Báo cáo: Xác suất Hoa Kỳ vỡ nợ đã tăng 300% kể từ đầu năm
Xác suất vỡ nợ thảm khốc của Hoa Kỳ đã tăng 300% kể từ đầu năm.
Một báo cáo gần đây của MSCI, một nhà cung cấp dịch vụ tài chính của Mỹ, đã cảnh báo về khả năng chính phủ Hoa Kỳ vỡ nợ tăng gấp ba lần và nói rằng Quốc hội phải thông qua dự luật chi tiêu để tránh thảm họa trong vài tháng tới.
MSCI báo cáo: “Xác suất vỡ nợ hàm ẩn đã tăng lên mức chưa từng thấy kể từ cuộc tranh luận về mức trần nợ vào năm 2013.”
Nhà cung cấp dịch vụ tài chính này cho biết xác suất vỡ nợ của Hoa Kỳ đã tăng từ 3.3% vào đầu tháng Một lên 11.3% vào tuần trước (27/02-05/03).
Chính phủ liên bang đã chạm mức trần nợ 31.9 tỷ USD hôm 19/01, buộc Bộ Ngân khố Hoa Kỳ phải thực hiện các biện pháp đặc biệt để tránh khả năng vỡ nợ và duy trì tài trợ cho hoạt động của chính phủ cho đến tháng Sáu.
Một Quốc hội bị chia rẽ cho đến nay vẫn chưa đồng ý thông qua dự luật chi tiêu để tránh vỡ nợ liên bang, khiến một số nhà đầu tư đứng ngồi không yên, dựa trên sự gia tăng hoạt động giao dịch trong các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) đối với khoản nợ.
“Tuy nhiên, kể từ giữa tháng Một, đã có một sự gia tăng rất đáng chú ý trong hoạt động CDS của Hoa Kỳ.”
Hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng là một hình thức bảo hiểm chống lại các tổ chức phát hành không thực hiện các khoản thanh toán theo đúng lịch trình đối với khoản nợ của họ.
Một số nhà đầu tư đã đặt cược thành công vào thị trường nhà đất hồi năm 2008 bằng cách sử dụng các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng.
Các khoản thanh toán bảo hộ dựa trên CDS sẽ được kích hoạt khi một khoản thanh toán nợ bị bỏ lỡ.
Một Quốc hội bị chia rẽ mâu thuẫn với Tòa Bạch Ốc về mức trần nợ
MSCI báo cáo, “Trong lịch sử, CDS của chính phủ Hoa Kỳ thu hút rất ít sự quan tâm trên thị trường và được giao dịch rất ít. CDS của chính phủ các quốc gia ở thị trường mới nổi đã tạo ra phần lớn giao dịch của tổ chức phát hành đơn lẻ.”
Đảng Cộng Hòa trong Quốc hội đang sử dụng mức trần nợ làm đòn bẩy thương lượng để buộc Đảng Dân Chủ đồng ý cắt giảm chi tiêu và giảm thâm hụt liên bang.
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) cho biết hồi tháng Hai rằng “việc chúng ta không thanh toán nợ không phải là một lựa chọn. Nhưng một tương lai thuế cao hơn, lãi suất cao hơn, và một nền kinh tế không hiệu quả cho người lao động Mỹ cũng không phải là một lựa chọn.”
Cách Hạ viện do Đảng Cộng Hòa kiểm soát đối đãi với mức trần nợ có thể khiến chính phủ vỡ nợ vào mùa hè và Tổng thống Joe Biden đã cảnh báo phe đối lập chính trị của ông không sử dụng trần nợ như một quân bài thương lượng.
MSCI viết: “Cuộc tranh luận về mức trần nợ đã nóng lên tại Quốc hội, với ước tính rằng khả năng vay nợ của chính phủ Hoa Kỳ có thể cạn kiệt vào khoảng giữa tháng Bảy và tháng Chín, giả sử chưa có luật được thông qua vào thời điểm đó.”
MSCI báo cáo rằng hoạt động giao dịch hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng đối với khoản nợ một năm của chính phủ Hoa Kỳ đã tăng vọt kể từ tháng Một, khi các nhà đầu tư mua bảo hiểm phòng trường hợp thảm họa tài chính đáng sợ xảy ra.
MSCI cho biết: “Trong trường hợp không có thỏa thuận lập pháp, khối lượng giao dịch CDS về chính phủ Hoa Kỳ có thể tiếp tục tăng lên khi mùa hè đến gần và khả năng bỏ lỡ thanh toán đối với công khố phiếu Hoa Kỳ sẽ lớn hơn.”
Đây không phải là lần đầu tiên chênh lệch CDS cho trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ tăng nhanh do những bất đồng của Quốc hội liên quan đến mức trần nợ.
Chênh lệch CDS đang tiến gần đến mức tương tự từng thấy trong các trận chiến chính trị trước đây về trần nợ vào năm 2011 và năm 2013, khi Quốc hội cuối cùng đã đạt được thỏa thuận vào phút chót để tránh vỡ nợ.
Các biện pháp đặc biệt có thể được thực hiện để tránh vỡ nợ
Một số học giả Hiến Pháp cũng nói rằng về mặt pháp lý, chính phủ liên bang không thể vỡ nợ, nhưng thị trường có thể nói khác.
MSCI cho biết: “Các lập luận pháp lý đã được đưa ra rằng Hiến Pháp Hoa Kỳ không cho phép chính phủ vỡ nợ đối với các nghĩa vụ nợ của mình. Tuy nhiên, sự gia tăng đáng chú ý trong hoạt động giao dịch trong các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) cho thấy rằng một số người tham gia thị trường thách thức quan điểm này.”
Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen cho biết nếu sự kiện chưa từng có này thực sự xảy ra, hậu quả sẽ lan ra ngoài việc những người nắm giữ công khố phiếu không nhận được khoản thanh toán của họ.
Hàng triệu người cao niên có thể mất trợ cấp an sinh xã hội nếu chính phủ Hoa Kỳ vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử.
Bà Yellen nói: “Chính phủ liên bang khó có thể cung cấp các khoản thanh toán cho hàng triệu người Mỹ, bao gồm cả các gia đình quân nhân và người cao niên của chúng ta, những người sống dựa vào An sinh Xã hội.”
Bà tiếp tục nói, “Về lâu dài, việc vỡ nợ sẽ làm tăng chi phí vay nợ vĩnh viễn. Các khoản đầu tư trong tương lai — bao gồm cả đầu tư công — sẽ trở nên tốn kém hơn đáng kể.”
Một vụ vỡ nợ có thể khiến nền kinh tế thế giới sụp đổ và tạo ra một làn sóng biến động về lãi suất toàn cầu, vốn gắn liền với danh tiếng thông thường là “không có rủi ro” của nợ chính phủ Hoa Kỳ.
MSCI cho biết: “Xáo trộn lớn trong thị trường và suy giảm mạnh trong hoạt động kinh tế đều có thể là những khả năng thực tế” trong trường hợp Hoa Kỳ vỡ nợ.
Tuy nhiên, ông Biden cuối cùng có thể quyết định tránh cuộc tranh luận rủi ro tại Quốc hội thông qua một kẽ hở, bằng cách yêu cầu Bộ Ngân khố đúc một đồng xu bạch kim trị giá 1 ngàn tỷ USD.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times