Đặc phái viên Nga cho biết sẽ có cuộc họp giữa ông Blinken và ông Lavrov tại Liên Hiệp Quốc
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov chuẩn bị gặp người đồng cấp Hoa Kỳ Antony Blinken trong chuyến thăm sắp tới đến New York, đại diện thường trực của Moscow tại tổ chức thế giới này cho biết hôm 04/04.
Được hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời, ông Vasily Nebenzya cho biết cuộc gặp này sẽ phụ thuộc vào “nơi Ngoại trưởng Blinken sẽ ở vào thời điểm đó cũng như khả năng và sự sẵn lòng của ông ấy để gặp ngoại trưởng của chúng tôi.”
Ông Nebenzya cho biết nếu đề nghị này nhận được một phản hồi khả quan, thì ông Lavrov — người sẽ có mặt ở New York vào ngày 24/04 — “sẽ sẵn sàng gặp Ngoại trưởng Blinken.”
Đầu tháng trước, ông Blinken và ông Lavrov đã có cuộc gặp ngắn bên lề hội nghị G20 ở New Delhi.
Đó đã là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà ngoại giao hàng đầu kể từ khi Nga xâm lược Ukraine hơn một năm trước — nhưng cuộc gặp đó đã không mang lại bất kỳ bước đột phá nào.
Trong một tuyên bố được đưa ra sau đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết họ không có kế hoạch ngắn hạn nào để tham gia vào các cuộc thảo luận cao cấp nhất với Moscow.
Khi được hỏi về đề nghị của Nga về một cuộc gặp ở New York, một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nói với The Epoch Times: “Chúng tôi không có bất kỳ kế hoạch nào để Ngoại trưởng Blinken gặp Ngoại trưởng Lavrov ở New York ngay bây giờ.”
Kyiv: Tình hình ở Bakhmut vẫn chưa được định đoạt
Lời đề nghị tổ chức một hội nghị thượng đỉnh ngoại giao nói trên được đưa ra sau các tuyên bố chiến thắng của Nga tại thành phố Bakhmut, một trung tâm giao thông then chốt của Ukraine ở khu vực Donetsk phía đông.
Trong bối cảnh giao tranh ác liệt trong nhiều tháng, việc Bakhmut thất thủ có thể sẽ làm gián đoạn các tuyến tiếp tế của Ukraine và mở đường cho một cuộc tiến công của quân Nga về phía tây bắc.
Hôm 02/04, ông Yevgeny Prigozhin đã tuyên bố các chiến binh Wagner đã chiếm được trụ sở hành chính của thành phố này. Ông Prigozhin lãnh đạo Nhóm Wagner, một lực lượng bán quân sự liên kết với Điện Kremlin đang dẫn đầu các chiến dịch của Nga ở Donetsk.
Tuy nhiên, các quan chức ở Kyiv đã phản đối tuyên bố này, nói rằng trung tâm Bakhmut vẫn là nơi giao tranh ác liệt.
“Bakhmut là của Ukraine,” ông Serhiy Cherevatyi, một phát ngôn viên của Bộ chỉ huy quân sự đông Ukraine, cho biết hôm 03/04. “Họ [quân Nga] chưa chiếm được bất cứ thứ gì, và họ không đời nào làm được điều đó.”
The Epoch Times không thể kiểm chứng các đánh giá về chiến trường do hai bên đưa ra.
Tuy nhiên, bộ tổng tham mưu quân đội Ukraine đã thừa nhận rằng Bakhmut là “tâm điểm của các chiến dịch” hiện nay.
Cũng có thông tin xác thực rằng giao tranh vẫn đang tiếp diễn ở Avdiivka và Maryinka phía nam Bakhmut.
Những ngày gần đây có rất ít dấu hiệu về một cuộc phản công lớn của Ukraine, vốn đã được suy đoán trong nhiều tuần này, ở Donetsk hay khu vực phía nam Zaporizhzhiya.
Tháng 09/2022, Nga tuyên bố đã sáp nhập cả hai khu vực nói trên, cùng với hai khu vực khác. Theo Moscow, hành động này nhằm bảo vệ những người nói tiếng Nga bản địa khỏi sự lạm dụng của chính phủ Kyiv thân phương Tây.
Kyiv và các đồng minh phương Tây bác bỏ những tuyên bố đó, nói rằng cuộc xâm lược của Nga — và các cuộc sáp nhập sau đó — là một cuộc chiến tranh xâm lược bất hợp pháp.
Phương Tây muốn có ‘mặt trận thứ hai,’ theo nguồn tin tình báo
Trong khi đó, tại lĩnh vực địa chính trị, người đứng đầu cơ quan tình báo ngoại quốc của Nga đã cáo buộc rằng các cường quốc phương Tây đang tìm cách thúc đẩy Tbilisi (thủ đô của Georgia) mở ra một “mặt trận thứ hai” chống Nga.
Hôm 04/04, ông Sergey Naryshkin tuyên bố đã có “những nỗ lực bền bỉ” của Hoa Thịnh Đốn, Brussels, và London nhằm “thuyết phục giới lãnh đạo Georgia mở một cái gọi là mặt trận thứ hai.”
Ông nói trong cuộc hội đàm với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, “Họ [các cường quốc phương Tây] thấy tình hình trên chiến trường không có lợi cho Ukraine.”
Được TASS dẫn lời, ông Naryshkin đã tuyên bố rằng các cường quốc phương Tây đang khuyến khích Tbilisi cố gắng tái khẳng định quyền kiểm soát đối với các khu vực Abkhazia và Nam Ossetia đang tranh chấp.
Năm 2008, Nga đã chiến đấu — và giành chiến thắng — trong một cuộc chiến ngắn ngủi với Georgia để giành hai khu vực ở South Caucasus. Tbilisi, và hầu hết các nước phương Tây, xem cả hai khu vực đó là của Georgia; trong khi đó, Moscow công nhận hai vùng này là những nước cộng hòa độc lập.
Tháng trước (03/2023), hàng ngàn người đã xuống đường ở Tbilisi để phản đối dự luật mà họ cho là do Nga xúi giục đồng thời đe dọa mối bang giao giữa Georgia và EU.
Sau ba ngày biểu tình, Quốc hội Georgia đã rút lại dự luật đó, vốn có mục đích hạn chế sự can thiệp của ngoại quốc vào xã hội dân sự địa phương.
Vào thời điểm đó, ông Lavrov cho rằng những cuộc biểu tình này là do ngoại quốc dàn dựng, so sánh sự kiện này với “Cách mạng Maidan” năm 2014 ở Ukraine.
Moscow cho rằng cuộc nổi dậy năm 2014 ở Kyiv — lật đổ chức vụ của tổng thống Ukraine thân Nga — là một “cuộc đảo chính” do Hoa Thịnh Đốn hậu thuẫn nhằm vào một nhà lãnh đạo được bầu cử một cách dân chủ.
Trong các bình luận trên truyền hình, ông Lavrov đã tuyên bố dự luật được đề nghị này đang được sử dụng như một cái cớ để “nỗ lực thay đổi chế độ.”
Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao đã mô tả những tuyên bố này — của cả ông Naryshkin lẫn ông Lavrov — là một “luận điệu thông tin sai lệch phổ biến hiện nay.”
Bản tin có sự đóng góp của Reuters
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times