Chuyên gia: Trung Quốc sẽ phá hoại liên minh Hoa Kỳ-Marshall nếu thỏa thuận quân sự không được gia hạn
Theo chuyên gia về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Cleo Paskal, vì Quần đảo Marshall vẫn chưa gia hạn thỏa thuận quân sự với Hoa Kỳ, nên chính quyền cộng sản Trung Quốc có thể nắm lấy cơ hội này để cố gắng phá hoại mối bang giao song phương giữa hai nước — và nỗ lực đó có thể thành công nếu Hoa Kỳ không đưa ra phương sách thỏa đáng để dàn xếp quan hệ đồng minh với quốc đảo Thái Bình Dương này.
Bà Paskal, cũng là một cộng tác viên của chương trình Châu Á-Thái Bình Dương tại Chatham House, cho biết ít nhất 67 vụ thử hạt nhân đã được Hoa Kỳ thực hiện trên quần đảo này từ năm 1946 đến năm 1958.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bức xạ, các cuộc thử nghiệm này đã làm rung chuyển quần đảo Marshall với mật độ dân cư thưa thớt, với sức công phá tương đương khoảng 1.7 quả bom cỡ Hiroshima được kích nổ mỗi ngày trong 12 năm.
Quần đảo Marshall và cư dân của họ đã bị tàn phá bởi bụi phóng xạ từ các vụ nổ trong nhiều thập niên. Các cộng đồng đã được di dời, tỷ lệ ung thư tăng vọt, và một số hòn đảo vẫn không thể trở thành nơi thích hợp cho việc sinh sống. Tại một địa điểm trên Đảo Runit, một mái vòm bê tông đang xuống cấp làm rò rỉ chất thải hạt nhân vào mạch nước ngầm, gây ra tác hại tiềm tàng đối với môi trường mà chính phủ Hoa Kỳ vẫn đang tiến hành đánh giá.
Hằng năm, Hoa Kỳ chi khoảng 70 triệu USD dưới nhiều hình thức khác nhau cho Quần đảo Marshall để đổi lấy quyền tiếp cận độc quyền vào các vùng đất và tuyến đường thủy vì mục đích an ninh quốc gia, nhưng các nhà lãnh đạo Marshall và những người khác nói rằng điều đó gần như không đủ để giúp những người dân đảo phục hồi sau các tác động tàn phá của bức xạ hạt nhân và thiệt hại môi trường khác. Họ nói rằng các nhà đàm phán địa phương đạt được các thỏa thuận trước đó — bao gồm cả một thỏa thuận trị giá 150 triệu USD vào năm 1986 để đổi lấy việc tước quyền khởi kiện chính phủ Hoa Kỳ — đã không nhận ra rằng những di chứng kéo theo của hoạt động thử nghiệm hạt nhân này sẽ còn âm ỉ trong nhiều thập niên nữa.
“Marshall có một vụ án đạo đức về 67 vụ thử hạt nhân đã được thực hiện ở Quần đảo Marshall dưới sự quản lý của Hoa Kỳ mà chưa từng nhận được lời xin lỗi. Vì vậy, đòn bẩy chiến tranh chính trị mà ảnh hưởng độc hại có thể sử dụng xung quanh việc đó là khá cao,” bà Paskal nói với chương trình “China in Focus” (Trung Quốc Tiêu Điểm) trên NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times.
“Những mối quan hệ này thực sự cần được giải quyết một cách tế nhị, tôn trọng, kiên trì, và hiệu quả, bởi vì các liên kết đó đang được xem là điều hiển nhiên vào lúc này. Và có một cuộc chiến chính trị đang diễn ra từ phía Trung Quốc nhằm cố gắng khiến mối bang giao này trở nên vô phương cứu chữa,” bà nói thêm.
Cản trở sự di chuyển tự do
Theo Hiệp ước Liên kết Tự do (COFA) được thành lập vào những năm 1980, Hoa Kỳ có nghĩa vụ cung cấp viện trợ kinh tế cho Liên bang Micronesia (FSM), Palau, và Cộng hòa Quần đảo Marshall để đổi lấy quyền vận hành các căn cứ quốc phòng ở đó. Ba quốc gia Thái Bình Dương này được gọi là Các Quốc gia Liên kết Tự do (FAS).
Thỏa thuận này cho phép các quốc gia này tiếp cận các chương trình kinh tế trong nước của Hoa Kỳ, và Hoa Kỳ sẽ duy trì các căn cứ quốc phòng ở những quốc gia này. Công dân của FAS cũng được phép phụng sự trong Lục quân Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ được cho là đã gia hạn thỏa thuận với FSM và Palau.
Theo bà Paskal, việc không bảo đảm được thỏa thuận với quần đảo Marshall có thể cản trở sự di chuyển tự do của Hoa Kỳ trong khu vực này.
“Và có khả năng tạo ra một sự thay đổi thực sự về thẩm quyền dựa vào Hiệp ước Liên kết Tự do để bảo đảm quyền tự do đi lại của Hoa Kỳ trong khu vực, vốn thực sự là nền tảng cho một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở,” bà Paskal cho biết.
Theo các nhà phân tích, việc này cũng có thể ảnh hưởng không thuận lợi đến các tuyến mậu dịch trong khu vực.
“Một khi Trung Quốc kiểm soát các tuyến đường thương mại … quý vị không thể đưa hàng hóa của mình ra vào, họ kiểm soát việc quý vị có thể giao dịch với ai,” bà nói.
“Có một lý do tại sao một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở lại quan trọng.”
Ngầm phá hoại nền dân chủ
Bà Paskal đề cập đến một bài báo của The Sunday Guardian nói về cách Bắc Kinh mua chuộc các thành viên trong Nghị viện của Quần đảo Solomon. Sau khi tự xa rời Hoa Kỳ và ký hiệp ước an ninh với Trung Quốc, Quần đảo Solomon đã đình chỉ tất cả các chuyến thăm hải quân của quân hạm Hoa Kỳ trong năm 2022. Các thành viên của Nghị viện tại đó cũng đã bỏ phiếu sửa đổi hiến pháp để kéo dài nhiệm kỳ của chính phủ và ngăn chặn một cuộc bầu cử.
Bắc Kinh được cho là đã đề nghị lên tới 615,000 USD cho mỗi nghị sĩ để bỏ phiếu cho sự chuyển đổi này, và các tài liệu cho thấy đại sứ quán đã thanh toán các khoản 200,000 USD cho 39 thành viên quốc hội thân Bắc Kinh — số tiền cần thiết để sửa đổi hiến pháp.
“Vì vậy, trong trường hợp của Quần đảo Solomon, tiền của Trung Quốc đã được sử dụng để mua chuộc 39 trong số 50 thành viên của Nghị viện, đủ để thay đổi hiến pháp nhằm trì hoãn các cuộc bầu cử,” bà nói.
Theo ý kiến của bà, thì mục tiêu cuối cùng của nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc là hủy hoại nền dân chủ trong khu vực này.
Bà nói: “Mục tiêu là tạo ra các quốc gia chư hầu, và quý vị không có các nền dân chủ đang hoạt động như các quốc gia chư hầu.”
Bản tin có sự đóng góp của Ken Silva, Aldgra Fredly và Rebecca Zhu
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times