc, bao gồm trên không gian trực tuyến, không chỉ nhắm vào những công dân bình thường, mà còn cả luật sư, những người nhận ra rằng tự bảo vệ cho chính mình cũng là một việc rất khó khăn — ngay cả khi họ có lợi thế về kiến thức pháp luật.
Một luật sư trẻ người Trung Quốc đã bị trừng phạt và bị bức hại trong ba năm qua vì đăng lên mạng những gì cô tận mắt chứng kiến ở Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, nơi đại dịch COVID bùng phát ba năm về trước.
Cô Lưu Ánh Ánh (Liu Yingying), một luật sư ở độ tuổi 30 đến từ tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, đã đăng một bài viết ngắn vào ngày 26/03/2020, về những gì cô thấy ở Vũ Hán sau khi đại dịch bùng phát.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times, cô Lưu cho biết, ngày 02/04/2020, hiệp hội luật sư địa phương của thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam đã gửi một văn bản cảnh cáo tới cô, chỉ vài ngày sau khi cô đăng bài viết của mình. Sau đó, sếp của cô đã buộc cô phải rời khỏi công ty luật.
Cô nói rằng trong ba năm qua, cô đã bị buộc phải chuyển từ công ty luật này sang công ty luật khác, vì mỗi công ty đều bị chính quyền gây áp lực trước khi đưa ra yêu cầu cuối cùng là bảo cô rời đi.
Bị cưỡng chế và bức hại chỉ vì một bài đăng trực tuyến
Trong một bài viết dài chưa đầy 700 từ có tiêu đề “Hôm nay, người nhà xếp thành hàng dài để nhận tro cốt [của người thân đã khuất] tại Nhà tang lễ Hán Khẩu,” cô Lưu bày tỏ sự tiếc thương đối với những người đã tử vong trong đại dịch, cũng như đối với gia đình họ. Cô cũng chỉ trích những quan chức đã che giấu và nói dối về đại dịch, đồng thời kêu gọi chính quyền trừng phạt những quan chức không làm tròn nhiệm vụ.
Cô Lưu cũng nhắc đến cô Phương Phương (Fang Fang), một nhà văn nổi tiếng ở Trung Quốc, và cuốn nhật ký mà cô Phương Phương lưu giữ về đại dịch khi cô bị mắc kẹt ở Vũ Hán. Cô Lưu cũng bình luận về vô số chiếc điện thoại di động không có người nhận nằm rải rác trên mặt đất ở Trung Quốc, một nhà báo công dân tên là Trương Triển (Zhang Zhan) đã cố gắng đưa tin về tình hình thực sự của đại dịch ở Vũ Hán nhưng bị kết án bốn năm tù, và ông Tạ Yến Ích (Xie Yanyi), một luật sư nhân quyền yêu cầu các cơ quan y tế của Trung Quốc tiết lộ thông tin về đợt bùng phát dịch bệnh.
Cô Lưu viết, “Người tử vong thì đã ra đi mãi mãi rồi, nhưng việc buộc những người phải chịu trách nhiệm về cái chết của họ không nên dừng lại ở đây. Tôi mong rằng tất cả những nhân viên công vụ có hành vi sai trái trong đại dịch này sẽ bị đưa ra công lý càng sớm càng tốt và nhận lấy hình phạt thích đáng!”
Bài viết đã sớm bị chính quyền Trung Quốc gỡ bỏ. Một bản sao bài viết của cô Lưu vẫn có thể được tìm thấy trên trang web của hãng truyền thông China Digital Times (Thời đại Số Trung Quốc), một tổ chức bất vụ lợi cố gắng lưu trữ các bài viết trực tuyến của các tác giả đủ can đảm để nói lên sự thật ở Trung Quốc trước khi những bài viết đó biến mất khỏi tầm nhìn của độc giả.
Chẳng mấy chốc chính quyền địa phương đã đến hỏi thăm cô Lưu về bài viết đó. Hiệp hội Luật sư Trịnh Châu đã điều tra cô.
Theo cô Lưu, ông Vũ Tông Chương (Wu Zongzhang), sếp cũ của cô kiêm giám đốc Công ty Luật Quốc Ngân Trịnh Châu, cũng đã từng là giám đốc ban kỷ luật của Hiệp hội Luật sư Trịnh Châu.
Cô Lưu cho biết: “Tôi còn trẻ và đã tin tưởng ông Vũ Tông Chương, người từng là cố vấn cho tôi hơn một năm trong thời gian tôi thực tập tại công ty.”
Cô nói rằng cô đã theo ông Vũ ba lần đến hiệp hội luật sư địa phương để hợp tác với họ trong cuộc điều tra.
Cô Lưu chia sẻ, “Tôi không biết tại sao họ lại điều tra tôi. Khi tôi đến đó lần thứ ba, điều tra viên đưa cho tôi một tờ giấy cảnh cáo, và tôi nhận ra mục đích của họ là để trừng phạt tôi.”
“Ý kiến về Quyết định Trừng phạt của Ngành” (sau đây gọi tắt là “Bản ý kiến”) do Hiệp hội Luật sư Trịnh Châu ban hành vào ngày 02/04/2020, nêu rõ rằng hiệp hội đã quyết định đưa cho cô Lưu “một văn bản cảnh cáo như một biện pháp kỷ luật” vì cô “bị nghi ngờ sử dụng internet và các kênh truyền thông để thổi phồng những hiện tượng chưa được chứng minh, xúi giục và truyền bá phát ngôn chống chính quyền.” Theo bản ý kiến, thì bài viết của cô Lưu đã có hơn 500,000 lượt xem, được hơn 10,000 người chia sẻ, và nhận được hơn 4,000 bình luận, “gây ra một mức tác động tiêu cực nhất định cho xã hội.”
Khi đó, ông Vũ đã ép cô Lưu nghỉ việc tại Công ty Luật Quốc Ngân Trịnh Châu và cử một nhân viên đến nhà cô, người này đã buộc cô ký vào đơn xin nghỉ việc được chuẩn bị sẵn.
“Trịnh Châu không chào đón cô, tỉnh Hà Nam cũng vậy,” người sếp cũ của cô nói với cô.
Cô đã phải rời khỏi thành phố này, chỉ để nhận ra rằng mình bị buộc phải chuyển từ công ty luật này sang công ty luật khác trong ba năm sau đó. Cô nói rằng cô hiện đang ở thành phố Thâm Quyến, phía nam Trung Quốc, và cô phải đối mặt với số phận tương tự là phải rời khỏi công ty luật mà cô đang làm việc.
Cô nói, “Họ không cho phép tôi đảm nhận bất kỳ vụ án nào; họ đang buộc tôi phải rời đi theo cách này.”
Hôm 13/09, cô Lưu nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times: “Tôi không thể cứ mãi vẩn vơ từ nơi này đến nơi khác lang thang khắp đất nước như thế này, chỉ vì một tờ cảnh báo.”
“Nhưng tại sao tôi lại phải vất vưởng như vậy? Chỉ vì tôi đã nói ra sự thật sao?” Cô Lưu cho biết, và nói thêm rằng cô đã quyết tâm đứng lên và bảo vệ bản thân bằng cách kháng cáo lên tòa.
Hôm 09/09, cô đã yêu cầu Hiệp hội Luật sư Quốc gia Trung Quốc giúp đỡ, và hôm 12/09, cô đã đệ đơn lên tòa án địa phương ở Trịnh Châu kiện Hiệp hội Luật sư Trịnh Châu.
Tiếng nói ủng hộ
Ngày 08/04/2020, Nhóm Luật sư Nhân quyền Trung Quốc, được thành lập năm 2013 bởi ông Vương Thành (Wang Cheng), ông Đường Cát Điền (Tang Jitian), và ông Giang Thiên Dũng (Jiang Tianyong), đã lên tiếng bênh vực cô Lưu, lên án việc chính quyền đàn áp cô và kêu gọi tự do ngôn luận, Đài Á Châu Tự do đưa tin hồi năm 2020.
Nhóm Luật sư Nhân quyền Trung Quốc tuyên bố, “Tự do ngôn luận là quyền căn bản của con người. Quyết định của Hiệp hội Luật sư Trịnh Châu vi phạm Điều 35 của Hiến pháp Trung Quốc, và quyết định này cũng khiến chính quyền Trung Quốc vi phạm các điều luật trong văn bản pháp luật quốc tế như Các nguyên tắc Cơ bản của Liên Hiệp Quốc về Vai trò của Luật sư mà Trung Quốc đã ký năm 1988.”
Một luật sư đang hành nghề với bút danh ‘Luật sư Vương’ bày tỏ quan điểm của mình trên mạng xã hội Trung Quốc rằng cô Lưu đang bị trừng phạt vì những lời cô viết, và chính những người và những tổ chức trừng phạt cô là bên làm sai.
Luật sư Vương cho biết: “Tôi ủng hộ việc cô ấy lên tiếng và sẽ bày tỏ sự lo ngại của mình về bất kỳ rắc rối nào có thể xảy ra và những sự trừng phạt tiếp theo mà cô ấy có thể phải chịu.”
Một cư dân Trịnh Châu sử dụng bí danh ‘ông Hầu,’ người trước đây đã nhận được các dịch vụ pháp lý từ cô Lưu, nói với The Epoch Times: “Luật sư Lưu là một luật sư có ý thức mạnh mẽ về công lý, dũng cảm lên tiếng, và cô ấy tràn đầy sức sống. Tôi hy vọng nhiều người hơn nữa có thể thể hiện sự quan tâm của họ về những gì đã xảy ra với cô Lưu và ủng hộ cô ấy.”
Hôm 13/09, ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times đã liên lạc với Công ty Luật Quốc Ngân ở Trịnh Châu. Một đại diện của công ty này cho biết giám đốc Vũ Tông Chương không có mặt ở văn phòng, và cô Lưu không còn là luật sư tại công ty này vì “cô ấy đã ký đơn xin thôi việc và rời công ty theo ý muốn của mình.”
Bản tin có sự đóng góp của Lý Hy
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times