Các chuyên gia cảnh báo: Hoa Kỳ đang tiến gần đến thảm họa trần nợ
Trong tuần này (06-12/03), các nhà kinh tế và chuyên gia đã cảnh báo tại phiên điều trần của một ủy ban Thượng viện rằng chính phủ Hoa Kỳ đang tiến gần đến thảm họa về mức trần nợ liên bang.
Tiểu ban Chính sách Kinh tế của Ủy ban Thượng viện về Ngân hàng, Nhà ở, và Đô thị đã tiến hành một phiên điều trần mang tên: “The Federal Debt Limit and its Economic and Financial Consequences” (Giới Hạn Nợ Liên Bang Cùng Hậu Quả Kinh Tế Và Tài Chính Của Nó) với năm nhân chứng chuyên gia để thảo luận về tình hình trần nợ liên bang.
Năm tham luận viên được mời nói chuyện bao gồm ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics; bà Anat Weisenfreund, giám đốc Chương trình Xuất phát Trước và Học tập Từ sớm tại Community Action Pioneer Valley (CAPV); ông Douglas Holtz-Eakin, chủ tịch Diễn đàn Hành động Hoa Kỳ (AAF); ông Michael R. Strain, giám đốc nghiên cứu chính sách kinh tế, và ông Arthur F. Burns, học giả kinh tế chính trị tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI); cùng bà Amy K. Matsui, cố vấn cao cấp và giám đốc an ninh thu nhập tại Trung tâm Luật Phụ nữ Quốc gia (NWLC).
Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren (Dân Chủ-Massachuset), Chủ tịch Tiểu ban Chính sách Kinh tế, và Thượng nghị sĩ John Kennedy (Cộng Hòa-Luasiana), thành viên cao cấp của tiểu ban, cùng các thượng nghị sĩ Bob Menendez (Dân Chủ-New Jersey) và Chris Van Hollen (Dân Chủ -Maryland) đã tiến hành phiên điều trần.
Các tham luận viên đều đồng ý rằng Quốc hội nên nhanh chóng nâng giới hạn nợ, vì một hành động vào phút chót có thể khiến các thị trường toàn cầu vốn đã bất ổn càng trở nên chao đảo và các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng đối với trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ chạm đến những ngưỡng biến động.
Tình trạng bế tắc của Quốc hội cũng có thể làm suy yếu xếp hạng tín dụng của Hoa Kỳ theo thời gian.
Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã thúc giục chính phủ Tổng thống Biden và Đảng Dân Chủ giảm chi tiêu của liên bang và nỗ lực cắt giảm khoản nợ hơn 34 ngàn tỷ USD của Hoa Kỳ trước khi đạt được bất kỳ thỏa hiệp nào về mức trần nợ.
Khối đa số sắp mãn nhiệm của Đảng Dân Chủ tại Hạ viện đã thúc đẩy thông qua luật vào phút chót hồi tháng Mười Hai để tăng giới hạn nợ thêm 2.5 ngàn tỷ USD, nhưng chính phủ đã chạm mức trần nợ 31.4 ngàn tỷ USD từ hôm 19/01.
Điều này buộc Bộ Ngân khố phải sử dụng các biện pháp đặc biệt, theo đó bộ kịp thời thanh toán các hóa đơn của quốc gia thông qua các biện pháp kế toán khác nhau để tránh vỡ nợ và giành được thêm thời gian cho Quốc hội nâng mức giới hạn.
Các tham luận viên đã cảnh báo các nhà lập pháp rằng mặc dù Quốc hội đã thành công đi đến các thỏa thuận về giới hạn nợ trong quá khứ, nhưng vẫn có khả năng thời hạn giữa tháng Sáu và tháng Chín có thể bị bỏ lỡ trong năm nay, khiến chính phủ không thể thực hiện các nghĩa vụ của mình do không hành động.
Các thành viên tiểu ban Thượng viện đồng thuận về việc phản đối chính phủ vỡ nợ
Thượng nghị sĩ Warren đã mở đầu phiên điều trần bằng một cuộc tấn công vào Hạ viện do GOP kiểm soát, cáo buộc các thành viên Đảng Cộng Hòa không “quan tâm đến thời hạn trần nợ” và rằng họ cảm thấy trên cả “vui mừng” khi sử dụng cơ hội này làm “đòn bẩy” để thông qua một dự luật thuế doanh thu quốc gia, cắt giảm chi tiêu của các cơ quan liên bang, và cắt giảm các phúc lợi, điều mà bà tuyên bố sẽ mang lại lợi ích cho người giàu và các tập đoàn hơn là người lao động Mỹ.
Đáp lại, ông Kennedy nói rằng mặc dù ông đồng ý là việc tăng giới hạn nợ của Hoa Kỳ là một nguyên tắc mang tính đạo đức và thực tiễn đồng thời cũng không ủng hộ việc vỡ nợ, nhưng ông không nói rõ ràng rằng mình sẽ bỏ phiếu để tăng hay là để loại bỏ giới hạn nợ, nhưng nói thêm rằng cuối cùng thì ai đó vẫn phải thanh toán hóa đơn.
Cùng với tất cả các thành viên Đảng Cộng Hòa khác ở lưỡng viện, ngoại trừ một dân biểu, ông Kennedy trước đó đã bỏ phiếu chống lại dự luật nâng giới hạn nợ do Đảng Dân Chủ đề ra hồi cuối năm.
Ông Kennedy nói về việc sử dụng chi tiêu thâm hụt để kích thích nền kinh tế: “Một số nhà kinh tế bỏ qua phần thứ hai của những gì [John Maynard] Keynes đã nói. Ông ấy nói khi suy thoái kết thúc, thì quý vị phải trả lại tiền — và đó là một phần quan trọng của phương trình.”
Nhà phân tích của Moody’s cho biết trái chủ sẽ không dung thứ cho việc vỡ nợ
Ông Mark Zandi, diễn giả đầu tiên nói trước hội đồng Thượng viện, cho biết bế tắc về giới hạn nợ tại Quốc hội đe dọa đến bất kỳ cơ hội nào mà nền kinh tế Hoa Kỳ có để có thể vượt qua được một cuộc suy thoái vào năm 2024, đồng thời gây ra mối đe dọa lâu dài đối với tài chính và tăng trưởng kinh tế của quốc gia.
Ông Zandi cho biết: “Tôi nghĩ rằng điều vô cùng quan trọng là các nhà lập pháp phải tăng mức đình chỉ việc đi vay, hoặc loại bỏ giới hạn nợ một cách rõ ràng,” và làm như vậy mà không kèm theo ràng buộc nào.
“Nếu chúng ta không loại bỏ mức trần nợ trong vài tháng tới, thì Bộ Ngân khố sẽ hết tiền mặt để thanh toán tất cả các hóa đơn của chính phủ và, trên thực tế, chúng tôi đã thực hiện một số việc cố gắng ước tính về thời điểm gọi là ‘ngày X’ khi mà Bộ Ngân khố sẽ hết tiền mặt, và chúng tôi xác định đó là ngày 18/08.”
Ông cũng chỉ trích bất kỳ cuộc thảo luận nào về một giải pháp đường vòng liên quan đến việc né tránh thanh toán và ưu tiên cho những người nắm giữ công khố phiếu Hoa Kỳ rồi không thanh toán kịp thời cho họ trong trường hợp vỡ nợ.
Ông Zandi lưu ý, “Có quan điểm cho rằng như thế nghĩa là chúng ta không vỡ nợ chính phủ. Có thể là theo nghĩa kỹ thuật thì chúng ta không vỡ nợ chính phủ, nhưng tôi không chắc điều đó sẽ kéo dài bao lâu theo nghĩa chính trị, và tôi nghĩ các nhà đầu tư biết điều này một cách rất rõ ràng.”
Ông nói rằng cả hai đảng đều phải chịu trách nhiệm về mức thâm hụt và nợ liên bang, và đó sẽ là một vấn đề lâu dài, đồng thời nói thêm rằng vấn đề này “đòi hỏi phải xem xét cả doanh thu thuế và hạn chế chi tiêu.”
Ông Zandi cũng như ông Michael Strain, người tình cờ là một người theo phái bảo tồn truyền thống, đã đồng ý rằng Quốc hội phải hành động rất sớm trước thời hạn mùa hè để tránh những tác động tiêu cực đến các chương trình liên bang, nền kinh tế toàn cầu, và triển vọng tài chính dài hạn.
Các nhân chứng là chuyên gia kinh tế lo sợ thiệt hại vĩnh viễn đối với danh tiếng tài chính của Hoa Kỳ
Ông Strain nói: “Có phải Hoa Kỳ là một quốc gia có hệ thống chính trị rối loạn chức năng đến mức không thể thanh toán các hóa đơn mà đất nước này có nghĩa vụ phải thanh toán theo luật định không? Câu hỏi đó là trọng tâm của sự không chắc chắn xung quanh trần nợ. Nếu Hoa Kỳ vỡ nợ trong các nghĩa vụ thanh toán trái phiếu của chúng ta, thì nhiều nhà đầu tư quốc tế và các nhà lãnh đạo quốc gia và các công dân sẽ trả lời câu hỏi đó với sự khẳng định.”
Ông cũng nói rằng một thỏa thuận vào phút chót cũng sẽ khiến xếp hạng tín dụng của chính phủ Hoa Kỳ sụt giảm, như đã từng xảy ra vào năm 2011 và năm 1979.
Hai diễn giả khác, bà Amy Matsui và bà Anat Weisenfreund đều chỉ trích bất kỳ thỏa hiệp cắt giảm chi tiêu nào để nâng giới hạn nợ, nói rằng các đề nghị từ Đảng Cộng Hòa Hạ viện sẽ có tác động không tương xứng đối với các bà mẹ nghèo và người thiểu số.
Sau đó, Thượng nghị sĩ Van Hollen đã hỏi những người tham gia thảo luận rằng liệu họ có đồng ý với suy đoán là nếu chính phủ vỡ nợ, thì Bộ Ngân khố sẽ có thể đặt thứ tự ưu tiên cho những khoản thanh toán mà họ thực hiện hay không.
Vị thượng nghị sĩ này đã trích dẫn một tuyên bố trước đây của tham luận viên Douglas Holtz-Eakin, rằng một kế hoạch như vậy “sẽ không tác dụng và chúng ta sẽ vỡ nợ, ngoài ra đó là một ý tưởng ngớ ngẩn.”
Giải thích về ý kiến của mình, ông Holtz-Eakin nói rằng vấn đề với ý tưởng rằng Bộ Ngân khố có thể ưu tiên một số khoản thanh toán nhất định là, chính phủ liên bang “không thể làm điều đó mãi mãi và việc ưu tiên thanh toán này không giải quyết được bất kỳ vấn đề căn bản nào.”
Ông tiếp tục: “Ưu tiên thanh toán chỉ tạm thời trì hoãn được vấn đề.”
Ông nói thêm rằng việc vỡ nợ sẽ “dẫn đến việc công khố phiếu Hoa Kỳ bị hạ cấp, mất đi bản chất không có rủi ro của chúng, vốn là công thức dẫn đến tình trạng hỗn loạn tài chính toàn cầu, và chúng ta sẽ có hiệu quả kinh tế kém trên toàn cầu với hậu quả cho mọi người Mỹ.”
Ông Holtz-Eakin nói thêm rằng việc từ bỏ uy tín tín dụng của công khố phiếu Hoa Kỳ sẽ trao cơ hội vàng cho “Trung Quốc, và tại thời điểm này, không có lý do gì để làm điều đó.”
Trong khi đó, khi trả lời câu hỏi của Thượng nghị sĩ Menendez liên quan đến Trung Quốc, ông Zandi giải thích rằng nếu chính phủ liên bang vỡ nợ lần đầu tiên trong lịch sử, thì sẽ không có đường lui nữa.
“Kể từ khi lập quốc, đây là một nguyên tắc mà chúng ta đã thiết lập. Ông Alexander Hamilton, Bộ trưởng Ngân khố đầu tiên, đã mua lại khoản nợ nội chiến bằng giá thấp hơn nhiều để thiết lập tín nhiệm cho Hoa Kỳ, là chúng tôi có đồng tiền tốt, nếu quý vị gắn tiền của quý vị với chúng tôi, thì quý vị sẽ ổn.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times