Đàn áp Pháp Luân Công là ‘ưu tiên hàng đầu’ của ĐCSTQ khi thay mới trọng tâm đặt vào việc bảo vệ quyền lực chính trị
“Luận điệu chính thức cho rằng việc nâng Pháp Luân Công thành mục tiêu cho các hoạt động an ninh hà khắc là có liên quan đến việc gia tăng đàn áp.’
Nghiên cứu mới cho thấy rằng cuộc đàn áp của chính quyền Trung Quốc đối với Pháp Luân Công đã là một “ưu tiên hàng đầu” của chính quyền này kể từ năm 2017 trong bối cảnh trọng tâm mới là duy trì quyền lực chính trị.
Theo một luật sư Trung Quốc, điều này đã khiến các chuyên gia pháp lý gặp khó khăn hơn trong việc bào chữa cho các nạn nhân so với những năm đầu khi chính quyền cộng sản lần đầu tiên phát động chiến dịch đàn áp môn tu luyện này.
“Trong bối cảnh Đảng Cộng sản Trung Quốc đổi mới sự tập trung vào bảo vệ cho an toàn của chế độ, việc đàn áp Pháp Luân Công được coi là ưu tiên hàng đầu của giới lãnh đạo trung ương và chính quyền địa phương như được ám chỉ trong các báo cáo công việc, phát ngôn, và chỉ thị từ ít nhất 12 tỉnh kể từ năm 2017,” Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp nêu rõ trong một thông cáo báo chí hôm 06/12.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tinh thần bao gồm các bài tập luyện tĩnh tại và những bài giảng về đạo đức dựa trên ba nguyên lý cốt lõi: chân, thiện, và nhẫn. Theo ước tính chính thức vào thời điểm đó, môn tu luyện này đã được công chúng ở Trung Quốc ưa chuộng trong những năm 1990, với 70 triệu đến 100 triệu người theo học vào cuối thập niên đó.
Chế độ cộng sản vô thần, dưới sự dẫn dắt của nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản đương thời Giang Trạch Dân, vào ngày 20/7/1999 đã khởi đầu một chiến dịch sâu rộng nhằm mục đích tiêu diệt Pháp Luân Công vì chế độ này coi số lượng học viên ngày càng tăng là một mối đe dọa đối với sự kiểm soát độc tài của họ. Theo trung tâm này, kể từ đó, hàng triệu người đã bị giam trong các nhà tù, trại lao động, và các cơ sở khác, với hàng trăm ngàn người bị tra tấn trong khi bị giam giữ.
‘Gia tăng đàn áp’
Trích dẫn hơn 20 nguồn tin, “chiến dịch bạo lực nhằm tiêu diệt Pháp Luân Công trong nội bộ đảng được coi là một thành phần trung tâm trong các nỗ lực của chế độ này để kiểm soát dân chúng, duy trì quyền lực chính trị, và giữ quyền tối cao về ý thức hệ,” thông cáo báo chí viết.
Nghiên cứu này lưu ý rằng sự thừa nhận công khai của các quan chức an ninh và tư pháp hàng đầu đang nhắm vào Pháp Luân Công, gần đây nhất là hồi tháng 01/2023, nổi bật như một “sự khởi đầu sau nhiều năm im lặng.” Sự thay đổi này đặc biệt đáng chú ý căn cứ vào việc đàn áp đang diễn ra ở khắp nước này.
“Luận điệu chính thức cho rằng việc nâng Pháp Luân Công thành mục tiêu cho các hoạt động an ninh hà khắc là có liên quan đến việc gia tăng đàn áp mà Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp đã theo dõi kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19, bao gồm cả việc giam giữ tùy tiện trên diện rộng, tra tấn, và tử vong do ngược đãi trong khi giam cầm,” thông cáo báo chí viết.
Ngoài ra, “Duy trì việc nắm giữ quyền lực dưới chiêu bài bảo vệ ‘an ninh quốc gia’ từ lâu đã là đặc điểm nổi bật trong sự cai trị của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, thì đã có sự tập trung mới vào nỗ lực này và tầm quan trọng của nỗ lực đó được nâng cao trong biện pháp quản trị của chế độ này, một xu hướng gia tăng nhanh chóng hơn trong những năm gần đây.”
Luật sư nhân quyền gặp phải nhiều thách thức hơn
Hôm 12/12, ông Ming Tian (bút danh), một luật sư nhân quyền ở Hoa lục, đã chia sẻ trải nghiệm trực tiếp của mình với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times.
Ông Ming cho biết, không giống như những giai đoạn đầu của chiến dịch đàn áp trên toàn quốc này, khi các luật sư gặp phải nhiều thách thức khác nhau nhưng vẫn có thể trợ giúp thủ tục pháp lý, [còn] “hiện nay lại rất ít luật sư có thể được tham gia.”
Ông giải thích rằng trước đây, các luật sư gặp phải những hạn chế, chẳng hạn như hạn chế gặp gỡ khách hàng và thẩm phán từ chối xem xét các lời bào chữa. Tuy nhiên, hiện nay, chính quyền khiến các luật sư khó tiếp nhận các vụ án liên quan đến học viên Pháp Luân Công.
“Khi các công ty luật từ chối tiếp nhận một vụ án liên quan đến Pháp Luân Công, thì các luật sư không thể làm gì được,” ông cho hay.
Theo ông Ming, ĐCSTQ sử dụng các chiến lược ngầm. Thứ nhất, họ kín đáo ra lệnh cho cơ quan tư pháp để đưa ra những thông báo không chính thức đến các công ty luật, cản trở luật sư nhận nhiệm vụ và giải quyết hiệu quả các thủ tục tố tụng. Thứ hai, ngay cả khi luật sư hoàn thành các thủ tục cần thiết, thì thẩm phán phớt lờ họ bằng cách “bỏ qua việc thông báo cho luật sư về các phiên tòa và giữ lại các tài liệu quan trọng.”
Ông nêu ra rằng khi nỗ lực cản trở luật sư không thành công, thì chính quyền địa phương sẽ từ chối thừa nhận tình trạng vụ án. “Do đó, số lượng luật sư có thể thực sự tiếp nhận các vụ án Pháp Luân Công là khá hạn chế,” ông Ming cho biết.
Công chúng thiếu hiểu biết đóng một vai trò
Ông Lại Kiến Bình (Lai Jianping), cựu luật sư tại đại lục, cho biết: “Theo quan sát của tôi, cuộc đàn áp Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã ngày càng gia tăng trong những năm qua, cùng với việc các phương pháp đàn áp liên tục phát triển.”
Chính “sự truyền bá vô thần và tuyên truyền bịa đặt” của ĐCSTQ “trong môi trường áp bức trong nước” đã khiến công chúng tránh xa vấn đề Pháp Luân Công. Ông Lại nói với The Epoch Times: “Sự miễn cưỡng này của người dân đã làm tăng thêm những khó khăn thách thức mà các học viên Pháp Luân Công phải đối mặt.”
Ông nêu ra rằng cộng đồng quốc tế, đặc biệt là phương Tây, đang không làm đủ để buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về cuộc đàn áp này mặc dù có những bằng chứng về việc thu hoạch nội tạng cưỡng bức các học viên Pháp Luân Công.
“Cộng đồng quốc tế đã không hoàn thành trách nhiệm của mình trong vấn đề này. Ở một mức độ nào đó, vấn đề này [thu hoạch nội tạng cưỡng bức] vẫn đang bị che đậy, và điều đó là rất đáng báo động,” ông Lại nói rõ.
Vào Ngày Nhân quyền 10/12, các chuyên gia tham dự một hội nghị trực tuyến do Tổ chức Bác sĩ Chống Thu hoạch Nội tạng Cưỡng bức (DAFOH), một nhóm ủng hộ đạo đức y tế có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, đã đưa ra bằng chứng cho thấy chính quyền Trung Quốc đã bí mật sát hại các tù nhân lương tâm trên quy mô lớn để cung cấp cho ngành cấy ghép của mình.
Những người tham gia hội thảo lưu ý rằng hành vi đó vẫn tiếp tục không suy giảm cho đến ngày nay, và nạn nhân chính là những học viên Pháp Luân Công bị giam giữ.
‘ĐCSTQ sẽ sớm sụp đổ’
Ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), một nhà sử học Trung Quốc định cư tại Úc, cho biết khi các học viên Pháp Luân Công và các nhà hoạt động nhân quyền nâng cao nhận thức về sự tàn bạo của chiến dịch đàn áp này, điều đó khiến ĐCSTQ sợ hãi vì hoạt động này cũng phơi bày sự tàn bạo của đảng cầm quyền này.
Ngoài ra, nỗi sợ hãi của ĐCSTQ “chủ yếu là do việc xuất bản cuốn sách ‘Cửu bình,’” ông Lý nói thêm.
“Chín bài bình luận về Đảng Cộng sản,” một loạt bài xã luận được xuất bản lần đầu tiên trên ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times hồi năm 2004, phơi bày bản chất thực sự của ĐCSTQ. Ngoài ra, loạt bài này đã làm nổ ra một phong trào đại chúng — được gọi là “Phong trào Thoái đảng” hay “Phong trào thoái xuất khỏi ĐCSTQ” — trong đó hơn 423 triệu người Trung Quốc đã thoái xuất khỏi Đảng Cộng sản và các tổ chức liên đới, theo Trung tâm Dịch vụ Thoái ĐCSTQ Toàn cầu có trụ sở tại Hoa Kỳ (“Trung tâm Thoái Đảng”).
Ông Lý tin rằng phong trào đó có thể gây bất ổn cho chế độ cộng sản này.
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung và Lạc Á
Cẩm An lược dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times