Đảng Dân Chủ tại Hạ viện Hoa Kỳ đề nghị loại bỏ mức trần nợ; bà Yellen bác bỏ đồng xu 1 ngàn tỷ USD
Hàng chục thành viên Đảng Dân Chủ tại Hạ viện tin rằng đã đến lúc loại bỏ mứctrần nợ và thay vào đó cho phép vay không giới hạn để chính phủ có thể chi tiêu bất cứ thứ gì họ cần.
Chính phủ liên bang đang bị cuốn vào một cuộc chiến khác về mức trần nợ sau khi Hoa Thịnh Đốn đạt giới hạn vay khoảng 31.4 ngàn tỷ USD hồi tuần trước.
Do đó, Bộ Ngân khố đã sử dụng “các biện pháp đặc biệt” để giúp trang trải các nghĩa vụ của chính phủ cho đến tháng Sáu, khi những công cụ này cạn kiệt ngân sách.
Theo một bản dự thảo đề nghị của Đảng Cộng Hòa, Đảng Cộng Hòa đã kêu gọi một kế hoạch ưu tiên nợ bao gồm việc giảm mức tăng chi tiêu liên bang kỷ lục trước khi cho phép tăng mức trần nợ. Nhưng một nhóm các thành viên Đảng Dân Chủ lập luận rằng sẽ tốt hơn nếu các quan chức bỏ phiếu hủy bỏ giới hạn nợ và để chính phủ vay mà không có bất kỳ giới hạn hoặc hạn chế nào do Quốc hội thiết lập.
Dân biểu Bill Foster (Dân Chủ-Illinois) đề nghị luật có tiêu đề “Chấm dứt Mối đe dọa của Đạo luật Vỡ nợ”, được 42 Dân biểu Đảng Dân Chủ ký ủng hộ, trong đó có Dân biểu Rashida Tlaib (Dân Chủ-Michigan), Pramila Jayapal (Washington), và Sheila Jackson Lee (Dân Chủ-Texas).
Ông Foster ví tình huống này giống như “đặt một bữa ăn đắt tiền tại một nhà hàng, ăn xong rồi bỏ đi mà không trả tiền.”
Ông nói trong một tuyên bố, “Vũ khí hóa mức trần nợ và sử dụng nó như một con tốt trong các cuộc đàm phán ngân sách đảng phái là nguy hiểm và đưa quốc gia của chúng ta đến bờ vực vỡ nợ hết lần này đến lần khác, điều này sẽ là thảm họa đối với nền kinh tế Hoa Kỳ – điều mà chúng ta đã chứng kiến gần đây nhất là vào năm 2011 khi Đảng Cộng Hòa tạo ra một cuộc khủng hoảng mức trần nợ dẫn đến việc Hoa Kỳ bị hạ xếp hạng tín dụng lần đầu tiên.”
“Chúng ta có thể và nên có một cuộc thảo luận thực sự về chi tiêu tổng thể, nhưng không bao giờ được gây tổn hại niềm tin và uy tín trọn vẹn của Hoa Kỳ.”
Chính phủ liên bang sẵn sàng chi hơn 6 ngàn tỷ USD cho năm tài chính thứ tư liên tiếp vào năm 2023.
Kể từ năm 1960, Quốc hội đã hành động hơn 75 lần về mức trần nợ bằng cách tăng giới hạn, tạm thời gia hạn hoặc thay đổi định nghĩa.
Đây không phải là lần đầu tiên các thành viên Đảng Dân Chủ tại quốc hội thảo luận về việc bãi bỏ mức trần nợ.
Hồi tháng 10/2022, hơn hai chục Dân biểu Đảng Dân Chủ đã viết một lá thư cho Chủ tịch Hạ viện đương thời Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) và Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer để ủng hộ một dự luật cho phép Bộ trưởng Ngân khố đơn phương tăng hạn mức nợ hoặc xóa giới hạn liên bang hoàn toàn.
Bức thư viết, “Nếu bản chất bất thường của quy trình mức trần nợ hiện tại không đủ là lý do để thúc đẩy sự thay đổi, thì viễn cảnh Đảng Cộng Hòa khiến nền kinh tế của chúng ta vỡ nợ vì lợi ích chính trị là điều sẽ xảy ra.”
“Đảng Cộng Hòa đã nhiều lần báo hiệu rằng họ sẵn sàng và mong muốn sử dụng giới hạn nợ như một công cụ thương lượng nếu có cơ hội, và chúng ta nên tin lời họ.”
Tổng thống Joe Biden đã bác bỏ ý tưởng này, gọi hành động đó là “vô trách nhiệm”.
Đồng xu trị giá 1 ngàn tỷ USD quay trở lại
Trong những năm gần đây, các nhà kinh tế thiên tả và các nhà lập pháp Đảng Dân Chủ đã đưa ra ý tưởng đúc một đồng xu bạch kim trị giá 1 ngàn tỷ USD, sau đó sẽ được gửi vào tài khoản ngân hàng của họ tại Cục Dự trữ Liên bang, cho phép các chính trị gia rút tiền từ tài khoản này và tài trợ cho chi tiêu của chính phủ.
Trong cuộc khủng hoảng mức trần nợ năm 2013, nhà kinh tế học Paul Krugman đã thúc giục Bộ Ngân khố khám phá khái niệm này ngay cả khi nó “có vẻ ngớ ngẩn trong vài phút”.
Gần một thập niên sau đó, ông lại ủng hộ đề nghị này, viết vào tháng 10/2021 rằng Tòa Bạch Ốc của ông Biden “nên đúc một đồng xu bạch kim trị giá 1 ngàn tỷ USD hoặc tuyên bố rằng Hiến pháp trao cho họ quyền phát hành bất kỳ khoản nợ nào cần thiết để tài trợ cho chính phủ.”
Gần đây đã có nhiều tin tức nói rằng các quan chức chính phủ và các thành viên Đảng Dân Chủ khác đã cân nhắc khả năng Bộ Ngân khố dựa vào một đạo luật mơ hồ chấp thuận việc tạo ra một đồng xu trị giá 1 ngàn tỷ USD.
Những người ủng hộ cho rằng Tiêu đề 31 Bộ luật Hoa Kỳ Mục 5112 mở rộng thẩm quyền pháp lý của Bộ Ngân khố để phát hành đồng tiền bạch kim: “Bộ trưởng có thể đúc và phát hành tiền xu thỏi bạch kim và tiền xu bạch kim in thử theo các thông số kỹ thuật, kiểu dáng, chủng loại, số lượng, mệnh giá và chữ khắc như vậy với tư cách là Bộ trưởng, theo quyết định của Bộ trưởng, có thể quy định vào từng thời điểm.”
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với The Wall Street Journal, Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen lưu ý rằng thậm chí không có gì chắc chắn rằng ngân hàng trung ương sẽ chấp nhận đồng tiền này.
Bà nói với tờ báo này hôm Chủ Nhật (22/01): “Thực sự không có dấu hiệu nào cho thấy Fed sẽ làm điều đó, và tôi nghĩ đặc biệt là với một thứ gì đó là một mánh lới quảng cáo. Fed không bắt buộc phải chấp nhận nó, không có yêu cầu nào từ phía Fed. Làm gì là quyền của họ.”
Các nhà phê bình đã đưa ra một số phản đối đối với kế hoạch này. Lời chỉ trích mạnh mẽ nhất là điều này sẽ buộc Fed phải ghi có vào Bộ Ngân khố bằng tiền không tồn tại, có nghĩa là tổ chức này sẽ cần mở rộng cung tiền và tạo ra lạm phát.
Lời chỉ trích thứ hai là đồng xu này sẽ chỉ sở hữu mệnh giá 1 ngàn tỷ USD thay vì duy trì bất kỳ giá trị nội tại nào.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times