Cựu luật sư Bắc Kinh tiết lộ quá trình bị ĐCSTQ bức hại phi pháp (Phần 1): Ở đồn công an
Tôi từng là luật sư của Văn phòng luật Trung Ngân ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Trước khi ra ngoại quốc, tôi sống ở vườn hoa Cửu Long, quận Triều Dương. Mười ba năm trước, khi tôi bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) giam giữ phi pháp tại trại lao động nữ Bắc Kinh. Tôi âm thầm hạ quyết tâm, đợi đến khi mọi việc sáng tỏ hơn, tôi sẽ kể lại tất cả những điều này. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên việc này bị trì hoãn.
Thời gian thấm thoắt, tuy rằng có rất nhiều chuyện đã phai nhạt dần, nhưng không ít cảnh tượng dường như vẫn sống động trước mắt. Nhân dịp kỷ niệm 24 năm Pháp Luân Công phản đối bức hại, tôi quyết tâm vãn hồi những năm tháng đã bị trì hoãn.
Trong một loạt các bài viết, tôi sẽ kể lại những trải nghiệm ở đồn công an, trại tạm giam, trại câu lưu, và trại giáo dục lao động. Thông qua những câu chuyện có thật, tôi hy vọng có thể phác họa tình trạng chính quyền ĐCSTQ sát hại, tẩy não người dân và lôi kéo các tầng lớp trong và ngoài thể chế cùng hành ác.
Chiến lược bức hại của ĐCSTQ đối với luật sư khác với những người dân bình thường
Vì khi ấy tôi là luật sư, nên lúc cảnh sát an ninh quốc gia chi nhánh Triều Dương của thành phố Bắc Kinh bắt cóc tôi, là có sự khác biệt với người dân bình thường khác. Họ đã có sự chuẩn bị trước.
Chính vì vậy, mấy tháng trước khi tôi bị bắt cóc, công an ở đồn công an Song Tỉnh, quận Triều Dương, đã đến nhà tôi xem xét nhân lúc tôi đi làm vắng nhà. Lần đầu tiên là vào dịp năm mới của Trung Quốc (tháng 01/2010). Hôm đó, bố mẹ chồng tôi ở nhà. Sau khi gõ cửa, công an đã tự ý đi vào phòng ngủ và phòng đọc sách nhà tôi, nhìn khắp một lượt rồi rời đi.
Tháng Tư cùng năm, khi chị gái tôi đón con gái tôi từ trường về nhà, họ đã bị công an bám theo. Khi chị ấy phát hiện ra, thì công an đã bước vào trong nhà. Công an vẫn tự ý đi vào phòng ngủ, phòng đọc sách để xem xét, đồng thời hỏi thăm tình hình của tôi. Chị gái nói với tôi rằng công an đã nhìn thấy bức ảnh của Sư phụ Lý Hồng Chí trên giá sách.
Sau khi tôi bị bức hại, chồng tôi cũng nhận được thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Họ nói rằng vì tôi là luật sư, nên cảnh sát an ninh quốc gia đã chuẩn bị trước một số việc nhằm bảo đảm chính xác tôi là học viên Pháp Luân Công, trong nhà có sách hoặc tài liệu liên quan đến Pháp Luân Công.
Trên thực tế, ngay từ tháng 11/2004, vì tôi phát tài liệu chân tướng về Pháp Luân Công trong khu dân cư của mình, nên ban quản lý khu phố và đồn công an địa phương đã chú ý tới. Tuy nhiên, họ không biết là ai đang phát tài liệu. Một buổi sáng sớm, lúc tôi đi làm, tôi thuận tay gửi mấy cuốn tài liệu chân tướng vào hòm thư của cư dân dưới lầu. Sự việc này khiến bảo vệ khu dân cư chú ý. Anh ta nghi ngờ nội dung tài liệu trong tay tôi, nên đã tố cáo với ban quản lý khu phố và đồn công an.
Sáng hôm đó, có người lấy danh nghĩa kiểm tra hệ thống lò sưởi để gõ cửa nhà tôi. Sau khi chị gái tôi mở cửa, mười mấy người ập vào nhà lục soát và hỏi thăm tình hình của tôi, nhưng họ không tìm thấy bất kỳ sách, tài liệu nào về Pháp Luân Công. Lúc đó, con gái tôi mới hơn một tuổi, chuyện này xem như cũng kết thúc, nhưng từ đó tôi bị đưa vào danh sách đen của ĐCSTQ.
Ngoài ra, hệ thống an ninh quốc gia là cơ quan thực thi thực tế của tổ chức 610 chuyên bức hại Pháp Luân Công. Hệ thống công an các cấp tỉnh, thành phố và quận của ĐCSTQ đã thiết lập “Tổng đội bảo vệ quốc gia,” “Chi đội bảo vệ quốc gia,” “Đại đội bảo vệ quốc gia.”
Công an bao vây ngôi nhà từ sáng sớm, chờ cơ hội đột nhập
Sáng sớm ngày 07/05/2010, như thường lệ, sau khi ngồi thiền được một giờ đồng hồ, tôi bắt đầu chuẩn bị bữa sáng cho con gái.
Những năm đó, ở Trung Quốc tràn lan sữa melamin, khiến các bậc cha mẹ khó đề phòng. Vì vậy, khi có một hãng sữa cung cấp dịch vụ giao sữa tươi tận nhà vào mỗi buổi sáng sớm, thì đây cũng là một sự lựa chọn của các bậc cha mẹ.
Khi tôi mở cửa để lấy sữa tươi, cảnh tượng trước mắt khiến tôi giật mình: mấy vị công an đang lặng lẽ chặn cửa nhà, và một trong số đó là một nữ công an. Tôi vừa mở cửa ra, trong nháy mắt, họ không nói gì mà xông ngay vào nhà, đồng thời lập tức đóng cửa lại vì sợ hàng xóm nhìn thấy.
Một viên công an trong nhóm lấy giấy tờ tùy thân ra và vẫy nó trước mắt tôi. Tôi vẫn chưa kịp nhìn, thì anh ta đã bỏ nó vào túi. Tôi yêu cầu được xem rõ, nhưng đối phương không đồng ý.
Đối mặt với cảnh tượng trước mắt, tôi suy nghĩ rất nhanh, nghĩ cách nên đối phó như thế nào. Tôi hiểu rõ sự bức hại tàn khốc của ĐCSTQ đối với các học viên Pháp Luân Công. Lúc đó, trong lòng tôi có chút căng thẳng, nhưng vẫn cố gắng không thể hiện ra ngoài. Nếu không, họ sẽ càng không kiêng nể gì, khiến chồng và con gái càng sợ hãi.
Tôi cố gắng giữ bình tĩnh, nhẹ nhàng nhắc nhở họ rằng con gái tôi mới 7 tuổi và cảnh tượng này sẽ khiến cháu sợ hãi. Tôi yêu cầu họ ra ngoài trước và đợi con gái tôi đi học, nhưng họ hoàn toàn không quan tâm, vẫn ngang ngược ngồi trên ghế sô pha. Lúc đó, tôi chợt nhớ ra, tôi đã truy cập các trang web ở ngoại quốc bằng cách “vượt tường lửa” vào đêm hôm trước, trong máy điện toán có sách Pháp Luân Công và các tài liệu khác, tuyệt đối không được để rơi vào tay công an.
Tôi nói với họ, tôi phải vào phòng ngủ để đánh thức chồng con tôi dậy, và yêu cầu họ không được đi theo.
Sau khi vào phòng ngủ, tôi nhanh chóng đẩy chiếc laptop vào chỗ sâu nhất dưới gầm giường, sau đó gọi chồng và con gái dậy. Tôi nói với chồng con rằng công an đang ở trong phòng khách, và hai cha con cứ bình tĩnh.
Tôi nhanh chóng ghi chép lại địa chỉ liên lạc của một học viên Pháp Luân Công trên một góc không dễ thấy của một tờ báo cũ. Tôi nói với chồng rằng, nếu tôi không thể quay về thì anh hãy liên lạc để các bạn học viên phơi bày sự việc trên Internet.
Lục soát nhà trái phép
Trong khi tôi đưa con gái vào bếp, điện thoại của vị công an khu vực reo hai lần, và anh ta lập tức tắt máy. Khi chồng tôi đưa con gái đến trường, viên công an lập tức gọi điện. Một nhân viên an ninh quốc gia tên là Từ Dũng (Xu Yong) đang nấp ở cầu thang, dẫn người đạp cửa xông vào nhà.
Dưới sự chỉ huy và dẫn đầu của ông Từ Dũng, công an bắt đầu lục soát nhà, chụp ảnh và lấy đi các cuốn sách của Pháp Luân Công để làm cái gọi là “bằng chứng” cho việc bắt cóc phi pháp.
Khi tôi đang tìm điện thoại di động của mình, viên công an đang canh giữ tôi đột nhiên nhìn tôi đầy ẩn ý. Thừa dịp xung quanh không có ai, anh ta thấp giọng nói, “không cần tìm điện thoại.” Kỳ thực, tôi biết ĐCSTQ dùng điện thoại di động để theo dõi và giám sát các học viên Pháp Luân Công, vì vậy trong điện thoại của tôi không lưu số điện thoại của các học viên khác.
Lúc đó tôi nghĩ, có thể viên công an này đã biết ít nhiều chân tướng về Pháp Luân Công. Trong nhiều năm gần đây, ĐCSTQ đã lôi kéo những người trong thể chế cùng bức hại Pháp Luân Công. Các học viên Pháp Luân Công chúng tôi cũng đã thiện tâm nói với những người này về chân tướng Pháp Luân Công. Chỉ là tiêu chuẩn đạo đức và khả năng nhận thức của mỗi người khác nhau, nên thái độ cũng khác nhau.
Trải nghiệm ở đồn công an
Trong “vòng vây” của công an, tôi bị giam giữ phi pháp trong một căn phòng có gắn camera ở đồn công an Song Tỉnh.
Lúc đó, viên công an từng nhắc nhở tôi đừng tìm điện thoại lại nhanh chóng xuất hiện ở cửa. Anh ta bước một chân vào, vươn người nhìn thoáng qua cái camera, rồi lại bước ra khỏi cửa. Qua khung cửa, anh ta chỉ tay lên lầu và nói: “Không phải chúng tôi muốn bắt cô, mà là họ. Họ là phân cục Triều Dương.” Nói xong, anh ta liền rời đi.
Trong lúc nhân viên an ninh quốc gia Từ Dũng liên hệ với trại tạm giam quận Triều Dương, thì hai công an khác tiến hành ghi chép sơ qua về tôi, nữ công an kia cũng có mặt. Lúc đó, tâm trạng của tôi đã ổn định. Với vẻ mặt tươi cười, tôi kể cho họ nghe về những lợi ích mà tôi đã nhận được từ khi tu luyện Pháp Luân Công.
Năm 2000, tôi thi đậu thạc sĩ ngành luật của Đại học Khoa học Chính trị và Luật Trung Quốc. Sau khi lớp học khai giảng vào tháng Chín, tôi phát hiện một bạn học trong ký túc xá rất lương thiện, ngay chính, không theo đuổi danh lợi. Sau khi trở thành bằng hữu thân thiết, tôi được biết cô ấy là học viên Pháp Luân Công.
Tôi cũng trở thành một học viên Pháp Luân Công vào tháng 06/2001, gần hai năm sau khi ĐCSTQ bức hại Pháp Luân Công. Trước khi thi đại học, tôi bị mắc bệnh suy nhược thần kinh, thường xuyên mất ngủ trắng đêm. Vậy mà từ khi bước vào tu luyện Pháp Luân Công, bệnh không chữa mà khỏi. Tôi cũng bị bệnh dạ dày khi còn học đại học, đến khi đi làm thì bị bệnh viêm mũi, viêm họng. Sau khi tu luyện, tất cả các bệnh tật đều khỏi. Thực ra, tôi tu luyện Pháp Luân Công không vì mục đích truy cầu trị bệnh, chỉ là cảm thấy chân, thiện, nhẫn thật tốt.
Tôi cố gắng hành xử theo chân, thiện, nhẫn. Khi gặp phải mâu thuẫn, tôi học được cách tìm nguyên nhân ở bản thân mình, thay vì đổ lỗi hoặc tìm vấn đề từ người khác.
Tôi cũng đưa ra ví dụ cho họ. Ví dụ như, trước đây mối quan hệ giữa tôi và cha mẹ chồng không tốt, trong nhiều năm hầu như không qua lại với nhau. Sau khi tu luyện Pháp Luân Công, tôi chủ động hóa giải mâu thuẫn, luôn luôn tìm kiếm những thiếu sót của mình, thiện tâm đối đãi với cha mẹ. Trong công việc, tôi xem nhẹ danh lợi trước mặt, không tranh đoạt lợi ích với người khác, .v.v.
Cứ như vậy, việc ghi chép của hai vị công an cũng vội vàng kết thúc. Trong nhiều năm, họ đã quen với việc các học viên Pháp Luân Công từ chối ký tên. Vì vậy, họ cũng không ép buộc tôi ký.
Công an âm thầm cải biến
Từ khoảng 8 giờ sáng đến 2-3 giờ chiều, tôi bị giam giữ phi pháp trong đồn công an, nữ công an kia luôn luôn theo dõi tôi. Chỉ trong vài giờ ngắn ngủi, từ những lời nói cay độc, quát mắng lúc đầu, thái độ của cô ấy đã chuyển sang quan tâm. Cô ấy hỏi tôi có uống nước hay không (trong thời gian ở đồn công an, không có ăn cơm, uống nước).
Thời tiết tháng Năm ở Bắc Kinh nắng chói chang. Theo chỉ thị của Cảnh sát An ninh quốc gia, công an ở đồn công an đã đưa tôi đến nhà tù quận Triều Dương. Nữ công an “hộ tống” ngồi ở phía sau, thỉnh thoảng lặng lẽ nhìn ra ngoài cửa sổ rồi lại nhìn tôi.
Đột nhiên, cô ấy hạ giọng nói: “Chị là người tốt nhất mà em từng gặp.” Tôi cười hỏi: “Vậy em có muốn làm bạn với chị không?” Sau mười mấy giây im lặng, cô ấy nói: “Khi nào chị trở về… Nhưng đừng để người ta biết.” Chúng tôi nhìn vào mắt nhau và mỉm cười. Hai năm sau, dù đã về nhà nhưng tôi không thể đến tìm cô ấy vì tôi bị giám sát 24/24, và tôi không muốn liên lụy đến cô ấy.
Một lúc sau, xe đã đến trại giam quận Triều Dương của Bắc Kinh. Kể từ đó, cuộc sống của tôi đã xảy ra những biến cố lớn …
Tống Mỹ Anh thực hiện
Sương Sương biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ