Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy thấy trước ‘những hệ quả nghiêm trọng’ cho Hoa Kỳ nếu TT Biden không chịu đàm phán về trần nợ
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) đã cảnh báo trong một bức thư hôm 28/03 rằng có thể có “những hệ quả nghiêm trọng” đối với “toàn bộ quốc gia” nếu Tổng thống Joe Biden từ chối đàm phán với Đảng Cộng Hòa về mức trần nợ.
Tổng thống (TT) Biden đã có quan điểm cứng rắn về trần nợ kể từ khi Đảng Cộng Hòa tiếp quản Hạ viện, cho thấy rằng ông sẽ không cho phép Đảng Cộng Hòa sử dụng vấn đề này để ép buộc các thỏa hiệp. Mặt khác, Đảng Cộng Hòa hy vọng sẽ sử dụng vấn đề này để buộc TT Biden phải nhượng bộ và cắt giảm chi tiêu liên bang.
Hai tháng trước, khi Quốc hội nhiệm kỳ thứ 118 bắt đầu, TT Biden vẫn cho thấy sẵn lòng gặp ông McCarthy để thảo luận về tranh chấp này. Ông McCarthy nói rằng sự sẵn lòng đối thoại công khai này vẫn chưa chuyển thành các cuộc đàm phán giữa hai nhà lãnh đạo.
“Tuy nhiên, kể từ thời điểm đó, ngài và đội ngũ của ngài đã hoàn toàn không thực hiện bất kỳ hoạt động tiếp theo có ý nghĩa nào đối với thời hạn đang đến rất nhanh này,” ông McCarthy viết trong bức thư gửi tổng thống.
Về việc TT Biden từ chối gặp ông, vị chủ tịch Hạ viện này nói: “Ngài đang đặt một nền kinh tế vốn dĩ đã mong manh vào tình thế nguy hiểm bằng cách khăng khăng giữ lập trường cực đoan của mình là từ chối đàm phán bất kỳ thay đổi có ý nghĩa nào đối với chi tiêu ngoài tầm kiểm soát của chính phủ cùng với việc tăng trần nợ.”
Kể từ khi nhậm chức, TT Biden đã phê chuẩn hàng ngàn tỷ dollar chi tiêu, bao gồm Kế hoạch Giải cứu Hoa Kỳ trị giá 1.9 ngàn tỷ USD, Đạo luật Đầu tư Cơ sở hạ tầng và Việc làm 1.2 ngàn tỷ USD, Đạo luật Giảm Lạm phát trị giá 745 tỷ USD và gần đây nhất là gói tài trợ chi tiêu tổng hợp trị giá 1.7 ngàn tỷ USD được Quốc hội thông qua tại cuối nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua.
Đảng Cộng Hòa (Grand Old Party, GOP) từ lâu đã cho rằng khoản chi tiêu này là nguyên nhân làm tăng giá tiêu dùng và đã nói kể từ Quốc hội nhiệm kỳ thứ 117 rằng việc cắt giảm chi tiêu sẽ là ưu tiên hàng đầu của GOP nếu họ tiếp quản Hạ viện.
Ông McCarthy nói với TT Biden rằng nếu tổng thống tiếp tục từ chối đàm phán, thì bất kỳ cuộc khủng hoảng trần nợ nào cũng sẽ là lỗi của tổng thống.
Ông McCarthy viết: “Lập trường của ngài — nếu vẫn duy trì — có thể ngăn cản nước Mỹ thực hiện các nghĩa vụ của mình và gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho toàn bộ quốc gia.”
‘Không có hứng thú’ đẩy tình thế đến điểm tới hạn
Ông McCarthy nói thêm với tổng thống rằng ông “không có hứng thú” để chơi trò chính trị brinkmanship (đẩy một tình huống nguy hiểm đến điểm tới hạn nhưng vẫn an toàn để bảo đảm có được lợi thế lớn nhất) với trần nợ.
Thay vì thế, ông nói, “[Tôi chỉ quan tâm] đến việc làm những gì tốt nhất cho người dân Mỹ.”
Trong một cuộc họp báo hôm 28/03, Lãnh đạo Đa số Hạ viện Steve Scalise (Cộng Hòa-Louisiana) đã lặp lại quan điểm này.
Ông Scalise cáo buộc rằng ông Biden đang “cố gắng gây ra một cuộc khủng hoảng nợ bằng cách cứ thế chờ và chờ cho đến phút chót [rồi mới gặp ông McCarthy].”
Quốc hội thường được trao nhiệm vụ tăng trần nợ, trong đó vạch ra giới hạn vay được Quốc hội cho phép của Hoa Kỳ. Do chưa được Quốc hội bật đèn xanh để vay thêm nợ, Cục Dự trữ Liên bang đang dựa vào cái gọi là “các biện pháp đặc biệt” để duy trì hoạt động của chính phủ.
Theo các dự báo từ Văn phòng Ngân sách Quốc hội, “các biện pháp đặc biệt” của Cục Dự trữ Liên bang để duy trì nguồn tài chính của chính phủ sẽ cạn kiệt vào khoảng giữa tháng Bảy và tháng Chín năm nay nếu Quốc hội không cho phép tăng mức trần nợ.
Năm 2011, Đảng Cộng Hòa đã sử dụng thành công vấn đề trần nợ để buộc TT Barack Obama phải nhượng bộ.
Tuy nhiên, cuộc chiến này đã khiến Hoa Kỳ bị ảnh hưởng nặng nề về xếp hạng tín dụng — một tình huống mà cả hai đảng đều muốn tránh.
Các nhà phân tích tài chính cho rằng, nếu Quốc hội không cho phép tăng trần nợ trước khi Cục Dự trữ Liên bang hết tiền, thì kết quả sẽ là “thảm họa.”
Bởi vì đồng dollar Mỹ không được hỗ trợ bởi bất cứ điều gì ngoài niềm tin và sự tín nhiệm đầy đủ vào Hoa Kỳ — quốc gia cho đến thời điểm này vẫn có xếp hạng tín dụng hoàn hảo — nên việc không nâng mức trần nợ sẽ càng làm giảm giá trị của đồng dollar, vốn đã đã mất rất nhiều giá trị trong hai năm qua.
Những kỳ vọng của GOP
Trong thư, ông McCarthy trình bày tóm lược về các kỳ vọng của GOP: ông kêu gọi chi tiêu phi quốc phòng quay trở lại “các mức trước lạm phát”, thu hồi các quỹ cứu trợ COVID-19 chưa sử dụng, nâng các yêu cầu viện trợ lao động liên bang và “các chính sách để phát triển nền kinh tế của chúng ta và giữ an toàn cho người dân Mỹ.”
“Tổng hợp lại,” ông McCarthy nói, “những chính sách như vậy sẽ giúp giải quyết vấn đề số một mà người Mỹ phải đối mặt ngày nay: lạm phát cao dai dẳng do chi tiêu thiếu thận trọng của chính phủ gây ra.”
Ông McCarthy kết luận: “Thưa ngài Tổng thống, hãy nói một cách đơn giản: thời gian dành cho ngài đang đếm ngược. Đã đến lúc bỏ tinh thần đảng phái, cùng xắn tay áo lên, và tìm tiếng nói chung cho thách thức cấp bách này.”
Bất kỳ sự gia tăng nào về giới hạn nợ của Hoa Kỳ đều phải được đệ trình lên Hạ viện trước khi nó có thể được chuyển tới Thượng viện hoặc văn phòng tổng thống.
Trong Quốc hội nhiệm kỳ trước, đối mặt với việc GOP đẩy lùi giới hạn nợ tại Thượng viện, một số thành viên Đảng Dân Chủ đã đưa ra ý tưởng để Cục Dự trữ Liên bang đúc một đồng xu trị giá 1 ngàn tỷ USD như một biện pháp khẩn cấp — một đề nghị đã giành được sự ủng hộ của ngay cả những người trước đây từng giữ lập trường ôn hòa như Thượng nghị sĩ Mark Warner (Dân Chủ-Virginia).
Nếu Đảng Cộng Hòa và Tòa Bạch Ốc không thể đạt được thỏa thuận, thì Đảng Dân Chủ có thể bắt đầu thúc đẩy các chính sách cho phép chính phủ duy trì tài trợ mà không cần sự cho phép của Quốc hội.
Tòa Bạch Ốc đáp lại
Trong một tuyên bố, Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre đã phúc đáp cho ông McCarthy.
Tòa Bạch Ốc cho biết: “Quốc hội có nghĩa vụ hiến định để giải quyết mức trần nợ — như họ đã làm ba lần trong chính phủ tiền nhiệm mà không có điều kiện.”
Bà Jean-Pierre nói thêm rằng “nguy cơ vỡ nợ ảnh hưởng đến sinh kế của các doanh nghiệp nhỏ, người về hưu, cùng các gia đình lao động Mỹ và sẽ mang lại một chiến thắng to lớn cho Trung Quốc.”
“Các sự kiện gần đây nhấn mạnh sự cần thiết của Quốc hội để giải quyết mức trần nợ càng sớm càng tốt,” bà nói. “Đã đến lúc các thành viên Đảng Cộng Hòa ngừng chơi trò chơi, thông qua một dự luật trần nợ sạch, và ngừng đe dọa sự phục hồi kinh tế của chúng ta.”
Nguyễn Lê biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times