Đắm chìm trong mạng xã hội suốt 15 năm, cô gái người Mỹ chia sẻ hành trình cai nghiện
Sử dụng mạng xã hội quá độ có thể nói là vấn đề phổ biến của con người hiện đại, đặc biệt là giới trẻ. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống của mọi người, mà còn dẫn đến các vấn đề về sức khỏe như trầm cảm, mất trí nhớ v.v.
Một cô gái trẻ người Mỹ đã nghiện mạng xã hội suốt 15 năm. Sau khi nỗ lực bỏ thói quen này, thể chất và tinh thần của cô đều đã có những cải thiện đáng kể. Gần đây, cô đã chia sẻ hành trình cai nghiện mạng xã hội của mình.
Cô gái này có tên là Ashton Jackson. Cô đã viết trên trang web của CNBC rằng, vào năm 9 tuổi cô đã đăng ký một tài khoản trên Facebook với ngày sinh giả. Và cô không biết rằng cuối cùng mình sẽ nghiện mạng xã hội.
Trong 15 năm qua, mỗi ngày cô đều đắm chìm trong Facebook, Instagram, Snapchat và TikTok; từ khi thức dậy cho đến khi đi ngủ, cô gần như không rời những mạng xã hội này. Trong thời gian học đại học, cô sử dụng mạng xã hội trung bình 14 giờ mỗi ngày.
Cô Jackson nói rằng rất nhiều người đều đang sống cuộc sống như vậy. Theo một cuộc khảo sát vào năm 2021 được thực hiện bởi Trung tâm nghiên cứu Pew (Pew Research Center), một cơ quan thăm dò ý kiến của Hoa Kỳ, có 31% người Mỹ trưởng thành gần như thường xuyên lên mạng xã hội. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với mức 21% của năm 2015.
Quá nghiện mạng xã hội có thể dẫn đến những tác động xấu như rối loạn giấc ngủ. Cô Jackson tiết lộ, từ năm 2000, cô đã phải “nếm trái đắng” của chứng mất ngủ, trầm cảm và tự ti v.v. Mãi cho đến tháng Một năm nay, cô mới quyết định thay đổi. Dưới đây là một số cách mà Jackson sử dụng để giảm dần thời gian sử dụng mạng xã hội của mình:
(1) Khiến bản thân mình bận rộn
Cô Jackson cho biết trước khi đi làm, cô sẽ dành một hoặc hai giờ để sử dụng điện thoại. Nhưng kể từ tháng Một, cô đã giữ cho mình luôn bận rộn bằng các phương thức như tập thể dục, thiền, viết nhật ký và đọc sách v.v. đồng thời theo dõi đồng hồ trên màn hình để hạn chế thời gian sử dụng mạng xã hội của mình.
Cô cho biết những thay đổi này có vẻ nhỏ, nhưng chúng đang tạo ra sự khác biệt từng ngày. Sau hai tháng, thời gian sử dụng mạng xã hội trung bình của Jackson đã giảm từ 9 giờ một ngày xuống còn 7 giờ một ngày.
(2) Đặt giới hạn thời gian sử dụng điện thoại vào cuối tuần
Cô Jackson cho biết bản thân cảm thấy khó khăn hơn để kiềm chế việc lướt điện thoại vào ngày nghỉ cuối tuần, khi cô không phải đi làm. Do đó, cô sẽ đặt chức năng giới hạn thời gian sử dụng ứng dụng của iPhone. Một khi đạt đến giới hạn thời gian sử dụng cao nhất, ứng dụng của điện thoại sẽ tự động khóa, ngăn cô lướt mạng xã hội cho đến ngày hôm sau.
Giờ đây, thời gian trung bình mà Jackson dành cho mạng xã hội vào cuối tuần đã giảm từ 14 giờ xuống còn 7.5 giờ.
(3) Hiểu rõ mình sẽ phạm sai lầm
Jackson cho biết đôi khi cô sẽ lướt điện thoại trước khi đi ngủ vì “ngứa tay”, hoặc bỏ chức năng giới hạn thời gian sử dụng ứng dụng. Rất nhiều bạn trẻ thế hệ Z lớn lên trong thời đại kỹ thuật số cũng thường có tâm lý như vậy.
Cô cho rằng châm chước cho sai lầm của mình cũng là một trong những bước đầu tiên để tiến bộ.
Hiệu quả trông thấy cả về thể chất và tinh thần
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2018 của Đại học Pennsylvania đã cho thấy, việc giảm thời gian dành cho mạng xã hội giúp giảm đáng kể tâm trạng lo lắng, trầm cảm, cô đơn, mất ngủ và sợ thất bại v.v.
Cô Jackson cho biết các triệu chứng trầm cảm của cô đã cải thiện đáng kể từ tháng Một. Cô trở nên tự tin hơn và ít so sánh bản thân mình với những người trên mạng. Ngoài ra, cô đã giảm được 12lbs (khoảng 5.4 kg) cân nặng. Cô cũng năng động hơn và có thói quen dùng những bữa ăn lành mạnh.
Cô nói rằng, ít lướt điện thoại hơn có nghĩa là bản thân dành nhiều thời gian hơn cho sức khỏe thể chất và tinh thần của mình.
Một nghiên cứu từ Đại học Pennsylvania cho thấy, việc sử dụng mạng xã hội cần được giới hạn trong khoảng 30 phút mỗi ngày để có thể mang lại lợi ích sức khỏe tinh thần lớn nhất. Vì vậy Jackson đã đặt mục tiêu tiếp theo cho bản thân là sử dụng mạng xã hội chỉ 30 phút mỗi ngày, nhưng cô vẫn còn một chặng đường rất dài phía trước.