Chính phủ quần đảo Solomon lật đổ tỉnh trưởng, một người chỉ trích ĐCSTQ lâu năm
Cảnh sát bắn hơi cay để kiểm soát các cuộc biểu tình
Chính phủ quần đảo Solomon thân Bắc Kinh cuối cùng đã có thân tín của mình.
Trong nhiều năm nay, ông Daniel Suidani, người đứng đầu tỉnh Malaita đông dân nhất, đã luôn là một rào cản chính trị cản trở mối bang giao bền chặt hơn với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Theo Đài phát thanh và Truyền hình Quốc gia Úc (ABC), hôm 07/02, ông Suidani đã phải đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm khác để loại bỏ ông khỏi vai trò lãnh đạo của mình, và lần này, những người bất đồng quan điểm đã thành công.
Khoảng 17 thành viên hội đồng đã bỏ phiếu bãi nhiệm ông Suidani.
Vị tỉnh trưởng này đã cố gắng đệ đơn kháng cáo lên Tối cao Pháp viện để ngăn chặn cuộc bỏ phiếu nói trên, nhưng hội đồng đã từ chối nhận bất kỳ thông báo nào về hành động như vậy.
Các cuộc ẩu đả nổ ra bên ngoài hội đồng cấp tỉnh để phản đối cuộc biểu quyết này. Để đáp trả, Lực lượng Cảnh sát Hoàng gia Quần đảo Solomon (RSIPF) đã bắn hơi cay vào đám đông.
RSIPF đã được điều động đến khu vực này từ trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, bởi vì các nhà chức trách tiên liệu được rằng người dân địa phương sẽ có phản ứng giận dữ.
“Chính phủ quốc gia sử dụng sức mạnh áp đảo của cảnh sát để bãi nhiệm ông Sudani,” ông Celsus Talifilu đã viết trên LinkedIn. “Sự ủng hộ về an ninh từ các nhà tài trợ như Úc và Trung Quốc hiện đã được đưa vào sử dụng.”
“Kết quả của kiến nghị này đã được định sẵn. Hành động cuối cùng là trường hợp này sẽ được xét xử tại Tối cao Pháp viện vào sáng nay.”
Trước đó hồi tháng 10/2021, đã có một nỗ lực nhằm lật đổ ông Suidani, tuy nhiên, người dân địa phương đã chặn lối vào của Quốc hội để ngăn bản kiến nghị ngày được đưa ra bàn thảo.
Tỉnh nổi loạn chống lại ảnh hưởng xâm phạm của Bắc Kinh
Giới lãnh đạo Malaita đã bất hòa với chính phủ quốc gia của Thủ tướng Manasseh Sogavare kể từ khi nước này quyết định chuyển hướng mối bang giao từ Đài Loan sang Bắc Kinh hồi năm 2019.
Kể từ đó, ông Sogavare liên tục thắt chặt mối bang giao với Bắc Kinh trong bối cảnh các nghị sĩ thân Bắc Kinh bị cáo buộc hối lộ.
Những nỗ lực của Bắc Kinh đã bị vạch trần hồi tháng 04/2022 khi một thỏa thuận bí mật — bị rò rỉ ra công chúng — sẽ mở ra cơ hội cho ĐCSTQ lựa chọn đóng quân, cũng như đặt vũ khí, và chiến hạm ở nước này.
Đồng thời, ông Suidani đã tiếp tục chỉ trích chính phủ của ông Sogavare trong khi duy trì mối bang giao chặt chẽ hơn với Đài Loan và chấp nhận viện trợ của Hoa Kỳ.
Những căng thẳng này, cũng như các cáo buộc về quản lý yếu kém và tham nhũng dưới thời chính phủ ông Sogavare, đã lên đến đỉnh điểm hồi tháng 11/2021 khi các cuộc biểu tình — có sự tham gia của người dân địa phương Malaita — đã nổ ra ở thủ phủ Honiara của Quần đảo Solomon, dẫn đến việc Khu Phố Tàu bị thiêu rụi.
Đáp lại, các chính phủ dân chủ láng giềng như Úc, Fiji, và New Zealand đã khai triển cảnh sát để giúp duy trì ổn định cho khu vực này.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã sớm theo sau hành động này khi bắt đầu gửi công an và vũ khí để giúp bảo đảm “sự ổn định” của quần đảo Solomon.
Điều này đã dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang ngoại giao giữa các quốc gia dân chủ và Bắc Kinh, bao gồm tăng cường trợ giúp viện trợ, tăng cường sự hiện diện ngoại giao trong khu vực, tài trợ cho Thế vận hội Thái Bình Dương, và trong trường hợp của Úc là tặng các xe cảnh sát và vũ khí.
Mới đây hơn, Hoa Kỳ đã mở Đại sứ quán tại thủ đô Honiara.
Các nhà phê bình đã cảnh báo trước việc các chính phủ dân chủ áp dụng một chiến lược như vậy.
Bà Cleo Paskal, một chuyên gia về Nam Thái Bình Dương, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times: “Canberra đang trong một cuộc đua thu hút giới tinh hoa với Trung Quốc và họ sẽ thua.”
“Họ sẽ không thể hối lộ nhiều hơn, gửi thêm vũ khí, và tạo vỏ bọc quốc tế cho một người dường như đang trong quá trình sát hại đồng hương của mình [Thủ tướng Sogavare]. Đó là chuyện của Trung Quốc, không phải là chuyện mà Úc (hy vọng).”
Bà Paskal đã đưa ra giả thuyết rằng ông Sogavare đang chuẩn bị cho một cuộc đàn áp — hay cuộc nội chiến công khai — chống lại những người bất đồng chính kiến ở Quần đảo Solomon nhằm củng cố quyền lực.
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times