Dàn nhạc, dàn đồng ca, và các ban nhạc tạo nên những trẻ em kiên cường
Một nghiên cứu của Úc cho thấy việc tham gia vào một nhóm nhạc tại một trường học hoặc một dàn đồng ca, dàn nhạc, hoặc ban nhạc cộng đồng có thể là chìa khóa cho việc nuôi dạy con trẻ trở thành những người có tinh thần đội nhóm, có ý chí kiên cường và biết cảm thông.
Các nhà nghiên cứu của Trường Đại học Tasmania đã khảo sát những nhạc công có độ tuổi từ 14 tới 25, cũng như thu thập các ý kiến từ những nhà quản lý, người chỉ huy dàn nhạc, và các giáo viên của các dàn nhạc trẻ, những ban nhạc chuyên nghiệp, và hai dàn đồng ca cấp tiểu bang từ năm 2021 đến 2022.
Theo thông tin cung cấp từ các giảng viên của trường Đại học Tasmania là ông William James Baker, bà Anne-Marie Forbes, và bà Kim McLeod, họ đã phát hiện rằng việc tham gia vào các nhóm nhạc giúp xây dựng tính kiên cường, bền bỉ bởi vì những người chơi nhạc cần phải lắng nghe lẫn nhau và thích ứng nhanh với những sự thay đổi.
“Người chơi nhạc cần phải hiểu rõ những gì đang diễn ra xung quanh mình, và chuẩn bị sẵn sàng để thay đổi cách họ chơi (chậm hoặc nhanh, lớn hoặc nhỏ) tùy thuộc vào cách biểu diễn của cả nhóm,” họ chia sẻ.
“Bạn cần phải có khả năng đánh giá cao những đóng góp của người khác, không phải chỉ của riêng bạn.”
Họ đã phát hiện rằng tuy các môn thể thao và các môn học thuật cũng thúc đẩy tính bền bỉ, kiên cường, nhưng việc chơi nhạc sẽ phóng thích các chất hóa học như là dopamine và serotonin, cung cấp một động lực tự nhiên để tiếp tục chơi nhạc.
Các tác giả cho biết, “Việc chơi nhạc với những người khác cũng đồng thời có ảnh hưởng đến nồng độ hormone liên kết, oxytocin (hormone tình yêu), giúp tạo ra một cảm giác gắn kết với nhau, đồng thời giúp giảm nồng độ của hormone căng thẳng, cortisol.”
Đối với những người trẻ tuổi, việc này sẽ mang đến một thời gian thư giãn quý giá sau những bộn bề trong học tập và cuộc sống thường nhật, đồng thời cũng giúp họ kiềm chế và biểu đạt những cảm xúc của mình, đặc biệt là vào giai đoạn mà nghịch cảnh đang ập đến với giới trẻ trên một quy mô lớn và lòng kiên cường thậm chí còn cần thiết hơn bao giờ hết.
Một bệnh nhi ung thư 8 tuổi đã lấy lại sức mạnh bằng việc sáng tác
Một nghiên cứu về trường hợp của một cậu bé mắc bệnh nặng cũng cho thấy việc sáng tác âm nhạc đã mang lại khả năng kiểm soát tâm lý cho cậu như thế nào khi chống chọi với căn bệnh ung thư, bằng cách tạo điều kiện cho cậu thể hiện bản thân, dẫn đến cải thiện sự tự tin và niềm tin vào bản thân.
“Lúc đó, cậu bé đã mất hầu hết khả năng biểu đạt ngôn ngữ do mắc phải một khối u, vì vậy chúng tôi đã dùng rất nhiều lời bài hát như là một cách để có thể giúp cậu biểu đạt bản thân,” cô Louise Miles, chuyên gia trị liệu âm nhạc cao cấp tại Bệnh Viện Nhi Princess Margaret của thủ phủ Perth ở tiểu bang Tây Úc, cho biết.
“Điều gây ấn tượng đối với tôi từ những buổi tập đầu tiên đó chính là quyết tâm tiếp tục chơi và sáng tác âm nhạc của cậu bé mặc cho những khó khăn cản trở.”
“Âm nhạc có sức mạnh phi thường trong việc giúp đỡ những trẻ em đang bị bệnh hình thành nên một ý thức về sức mạnh của bản thân và gia tăng khả năng phục hồi. Điều đó vô cùng quan trọng bởi các em sẽ có sự chuẩn bị cho những gì sắp xảy ra.”
Chuyên gia vật lý trị liệu cao cấp Ranita Sidhu là một người ủng hộ việc chăm sóc trẻ em bị bệnh bằng cách áp dụng những lợi ích của âm nhạc.
“Tôi nghĩ rằng liệu pháp này vô cùng phù hợp để thu hút và giao tiếp với các bé chưa biết nói và trẻ nhỏ theo một cách đặc biệt thông qua việc sử dụng các nhịp điệu, âm điệu, ngữ điệu và tất cả các món quà ẩn chứa trong âm nhạc,” cô Sidhu cho biết.
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times