Chuyên gia: Trung Quốc sử dụng cách tiếp cận đa hướng để chế ngự nghị trình chính sách ngoại giao của Liên Hiệp Quốc
Hôm 17/03, Hoa Kỳ và các đồng minh của họ đã phải đối mặt với một sự phong tỏa của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc khi họ cố gắng làm nổi bật tình hình nhân quyền nghiêm trọng và sự đàn áp ngày càng gia tăng ở Bắc Hàn.
Nga đã cùng tham gia với Trung Quốc trong điều mà các nhà phân tích ngày càng xem là một xu hướng phá hoại nhiều mặt đối với Liên Hiệp Quốc – các nguyên tắc, thông lệ, và các tổ chức của Liên Hiệp Quốc.
Các chuyên gia đã nói với The Epoch Times rằng các hoạt động của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc là một chiến lược được cân nhắc kỹ lưỡng nhằm định hình cơ quan quốc tế này vì các mục đích của Trung Quốc và thách thức vai trò lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ.
“Là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc luôn lợi dụng vị thế của mình để sử dụng quyền phủ quyết hoặc để cản trở các nghị quyết quan trọng hoặc ủng hộ các nghị quyết đó để lợi dụng chính trị mà họ cảm thấy có thể đại diện cho lợi ích quốc gia của mình,” Tiến sĩ Jagannath Panda, Giám đốc Trung tâm Stockholm về các vấn đề Nam Á và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tại Viện Chính sách An ninh và Phát triển (ISDP) tại Thụy Điển, cho biết.
Lần phủ quyết hồi tháng trước không phải là lần đầu tiên Trung Quốc và Nga ủng hộ Bắc Hàn. Năm ngoái (2022), hai nước đồng minh này đã sử dụng quyền phủ quyết của mình để không cho phép thông qua một nghị quyết thắt chặt trừng phạt đối với Bắc Hàn vì các vụ phóng hỏa tiễn đạn đạo gần đây của nước này.
Trung Quốc, nhà tài trợ lớn thứ hai cho Liên Hiệp Quốc sau Hoa Kỳ, đã và đang làm những điều tương tự ở những nơi khác. Theo Mạng lưới Nhân quyền Syria (SNHR), nước này đã liên tục giải cứu chính quyền Syria và, cho đến năm 2020, đã 16 lần phủ quyết các dự thảo nghị quyết nghiêm khắc và có khả năng hiệu quả nhất của Hội đồng Bảo an nhằm ngăn chặn chính phủ Syria.
Nga đã tham gia vào những lần phủ quyết đó, mà SNHR cáo buộc đã góp phần khiến một phần tư triệu người Syria thiệt mạng.
Hai nước đồng minh này đã phủ quyết hai nghị quyết liên quan đến Syria tại Hội đồng Bảo an hồi tháng 07/2020 và chặn việc bổ nhiệm một công dân Pháp làm đặc phái viên tại Sudan.
Các chuyên gia cho rằng những hành động phủ quyết này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Các hoạt động tự khuếch đại của Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc bao gồm một ma trận phức tạp có các yếu tố như tăng tài trợ của Trung Quốc cho các bộ phận, chương trình, và sáng kiến của Liên Hiệp Quốc; bổ nhiệm người Trung Quốc vào các vị trí cấp điều hành, mang tính chiến lược; và đẩy mạnh hơn nữa sự kiểm soát của ban lãnh đạo đối với một số cơ quan có ảnh hưởng nhất.
Mục tiêu tầm nhìn ‘Tương lai Chung’ của ông Tập
Điểm cốt lõi trong hoạt động của Trung Quốc trong thập niên vừa qua tại Liên Hiệp Quốc là tầm nhìn quản trị toàn cầu “Tương lai Chung”. Đây một cách tiếp cận lấy Trung Quốc làm trung tâm được ông Tập Cận Bình công bố lần đầu tiên vào ngày 18/10/2022 vì một “cộng đồng cùng chung vận mệnh của nhân loại.” Kể từ đó, ông Tập đã trình bày một cách có hệ thống tầm nhìn này trong nhiều dịp khác nhau và tại nhiều diễn đàn, trong đó có hai bài diễn văn tại Liên Hiệp Quốc hồi năm 2015 và 2017.
Các nhà phân tích cho biết tầm nhìn này hình thành bản kế hoạch chi tiết cho cuộc chiến phi hỏa lực giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tại các diễn đàn và tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc để [xây dựng] một hệ thống toàn cầu viễn tưởng.
Hai chuyên gia Courtney J. Fung và Shing-hon Lam cho biết trong một phân tích cho Viện Lowy hồi cuối năm ngoái (2022) rằng Trung Quốc đang sử dụng tầm nhìn quản trị toàn cầu ‘tương lai chung’ để cải tổ hệ thống Liên Hiệp Quốc từ bên trong — một nghị trình mà theo hai chuyên gia này, “đang hạ thấp các giá trị phổ quát để ủng hộ tính vượt trội của các quốc gia.”
Tầm nhìn quản trị toàn cầu Tương lai Chung của Trung Quốc gồm có ba đề xướng: Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI), Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI), và Sáng kiến Văn minh Toàn cầu (GCI), theo ông Lý Cường, Tổng lý Quốc vụ viện Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
“Những sáng kiến này là đề nghị của Trung Quốc về phát triển và quản trị toàn cầu,” ông Lý Cường tuyên bố tại Phiên khai mạc Toàn thể Diễn đàn Bác Ngao cho Hội nghị Thường niên Á Châu hôm 30/03.
Tuy nhiên, bà Fung và ông Lam nói rằng dưới sự hướng dẫn của “Tương lai Chung”, Trung Quốc đang cố gắng thực hiện cách tiếp cận chính sách ngoại giao của mình trong nội bộ Liên Hiệp Quốc và dựa trên hệ thống Liên Hiệp Quốc.
Hai chuyên gia nói trên của Viện Lowy cho biết: “Khái niệm ‘tương lai chung’ của CHND Trung Hoa là mơ hồ một cách có chủ đích và bao hàm tất cả như một tầm nhìn nhằm thể hiện tính vượt trội của hệ thống độc tài của Trung Quốc so với các hệ thống dân chủ.
Ông Lý đã nói về “hợp tác Vành đai và Con đường” (BRI), mà ông mô tả là “chất lượng cao” trong bối cảnh “tương lai chung” và khoe rằng điều đó đã giúp các nước đang phát triển đạt được “sự phát triển nhanh hơn” và mở ra không gian mới cho sự tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.
Ông Rahul Sur, một cựu quan chức Liên Hiệp Quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm 20/03 rằng Bắc Kinh đã “gắn kết” BRI với các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) để giành ảnh hưởng và quyền lực.
Mới đây, ông Sur đã nói trong cuộc phỏng vấn với tác giả Rajiv Malhotra trên “Infinity Foundation” rằng tất cả các tổ chức của Liên Hiệp Quốc đều cam kết thực hiện SDG để những quốc gia này tiến bộ. Ông đã làm việc với LHQ trong hơn hai thập niên và giữ các chức vụ quan trọng, bao gồm Trưởng phòng Đánh giá Gìn giữ Hòa bình tại Văn phòng Dịch vụ Giám sát Nội bộ, và Trưởng phòng Hành xử và Kỷ luật tại Văn phòng Đại diện Đặc biệt của Tổng Thư ký (SRSG) trong phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc tại Haiti.
Ông cho biết, “Và Trung Quốc lập luận rằng nếu quý vị tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường, thì quý vị sẽ tiến nhanh hơn tới các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Đó là đường dây quảng bá của Trung Quốc, đó là chiêu trò quảng bá của họ.” Ông nói thêm rằng trong bối cảnh này, BRI nhận được sự tán thành chính sách toàn cầu và thậm chí Tổng thư ký [Liên Hiệp Quốc] đã ca ngợi Bắc Kinh về “sự hợp tác quốc tế và chủ nghĩa đa phương.”
Tuy nhiên, ông Sur nói rằng sự tán thành chính sách toàn cầu đối với BRI theo SDP không xem xét đến lời cảnh báo của Trung tâm Phát triển Toàn cầu và các đánh giá chính sách của chuyên gia khác về việc BRI không bền vững đối với một số quốc gia vì rủi ro nợ nần.
Ông đang nói về một bài báo (pdf) của ông John Hurley, ông Scott Morris, và bà Gailyn Portelance đã nghiên cứu 68 quốc gia BRI và phát hiện ra rằng 23 quốc gia có nguy cơ lâm vào cảnh nợ nần vào thời điểm nghiên cứu, trong khi đó, có tám quốc gia đã lâm vào cảnh nợ nần do vấn đề tài chính liên quan đến BRI.
Bà Fung và ông Lam nói rằng tình hình chung nghiêng về việc Hoa Kỳ ngày càng trở nên “dựa dẫm” hơn vào người Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc về những đóng góp chung. Đồng thời, Bắc Kinh sử dụng “sự kết hợp của các đòn bẩy” để nâng cao vị thế của mình trong cơ quan quốc tế này.
Ông Brandon J. Weichert, một nhà phân tích địa chính trị sinh sống tại Hoa Kỳ đồng thời là tác giả của cuốn sách “Winning Space: How America Remains a Superpower” (Chiến Thắng Không Gian: Cách Nước Mỹ Duy Trì Vị Trí Siêu Cường) nói với The Epoch Times rằng Liên Hiệp Quốc hoàn toàn bị tổn hại bởi “ảnh hưởng độc hại của Trung Quốc.” Ông cũng cho biết rằng cuộc chiến địa chính trị giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có thể thể hiện đầy đủ tại Liên Hiệp Quốc.
Ông Weichert cáo buộc, “Người Trung Quốc đang bao vây Hoa Kỳ trong một chiến lược ngăn chặn đảo ngược so với Chiến Tranh Lạnh. Trung Quốc đang đảm nhận vai trò của Mỹ, và đáng buồn thay, Hoa Kỳ dường như đang đảm nhận vai trò của Liên Xô.”
Ông đưa ra cảnh báo rằng những trận chiến đầu tiên trong “cuộc chiến phi hỏa lực” này giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đối với tương lai của hệ thống thế giới sẽ được tiến hành trong “những hội trường hoàn toàn trong sạch” của Liên Hiệp Quốc và các cơ quan quốc tế khác.
Kinh phí được tăng lên
Các chuyên gia cho biết việc Trung Quốc tăng cường tài trợ cho Liên Hiệp Quốc, cũng như các tổ chức và sáng kiến của cơ quan này là điều được đặt lên hàng đầu khi Bắc Kinh tìm kiếm một vai trò lãnh đạo quốc tế trong bối cảnh Hoa Kỳ tiếp tục trì hoãn việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính của mình đối với tổ chức này.
Ông Weichert nói: “Trung Quốc đã chi rất nhiều tiền và mất nhiều năm để đặt nền móng cho việc âm thầm tiếp quản Liên Hiệp Quốc (và các tổ chức quốc tế khác mà Hoa Kỳ thành lập sau chiến thắng của họ trong Đệ nhị Thế chiến).”
Bởi vì tài trợ của các quốc gia thành viên cho các cơ quan của Liên Hiệp Quốc được thực hiện dưới hình thức “các khoản thanh toán tự nguyện và được tiếp cận,” nên với nền kinh tế đang phát triển của mình, phần đóng góp của Trung Quốc cho Liên Hiệp Quốc đã tăng nhanh từ 2% năm 2000 lên 15.25% vào năm 2022 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong thập niên tới, theo một bản báo cáo của ông Andrew Hyde gửi cho Trung tâm The Stimson.
Mặt khác, theo luật quốc tế, Hoa Kỳ có nghĩa vụ phải trả 27.89% ngân sách của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tính đến cuộc tranh luận trong nước về khoản đóng góp này, quốc gia này đã tích lũy một khoản nợ lớn là 1 tỷ USD, theo một báo cáo khác của ông Hyde.
Ông Hyde nói: “Mặc dù trong năm vừa qua, chính phủ Tổng thống Biden đã tìm cách tập hợp đủ ý chí chính trị để thanh toán nợ chưa trả đối với các khoản nợ thường xuyên và gìn giữ hòa bình tích lũy của Liên Hiệp Quốc, đồng thời thanh toán đầy đủ sớm hơn trong năm tài chính, nhưng Quốc hội Hoa Kỳ một lần nữa tỏ ra không sẵn lòng cung cấp các khoản tiền cần thiết.”
Ông Hyde cho biết, trong bối cảnh này, mặc dù Bắc Kinh đã đưa ra một lập trường về việc đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của mình, nhưng họ cũng tiếp tục chỉ trích Hoa Kỳ.
Ông Weichert cáo buộc rằng Bắc Kinh dùng tiền để mua ảnh hưởng và hình ảnh, đồng thời nói rằng việc đạt được những điều này đã làm sai lệch các thể chế mà Mỹ xây dựng sau Đệ nhị Thế chiến, vì vậy những điều này phục vụ lợi ích của Trung Quốc, chứ không phải của Mỹ.
Ông Weichert nói: “Chỉ cần nhìn vào cách Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hành xử trong đại dịch COVID-19: họ từ chối quy trách nhiệm cho Trung Quốc về khả năng tạo ra dịch bệnh hoặc che đậy sự bùng phát dịch bệnh. Tại sao? Bởi vì Trung Quốc là nhà từ thiện chính của WHO, và tổ chức này phụ thuộc vào sự hào phóng của Trung Quốc để hoạt động bình thường.”
Theo ông Hyde, Trung Quốc cũng nhanh chóng học hỏi ở Hoa Kỳ về giá trị chiến lược và thực tế của việc tài trợ tự nguyện trong các lĩnh vực quan trọng.
Hồi năm 2016, Bắc Kinh đã hợp tác với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đương thời Ban Ki-Moon để thành lập Quỹ Ủy thác Phát triển và Hòa bình Liên Hiệp Quốc (UNPDF), đồng ý tài trợ cho quỹ này 200 triệu USD đóng góp tự nguyện bổ sung trong 10 năm. Khoản tiền này được chia đều cho một Quỹ phụ về Hòa bình và An ninh — nhằm tài trợ cho các dự án và các hoạt động của Liên Hiệp Quốc liên quan đến việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế — và một Quỹ phụ Nghị trình 2030 vì Sự phát triển Bền vững.
Ông Hyde nói: “UNPDF được nhiều người xem là một tuyên bố mạnh mẽ về sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Liên Hiệp Quốc.”
Cùng với Chánh văn phòng của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Ban chỉ thị của Quỹ này bao gồm Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, đại diện của các Bộ Ngoại giao và Tài chính Trung Quốc, và Phó Tổng thư ký về các vấn đề kinh tế và xã hội mang quốc tịch Trung Quốc.
“Đã có những nghi ngờ về mục tiêu và khả năng tồn tại lâu dài của các dự án thuộc Quỹ này. Đặt nghi vấn về tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của Quỹ này, một số nhà quan sát xem UNPDF là một phương thức trắng trợn để Bắc Kinh mua chuộc ảnh hưởng ở các cấp cao nhất của Liên Hiệp Quốc,” ông Hyde nói.
Tiến sĩ Panda cho biết Trung Quốc cũng sử dụng ảnh hưởng kinh tế của mình tại Liên Hiệp Quốc như một chiến thuật hoạt động để phá hoại nhiều thủ tục tố tụng đa phương của Liên Hiệp Quốc.
Ông Panda nói: “Họ đã ủng hộ hoặc cản trở một cách có chọn lọc các nghị quyết gần với lợi ích toàn cầu rộng lớn hơn của họ. Hình ảnh của Trung Quốc với tư cách là một cường quốc toàn cầu bị nghi ngờ tại nhiều diễn đàn quốc tế, kể cả tại các cơ quan của Liên Hiệp Quốc, vì quốc gia này mâu thuẫn với các nguyên tắc và lý tưởng dân chủ.”
Tuy nhiên, Trung Quốc đã đi vòng quanh các tổ chức quốc tế này. Ông Sur đưa ra một ví dụ: Việc Liên Hiệp Quốc trợ giúp về cấu trúc cho BRI của Trung Quốc đến từ Ban Kinh tế và Xã hội (DESA), và ban này đã nằm dưới sự lãnh đạo của Trung Quốc từ năm 2007.
“Bốn Phó Tổng Thư ký kế nhiệm đều là công dân Trung Quốc. Giờ thì, tại sao chuyện này lại quan trọng? Chuyện này rất quan trọng bởi vì, khi bất kỳ bộ phận nào có sự thay đổi lãnh đạo, thì người kế nhiệm không bao giờ đến từ cùng một quốc gia,” ông Sur nói.
Theo ông Sur, lý do là LHQ là một cơ quan dân sự quốc tế, và không quốc gia nào độc quyền lãnh đạo ở cấp cao. Mặc dù vậy, quyền lãnh đạo DESA vẫn do người Trung Quốc độc quyền vì cơ quan này có liên quan đến BRI, ông Sur cho biết.
Ông Sur cho hay, “Vì vậy, một khi LHQ nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc, thì chúng ta sẽ thấy nhiều điều khác nhau xảy ra. Điều gì xảy ra? Thứ nhất, quý vị sẽ có những tuyên bố chính trị do các phó tổng thư ký này đưa ra, nói rằng Sáng kiến Vành đai và Con đường sẽ dẫn đến toàn cầu hóa tốt hơn, bao trùm hơn, công bằng hơn, và bền vững hơn.” Ông cũng nói thêm rằng toàn bộ luận điệu này hoạt động như một hiệu ứng gợn sóng qua các hành lang và cấp bậc của Liên Hiệp Quốc và trên truyền thông.
“Họ cũng đưa ra những nhận xét rất thiếu phê phán khi ca ngợi Trung Quốc một cách quá mức về những gì mà sáng kiến Vành đai và Con đường đã làm được. Vì vậy, dường như hệ thống Liên Hiệp Quốc đang ủng hộ BRI – trong việc quảng bá tuyến bán hàng của Trung Quốc.”
Ông Weichert nói rằng Trung Quốc sử dụng các hoạt động gây ảnh hưởng tương tự để giảm nhẹ rủi ro mà một cuộc thảo luận toàn cầu về việc Trung Quốc vi phạm nhân quyền gây ra cho sự ổn định và quyền lực lâu dài mà ĐCSTQ nắm giữ ở trong nước — và có thể có ở ngoại quốc.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times