Chính phủ Solomons thân Bắc Kinh tuyên bố một quan chức chỉ trích ĐCSTQ là đặc vụ ngoại quốc
Những nhóm đối kháng cuối cùng chống lại ảnh hưởng ngày càng bành trướng của Bắc Kinh tại một quốc gia nhỏ ở Thái Bình Dương đang dần bị chính phủ quốc gia phục tùng [Trung Quốc] xóa sổ.
Cựu lãnh đạo tỉnh Daniel Suidani, người đã bị cách chức trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm gây tranh cãi hồi đầu tháng Hai, đang bị buộc phải thanh minh ông không phải là một đặc vụ ngoại quốc, nếu không ông sẽ có nguy cơ bị tước quyền nắm giữ chức vụ vĩnh viễn.
Ông Suidani luôn là một cái gai trong mắt Thủ tướng Manasseh Sogavare vì ông phản đối mối bang giao sâu sắc hơn với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Vấn đề này đã trở nên rắc rối đối với ông Sogavare sau khi ông chuyển hướng mối bang giao chính thức từ Đài Loan sang Bắc Kinh vào năm 2019.
Theo một bức thư hôm 23/02 từ ông Rollen Seleso, bộ trưởng quốc gia của chính quyền tỉnh, ông Suidani, tỉnh trưởng đương thời của tỉnh Malaita đông dân nhất, hiện đã bị buộc tội thể hiện “sự trung thành và đi theo thế lực ngoại quốc, tức là Đài Bắc Trung Hoa” bất chấp [đường hướng của] chính phủ quốc gia.
Ông Seleso cho biết ông đã đi đến kết luận này sau khi “xem xét các tuyên bố” của ông Suidani trên nhiều tờ báo và trên truyền hình.
Ông cũng nói rằng ông Suidani đã nhiều lần tuyên bố rằng ông ấy sẽ không công nhận sự chuyển hướng bang giao hồi năm 2019 đó, rằng ông ấy “công nhận Đài Bắc Trung Hoa trên cả quyết định của một chính phủ được bầu cử dân chủ,” và rằng ông ấy đang “kích động sự bất hòa và bất mãn” đối với chính phủ quốc gia.
“Tôi cho rằng chính sách đối ngoại hoặc việc công nhận ngoại giao không thuộc thẩm quyền lập pháp của bất kỳ chính quyền cấp tỉnh nào hoặc nằm trong phạm vi của [Đạo luật chính quyền cấp tỉnh],” ông Seleso viết.
Ông nói ông Suidani có bảy ngày để trình bày nguyên cớ, nếu không ông ấy sẽ bị tước quyền tham gia lại vào cơ quan lập pháp của tỉnh Malaita.
Ông Suidani đã rời khỏi đất nước vì sự an toàn cá nhân.
The Epoch Times đã liên lạc với Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc nhưng không nhận được một phúc đáp nào để kịp thời đưa tin.
Ông Suidani: Tuyên bố về lòng trung thành với nước ngoại quốc là vô căn cứ
Ông Suidani đã viết một phúc đáp toàn diện cho bộ trưởng, nói rằng những tuyên bố của ông không có cơ sở thực tế và diễn giải sai về luật.
“Bức thư của ông cũng không giải thích hoặc đề cập đến những tuyên bố cụ thể mà tôi đã đưa ra và cơ sở để xác định cách thức mà thế lực ngoại quốc đã buộc tôi phải thể hiện lòng trung thành hoặc lòng yêu nước,” ông viết.
“Trớ trêu thay, việc ông sử dụng thuật ngữ ‘Đài Bắc Trung Hoa’ tự nó đã thể hiện ngôn ngữ mà [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC)] bắt buộc sử dụng. Đây chẳng phải là một điều chứng tỏ rằng ông, ngài Bộ trưởng đáng kính, đang phục tùng CHND Trung Hoa, qua đó thể hiện lòng trung thành, sự phục tùng, hoặc tuân theo một thế lực hoặc nhà nước ngoại bang đó sao?” ông nói thêm.
“Tôi không nên bị loại khỏi tư cách thành viên của Cơ quan lập pháp tỉnh Malaita vì đã thực hiện quyền tự do biểu đạt của mình để ủng hộ các nguyên tắc và giá trị dân chủ cũng như các biện pháp bảo vệ pháp lý.”
Vị tỉnh trưởng này đã bị lật đổ quyền lực hôm 07/02 sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm lần thứ ba chống lại ông; tuy nhiên, lần này, thủ tướng và các quan chức của ông không có mặt vì họ đang bị tạm giữ ở tòa.
Ông Celsus Talifilu, cố vấn của ông Suidani, cho biết: “Chỉ có 17 người trong số họ tham dự cuộc họp, sau đó kiến nghị được đưa ra và thông qua, do đó tỉnh trưởng đã thất bại.”
Các nguồn tin tiết lộ rằng sau khi giành được quyền lực, tỉnh trưởng Martin Fini đang có ý định hủy bỏ Thông cáo Auki — một văn kiện được ông Suidani thực thi sau khi chính phủ Solomon chuyển hướng bang giao sang Bắc Kinh.
Thông cáo Auki gồm một số điều khoản nhằm mục đích ngăn chặn sự can thiệp hoặc ảnh hưởng của Trung Quốc ở Malaita.
“[Chính quyền tỉnh Malaita] đặc biệt nhận thấy sự cần thiết phải thoát khỏi sự can thiệp không chính đáng của những người và do đó bác bỏ bất kỳ khái niệm nào về một nhà nước cảnh sát,” Khoản 5 của văn kiện viết.
“MPG thừa nhận quyền tự do tôn giáo là quyền cơ bản và tôn trọng hơn nữa đức tin Cơ Đốc Giáo cũng như niềm tin sâu sắc vào Chúa của người dân Malaitan và [Quần đảo ngoài khơi Malaita] và do đó bác bỏ [ĐCSTQ] và các chế độ chính thức dựa trên hệ tư tưởng vô thần của họ,” Khoản 7 nêu rõ.
Hoa Kỳ và các đồng mình Dân chủ đang cạnh tranh vì khu vực Nam Thái Bình Dương
Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ, Úc, và New Zealand đã đẩy mạnh việc can dự sâu hơn vào khu vực Nam Thái Bình Dương này để ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng bành trướng của Bắc Kinh với các cam kết viện trợ thêm, can thiệp ngoại giao, và trợ giúp an ninh.
Khu vực này đã trở thành một điểm nóng về cạnh tranh địa chính trị do vị trí chiến lược quan trọng của khu vực.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn là có quá nhiều quốc gia ở khu vực Thái Bình Dương (hơn 20 quốc gia) đòi hỏi cần có sự tham dự và nỗ lực để vượt qua Bắc Kinh.
Cho đến nay, kết quả vẫn còn chưa ngã ngũ.
Ngọc Mai biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times