Quan chức Mỹ: Hoa Kỳ và đồng minh đang tìm kiếm cơ hội đặt căn cứ mới ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Theo một quan chức Bộ Quốc phòng, Hoa Kỳ đang hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và đối tác của mình trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để phát triển các cơ hội đặt căn cứ mới và tăng cường khả năng tương tác giữa các lực lượng của họ.
Theo Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mara Karlin, quốc gia này đang nỗ lực mở rộng quy mô cơ sở hạ tầng phòng thủ và hậu cần để ứng phó với một môi trường đe dọa đang thay đổi nhanh chóng.
Hôm 10/02, trong một cuộc nói chuyện với Viện Brookings, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, bà Karlin cho biết, “Khi chúng ta lùi lại một bước, chúng ta sẽ thấy tốc độ và quy mô thay đổi khác biệt đáng kể ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và điều đó đang diễn ra trên diện rộng.”
“Tốc độ và quy mô thay đổi ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang có sự khác biệt đáng kể so với 10 năm trước.”
Bà Karlin nói rằng các đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ đang đầu tư vào quân đội của họ và hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ ở một quy mô chưa từng thấy trong khu vực này.
Trong số những ví dụ đáng chú ý, bà đã nói về sự hợp tác của Hoa Kỳ với Úc.
Hai quốc gia này đã đạt được một thỏa thuận đặt căn cứ Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ ở miền bắc nước Úc chỉ chưa đầy 11 năm trước, vào năm 2012, và hiện tại, hai cường quốc này đang hợp tác chặt chẽ với nhau thông qua thỏa thuận AUKUS nhằm cung cấp cho Úc các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Hoa Kỳ và Vương quốc Anh.
Tương tự như vậy, bà Karlin đã ghi nhận cam kết lịch sử gần đây của Nhật Bản trong việc tăng gấp đôi ngân sách quân sự và cam kết tăng cường hợp tác quân sự với Hoa Kỳ và các nước khác theo một cách chưa từng thấy kể từ Đệ nhị Thế chiến.
“Nhật Bản sẽ thành lập một trụ sở chung thường trực nơi sẽ làm việc với chúng tôi về chỉ huy và kiểm soát, đồng thời giúp tất cả chúng ta có thể tương tác với nhau nhiều hơn,” bà Karlin nói.
“Chúng tôi sẽ mở rộng cách chúng tôi chia sẻ các cơ sở ở Nhật Bản, chúng tôi sẽ tăng cường các cuộc tập trận, bao gồm cả các cuộc tập trận ở các đảo phía tây nam của Nhật Bản.”
Bà cũng nói rằng Hoa Kỳ và các đồng minh và đối tác đang tìm cách tham gia vào các cuộc diễn tập hợp tác về các công nghệ thế hệ tiếp theo, trong đó có bao gồm các hệ thống siêu thanh và tự hành.
“Ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chúng tôi đang xây dựng và làm sâu sắc thêm các liên minh và đối tác của mình,” bà Karlin nói.
“Quý vị ngày càng nhận thấy sự hiểu biết và đồng thuận về việc môi trường đe dọa này đã thay đổi như thế nào, đồng thời quý vị nhìn thấy một nhu cầu và mong muốn của các đồng minh và đối tác của chúng ta trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương … về sự cần thiết của việc tập trung và hợp tác vào những gì tất cả chúng ta đang làm ở đó để bảo đảm an ninh và ổn định.”
Trung Quốc cộng sản nhanh chóng mở rộng sự hiện diện trong khu vực
Nỗ lực này là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Hoa Kỳ và các đồng minh nhằm mở rộng sự phối hợp ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng do chính quyền cộng sản Trung Quốc gây ra.
Ông Bruce Jones, giám đốc Dự án Chiến lược và Trật tự Quốc tế của Viện Brookings, nói rằng khu vực này rất quan trọng đối với lợi ích thương mại của cả Hoa Kỳ và Trung Quốc, và sự bành trướng nhanh chóng của Trung Quốc trên khắp Thái Bình Dương có bao gồm những nỗ lực đặt nền móng cho các căn cứ quân sự mới ở hải ngoại.
“Sự thay đổi lớn … là lợi ích của Trung Quốc ở các tuyến đường thủy này đang tăng lên nhanh chóng,” ông Jones nói.
“Đây là một nơi mà Trung Quốc quan tâm đến việc đặt nền móng, cả về ngoại giao lẫn hậu cần, cho căn cứ mới.”
Ông Jones nói thêm rằng khu vực này là nơi có trữ lượng khoáng sản đất hiếm lớn nhất và bởi vì Trung Quốc “hoàn toàn phụ thuộc” vào dòng hàng hóa thương mại qua Thái Bình Dương, nên nước này có khả năng trở nên hung hăng hơn trong việc theo đuổi lợi ích của mình ở đó.
Ông nói thêm rằng Biển Philippines rất có thể là nơi xảy ra xung đột trong tương lai giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và việc kiểm soát eo biển Luzon giữa Đài Loan và Philippines có thể sẽ trở thành một vấn đề lớn trong những năm tới.
Điều này sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng đối với Hoa Kỳ, quốc gia đã dựa vào các tuyến đường vận chuyển qua khu vực này trong hơn một thế kỷ.
Ông Jones nói, “Kể từ Đệ nhị Thế chiến, Hoa Kỳ đã duy trì một loạt các khí tài hải quân, hậu cần, và năng lực không quân quan trọng trên khắp một vòng cung phía bắc Thái Bình Dương, từ Quần đảo Hawaii vươn ra phía bắc Thái Bình Dương đến Guam và Palau và hướng về phía bắc đến Nhật Bản và xa hơn về phía đông đến biển Philippines.”
Thanh Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times