ĐCSTQ định mở căn cứ gián điệp ở Cuba, Hoa Kỳ tìm cách gửi phi cơ không người lái đến Đài Loan
Nhà lập pháp mô tả đây là một cuộc ‘Chiến tranh Lạnh mới’
Nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc được cho là đang chuẩn bị thiết lập một căn cứ gián điệp ở Cuba, trong khi đó Hoa Kỳ lại đang tìm cách gửi phi cơ không người lái và thông tin tình báo theo thời gian thực đến Đài Loan. Một nhà lập pháp Hoa Kỳ đã mô tả tình hình này là một cuộc “Chiến tranh Lạnh mới.”
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), vốn đang cai trị Trung Quốc như là một quốc gia độc tài độc đảng, đã đạt được một thỏa thuận bí mật với chế độ cộng sản của Cuba để thành lập một căn cứ gián điệp ở đó.
Được đưa tin lần đầu bởi Tạp chí Wall Street Journal, vốn chỉ trích dẫn các nguồn ẩn danh, căn cứ này sẽ được chính quyền cộng sản sử dụng và có thể bao gồm các hoạt động như nghe lén các cuộc gọi điện thoại, thư điện tử, và liên lạc vệ tinh của Mỹ.
Cơ sở được đề xướng này sẽ được xây dựng cách bờ biển Florida chưa đầy 100 dặm (160.93 km), có khả năng cho phép nhà cầm quyền nước này thu thập bất hợp pháp thông tin liên lạc điện tử từ một vùng rộng lớn ở đông nam Hoa Kỳ, bao gồm các tàu đi qua và các cơ sở quân sự.
Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã không đưa ra cách giải quyết trực tiếp đối với các cáo buộc trong bản tin kể trên nhưng nói với The Epoch Times rằng bộ đang theo dõi và làm việc để chống lại các nỗ lực của ĐCSTQ nhằm phát triển cơ sở hạ tầng quân sự ở khu vực Tây Bán cầu này.
Vị phát ngôn viên này cho biết trong một thư điện tử, “Chúng tôi không thể nói về thông tin cụ thể này, chúng tôi nhận thức rõ — và đã nói nhiều lần về — những nỗ lực của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nhằm đầu tư vào cơ sở hạ tầng trên khắp thế giới mà có thể ôm giữ mục đích quân sự, bao gồm cả ở trong bán cầu này.”
“Chúng tôi theo dõi tình hình này chặt chẽ, thực hiện các bước để chống lại hoạt động đó, và vẫn tự tin rằng chúng tôi có thể đáp ứng tất cả các cam kết an ninh của mình ở trong nước, trong khu vực, và trên toàn thế giới.”
Bản tin của Wall Street Journal trích dẫn các quan chức ẩn danh nói rằng ĐCSTQ đã đồng ý trả cho Cuba hàng tỷ dollar để đổi lấy cơ hội xây dựng căn cứ gián điệp ở sân sau của Mỹ.
Hành động này là một thách thức trực tiếp đối với an ninh của Hoa Kỳ và khiến người ta liên tưởng đến cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba năm 1962. Khi đó, Liên Xô đã khai triển các hỏa tiễn có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tới Cuba. Hoa Kỳ đáp trả bằng cách “cách ly” quốc đảo này.
Cuộc khủng hoảng đó được xem là cuộc đối đầu trực tiếp đẩy hai cường quốc này tới bờ vực cận kề chiến tranh hạt nhân. Tuy nhiên, hai quốc gia này cuối cùng đã lùi bước, cụ thể là Liên Xô đã rút hỏa tiễn khỏi Cuba và Hoa Kỳ rút hỏa tiễn khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.
Hoa Kỳ đã không nối lại quan hệ ngoại giao với Cuba từ khi mối bang giao này bị cắt đứt vào năm 1961, cho đến khi chính phủ cựu Tổng thống Obama xóa tên quốc gia này khỏi danh sách Nhà nước Tài trợ Khủng bố vào năm 2015.
Hoa Kỳ gửi phi cơ không người lái, thiết bị tình báo đến Đài Loan
Trong khi ĐCSTQ chuyển sang do thám trực tiếp trong nội địa Hoa Kỳ, thì Hoa Kỳ lại đang tìm cách sắp đặt các tài sản an ninh mới đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Theo một bản tin mới của tờ Financial Times, quốc gia này dự kiến sẽ cung cấp bốn phi cơ không người lái cho Đài Loan, và sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động chia sẻ thông tin tình báo theo thời gian thực giữa ba cường quốc.
General Atomics, một nhà thầu quốc phòng, sẽ giao bốn phi cơ không người lái MQ-9B SeaGuardian cho Đài Loan vào năm 2025. Kết hợp với chương trình chia sẻ thông tin tình báo, khả năng này sẽ cải thiện đáng kể khả năng của Đài Loan trong việc định vị, theo dõi, và tiêu diệt các tàu có thái độ thù địch trong trường hợp xảy ra chiến tranh với Trung Quốc.
Các lực lượng của Đài Loan sẽ được huấn luyện về cách sử dụng hệ thống này cùng với các đối tác Mỹ và Nhật Bản.
Khả năng này cũng sẽ mang lại cho hòn đảo này một cái nhìn sáng suốt độc nhất về các hoạt động quân sự của ĐCSTQ xung quanh hòn đảo và khắp chuỗi đảo thứ nhất trải dài từ bắc xuống nam vốn ngăn cách Trung Quốc với khu vực Thái Bình Dương rộng mở.
Việc liên kết trực tiếp Đài Loan vào các khả năng của Hoa Kỳ và đồng minh có thể bị ĐCSTQ xem là một hành động leo thang. Họ có thể trả đũa bằng các biện pháp kinh tế và ngoại giao chống lại hòn đảo này, Hoa Kỳ, hoặc Nhật Bản.
ĐCSTQ tuyên bố rằng Đài Loan là một tỉnh nổi loạn của Trung Quốc, mặc dù chế độ này chưa từng kiểm soát vùng lãnh thổ đó. Các nhà lãnh đạo cộng sản đã tuyên bố sẽ hợp nhất hòn đảo này với đại lục bằng mọi cách cần thiết, và đã trực tiếp đe dọa chiến tranh để đạt được mục đích này.
Đài Loan tự hào có một chính phủ dân chủ mạnh mẽ và một nền kinh tế thị trường thịnh vượng.
Hoa Kỳ chính thức công nhận lập trường của ĐCSTQ nhưng không tán thành quan điểm này. Thay vào đó, quốc gia này chỉ duy trì các mối bang giao không chính thức với Đài Loan đồng thời duy trì Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979, trong đó cam kết rằng họ sẽ cung cấp cho hòn đảo này các loại vũ khí cần thiết để tự vệ.
Hoa Kỳ đã xích lại gần Đài Loan hơn trong những năm gần đây và hiện đưa một số lượng binh lính hạn chế đến hòn đảo này để huấn luyện các lực lượng ở địa phương, ngay cả khi ĐCSTQ tăng cường các nỗ lực quân sự để đe dọa hòn đảo này.
Tổng thống Biden tìm kiếm các cuộc đàm phán với ĐCSTQ
Mặc dù phản ứng của ĐCSTQ đối với việc gửi phi cơ không người lái mới đến Đài Loan chắc chắn là thù địch, nhưng vẫn chưa rõ chính phủ Tổng thống Biden sẽ phản ứng thế nào trước hoạt động xây dựng căn cứ gián điệp ĐCSTQ ở Cuba, nếu có.
Chính phủ ông Biden hiện đang tham gia vào một chiến dịch giao thiệp với ĐCSTQ trên phương diện ngoại giao và đã liên tục tìm kiếm các cuộc đàm phán với chế độ này, ngay cả khi hành động gây hấn của ĐCSTQ đối với Hoa Kỳ tiếp tục gia tăng. Trong khi đó, ĐCSTQ đã cắt đứt hầu như toàn bộ các đường dây liên lạc giữa quân đội hai nước.
Giám đốc CIA William Burns đã đến Bắc Kinh trong một chuyến công du bí mật hồi tháng trước như một phần trong các nỗ lực của chính phủ. Chính phủ Hoa Kỳ cũng cử ông Daniel Kritenbrink, trợ lý ngoại trưởng đặc trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, đến Bắc Kinh hôm 04/06, ngày tưởng niệm vụ Thảm sát Thiên An Môn. Chủ tịch Ủy ban Đặc biệt về ĐCSTQ Mike Gallagher (Cộng Hòa-Wisconsin) đã chỉ trích chuyến đi này là một “hành động xúc phạm” và khinh thường các nạn nhân của nhà cầm quyền Trung Quốc.
Ngoại trưởng Antony Blinken cũng được cho là sẽ sớm thực hiện chuyến công du tới Bắc Kinh, hoàn thành chuyến đi ưu tiên của chính phủ ông Biden vốn đã tạm thời bị hủy bỏ khi chế độ này đưa khinh khí cầu do thám vào không phận Hoa Kỳ hồi tháng Hai.
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times