Các chuyên gia: Chính sách hội nhập xuyên eo biển gần đây của Bắc Kinh là ‘chiến tranh tâm lý’ đối với Đài Loan
Các chuyên gia cho biết, chính quyền cộng sản Trung Quốc đang lăm le xâm nhập, chinh phục, và chiếm lấy Đài Loan mà không cần tốn một viên đạn nào.
Trong một tài liệu được công bố gần đây, chính quyền cộng sản Trung Quốc đã chào mời những lợi ích kinh tế được cho là dành cho người Đài Loan khi họ chuyển qua eo biển Đài Loan đến Trung Quốc – trong nỗ lực thu hút cư dân Đài Loan đến sống và kinh doanh tại tỉnh Phúc Kiến ven biển phía đông nam Trung Quốc.
Đây là một chiêu thức mà chế độ cộng sản này thực hiện nhằm chiếm lấy Đài Loan bằng cách đồng thời nhấn mạnh cả sự hiện diện quân sự của họ trong khu vực này cũng như những lợi ích kinh tế mà một mối quan hệ mật thiết hơn sẽ mang lại cho hòn đảo.
Theo Tân Hoa Xã, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), gần đây chính quyền này đã công bố một tài liệu liệt kê 21 biện pháp nhằm khuyến khích người dân Đài Loan chuyển đến các thành phố Hạ Môn và Phúc Châu ở tỉnh Phúc Kiến.
Tân Hoa Xã đưa tin, chính quyền cộng sản cho biết họ có kế hoạch biến tỉnh Phúc Kiến thành “khu vực thể hiện sự phát triển hội nhập xuyên eo biển Đài Loan” và để “bảo đảm họ [các cư dân và doanh nhân Đài Loan] được đối xử bình đẳng như những người ở đại lục.” Tài liệu này được những cơ quan ra quyết định hàng đầu của ĐCSTQ gồm Ủy ban Trung ương và Quốc vụ viện giống như nội các của đảng, cùng công bố.
Ngoài luật an ninh quốc gia hiện hành, Trung Quốc còn đưa ra luật phản gián mới trong năm nay. Có hiệu lực từ hôm 01/07/2023, luật này đã mở rộng đáng kể định nghĩa của chính quyền về hoạt động gián điệp, điều này gây ra mối lo ngại về sự an toàn của người ngoại quốc ở Trung Quốc. Trong số các vụ việc liên quan, dưới đây là những trường hợp cư dân Đài Loan bị chính quyền cộng sản giam giữ với nhiều cáo buộc mà The Epoch Times đã đưa tin trong những năm gần đây:
Ông Chung Định Bằng (Chung Ting-pang), bị chính quyền giam giữ năm 2012 vì “kích động người dân Đại lục phá hủy các cơ sở phát sóng”;
Ông Lý Minh Triết (Lee Ming-che), bị chính quyền giam giữ năm 2017 vì truyền bá thông điệp “phản loạn”;
Ông Dương Chí Viễn (Yang Zhi-yuan), bị chính quyền giam giữ năm 2022 vì “gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia”;
Ông Lý Diên Hà (Li Yanhe), bị chính quyền giam giữ tháng 04/2023 “vì nghi ngờ tham gia vào các hoạt động gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.”
Tài liệu hội nhập gần đây nêu rõ rằng chính quyền cộng sản Trung Quốc có kế hoạch cung cấp khí đốt và điện cho quần đảo Kim Môn (Kinmen) và quần đảo Mã Tổ (Matsu) của Đài Loan, đồng thời xây dựng các cây cầu nối hai quần đảo ngoài khơi này với thành phố Hạ Môn và thành phố Phúc Châu trên Hoa lục.
Quần đảo Kim Môn nằm cách thành phố Hạ Môn phía nam Phúc Kiến khoảng 17 dặm, trong khi quần đảo Mã Tổ nằm cách thủ phủ Phúc Châu khoảng 64 dặm về phía bắc của tỉnh. Hai quần đảo Đài Loan này đang ở tuyến đầu trong cuộc đối đầu quân sự với chính quyền Trung Quốc.
Các chuyên gia Trung Quốc tin rằng tài liệu mới là một phần trong công tác mặt trận thống nhất (UFW) của ĐCSTQ, và mục tiêu của Đảng này là gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử tổng thống sắp tới của Đài Loan bằng cách sử dụng chiến tranh tâm lý đối với người dân Đài Loan.
Hôm thứ Tư (13/09), cựu Phó Tư lệnh Không lực Đài Loan Trương Ngạn Đình (Chang Yan-ting) cho biết trong một cuộc phỏng vấn với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng: “Đây là một cuộc chiến tâm lý, truyền bá cho người Đài Loan rằng [Trung Quốc và Đài Loan] là một gia đình.”
Ông nói thêm rằng ĐCSTQ đang thúc đẩy hội nhập xuyên eo biển ở Phúc Kiến nhằm xoa dịu tâm lý phòng thủ của Đài Loan đối với ĐCSTQ, với mục tiêu cuối cùng là chiếm lấy Đài Loan mà không cần tốn một viên đạn nào.
Chuyên gia: Tuyên bố của ĐCSTQ về Đài Loan thiếu tính chính đáng
“ĐCSTQ là thủ phạm đã chia Trung Quốc thành ‘hai nước Trung Quốc,’” ông Tô Tử Vân (Su Tzu-yun), Giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Quốc gia tại Đài Loan, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hôm 12/09.
Bắc Kinh tuyên bố rằng hòn đảo tự trị Đài Loan là một phần lãnh thổ quốc gia của họ, trong khi chính phủ Đài Loan tuyên bố rằng chính quyền cộng sản Trung Quốc “chưa bao giờ thực thi chủ quyền đối với Đài Loan.”
Ông Tô nói thêm rằng ngày càng có nhiều người dân Đài Loan, đặc biệt là giới trẻ, đã nhận ra bản chất độc tài của ĐCSTQ, điều này là không thể chấp nhận được đối với hầu hết người dân trên hòn đảo dân chủ. Ngoài ra, Trung Quốc còn mất đi sức hấp dẫn lớn hơn đối với giới trẻ Đài Loan do tỷ lệ thất nghiệp cao.
Trong một cuộc thăm dò do Tổ chức Ý kiến Công chúng Đài Loan công bố hôm 01/09, có 48.9% số người được hỏi ủng hộ nền độc lập của hòn đảo, 11.8% ủng hộ việc thống nhất hai bờ eo biển, 26.9% muốn duy trì hiện trạng và 12.3% còn lại không có ý kiến, không biết hoặc từ chối trả lời.
Theo ông Tô, cuộc thăm dò mới cho thấy mặc dù ĐCSTQ đã không ngừng xâm nhập Đài Loan trong những thập niên gần đây, nhưng những nỗ lực UFW của ĐCSTQ đang thất bại và số người sẵn sàng chấp nhận luận điệu của ĐCSTQ đang giảm đi nhanh chóng.
Các chuyên gia: Sức ép quân sự của ĐCSTQ và UFW đều nhắm mục tiêu vào cuộc tổng tuyển cử năm 2024 của Đài Loan
Cuộc bầu cử tổng thống sắp tới của Đài Loan sẽ diễn ra vào ngày 13/01/2024. Các chuyên gia Trung Quốc tin rằng các nỗ lực quân sự và UFW tăng cường của ĐCSTQ đều nhằm mục đích gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử.
Ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), giáo sư phụ tá nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney, Úc, tin rằng ĐCSTQ có ý định giúp ứng cử viên của Quốc Dân Đảng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử.
Hôm 13/09, ông Phùng nói trong một cuộc phỏng vấn với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng: “Làm thế nào để tăng số phiếu bầu của [ứng cử viên của] Quốc Dân Đảng và giảm số phiếu bầu của Đảng Dân Chủ Tiến Bộ—tất cả các chính sách hiện tại của [ĐCSTQ] đối với Đài Loan đều ủng hộ chủ đề này.”
Ông Phùng cho biết ĐCSTQ sẽ làm bất cứ điều gì mà họ cho là phù hợp để phục vụ cho mục tiêu của mình. Ông nói người dân Đài Loan nên cảnh giác và không được để chính quyền cộng sản lừa dối.
Ông Tô cũng lưu ý rằng cách tốt nhất để người dân Đài Loan chống lại ảnh hưởng từ các nỗ lực UFW của ĐCSTQ là luôn cảnh giác với các chiến thuật của họ nhắm vào Đài Loan.
Ông Tô nói: “Chúng ta phải để ý và luôn cảnh giác, và chúng ta không nên làm theo những lời hoa mỹ của ĐCSTQ.”
Các ứng cử viên tranh cử tổng thống Đài Loan năm 2024 gồm có: Phó Tổng thống đương nhiệm Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) của Đảng Dân Chủ Tiến Bộ; Thị trưởng mới của Đài Bắc Hầu Hữu Nghi (Hou Yu-ih) thuộc Quốc Dân Đảng (Trung Quốc Quốc dân Đảng); Thị trưởng Đài Bắc Kha Văn Triết (Ko Wen-je) của Đảng Dân Chúng Đài Loan; và người sáng lập kiêm CEO của đại công ty sản xuất điện tử tiêu dùng Foxconn, ông Quách Đài Minh (Terry Gou).
Foxconn là một trong những nhà sản xuất công nghệ hàng đầu thế giới và vận hành nhiều nhà máy trên khắp Trung Quốc. Theo Reuters, hôm 28/08, ông Quách tuyên bố tranh cử tổng thống và cho rằng “thái độ thù địch của Đảng Dân Chủ Tiến Bộ (DPP) đối với Bắc Kinh” đã khiến cho “căng thẳng với Trung Quốc ngày càng gia tăng.”
Cựu chỉ huy Không lực Đài Loan: Đài Loan cần phải tăng cường củng cố quân sự
Ông Trương Ngạn Đình (Chang Yan-ting), một Phó Tư lệnh Không lực Đài Loan đã về hưu, nói rằng ĐCSTQ đang theo đuổi cách tiếp cận hai hướng.
Theo ông Trương, chính quyền Trung Quốc một mặt đã sử dụng quân đội của mình để đe dọa Đài Loan bằng “cách thống nhất quân sự.”
Bộ Quốc phòng Đài Loan thường xuyên báo cáo về việc phi cơ và tàu quân sự của ĐCSTQ xâm nhập Vùng nhận Dạng phòng không (ADIZ) và lãnh hải của Đài Loan. Bộ báo cáo từ ngày 01/09/2023 đến ngày 17/09/2023, có tổng cộng 212 phi cơ của PLA (Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc) và 117 tàu của PLAN (Hải quân PLA) hoạt động trong vùng biển và không phận xung quanh Đài Loan.
Tuy nhiên, về phương diện khác, ông Vương Hỗ Ninh (Wang Huning), quan chức phụ trách các vấn đề Đài Loan của ĐCSTQ, đang đồng thời thúc đẩy cái gọi là con đường thống nhất hòa bình.
Hồi tháng Một, Đài Á Châu Tự do đưa tin rằng “nhiệm vụ của ông Vương Hỗ Ninh là đặt nền móng cho việc thống nhất hai bờ eo biển” và “xây dựng các giải pháp thay thế cho ‘một quốc gia, hai chế độ.’”
Trong một bài báo hồi tháng 12/2021 trên tờ The Washington Post, ông Hugh Hewitt, ký giả kiêm người dẫn chương trình phát thanh người Mỹ, cho biết ông coi ông Vương Hỗ Ninh là “người đàn ông nguy hiểm nhất thế giới.”
“Chúng ta phải hiểu rõ bản chất của Đảng Cộng Sản,” ông Trương nói trong cuộc phỏng vấn với The Epoch Times. “Biện pháp và cách thức của ĐCSTQ sẽ được điều chỉnh, nhưng mục tiêu [chiếm lấy Đài Loan] sẽ không thay đổi.”
Ông Trương kêu gọi những nỗ lực lớn hơn để tăng cường sức mạnh quân sự của Đài Loan, bao gồm cả việc thành lập lực lượng dự bị không quân, nhằm chống lại cuộc xâm lược quân sự có thể xảy ra của PLA.
Ông Tô Tử Vân (Su Tzu-yun), Giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng tại Đài Loan, cũng nhấn mạnh rằng người dân Đài Loan nên cảnh giác về mặt quân sự và tâm lý trước sức ép quân sự và các nỗ lực UFW của ĐCSTQ — bất kể ĐCSTQ sử dụng chiến thuật nào.
Tổng thống đương nhiệm của Đài Loan Thái Anh Văn đã bác bỏ các tuyên bố của ĐCSTQ về chủ quyền đối với Đài Loan.
“Tôi xin nhắc lại tại đây, Đài Loan tuyệt đối không chấp nhận ‘một quốc gia, hai chế độ.’ Đại đa số người dân Đài Loan cũng tuyệt đối phản đối ‘một quốc gia, hai chế độ.’ Đó là ‘sự đồng thuận của Đài Loan,’” Tổng thống Thái Anh Văn tuyên bố để đáp trả những tuyên bố ngược lại của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2019.
Bà Thái lưu ý rằng bà sẵn sàng đàm phán với Trung Quốc, nhưng cho biết bà sẽ không chấp nhận việc chính quyền Trung Quốc quyết định số phận của người dân Đài Loan.
Đài Loan có hiến pháp, chính phủ được bầu cử dân chủ, tiền tệ và quân đội riêng– khiến hòn đảo này trên thực tế là một quốc gia độc lập.
Bản tin có sự đóng góp của Annie Wu, Ninh Hải Chung, và Lạc Á
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times