Cuộc thi Piano Quốc tế NTD: Hành trình chinh phục bản giao hưởng của nhà soạn nhạc lừng danh Schumann
Thí sinh Antonii Baryshevskyi vòng chung kết Cuộc Thi Piano Quốc Tế NTD
Anh Antonii Baryshevskyi đã cống hiến hết mình tại Cuộc thi Piano Quốc tế NTD lần thứ 6 và cảm thấy mình “đã nhận được một trải nghiệm phi thường.”
Vào thứ ba [tuần vừa qua], nghệ sĩ dương cầm người Ukraine đã lọt vào vòng chung kết cuộc thi diễn ra tại Trung tâm Âm nhạc Kaufman ở Thành phố New York. Anh đã biểu diễn khúc Waldesrauschen của nhà soạn nhạc Liszt cùng với một trong những tác phẩm anh yêu thích của nhà soạn nhạc lừng danh Schumann là Symphonic Etudes, bao gồm năm bản biến tấu được để lại sau khi ông qua đời.
“Tôi đã cố gắng thể hiện tất cả những ý tưởng của mình về âm nhạc,” anh Antonii nói. “Tôi cảm thấy như mình đang đứng sau một ngọn núi hùng vĩ, cố gắng nói với mọi người rằng ngọn núi tuyệt đẹp như thế nào, cố gắng mô tả từng phần và đưa mọi người vào hành trình này cùng tôi, một cuộc hành trình băng qua ngọn núi lớn này.”
Symphonic Etudes của tác giả Schumann được phát triển từ một chủ đề do một nhạc sĩ nghiệp dư viết và “ông thực sự tạo ra một lâu đài khổng lồ từ chủ đề chỉ trong một trang này” Antonii nói.
“Ông đã sử dụng các cấu trúc giai điệu khác nhau, đưa chúng ta băng qua những thế giới khác nhau chưa từng tồn tại trước đây. Từ etude(*) này sang etude khác, đưa chúng ta đến nơi rất xa chủ đề chính. Đôi khi biến mất, đôi khi lại quay trở lại. Những etude giống như một cuốn tiểu thuyết đồ sộ.”
Bản thân là một nhà soạn nhạc và ứng tác, anh Antonii đánh giá cao chiều sâu của âm nhạc cổ điển như một loại hình nghệ thuật. Âm nhạc là nghệ thuật của thời gian và là một môn nghệ thuật đòi hỏi rất nhiều từ người biểu diễn và người nghe, Antonii tìm kiếm những tác phẩm đáng để khám phá.
“Tôi muốn chơi những giai điệu mỹ diệu, đẹp đẽ nhất có thể,” anh nói.
“Âm nhạc cổ điển là những ý tưởng sâu sắc, những cảm xúc sâu lắng,” anh Antonii bộc bạch. “Thật giàu ý nghĩa. Thông thường, một bản nhạc cổ điển, ngay cả khi chỉ trên một trang giấy, không bao giờ đơn thuần là một ý tưởng hoặc một hình dạng hoặc một cảm xúc nào đó; mà thường là chất chứa nhiều điều. Giống như bản etude của nhà soạn nhạc Chopin, âm nhạc cổ điển có thể là một trang giấy nhưng [chứa đựng] rất nhiều nội hàm, muôn hình vạn trạng của cảm xúc, màu sắc cũng như thì thầm những câu chuyện kể.”
Anh Antonii lớn lên trong bầu không khí âm nhạc của những nghệ sĩ vĩ đại như Vladimir Horowitz, Sviatoslav Richter, Glenn Gould, Christian Zimmerman, Grigory Sokolov và Andras Schiff.
“Tôi đúc kết từ những con người vĩ đại ấy, rằng âm nhạc không chỉ là sức mạnh, năng lượng và cảm xúc – mà còn về cấu trúc tuyệt vời, về chi tiết, về điều gì đó hình thành nên tâm trí của chúng ta – cũng là thứ thổi bùng tâm trí của chúng ta.”
“Âm nhạc không thể chỉ là sự lạnh lùng và [chính xác như] toán học. Âm nhạc còn làm rung động trái tim của con người.” Anh nói. “Âm nhạc cũng như không khí vậy, tôi không thể tưởng tượng được [nếu] bản thân mình thiếu không khí [để duy trì sự sống].”
Chú thích của dịch giả:
Bình An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times