Cựu luật sư Bắc Kinh tiết lộ quá trình bị ĐCSTQ bức hại phi pháp (Phần 2): Trại tạm giam (1)
Tiếp theo Phần 1: Cựu luật sư Bắc Kinh tiết lộ quá trình bị ĐCSTQ bức hại phi pháp (Phần 1): Ở đồn công an
Trại tạm giam vốn là nơi tạm giam giữ các nghi phạm hình sự, nhưng các học viên Pháp Luân Công và những người thỉnh nguyện lại là trường hợp ngoại lệ. Bộ Công an của ĐCSTQ có thể ngang nhiên đưa những người như chúng tôi vào trại tạm giam một cách phi pháp.
Môi trường sống khắc nghiệt ở trại tạm giam nằm ngoài sức tưởng tượng của người bình thường. Nội dung được đề cập dưới đây chỉ là vài ví dụ điển hình mà tôi được chứng kiến. Là một học viên Pháp Luân Công, tôi đã có những trải nghiệm rất đặc biệt.
Từ chối quy định mặc “đồ tù” và “phạt ngồi im lặng”
Chiều ngày 07/05/2010, dưới chỉ thị của ông Từ Dũng, người của đồn công an và nhân viên An ninh Quốc gia của Sở Công an Triều Dương, đã cưỡng chế tôi cách phi pháp đến Trại tạm giam quận Triều Dương của thành phố Bắc Kinh. Ngước nhìn cánh cổng sắt lớn hiện ra trước mặt, trong lòng tôi ngổn ngang nhiều suy nghĩ, vì mới tuần trước, tôi vừa cùng đồng nghiệp đến đây để gặp đương sự …
Sau khi bị cưỡng chế làm các cuộc kiểm tra sức khỏe, gồm cả xét nghiệm máu, thì cảnh sát trại tạm giam, hay còn gọi là “quản giáo,” dẫn tôi qua rất nhiều cửa chính để đến một hành lang tối tăm. Đến nơi, cảnh sát mở cửa phòng giam, gọi một nữ phạm nhân (giám sát chính của phòng giam này) và yêu cầu cô ấy tìm “đồ tù” có in chữ Trại tạm giam Triều Dương cho tôi thay. Tuy nhiên, tôi đã thẳng thừng từ chối yêu cầu này.
Nữ tù nhân này hỏi tôi: “Sao chị lại bị bắt vào đây?” Tôi nói với cô ấy rằng, tôi là một học viên Pháp Luân Công, bị đưa đến trại tạm giam này một cách phi pháp và tôi sẽ không mặc “đồ tù” này. Cô ấy cũng không bắt ép tôi nhưng nói rằng tôi không thể mặc áo khoác của mình, tôi chỉ có thể thay bộ quần áo khác không có chữ trại tạm giam.
Khi quản giáo đưa tôi vào phòng giam này, đập vào mắt tôi là cảnh một nhóm người đang bị “phạt ngồi im lặng.” Họ ngồi thẳng lưng, bất động trên một chiếc giường cao khoảng 40cm, dài 10m.
Phòng giam này rộng khoảng 20m, chiều cao từ 7 đến 8 mét. Trong phòng có khoảng gần 30 người, không có cửa sổ, trên trần có hai giếng trời nhỏ, đèn bật sáng 24/24 giờ.
Hình thức “phạt ngồi im lặng” này quy định: Sau ba bữa ăn mỗi ngày, phạm nhân phải ngồi tập trung trên một chiếc giường lớn với tư thế ngồi ngay ngắn, lưng thẳng, hai tay đặt trên đầu gối, mắt nhìn thẳng về phía trước, không được nhắm mắt, nói chuyện và cử động.
Khi “ngồi im lặng,” dù có muỗi đậu trên mặt, muốn cử động cũng phải hỏi ý kiến trưởng phòng: “Xin phép cử động.” Khi trưởng phòng nói “Được,” thì mới được phép cử động tay hoặc đập muỗi. Trong trường hợp trưởng phòng im lặng, thì phải chịu để muỗi đốt; còn nếu tự ý đuổi muỗi thì sẽ bị trưởng phòng mắng nhiếc và trừng phạt bắt phải giữ nguyên động tác đuổi muỗi cho đến khi người này nói “ngừng.”
Giống như việc mặc “đồ tù,” tôi cũng từ chối bị phạt “ngồi im lặng.” Trưởng phòng giam đồng ý cho tôi ngồi song bàn, nhưng phải ngồi cùng hàng với những người khác. Sau này tôi mới được biết, cảnh sát đã chỉ thị cho trưởng phòng giam cho phép học viên Pháp Luân Công luyện công khi không có hành vi tuyệt thực.
Một tuần sau, tôi bị chuyển đến một phòng giam khác. Vài ngày sau đó, có một học viên Pháp Luân Công đến, đó là bà Vương, ngoài 50 tuổi. Đây là lần thứ năm bà bị bắt vào trại tạm giam.
Bà kể cho tôi nghe, 10 năm trước cũng tại trại giam này, bà đã liều mạng đòi công lý cho học viên Pháp Luân Công. Kể từ đó, hoàn cảnh trong đây đã có sự thay đổi rất lớn. Họ không còn cưỡng chế “chuyển hóa” học viên, mà ngầm cho phép học viên không mặc “đồ tù” và “ngồi im lặng,” đồng thời có thể luyện công.
Năm 2000, khi bà bị bắt đến trại tạm giam Triều Dương này, trại giam cưỡng chế học viên viết cái gọi là “giấy cam kết” không luyện công, và tra tấn các học viên. Khi đó, một nữ học viên hơn 20 tuổi người vùng Đông Bắc bị giam cùng phòng với bà đã bị cảnh sát đánh đập đến tử vong.
Vài ngày sau, tôi phải nói lời chia tay với bà Vương và bị chuyển đến một phòng giam khác. Tuy nhiên, tôi lại gặp bà khi bị chuyển đến một trại tạm giam khác. Sau đó, chúng tôi bị chuyển đến một trại lao động cưỡng bức.
Người của phòng giam hét lớn: “Người tập Pháp Luân Công thật khác biệt!”
Hoàn cảnh sống trong trại tạm giam vô cùng khắc nghiệt. Những người mới chuyển đến không chỉ phải chịu sự chấn động tâm lý, mà còn phải trải qua môi trường sống vô cùng cực khổ.
Vì là nơi giam giữ tạm thời nên luôn có lượng lớn người ra vào trại tạm giam. Có nhiều người để lại một số vật dụng trước khi rời đi, ví như kem đánh răng, giấy vệ sinh, băng vệ sinh, v.v. Những vật dụng này thường bị “xung vào công quỹ.”
Những người mới đến không có vật dụng cá nhân sẽ được cảnh sát quản lý phòng giam cho mượn và sử dụng, nhưng số lượng rất ít và thiếu thốn.
Ví như giấy vệ sinh, một cuộn giấy có độ dày chỉ bằng hay đầu ngón tay, chỉ dùng được trong ba ngày. Vì người trong trại giam chỉ được uống rất ít nước nên hay bị táo bón, tần suất đi vệ sinh cũng không thường xuyên.
Nếu phụ nữ đến kỳ kinh nguyệt, chỉ có thể mượn tối đa ba cuộn giấy. Điều này khiến chăn đắp khi đi ngủ, thường là loại mỏng rách, có nhiều vết máu kinh nguyệt của người khác để lại.
Việc ăn uống, giặt giũ, nghỉ ngơi, còn khổ cực hơn việc hết giấy vệ sinh.
Thực đơn mỗi ngày chỉ có canh rau, bánh bao. Trưởng phòng ghi danh thực đơn mỗi tuần một lần, mỗi ngày ba bữa bánh bao. Sau khi ghi danh, thực đơn sẽ không thể thay đổi trong tuần và ăn cũng không đủ no. Trong trường hợp cơ thể không khỏe cũng phải ăn hết thức ăn, không được để lại đồ thừa, ngoại trừ có người khác muốn ăn thêm và sẵn sàng giúp.
Ở trại tạm giam, chỉ có phần canh không ăn hết mới được đổ vào một cái chậu lớn, còn bánh bao thì không được phép bỏ đi.
Một tối nọ, sau bữa ăn, trưởng phòng đột nhiên phát hiện một chiếc bánh bao nổi lềnh bềnh trong chậu đồ ăn thừa. Đây cũng được xem là một “chuyện lớn.” Mọi người vây quanh chiếc chậu mà không biết giải quyết thế nào.
Trưởng phòng hỏi, “Là ai đổ vào đây?”, nhưng không ai dám đứng lên thừa nhận.
Sau đó, người này đưa ra hai phương án. Một là mỗi người ăn một phần, nhưng không ai muốn. Ai cũng cảm thấy chậu đồ ăn thừa đó bẩn thỉu. Hai là báo cảnh sát kiểm tra video giám sát và phạt nặng người đã vứt bỏ bánh bao.
Nghe đến đây, ai nấy đều im lặng không nói lời nào …
“Tôi sẽ ăn,” tôi nói trong tình trạng bụng đang đau quặn lên.
Thực ra lý do rất đơn giản: Tôi thấy ai cũng đều lo lắng, buồn bã, mà cuộc sống trong đây đã đủ khắc nghiệt rồi. Một khi bị video giám sát ghi hình, người bỏ đồ đó sẽ phải đối diện thêm áp lực, có thể khiến họ không thể chịu đựng thêm. Vì vậy, tính ra thì, ăn bánh bao bẩn cũng không có gì đáng kể.
Tôi với tay lấy chiếc bánh bao mềm nhũn đầy nước canh thừa đó ra, hai, ba miếng là nuốt hết.
“Người tu luyện Pháp Luân Công thật khác biệt!” Tiếng hô lớn của một người bỗng phá vỡ sự im lặng vốn có trong phòng.
Khi đó, mọi người dường như tạm quên đi nỗi thống khổ của riêng mình, trên gương mặt họ ánh lên sự tán thưởng và cảm kích.
Một người đã bị giam giữ trong thời gian dài, nói: “Tôi biết, học viên Pháp Luân Công đều là người tốt.” Cô ấy còn tiết lộ, ngoài phạm nhân hình sự ra, thì có rất nhiều học viên Pháp Luân Công và người đi thỉnh nguyện bị giam giữ trong trại tạm giam này.
Súc miệng bằng nước đánh răng thừa của người khác, ngủ kiểu “bầy cá cơm”
Nếu nói việc ăn chiếc bánh bao thừa kia khiến người khác sợ hãi, thì việc đánh răng và ngủ còn đáng sợ hơn. Vậy mà điều này xảy ra hằng ngày!
Nhà vệ sinh của phòng giam có thể nói là nơi học viên Pháp Luân Công phải quay mặt vào mỗi khi đi ngủ. Nhà vệ sinh không có cửa, mùi khai nồng và đủ loại tiếng ồn đập thẳng vào tai. Rửa bát, giặt đồ, … đều lấy nước từ nhà vệ sinh.
Sáng sớm thức dậy, mọi người trong phòng đứng xếp hàng chờ. Chỗ đứng rất hẹp chỉ khoảng hơn một mét. Có người hét lớn, “phóng mao” (báo hiệu thời gian đi vệ sinh của tù nhân đã đến), có người thì hô to muốn rửa tay. Chúng tôi không được tự lấy nước rửa mặt và đánh răng, vì trường phòng sẽ giao việc này cho người khác phụ trách. Mỗi sáng sớm, chúng tôi hối hả vệ sinh cá nhân trong tiếng giục lớn “nhanh lên,” “người tiếp theo.”
Chỉ có “ba vốc nước” để rửa mặt, tức là dùng hai tay rửa mặt ba lần rồi nhanh chóng rời đi để nhường chỗ cho người tiếp theo.
Đánh răng còn khó khăn hơn. Bàn chải đánh răng bị cắt còn rất ngắn, ngón cái và ngón trỏ phải giữ thật chặt nếu không sẽ bị rơi ra. Trên mặt đất có một chiếc xô lớn để mọi người nhổ nước súc miệng vào đó. Chúng tôi phải dùng chung cốc súc miệng. Nếu thành cốc dính bọt đánh răng của người khác, chúng tôi chỉ có thể ngậm vào miệng, đánh răng thật nhanh để nhường chỗ cho người sau.
Đối với một người thích sạch sẽ như tôi, thì việc đánh răng chung đã đủ bất tiện rồi, nhưng kiểu ngủ như “bầy cá cơm” xếp sát vào nhau càng khiến tôi “ngộp thở” vì thiếu oxy.
Khi ngủ sẽ được trải một chiếc “đệm” dài, mỏng, được may nối bằng những chiếc quần quân nhân cũ nát. Trung bình cứ 4-5 người ngủ trên một chiếc đệm quân dụng này, không có gối riêng, chỉ có thể gối đầu bằng quần áo của mình. Mấy người đắp chung một chiếc chăn, không thể nằm ngửa, chỉ có thể nằm nghiêng, hai chân duỗi thẳng không thể động đậy. Ngực người trước áp vào lưng người sau đến nỗi có thể nghe được từng nhịp đập và hơi thở của nhau. Kiểu ngủ này dân gian thường gọi là “bầy cá cơm.”
Thật sự rất khó chịu để duy trì được tư thế ngủ này. Tôi luôn cảm thấy khó thở, bồn chồn vì không đủ không khí.
Trong trại tạm giam, việc duy nhất không phải “báo cáo” là đi vệ sinh ban đêm. Tuy nhiên, khi đi vệ sinh xong sẽ phát hiện mình mất chỗ ngủ. Điều duy nhất có thể làm là đánh thức hai người nằm bên nhờ họ nằm dịch ra một chút rồi cố luồn mình chui vào trong.
Câu cửa miệng của trưởng phòng giam là: “Đã vào đến trại tạm giam Triều Dương này, là rồng thì phải cuộn mình lại, là hổ thì phải biết khum người.”
Chính môi trường sống khắc nghiệt và áp lực tinh thần chồng chất như vậy đã đủ đẩy mọi người đến bờ vực suy sụp. Những ngày tháng sau này trong trại tạm giam chắc chắn còn khắc nghiệt hơn, nên ai nấy cũng đều lo lắng. Có người biết tôi là luật sư nên trước và sau giờ ăn cơm thường tìm tôi để bàn luận về vụ án của cô ấy.
Tôi không phải là luật sư hình sự nên cũng không thể tư vấn cho họ, nhưng tôi có thể an ủi và khích lệ họ, dùng thái độ bình hòa để truyền cảm hứng cho những phụ nữ ở đây. Mặc dù, điều chờ đợi tôi, một học viên Pháp Luân Công, là cuộc bức hại tàn bạo hơn. Vì đây là cuộc bức hại phi pháp có hệ thống của chính quyền ĐCSTQ, nên nó không dựa trên pháp luật, giống như người của bộ An ninh Quốc gia đã từng nói với tôi: “Ở đây, chúng ta không bàn đến pháp luật.”
Lựa chọn chính nghĩa hay khuất phục trước bạo quyền, là tình thân hay tín ngưỡng. Đó là lằn ranh đỏ mà cô Tống Mỹ Anh phải tự mình đưa ra quyết định và sẽ được tường thuật chi tiết trong phần tiếp theo.