Hoa Kỳ mất vị thế trọng yếu ở Thái Bình Dương khi Trung Quốc giành quyền kiểm soát Quần đảo Solomon
Quần đảo Solomon, một quốc gia chiến lược ở Thái Bình Dương, đang lún sâu hơn vào quỹ đạo của Trung Quốc cộng sản.
Hôm 29/08, chính quyền Quần đảo Solomon đã thông báo cho các quan chức Hoa Kỳ rằng họ đã đình chỉ các chuyến thăm của các tàu quân sự Hoa Kỳ và các nước khác. Tin tức này được đưa ra sau khi cả tuần duyên hạm Hoa Kỳ và tàu hải quân Hoàng gia Anh đều bị từ chối cho phép cập cảng Quần đảo Solomon.
Những diễn biến mới nhất này làm dấy lên lo ngại rằng quốc đảo Thái Bình Dương này đang quay lưng lại với Hoa Kỳ và xích lại gần Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Hôm 20/04, chỉ vài ngày trước khi một phái đoàn Hoa Kỳ dự kiến đến Quần đảo Solomon, Thủ tướng Manasseh Sogavare thông báo rằng nước này đã ký một thỏa thuận an ninh với Trung Quốc. Hiệp ước này đã bị lãnh đạo đối lập địa phương, Matthew Wale, phản đối. Ông cho rằng thỏa thuận này không vì lợi ích tốt nhất của đất nước và đe dọa sự thống nhất quốc gia.
Ông Kurt Campbell, điều phối viên khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Tòa Bạch Ốc, cho biết hiệp ước đã giúp Trung Quốc xâm nhập vào Thái Bình Dương. Hiệp ước này cũng trở thành một mối lo ngại cho chính phủ của các quốc đảo Thái Bình Dương khác vì sợ rằng Quần đảo Solomon có thể cho phép Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự. Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta cho biết thỏa thuận này “không được hoan nghênh và không cần thiết.” Chỉ cách đó 1,000 dặm, Phó Thủ tướng Úc Barnaby Joyce cũng lên tiếng phản đối hiệp ước, tuyên bố rằng: “Chúng tôi không muốn có một Cuba nhỏ của chính mình ở ngoài khơi của chúng tôi.”
Bắc Kinh phủ nhận việc muốn có một chỗ đứng ở Thái Bình Dương hay xây dựng một căn cứ quân sự ở Quần đảo Solomon. Tuy nhiên, theo ông Wale, hiệp ước sẽ cho phép Trung Quốc khai triển quân đội tới hòn đảo này để bảo vệ công dân, nhân viên, và các dự án đầu tư của Trung Quốc. Ông Wale không nhận thấy lợi ích an ninh nào cho đất nước của mình vốn đã có thỏa thuận với Úc và New Zealand.
Hồi tháng 11/2021, phúc đáp lại yêu cầu của ông Sogavare, quân đội Úc đã được khai triển đến thủ đô Honiara của quốc gia này để dập tắt các cuộc bạo động nhằm vào chính phủ và các doanh nghiệp Trung Quốc. Đa phần căng thẳng giữa chính phủ của ông Sogavare và người dân là do quyết định của thủ tướng vào năm 2019 về việc hủy bỏ sự công nhận chính trị đối với Đài Loan để nghiêng về Trung Quốc. Những người biểu tình giận dữ đã thiêu rụi hàng loạt tòa nhà ở Chinatown. Và ông Wale đã đưa ra lời kêu gọi ông Sogavare từ chức.
Ông Sogavare nói rằng hiệp ước an ninh với Trung Quốc là cần thiết để tăng cường năng lực cảnh sát của Quần đảo Solomon và để ứng phó tốt hơn các cuộc bạo động như hồi tháng 11/2021. Tháng 08/2022, ĐCSTQ đã điều động các sĩ quan để đào tạo cho cảnh sát Quần đảo Solomon.
Ông Daniel Suidani, thủ hiến tỉnh Malaita, hòn đảo đông dân nhất của nước này, luôn là người phản đối các chính sách thân ĐCSTQ của Quần đảo Solomon. Ông Suidani vẫn duy trì mối bang giao không chính thức với Đài Loan trong khi chính thức từ chối bất kỳ khoản đầu tư nào của Trung Quốc vào tỉnh của ông. Trong suốt thời kỳ đại dịch, tỉnh Malaita đã nhận được viện trợ chống dịch COVID-19 từ Đài Loan, và quốc kỳ Đài Loan đã được tung bay tại các sự kiện công cộng trong tỉnh.
Tháng 05/2021, ông Suidani đã được chính phủ Đài Loan cho phép điều trị y tế tại Đài Bắc. Ông lưu lại quốc gia này trong năm tháng bất chấp sự phản đối chính thức của đại sứ quán Trung Quốc tại Honiara, nơi đã đưa ra một tuyên bố nói rằng: “Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ cuộc tiếp xúc chính thức nào dưới bất kỳ hình thức nào giữa Đài Loan và bất kỳ quan chức nào từ các nước có bang giao với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.”
Các quốc đảo Thái Bình Dương đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch phòng thủ Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, vốn có sự phối hợp với Úc, New Zealand, và các đồng minh khác. Đây là một đòn giáng mạnh vào Hoa Kỳ, Đài Loan, và các quốc gia dân chủ khác khi Kiribati và Quần đảo Solomon chuyển công nhận ngoại giao [từ Đài Loan] sang Trung Quốc vào năm 2019.
Các quốc đảo ở Thái Bình Dương như Palau, Quần đảo Marshall, Nauru, và Tuvalu nằm trong số 13 quốc gia vẫn công nhận nền độc lập của Đài Loan. ĐCSTQ đang tán tỉnh “các bằng hữu [còn lại] của Đài Loan” bằng cách cung cấp viện trợ và đào tạo cảnh sát và quân đội.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times