Hoa Kỳ sẽ mở đại sứ quán tại Vanuatu để chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh
Hoa Kỳ trù định mở một đại sứ quán tại đảo quốc Thái Bình Dương Vanuatu. Đây là hành động mới nhất của nước này nhằm thúc đẩy các mối bang giao trong khu vực trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh.
“Phù hợp với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, sự hiện diện ngoại giao thường trực tại Vanuatu sẽ tạo điều kiện cho Chính phủ Hoa Kỳ thắt chặt mối bang giao với các quan chức và xã hội Ni-Vanuatu,” Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong một tuyên bố.
“Việc thành lập Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Port Vila sẽ tạo thuận lợi cho các lĩnh vực hợp tác song phương tiềm năng và hỗ trợ phát triển, bao gồm cả những nỗ lực giải quyết khủng hoảng khí hậu.”
Hoa Kỳ hiện duy trì quan hệ ngoại giao với Vanuatu thông qua đại sứ tại Port Moresby, Papua New Guinea.
Vanuatu có dân số gần 320,000 người trải rộng trên 13 đảo chính và 70 đảo nhỏ hơn khác.
Hành động này là một phần của Đạo luật Đại sứ quán Quần đảo Thái Bình Dương, được hoàn thiện hồi cuối năm 2022, vốn nhằm mục đích mở rộng sự hiện diện của Hoa Kỳ tại khu vực Đảo Thái Bình Dương.
Theo đạo luật, các đại sứ quán cũng được thành lập ở Kiribati và Tonga. Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Quần đảo Solomon cũng đã được mở cửa trở lại.
Đại sứ quán Hoa Kỳ trước đây tại Quần đảo Solomon đã bị đóng cửa vào năm 1993 sau khi cắt giảm ngân sách và, giống như Vanuatu, được đại diện thông qua đại sứ của nước này tại Papua New Guinea.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết hôm 01/02, “Việc mở đại sứ quán dựa trên nỗ lực của chúng tôi không chỉ bố trí thêm nhân viên ngoại giao khắp khu vực mà còn gắn kết hơn nữa với các nước láng giềng Thái Bình Dương, kết nối các chương trình và nguồn lực của Hoa Kỳ với các nhu cầu tại địa phương, và xây dựng sự kết nối giữa người dân hai nước.”
Cú hích lớn ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Các hành động khác trong khu vực Thái Bình Dương bao gồm ký một biên bản ghi nhớ với Liên bang Micronesia và cam kết tài trợ ít nhất 7 tỷ USD cho Quần đảo Marshall, Palau, và Micronesia.
Ba quốc gia này được gọi là “Các quốc gia Liên kết Tự do” (FAS), và công dân của họ đủ điều kiện làm việc và sinh sống vô thời hạn tại Hoa Kỳ.
Đạo luật này cũng cho phép ba quốc đảo nói trên tiếp cận với các chương trình kinh tế nội địa của Hoa Kỳ và cho phép Hoa Kỳ vận hành các căn cứ quốc phòng ở các quốc gia này. Công dân FAS cũng được phép phụng sự trong Lực lượng Vũ trang Hoa Kỳ.
Các quốc gia FAS đã phàn nàn rằng viện trợ không theo kịp các nghĩa vụ của Hoa Kỳ. Mặc dù các quốc gia này vẫn có mối bang giao chặt chẽ với Hoa Thịnh Đốn, nhưng các nhà phê bình cảnh báo rằng việc không đạt được các điều khoản mới có thể thúc đẩy họ tìm kiếm nguồn tài trợ hoặc tăng cường thương mại và du lịch từ nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc.
Viện Hòa bình Hoa Kỳ, một tổ chức tư vấn chính sách do liên bang tài trợ, trong một báo cáo hồi tháng 09/2022 cho biết Bắc Kinh xem sự tham gia “hạn chế” của Hoa Kỳ là một khoảng trống chiến lược ở khu vực Đảo Thái Bình Dương và đã công khai ý định lấp đầy khoảng trống đó.
Báo cáo viết, “Ngay cả một sự gia tăng khiêm tốn về nguồn lực ngoại giao cũng có khả năng nhận được sự đón nhận nhiệt tình từ các quan chức khu vực.”
Nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc đã thành công trong việc khiến hầu hết các quốc đảo Thái Bình Dương chuyển liên kết ngoại giao từ Đài Bắc sang Bắc Kinh, gần đây nhất là Quần đảo Solomon và Kiribati vào năm 2019.
Quần đảo Marshall, Nauru, Palau, và Tuvalu là bốn quốc đảo Thái Bình Dương còn lại duy trì mối bang giao chính thức với Đài Loan.
Nhà lãnh đạo của Micronesia đã đề nghị quốc gia của ông chuyển mối bang giao từ Bắc Kinh sang Đài Loan, cáo buộc chính quyền Trung Quốc tiến hành “chiến tranh chính trị” và tạo ra “các mối đe dọa trực tiếp” đến sự an toàn của ông.
Trong một bức thư bị rò rỉ dài 13 trang gửi tới Quốc hội Micronesian, Tổng thống David Panuelo nói rằng các quan chức Trung Quốc hành động với tư cách chính thức đã đe dọa trực tiếp đến sự an toàn của ông.
Ông cũng cáo buộc rằng Bắc Kinh đang cố gắng làm suy yếu chủ quyền của Micronesia để bảo đảm rằng nước này sẽ đứng về phía Bắc Kinh hoặc giữ thái độ trung lập trong một cuộc xung đột tiềm năng về Đài Loan, một quốc gia tự trị.
“Một trong những lý do khiến chiến tranh chính trị của Trung Quốc thành công trên nhiều lĩnh vực là chúng ta bị mua chuộc để đồng lõa, và bị mua chuộc để im lặng. Ngôn từ này có thể nặng nề, nhưng dù sao mô tả đó là chính xác,” ông Panuelo nói.
“Tại thời điểm này tôi chỉ muốn truyền đạt lại rằng, chỉ đơn giản như truyền đi một đầu mối thông tin, rằng 39 trong số 50 thành viên quốc hội ở Quần đảo Solomon đã nhận được các khoản thanh toán từ Trung Quốc trước khi họ bỏ phiếu về việc hoãn các cuộc bầu cử đã được ấn định trong năm nay.”
Chuyển từ Trung Quốc sang các nước đồng minh
Chính phủ Tổng thống Biden cho biết họ đã chuyển trọng tâm từ liên lạc với Bắc Kinh sang hợp tác chặt chẽ với các nước đồng minh.
Ông Kurt Campbell, điều phối viên của Hội đồng An ninh Quốc gia về các vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cho biết Hoa Kỳ nhận ra rằng “bước quan trọng nhất” là cách họ có thể làm việc với các đồng minh và đối tác.
Ông nói hôm 30/03, “Ý tưởng ở đây không phải là thách thức Trung Quốc, hay bao vây Trung Quốc theo bất kỳ cách nào, mà là để bảo vệ lợi ích của chúng ta và để bảo đảm rằng thông qua nỗ lực chung chúng ta có thể ổn định và củng cố các yếu tố của hệ thống mà chúng ta nghĩ là mang lại lợi ích cho tất cả này.”
Sự thay đổi này diễn ra sau khi thuyết chính sách ngoại giao lâu đời cho rằng giao thiệp trực tiếp với Bắc Kinh sẽ tạo ra sự thay đổi khắp châu Á đã được chứng minh là sai.
Ông Campbell cho biết những nỗ lực thuyết phục chính quyền Trung Quốc áp dụng các chính sách tự do hơn và ít độc đoán hơn đã thất bại.
Ông Campbell nói, “[Thuyết mới này] tin rằng khuôn khổ hiệu quả hơn là làm việc với các đồng minh và đối tác để tạo ra một bối cảnh rộng lớn hơn để sau đó tiếp xúc với Trung Quốc một cách trực tiếp hơn.”