Ông McCarthy có hy vọng đạt được thỏa hiệp sau khi gặp TT Biden để bàn về mức trần nợ
Hôm 01/02, Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy đã gặp Tổng thống (TT) Joe Biden tại Tòa Bạch Ốc để thảo luận về mức trần nợ và cắt giảm chi tiêu, một cuộc gặp đã khiến ông McCarthy có hy vọng sẽ tìm được tiếng nói chung.
“Tôi cảm thấy đó là một cuộc thảo luận tuyệt vời. Chúng tôi rời cuộc gặp khi nói rằng chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc thảo luận đó. Và tôi nghĩ rằng đang có một cơ hội để đi đến một thỏa thuận, và tôi nghĩ đó là điều tốt nhất,” ông McCarthy nói với các phóng viên ngay sau cuộc trò chuyện kéo dài một giờ.
Chủ tịch Hạ viện đã một lần nữa từ chối cho biết Đảng Cộng Hòa dự tính cắt giảm chi tiêu ở những lĩnh vực cụ thể nào, hoặc khi nào ông sẽ thông báo về kế hoạch của họ.
Ông McCarthy cho biết việc đàm phán công khai với tổng thống sẽ không giúp đạt được một thỏa thuận. Ông chỉ nói rằng Medicare và An sinh Xã hội không phải là mục tiêu cắt giảm chi tiêu và Đảng Cộng Hòa sẽ tập trung vào việc cắt giảm lãng phí.
Vấn đề hệ trọng ngay trước mắt
Hoa Kỳ sắp vượt mức trần nợ theo luật định và các thành viên Đảng Cộng Hòa đang tận dụng cơ hội này để nêu bật khoản nợ liên bang đang gia tăng nhanh chóng và kêu gọi cắt giảm chi tiêu.
Mức trần nợ là số nợ mà Quốc hội đã cho phép chính phủ liên bang có tại một thời điểm.
Vì Hoa Kỳ đã bị thâm hụt ngân sách trong tất cả trừ bốn năm kể từ năm 1970, nên việc liên tục vay nợ là điều cần thiết để đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của đất nước.
Mức trần nợ hiện tại là khoảng 31.4 ngàn tỷ USD, được thiết lập 13 tháng trước.
Ông McCarthy nói: “Nếu chúng ta tiếp tục đi trên quỹ đạo mà chúng ta đang đi trong 10 năm tới, thì chúng ta sẽ phải chi 8 ngàn tỷ USD chỉ để trả lãi [nợ quốc gia].”
“Mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ là khoản nợ của chúng ta. Nợ của chúng ta hiện là 120% GDP, nghĩa là nợ của chúng ta lớn hơn cả nền kinh tế của chúng ta.”
Đặt kỳ vọng
Trước cuộc họp trên, cả hai nhà lãnh đạo đã cố gắng xác định các điều khoản của cuộc thảo luận này.
TT Biden đã mô tả việc tăng mức trần nợ như là một yêu cầu không thể thương lượng để duy trì sự toàn vẹn và ổn định nền kinh tế của Hoa Kỳ.
Trong các bình luận về nền kinh tế được đưa ra hôm 26/01 tại Springfield, Virginia, TT Biden tuyên bố: “Tôi sẽ không để bất kỳ ai sử dụng toàn bộ niềm tin và sự tín nhiệm vào Hoa Kỳ như một quân bài thương lượng.”
Một bản ghi nhớ của Tòa Bạch Ốc được công bố hôm 30/01 đã nhắc lại quan điểm của tổng thống.
Bản ghi nhớ nêu rõ, “Như tổng thống đã nói nhiều lần, Hoa Kỳ không bao giờ được vi phạm các nghĩa vụ tài chính của mình. Việc nâng mức trần nợ không phải là một vấn đề để thảo luận; nhiệm vụ của quốc gia này và các nhà lãnh đạo là ngăn chặn thảm họa kinh tế.”
Với tư cách là phó tổng thống, ông Biden đã tham gia vào các cuộc đàm phán vào năm 2011 khi các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện yêu cầu Tổng thống Barack Obama cắt giảm thâm hụt để đổi lấy việc nâng mức trần nợ.
Cuộc đọ sức này đã gây ra biến động trên thị trường tài chính và khiến xếp hạng tín dụng của Hoa Kỳ bị hạ lần đầu tiên trong lịch sử.
Hai bên cuối cùng đã đồng ý về việc nâng mức trần nợ đi kèm với giảm thâm hụt. Nhưng cuộc đối đầu này đã củng cố quyết tâm của ông Biden trong việc không bao giờ đàm phán về mức trần nợ nữa, một nhân viên Tòa Bạch Ốc nói với NBC News.
Ông McCarthy đã nhiều lần nói rằng ông sẽ không từ chối việc nâng mức trần nợ mà thay vào đó sẽ thúc ép tổng thống đồng ý cắt giảm chi tiêu ngoài tầm kiểm soát.
“Hãy nhìn xem, sẽ không có chuyện vỡ nợ,” ông McCarthy nói trên Face the Nation hôm Chủ Nhật (29/01). “Nhưng quan điểm hiện tại của Đảng Dân Chủ, trong đó họ ủng hộ việc chỉ tăng mức giới hạn, là điều thực sự liều lĩnh.”
Sau cuộc họp hôm nay, ông McCarthy đã nhấn mạnh hơn về việc giảm nợ quốc gia.
“Có một điều tôi chắc chắn là khoản nợ của chúng ta quá lớn. Chính phủ của chúng ta đang lãng phí tiền bạc. Và tất cả chúng ta phải cùng nhau thảo luận những vấn đề này theo cách có trách nhiệm để đưa chúng ta vào một con đường cân bằng giúp củng cố triển vọng của nước Mỹ trong thế kỷ tới.”
Một khởi đầu thành công
Mục tiêu của ông McCarthy cho cuộc họp này là bắt đầu đàm phán, điều mà ông tin rằng đã đạt được.
“Tôi vừa rời đi sau cuộc trò chuyện kéo dài một giờ với tổng thống, mà theo quan điểm của tôi, tôi bảo đảm với quý vị rằng đó là một cuộc trò chuyện tuyệt vời. Không có thỏa thuận, không có lời hứa nào ngoại trừ việc chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc trò chuyện này,” ông McCarthy nói.
Ông đã thừa nhận rằng cả hai vẫn chưa tiến gần đến một thỏa thuận.
“Chúng tôi có quan điểm khác nhau. Nhưng cả hai chúng tôi đều đưa ra một số tầm nhìn về mục tiêu chúng tôi muốn đạt được, và tôi tin rằng sau một thời gian, chúng tôi có thể tìm thấy tiếng nói chung.”
Hôm 19/01, nếu không có “các biện pháp đặc biệt” do Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen thực hiện để giữ cho chính phủ có khả năng chi trả, thì Hoa Kỳ có lẽ đã vượt qua mức trần nợ hiện tại.
Bà Yellen đã ước tính rằng biện pháp đó sẽ giữ cho quốc gia ở dưới mức trần nợ cho đến khoảng tháng Sáu.
Ông McCarthy hy vọng rằng ông và TT Biden có thể đạt được một thỏa thuận sớm hơn thế. “Tôi đã nói với tổng thống rằng tôi muốn xem liệu chúng tôi có thể đi đến một thỏa thuận trước thời hạn hay không để chúng tôi có thể bắt đầu làm những việc khác.”
Để đạt được mục tiêu đó, ông McCarthy cho biết ông sẽ tìm cách thỏa hiệp thông qua thảo luận và đàm phán.
“Tôi nghĩ đây chính xác là cách mà chính phủ Mỹ được thành lập bởi vì quý vị phải tìm ra một sự thỏa hiệp. Người dân Mỹ đã quyết định chọn Đảng Cộng Hòa nắm quyền kiểm soát Hạ viện.”
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times