Hoa Kỳ ký hiệp ước quốc phòng với Papua New Guinea giữa lo ngại về Trung Quốc
Hôm thứ Hai (22/05), Hoa Kỳ và Papua New Guinea (PNG) đã ký một thỏa thuận hợp tác quốc phòng nhằm củng cố mối bang giao song phương của hai nước trong bối cảnh Hoa Kỳ cố gắng đẩy lùi ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương.
Thay mặt cho Tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng Antony Blinken đã gặp Thủ tướng PNG James Marape tại Port Moresby. Chuyến đi theo lịch trình đến quốc gia này của ông Biden đã bị hủy bỏ do các cuộc đàm phán về hạn mức nợ ở Hoa Thịnh Đốn.
Hiệp ước quốc phòng giữa Hoa Kỳ và PNG chưa được công khai, nhưng ông Blinken cho biết hiệp ước này sẽ cho phép Hoa Kỳ giúp đỡ PNG tăng cường năng lực phòng thủ, giải quyết nạn đánh cá trái phép, và cung cấp cứu trợ thiên tai.
Ông Marape nói trong một cuộc họp báo chung, “Tôi chỉ muốn nhấn mạnh điều này: Chúng tôi không bị cưỡng ép chấp nhận hiệp ước đó. Chúng tôi không bị ép buộc; đó là một thỏa thuận chung.”
Ông đã đưa ra nhận định: “Lực lượng quốc phòng của chúng tôi cần được đẩy mạnh và giúp đỡ.”
Ông Marape đã nhấn mạnh rằng thỏa thuận quốc phòng giữa Hoa Kỳ và PNG “không hề vi phạm hay xâm phạm” luật pháp của PNG cũng như không ảnh hưởng đến các mối bang giao của nước này với các quốc gia khác.
Ông nói: “Điều đó không ảnh hưởng — cho dù ở Trung Quốc, Úc, Vương quốc Anh, Nhật Bản, Ấn Độ hay bất kỳ quốc gia nào khác, về vấn đề đó — thỏa thuận này không theo một cách thức, khuôn mẫu, và hình thức nào nhằm ngăn cản Papua New Guinea tiếp tục giao thiệp với những quốc gia mà chúng tôi vẫn giao thiệp.”
Ông Marape cho biết sự hợp tác giữa các lực lượng quốc phòng Hoa Kỳ và PNG “đi kèm với một bối cảnh nâng cao những gì ban đầu là tư cách bảo trợ của thỏa thuận lực lượng” thành một mối quan hệ “dành riêng cho sự hợp tác quân sự giữa Hoa Kỳ và PNG cũng như các cam kết và quan hệ đối tác quân sự.”
Ông lưu ý, “Thỏa thuận này là phần bổ sung của một hiệp ước — ở dưới mức hiệp ước,” đồng thời cho biết thêm rằng thỏa thuận này phù hợp với Đạo luật Lực lượng Thăm viếng năm 1975 của nước này.
Tổng thống Biden đã mời ông Marape đến Hoa Thịnh Đốn để dự một hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Thái Bình Dương lần thứ hai sau đó trong năm nay. Tại đó, họ sẽ thảo luận về nhiều vấn đề khác nhau, bao gồm quan hệ thương mại và kinh tế cũng như an ninh hàng hải.
Các thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và khu vực Thái Bình Dương
Ông Blinken cũng đã ký một thỏa thuận với đảo quốc Palau và dự kiến sẽ ký một thỏa thuận với Liên bang Micronesia vào thứ Ba (23/05). Ông đã hy vọng sẽ sớm hoàn thành các cuộc đàm phán với Cộng hòa Quần đảo Marshall.
Ông nói với các phóng viên: “Là một bên tham gia các thỏa thuận này, Hoa Kỳ sẽ cam kết 7.1 tỷ USD cho Các Quốc gia Liên kết Tự do trong 20 năm tới.”
Hoa Kỳ ràng buộc với Liên bang Micronesia, Cộng hòa Quần đảo Marshall, và Palau thông qua Hiệp ước Liên kết Tự do; những quốc gia này được gọi là Các Quốc gia Liên kết Tự do (FAS).
Thỏa thuận trên cho phép những quốc gia này tiếp cận các chương trình kinh tế nội địa của Hoa Kỳ đồng thời cho phép Hoa Kỳ vận hành các căn cứ quốc phòng tại những quốc gia này. Công dân của các nước thuộc FAS cũng được phép phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ.
Việc tiếp tục ký kết những thỏa thuận này đã trở thành một phần quan trọng trong nỗ lực của Hoa Kỳ để đẩy lùi nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Năm ngoái (2022), Bắc Kinh đã ký một hiệp ước an ninh với quần đảo Solomon — hiệp ước mà nhiều nước trong khu vực lo ngại có thể cho phép Bắc Kinh đóng quân, cũng như điều động vũ khí và chiến hạm hải quân đến đảo này.
Tổng thống Micronesia David Panuelo cho biết trong bài diễn văn trước toàn quốc hôm 13/01 rằng ông dự đoán các cuộc tập trận quân sự của Hoa Kỳ gần lãnh thổ Micronesia sẽ gia tăng trong những năm tới trong bối cảnh “bầu không khí địa chính trị ở Thái Bình Dương.”
Bản tin có sự đóng góp của Venus Upadhayaya và Reuters
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times