Cựu Thủ hiến Quần đảo Solomon phản đối Bắc Kinh cảnh báo về những hiểm họa khi giao thiệp với chế độ cộng sản
Ông Daniel Suidani, một cựu thủ hiến tỉnh của Quần đảo Solomon đã bị cách chức vì đứng lên chống lại sự can thiệp ngoại quốc của Bắc Kinh, nói rằng các quốc gia cần phải rất cẩn thận khi giao thiệp với các chế độ cộng sản vì họ không chia sẻ cùng các giá trị như những nơi khác trên thế giới.
“[Hệ tư tưởng] của chủ nghĩa cộng sản, … những người này là người vô thần. Họ không tin vào Chúa. Chúng ta cần phải rất lưu tâm đến điều này bởi vì chúng ta sẽ có tình bằng hữu với ai đó có những giá trị và nguyên tắc khác. Vì vậy, chúng ta cần hết sức cẩn thận và người dân cần hiểu ra trước khi dính líu đến bất cứ điều gì với ĐCSTQ [Đảng Cộng sản Trung Quốc],” ông Suidani, cựu thủ hiến của tỉnh Malaita, tỉnh đông dân nhất ở Quần đảo Solomon, nói với The Epoch Times.
Tháng 10/2019, ông Suidani đã ban hành “Thông cáo Auki” từ văn phòng thủ hiến, một tài liệu được ban hành để ngăn chặn các hoạt động can thiệp và gây ảnh hưởng của ĐCSTQ. Thông cáo đó cũng khẳng định các quyền và quyền tự do căn bản của người dân Malaita, bao gồm cả quyền tự do tôn giáo và niềm tin vào Chúa, đồng thời bác bỏ “ĐCSTQ và các hệ thống chính thức dựa trên hệ tư tưởng vô thần của họ.”
Ngoài ra, chính phủ của ông Suidani đã cấm các nhà đầu tư mới có bất kỳ mối liên hệ nào với ĐCSTQ hoạt động trong tỉnh này. Thông cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên và chủ quyền của Malaita khỏi “các nhà đầu tư bảo thủ và bóc lột”, trong đó có việc bảo vệ môi trường tự nhiên của tỉnh khỏi sự phát triển vô hạn độ của các công ty có liên hệ với ĐCSTQ chẳng hạn như khai thác gỗ từ các cánh rừng.
Nhưng những nỗ lực dũng cảm của ông không được lòng chính phủ của Thủ tướng Manasseh Sogavare, chính phủ này đã áp dụng một loạt các chính sách trong vài năm vốn qua xoay trục chính sách đối ngoại của nước này gần hơn với Bắc Kinh.
Hướng đi này bao gồm cả quyết định hồi tháng 09/2019 nhằm cắt đứt quan hệ ngoại giao với chính phủ dân chủ Đài Loan — vốn có xung đột trong quá khứ với chế độ cộng sản ở Bắc Kinh — và thay vào đó công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) là chính quyền hợp pháp của Trung Quốc.
Đổi lại, chính phủ Đài Loan đã chấm dứt quan hệ ngoại giao với quốc đảo ở tây nam Thái Bình Dương này, chỉ trích quyết định của ông Sogavare coi thường 36 năm hợp tác giữa Quần đảo Solomon và Đài Loan.
Ông Suidani phải đối mặt với những hậu quả vì sự bất tuân của mình và bị cách chức trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm gây tranh cãi hồi tháng 02/2023. Một bài báo đăng trên tờ báo Ngôi sao Solomon cũng cáo buộc sai sự thật rằng ông thông đồng với chính phủ Đài Loan và Hoa Kỳ để âm mưu ám sát Thủ tướng Sogavare — một hành động mà ông Suidani nói có khả năng cung cấp cho chính phủ lý do để bắt giữ ông.
“Vì lời tuyên truyền này, mà các con tôi rất sợ hãi,” ông Suidani cho biết. “Chúng sợ những điều tiếp tục xảy ra trong đất nước này, đặc biệt là [chính quyền] đang tìm cách để bắt giữ tôi.”
Thao túng giới tinh anh
Khi chính phủ Quần đảo Solomon xích lại gần Bắc Kinh, thì sự can thiệp của ĐCSTQ vào quốc gia này cũng ngày càng gia tăng.
Tháng 08/2022, chính phủ của ông Sogavare đã đồng ý với khoản vay 66 triệu USD (khoảng 90 triệu CAD) từ Trung Quốc để xây dựng 161 tháp viễn thông Huawei trên khắp cả nước. Dự án này bao gồm 24 tháp ở tỉnh Malaita, cuối cùng đã bị ông Suidani từ chối.
Một báo cáo hồi tháng 02/2023, do Tổ chức NGO về Bảo vệ các Nền dân chủ có trụ sở tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn công bố, cho biết ĐCSTQ đã sử dụng một quỹ đen để mua sự ủng hộ của 39 trong số 50 thành viên Nghị viện ở Quần đảo Solomon, đủ để cho phép chính phủ của ông Sogavare hoãn các cuộc bầu cử quốc gia tiếp theo đã định cho năm nay. Chính phủ lập luận rằng việc trì hoãn này là do nhu cầu tập trung vào Thế vận hội Thái Bình Dương sắp tới, được tổ chức tại Honiara, thủ đô của Quần đảo Solomon.
Ông Celsus Talifilu, cố vấn của ông Suidani, cho biết việc ĐCSTQ sử dụng hình thức “thao túng giới tinh anh” là một trong những biện pháp khác nhau để gây ảnh hưởng đến đất nước này.
Ông nói với The Epoch Times rằng, “Có việc thao túng giới tinh anh, có việc sử dụng pháp luật, có việc sử dụng tuyên truyền — những hành động đó hiện đang được sử dụng ở đất nước chúng tôi ở mức độ chưa từng có trước đây.”
Tác động của sự can thiệp ngoại quốc của ĐCSTQ cũng được nhận thấy ở Canada, khi các bản tin gần đây của phương tiện truyền thông tiết lộ việc chế độ này nỗ lực can thiệp vào hai cuộc bầu cử liên bang vừa qua, năm 2019 và năm 2021. Các chiến thuật thao túng giới tinh anh tương tự cũng được sử dụng, vì các nguồn tin an ninh quốc gia cáo buộc rằng tiền tài trợ đã được cung cấp cho ít nhất 11 ứng cử viên liên bang trong cuộc bầu cử năm 2019, theo một bản tin của Global News được xuất bản hồi tháng 11/2022.
Kêu gọi đoàn kết
Ông Suidani, người đã và đang đi khắp Bắc Mỹ trong vài tuần qua và đến Canada hôm 20/05, cho biết ông vẫn kiên định bảo vệ đất nước của mình. Ông cũng kêu gọi người dân ở các cộng đồng khác nhau ở Canada cùng nhau chống lại chính quyền Bắc Kinh.
“Tôi thực sự yêu đất nước của tôi. … Đó chính là lý do tại sao chúng ta cần tiếp tục thông điệp này, về quyền tự do và nền tự do,” ông nói.
“Điều khiến tôi tiếp tục là chúng tôi muốn có quyền tự do giống như người dân Bắc Mỹ có, người dân Đài Loan có. … Chúng tôi muốn trở thành một phần của [các xã hội dân chủ] cùng chia sẻ quyền tự do đó.”
Ông cũng kêu gọi người dân Canada tiếp tục cập nhật thông tin và luôn mạnh mẽ đối mặt với những nỗ lực phá hoại từ các tác nhân ngoại quốc ác ý.
“Chúng ta cần phải cùng nhau đứng lên chống lại những người này theo những cách mà chúng ta có thể cùng nhau tranh đấu vì quyền tự do và nền tự do mà chúng ta mong đợi cho con em chúng ta và con của con em chúng ta,” ông nói.
Bản tin có sự đóng góp của NTV Television
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times