Cựu lãnh đạo Trung Quốc được hộ tống ra khỏi Đại hội Đảng nơi ông Tập củng cố quyền lực
Cựu lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã bất ngờ bị đưa ra khỏi lễ bế mạc kỳ đại hội Đảng quan trọng ở Bắc Kinh mà không có lời giải thích nào. Trong một sự kiện thường được dàn dựng công phu như vậy, thì hành động này đã làm dấy lên không ít sự hoài nghi của dư luận.
Theo các đoạn clip từ Đại hội Đảng lần thứ 20 hôm 22/10, người đàn ông 79 tuổi với vẻ ngoài ốm yếu này đang ngồi bên trái người kế nhiệm ngay sau [nhiệm kỳ] của mình là ông Tập Cận Bình ở hàng ghế đầu thì một nhân viên tiếp cận và đưa ông đi.
Rõ ràng là ông Hồ Cẩm Đào đã rời đi trong miễn cưỡng.
Nhân viên mặc bộ đồ sẫm màu và đeo khẩu trang y tế đầu tiên là cầm kính cho ông Hồ. Vị này đã dùng cả hai tay đặt dưới cánh tay của ông Hồ và cố gắng nhấc ông Hồ ra khỏi chỗ ngồi của mình.
Người đàn ông này cầm tập tài liệu màu đỏ của ông Hồ, cùng lúc đó một quan chức cao cấp khác đến tiếp cận và dẫn ông Hồ đi. Trông có vẻ bối rối, ông Hồ quay trở lại chỗ ngồi của mình. Ông trao đổi một câu gì đó rất ngắn gọn với ông Tập và quay sang vỗ vai Thủ tướng Lý Khắc Cường sắp mãn nhiệm, người ngồi bên tay phải của ông Tập. Cả hai người đều gật đầu đáp lại.
Toàn bộ cảnh tượng này diễn ra chỉ vài phút trước sự chứng kiến của hơn 2,000 người tham dự. Hành động này xảy ra ngay khi các ký giả quốc tế bước vào hội trường để đưa tin về sự kiện được tổ chức 5 năm một lần, nơi ông Tập được dự đoán là sẽ giành được nhiệm kỳ thứ ba phá vỡ truyền thống của Đảng.
Hiện vẫn chưa rõ những tình tiết xung quanh việc ông Hồ bị đưa ra khỏi hội nghị. Vào ngày đầu tiên của kỳ đại hội kéo dài một tuần, ông Hồ trông rất yếu và được một phụ tá trẻ dìu lên bục sân khấu.
Ngồi bên bên trái của ông Hồ Cẩm Đào hôm thứ Bảy (22/10), nhân vật cao cấp Lật Chiến Thư (Li Zhanshu) lấy khăn tay lau mồ hôi trên trán trong cảnh quay được công khai. Ông chỉnh sửa trang phục của mình và định đứng dậy để giúp ông Hồ, nhưng bị ông Vương Hỗ Ninh – tư tưởng gia hàng đầu của Đảng ngồi kế ông, kéo lại.
Lúc ngồi dự họp, có một thời điểm, ông Hồ đã với tay trúng tập tài liệu của ông Tập được để giữa hai người ở trên bàn. Ông Tập đã với tay giữ lại tập tài liệu đó; vị nhân viên hỗ trợ nhanh chóng gạt cánh tay của cựu lãnh đạo ra khỏi bàn và một lần nữa cố gắng đỡ ông Hồ dậy. Hầu như không có ai từ hàng ghế trước nhúc nhích khi ông Hồ Cẩm Đào di chuyển ở phía sau đến lối ra của hội trường.
Đến tối thứ Bảy, sự kiện này đã biến mất không để lại dấu vết trên nền tảng Weibo giống Twitter của Trung Quốc. Phương tiện truyền thông nhà nước cũng không đưa tin về cảnh tượng này. Khi vấn đề này thu hút sự quan tâm của phương Tây, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc là Tân Hoa Xã cho biết phóng viên của họ “được biết rằng ông Hồ Cẩm Đào một mực muốn tham dự phiên bế mạc Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 của Đảng, bất chấp thực tế là ông ấy đang trong thời gian tĩnh dưỡng phục hồi sức khỏe.”
“Khi ông cảm thấy không khỏe trong suốt phiên họp, thì vì sức khỏe của ông nên nhân viên của ông đã dìu ông đến một căn phòng bên cạnh địa điểm tổ chức đại hội để nghỉ ngơi. Bây giờ, ông đã khỏe hơn nhiều,” hãng thông tấn này cho biết trên Twitter, vốn không thể truy cập được ở Trung Quốc.
Nhưng nhiều nhà phân tích cho rằng các yếu tố quyền lực đóng vai trò trong sự ra đi đột ngột của ông Hồ.
“Ông Tập Cận Bình đang cố gắng không muốn cho ông Hồ Cẩm Đào biết gì về kết quả của cuộc bỏ phiếu bằng cách để ông Hồ về sớm,” nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc lưu vong Vương Quân Đào (Wang Juntao) nói với The Epoch Times. “Cuối cùng họ cũng đưa được ông ấy ra ngoài.”
Một trong những điều cuối cùng mà ông Hồ Cẩm Đào nhìn thấy tại hội nghị là cuộc bỏ phiếu để bầu ra Ban Chấp hành Trung ương mới của Đảng với 205 nhân sự, sẽ tiếp tục xác định ban lãnh đạo nòng cốt tiếp theo vào hôm Chủ Nhật (23/10) khi ông Tập được cho là vẫn sẽ tiếp tục giữ vị trí chủ tịch của mình. Trong số 25 quan chức nòng cốt hàng đầu của đội ngũ lãnh đạo tiền nhiệm, chỉ có 12 người sẽ tiếp tục nắm quyền. Cả thủ tướng, người được ông Hồ Cẩm Đào che chở, từng được xem là người thừa kế tiềm năng của Đảng, lẫn ông ông Lật Chiến Thư, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, đều không lọt vào danh sách ban lãnh đạo mới.
Các quan chức đã sửa đổi hiến chương Đảng trong lúc ông Hồ vắng mặt để đưa vào ngôn ngữ mà nhiều nhà phân tích tin rằng sẽ nâng cao vị thế của ông Tập.
Ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), một giáo sư tại khoa nghiên cứu Trung Quốc thuộc Đại học Công nghệ Sydney và là một nhà phê bình thẳng thắn đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, cho là ông Tập không muốn ông Hồ cản trở con đường tiến tới việc củng cố quyền lực của mình.
Ông lưu ý rằng trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Hồ Cẩm Đào vào năm 2006, chính quyền trung ương Trung Quốc đã ban hành quy định cấm các quan chức Trung Quốc — trong đó các lãnh đạo cao nhất — giữ cùng một vị trí trong hơn hai nhiệm kỳ liên tiếp. Quy định này đã biến mất trong hiến chương Đảng hiện hành.
Ông Hồ có thể “lấy tài liệu này ra đối chất ông Tập: đây là quy định của Đảng, tại sao ông lại không tuân theo?” ông Phùng nói.
Bản tin có sự đóng góp của Lạc Á
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times