Bộ Ngân khố Hoa Kỳ có thể thanh toán hóa đơn mà không cần vay mượn bằng 4 cách sau
Hoa Kỳ đã gần đạt đến mức trần nợ 31.4 ngàn tỷ USD, vì vậy Bộ Ngân khố hiện phải quản lý các hóa đơn của quốc gia mà không viện đến việc vay mượn.
Đó là một thách thức bởi chính phủ đang hoạt động với ngân sách thâm hụt, chi nhiều hơn thu. Thông thường, Bộ Ngân khố vay để bù đắp sự thiếu hụt. Nhưng Quốc hội đặt giới hạn về số nợ mà quốc gia có thể nắm giữ.
Kể từ khi đạt trần nợ hôm 19/01, Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen đã sử dụng “các biện pháp đặc biệt” được Quốc hội cho phép để giữ cho các khoản thanh toán được đúng hạn.
Mặc dù được gọi là bất thường, nhưng những hành động này đã được thực hiện trước đây khi đất nước gần chạm giới hạn nợ.
Về căn bản, có bốn điều chính phủ có thể làm để tránh vay nợ: ngừng gửi tiền vào một số quỹ và tài khoản tiết kiệm nhất định, chuyển tiền từ cơ quan chính phủ này sang cơ quan chính phủ khác để thanh toán các hóa đơn khẩn cấp nhất, và mua lại một số khoản nợ trong khi phát hành các loại nợ khác không được tính vào giới hạn.
Mặc dù không được xem là bất thường, nhưng Bộ Ngân khố có thể thực hiện hành động thứ tư bằng cách chi tiêu bớt một số khoản dự trữ tiền mặt trị giá 568 tỷ USD của mình.
Các bước này tương tự như những điều mà người bình thường đôi khi làm khi họ đã sử dụng hết số tiền trong thẻ tín dụng nhưng vẫn còn các hóa đơn cần thanh toán: trì hoãn thanh toán lương hưu, sử dụng tiền thuê nhà để thanh toán hóa đơn điện nếu hóa đơn đó đến hạn trước, hoặc thanh toán cho một thẻ bằng cách dùng một thẻ khác.
Tuy nhiên, những khoản tiền này giống như các chiến thuật trì hoãn. Số tiền có được nhờ những bước bất thường này cuối cùng sẽ cạn kiệt, và tất cả số tiền bị giữ lại từ các quỹ khác nhau sẽ phải được hoàn trả kèm theo lãi suất.
Các bước đã thực hiện
Vào tháng Một, bà Yellen đã thực hiện hai biện pháp đặc biệt được tính toán để thanh toán các hóa đơn cho đến đầu tháng Sáu.
Hôm 19/01, bà đã ngừng phát hành chứng khoán mới để tài trợ cho hai chương trình dành cho những người về hưu của chính phủ, Quỹ Hưu trí và Khuyết tật Dịch vụ Dân sự (CSRDF) và Quỹ Phúc lợi Y tế dành cho Người về hưu của Dịch vụ Bưu chính (PSRHBF). Các biện pháp này giúp có thêm khoảng 4 tỷ USD một tháng, theo CBO.
Đồng thời, vị bộ trưởng này đã ngừng thanh toán tiền lãi nửa năm một lần cho cả hai quỹ, số tiền vốn sẽ lên tới 12 tỷ USD tính đến ngày 30/06.
Hôm 24/01, bà Yellen đã ngừng bỏ tiền vào Quỹ G của Kế hoạch Tiết kiệm, một phần của Hệ thống Hưu trí Nhân viên Liên bang. Biện pháp này đã bảo toàn được 169 tỷ USD để thanh toán các hóa đơn khác.
Theo CBO, Bộ Ngân khố cũng đã ngừng phát hành chứng khoán Series của Chính phủ và Chính phủ địa phương (SLGS). Biện pháp này cho phép chính phủ đổi một loại nợ này lấy một loại nợ khác.
Vẫn có sẵn
Các biện pháp đặc biệt khác vẫn có sẵn, sẽ giúp chính phủ duy trì khả năng thanh toán vào mùa hè.
Bộ Ngân khố có thể ngừng đầu tư vào Quỹ Bình ổn Hối đoái, một quỹ khẩn cấp được sử dụng để điều chỉnh tỷ giá hối đoái. Tổng số tiền được thêm vào là 17 tỷ USD tính đến ngày 31/01.
Bộ Ngân khố có thể mua lại trước các chứng khoán mà hai quỹ CSRDF và PSRHBF nắm giữ để cân bằng các khoản thanh toán đến hạn trong tương lai gần. Biện pháp này sẽ giúp có thêm khoảng 8 tỷ USD dư ra mỗi tháng.
Ngoài ra, Bộ Ngân khố có thể đổi chứng khoán của Ngân hàng Tài chính Liên bang (FFB) để lấy chứng khoán Bộ Ngân khố do CSRDF nắm giữ. Hôm 31/01, khoảng 10 tỷ USD chứng khoán đã có sẵn cho mục đích đó. FFB là một cơ quan chính phủ hoạt động dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Ngân khố.
Ngày kết thúc không chắc chắn
CBO báo cáo rằng các biện pháp này sẽ giữ cho Hoa Kỳ hoạt động dưới mức trần nợ trong thời gian bao lâu tùy thuộc vào số tiền thuế tăng vào mùa xuân này. Doanh thu thuế thay đổi theo tình trạng của nền kinh tế.
Câu hỏi lớn hơn là khi nào Quốc hội sẽ đồng ý tăng giới hạn nợ.
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) đang sử dụng trần nợ để nhấn mạnh những gì ông xem là chi tiêu “thất thoát” của chính phủ. Chủ tịch Hạ viện cho biết ông muốn tăng giới hạn vay “có trách nhiệm”, điều sẽ bao gồm một thỏa thuận hạn chế chi tiêu trong tương lai.
Tổng thống Joe Biden đã nói rằng ông sẽ không chấp nhận các điều kiện tiên quyết để tăng mức trần nợ vì vấn đề nợ thể hiện Hoa Kỳ có có được lòng tin và sự tín nhiệm hoàn toàn hay không.
Cả hai đều tuyên bố rằng họ sẽ không cho phép Hoa Kỳ vi phạm các nghĩa vụ thanh toán của mình.
Sau khi Hoa Kỳ đối mặt với tình trạng bế tắc tương tự về giới hạn nợ vào năm 2011, Văn phòng Kế toán Chính phủ ước tính rằng việc trì hoãn tăng mức trần nợ đã dẫn đến lãi suất bổ sung và các chi phí khác tổng cộng là 1.3 tỷ USD.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times