Đại tá đã về hưu: Việc ông Robert F. Kennedy Jr. bác bỏ mối đe dọa quân sự của Trung Quốc là ‘quá ngây thơ’
Theo các nhà phân tích, quan điểm của ông Robert F. Kennedy rằng Trung Quốc không gây ra mối đe dọa quân sự đối với Hoa Kỳ là sai lầm và không phù hợp với thực tế.
Trong một cuộc trò chuyện trên Twitter Spaces hồi đầu tuần này với chủ sở hữu của nền tảng, ông Elon Musk, ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân Chủ đã kêu gọi Hoa Kỳ tham gia đàm phán với Trung Quốc và cạnh tranh với nước này về kinh tế chứ không phải quân sự.
Ông Kennedy nói: “Trung Quốc không thể và không muốn cạnh tranh quân sự với chúng ta. Vậy, đây phần nào là một lời tiên tri tự ứng nghiệm nói rằng, ‘Ồ, người Trung Quốc muốn trở thành kẻ thù của chúng ta và có một cuộc cạnh tranh quân sự,’ họ không muốn vậy. Những gì chúng ta nên làm là giảm leo thang áp lực quân sự đối với Trung Quốc.”
Trong khi việc xây dựng lại cơ sở công nghiệp của Hoa Kỳ là một ưu tiên hàng đầu của ông Kennedy trong các cuộc đàm phán tiềm năng với Trung Quốc, ông tin rằng chế độ này đã làm tốt hơn rất nhiều ở phương diện “đưa sức mạnh kinh tế ra ngoại quốc.”
“Chúng ta nghĩ thế giới đứng về phía chúng ta, nhưng không phải vậy. Tất cả những gì chúng ta có — những nước duy nhất đang ủng hộ mối quan hệ hay gây gổ, hiếu chiến này với Trung Quốc là Úc, New Zealand, Nam Hàn, Nhật Bản, Anh, Canada,” ông nói. “Chúng ta khá đơn độc trên thế giới. Phần còn lại của thế giới đang nhìn vào chúng ta và nói, các vị đang làm cái quái gì vậy? Tại sao các vị lại cố gắng tạo ra một cuộc chiến với Trung Quốc? Tại sao các vị lại gây chiến với họ?
“Họ không muốn chiến tranh, họ muốn hòa bình và họ muốn thịnh vượng, và điều đó không thể xảy ra khi có chiến tranh,” ông cho biết, đồng thời nói thêm rằng Hoa Kỳ nên “giảm leo thang đàm phán chuyện chiến tranh” về các vấn đề như Đài Loan và tìm kiếm “một cuộc đàm phán thông minh mà chúng ta làm tốt hơn vì Trung Quốc.”
“Hãy để họ – Đài Loan và Trung Quốc – tự giải quyết vấn đề đó và rút lui về mặt quân sự.”
Trong khi tháng trước Giám đốc CIA William Burns thực hiện một chuyến đi bí mật tới Trung Quốc để làm “ấm lên” mối bang giao với Bắc Kinh, thì ông Kennedy nói rằng ông muốn có một “cuộc thảo luận kinh tế và chính trị thực sự” với phía Trung Quốc “thật thẳng thắn và là nơi mọi người nói rõ ra hết ý định của mình, để xem liệu có những cách nào mà chúng ta có thể làm việc với nhau một cách hòa bình và giữ cho thế giới yên bình hay không.”
‘Quá ngây thơ’
Đối với ông John Mills, một đại tá quân đội đã về hưu, người trước đây giám sát chính sách an ninh mạng và các vấn đề quốc tế tại Bộ Quốc phòng, thì những lời nhận xét đó cho thấy ông Kennedy “gần như quá ngây thơ trước hành vi thâm độc của Trung Quốc.”
“Tôi hơi bối rối trước những bình luận của ông ấy,” ông Mills, một cộng tác viên của The Epoch Times, nói trong một cuộc phỏng vấn. “Ông ấy có những quan điểm mạnh mẽ về virus và vaccine. Chà, ông ấy nghĩ virus đến từ đâu chứ? Quan điểm của ông ấy có vẻ không nhất quán.”
Mở rộng sức mạnh quân sự và sự hiện diện ở ngoại quốc là một trong những ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh. Hồi tháng Ba, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhắc lại lời kêu gọi phát triển nhanh hơn một “quân đội đẳng cấp thế giới” của ông, vài tháng sau khi ông ra lệnh cho quân đội Trung Quốc tăng cường chuẩn bị cho chiến tranh.
Các báo cáo của Ngũ Giác Đài ước tính rằng Bắc Kinh sẽ sở hữu 1,000 vũ khí hạt nhân vào năm 2030 và 1,500 vào năm 2035. Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mike Rogers (Cộng Hòa-Alabama) cho biết chế độ cộng sản này hiện có nhiều bệ phóng hỏa tiễn đạn đạo xuyên lục địa hơn Hoa Kỳ. Trung Quốc cũng có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, và đang nhanh chóng sản xuất các chiến hạm. Lực lượng hải quân của họ ước tính có khoảng 340 chiến hạm lẫn tàu ngầm tính đến năm 2022, con số này sẽ tăng lên 440 chiếc vào cuối thập niên này, theo một báo cáo năm 2022 của Ngũ Giác Đài.
“Tôi không nghĩ ông Kennedy hiểu hết được mức độ nghiêm trọng của việc xu thế này đang nhanh chóng chuyển hướng sang một cuộc đối đầu quân sự, vốn không phải do chúng ta tạo ra,” ông Mills nói. “Các nhà máy sản xuất vũ khí của họ đang hoạt động mạnh, của chúng ta thì đang không làm gì.”
Các chính sách giao thiệp thất bại
Ông Grant Newsham, một đại tá Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã về hưu và là thành viên cao cấp tại Diễn đàn Nghiên cứu Chiến lược Nhật Bản, lưu ý rằng những gì ông Kennedy ủng hộ là “chính sách của Hoa Kỳ trong hầu hết 50 năm qua cho đến khi ông Donald J. Trump xuất hiện.”
Ông nói với The Epoch Times trong một bức thư điện tử rằng: “Những gì chúng ta đã làm là tạo thuận tiện cho CHND Trung Hoa — và, trên thực tế, dỗ dành CHND Trung Hoa với kỳ vọng rằng nước này sẽ tự do hóa và trở thành một ‘bên liên quan có trách nhiệm’ — và không phải là mối đe dọa đối với bất kỳ ai.” Ông cho biết một phần của sự trợ giúp đó bao gồm việc “chuyển một phần lớn hoạt động sản xuất của chúng ta sang Trung Quốc — và khiến hàng triệu người Mỹ mất việc làm” trong khi cho phép quân đội Trung Quốc phát triển.
Chính phủ Tổng thống Trump chuyển sang áp dụng một lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc. Mặc dù quay trở lại chính sách giao thiệp và đối thoại sẽ chính là điều mà Bắc Kinh mong muốn, ông Newsham, một cộng tác viên của Epoch Times, cho biết.
“Những người cộng sản Trung Quốc đã rất may mắn trong những năm qua khi có nhiều người Mỹ ở những vị trí có ảnh hưởng đã ngây thơ hoặc cố ý làm giảm lợi ích của Mỹ và cho phép Trung Quốc phát triển thành một mối đe dọa hàng đầu đối với Hoa Kỳ và thế giới tự do,” ông nói. “Quân đội Trung Quốc đã tiến hành xây dựng quy mô lớn nhất, nhanh nhất trong lịch sử (phần lớn được tài trợ bởi dollar Mỹ) — mặc dù không phải đối mặt với kẻ thù nào.”
Ông Newsham đã đặt câu hỏi làm thế nào để mối quan hệ kinh tế của Hoa Kỳ với Trung Quốc có thể là “đôi bên cùng có lợi,” trong khi dẫn ra việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới với sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ vào năm 2001 đã không ép được Bắc Kinh mở cửa nền kinh tế của họ.
“Trung Quốc được phép gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới mặc dù không đáp ứng bất kỳ yêu cầu nào. Họ hứa sẽ tuân thủ các quy định nhưng vẫn chưa thực hiện, và họ không có dấu hiệu tuân thủ,” ông nói, mô tả chiến lược quốc gia của Bắc Kinh là “thống trị mọi ngành quan trọng — và đạt được mục tiêu đó bằng mọi cách có thể.”
Ông Newsham cho là niềm tin rằng Bắc Kinh muốn có hòa bình và thịnh vượng hơn là một cuộc xung đột quân sự là sai lầm lớn nhất, đồng thời lưu ý rằng trên các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc và các thông cáo chính thức, chính quyền cộng sản này đã nói rõ về tham vọng đảo ngược trật tự thế giới do Hoa Kỳ lãnh đạo.
“Nếu không có sự giúp đỡ của Mỹ, Đài Loan sẽ chỉ có thể thương lượng các điều khoản đầu hàng Bắc Kinh. Hãy để Đài Loan nằm dưới sự kiểm soát của ĐCSTQ và châu Á sẽ chuyển sang màu đỏ chỉ sau một đêm, và không một quốc gia nào ở bất cứ đâu còn tin vào những lời hứa bảo vệ của Mỹ quốc — hay khả năng của Hoa Kỳ trong việc chống lại sự xâm lược của Trung Quốc.”
Cả ông Newsham và ông Mills đều không cho là chính xác khi tuyên bố rằng Hoa Kỳ “gần như đơn độc” khi đối đầu các mối đe dọa từ Trung Quốc.
“Đó là những lực lượng quân sự hàng đầu nằm ngoài tầm ảnh hưởng của Trung Quốc,” ông Mills nói khi ông lướt qua các quốc gia trong danh sách của ông Kennedy, lưu ý rằng Ấn Độ, quốc gia đã cứng rắn hơn với Trung Quốc kể từ sau các cuộc đụng độ biên giới tang tóc, có thể sẽ đứng về phía Hoa Kỳ.
Và trái ngược với lập luận của ông Kennedy rằng chi tiêu quân sự của Hoa Kỳ là quá mức, thì Hoa Kỳ cần sẵn sàng về mặt quân sự, ông Mills cho biết.
Khi “đối mặt với một nhà nước toàn trị hiếu chiến, thì chúng ta càng chuẩn bị kỹ lưỡng thì càng ít có khả năng xảy ra chiến tranh,” ông nói.
Và ông Newsham lưu ý rằng bất cứ hành động nào mà Hoa Kỳ thực hiện đều đang là tấm gương cho phần còn lại của thế giới.
Ông nói: “Mọi người ở khắp mọi nơi đang trông đợi Hoa Kỳ lãnh đạo chống lại CHND Trung Hoa [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] và chế độ cộng sản hiếu chiến, toàn trị của nước này.”
Ông Newsham giữ quan điểm rằng “chúng ta không nên làm gì có lợi” về mặt kinh tế cho chế độ cộng sản của Trung Quốc, “điều này thực sự sẽ tăng cường cho kẻ thù tìm cách tiêu diệt chúng ta.”
Và thay vì Hoa Kỳ tìm cách đối thoại với Trung Quốc, thì ông Newsham tin rằng một hành động như vậy nên xuất phát từ đầu bên bên kia.
“Nếu như Trung Quốc muốn nói chuyện với chúng ta, họ biết số điện thoại mà,” ông nói. “Và đây nên là bản chất của mối quan hệ của chúng ta cho đến khi Trung Quốc được một chính phủ được đồng thuận bầu ra điều hành và có một số dấu vết thực sự về các quyền cá nhân và tự do cá nhân ở nước này.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times