Cuộc minh oan: Nhà văn Harriet Beecher Stowe và ‘Vụ bê bối Byron’
“Vậy cô chính là người phụ nữ nhỏ nhắn viết cuốn sách khơi ra cuộc chiến lớn này.”
Dù trong chuyến thăm Tòa Bạch Ốc năm 1862, ngài Abraham Lincoln có chào đón bà Harriet Beecher Stowe bằng những lời đó hay không, nhưng nếu có, thì nhận định đó là chính xác. Nhà văn Stowe thực sự nhỏ bé — bà cao không đến năm feet (~152cm) — và cuốn tiểu thuyết mà bà viết 10 năm trước đó đã châm thêm dầu vào vấn đề nô lệ đang cháy âm ỉ.
Đầu tiên, câu chuyện được đăng nhiều kỳ trên tạp chí và sau đó được xuất bản thành sách vào năm 1852, tiểu thuyết “Uncle Tom’s Cabin” (Túp Lều Bác Tom) đã ảnh hưởng đến các sự kiện của công chúng nhiều hơn bất kỳ cuốn tiểu thuyết nào khác trong lịch sử Hoa Kỳ. Câu chuyện về chế độ nô lệ này được đón nhận nồng nhiệt, bán được hơn 300,000 bản ở Hoa Kỳ và hơn một triệu bản ở Vương Quốc Anh. Ở miền Bắc, phong trào bãi bỏ nô lệ đã thu hút hàng chục ngàn người ủng hộ cuồng nhiệt. Trong khi ở miền Nam, các chủ nô và báo giới phản đối gay gắt với những gì họ cho là bất công và sai sự thật trong cuốn “Túp Lều Bác Tom,” và ở một số nơi, cuốn sách này đã bị cấm hoàn toàn.
Bà Stowe viết cuốn tiểu thuyết với hi vọng khích lệ mọi người ở khắp nơi trên đất nước cùng nhau chấm dứt chế độ nô lệ. Bị tấn công bởi một loạt những lời chỉ trích rằng bà đã bóp méo sự thật xoay quanh chế độ nô lệ; năm 1853, bà đã xuất bản cuốn “A Key to Uncle Tom’s Cabin” (Chìa Khóa Vào Túp Lều Của Bác Tom), tác phẩm này tổng hợp các bức thư, sự kiện lịch sử, các vụ án pháp lý, và bằng chứng khác chứng minh sự tàn ác và bất công của hệ thống nô lệ.
Hầu hết chúng ta ngày nay đều quen thuộc với các giá trị chung của cuốn “Túp Lều Bác Tom” và những tranh cãi mà cuốn tiểu thuyết đã tạo nên. Tuy nhiên, rất ít người biết rằng gần 20 năm sau đó, bà Stowe gây ra một biến động khác, tuy nhỏ hơn nhưng một lần nữa bà viết cuốn sách tiếp nối để ủng hộ mục tiêu của mình — tôn vinh sự thật và tình bạn.
Những sự kiện sắp diễn ra
Bà Harriet Beecher Stowe (1811–1896) lớn lên trong một gia đình thường xuyên bất hòa. Cha bà, ông Lyman Beecher, là một mục sư danh tiếng của Giáo hội Trưởng lão, và vài người trong số 11 người con của ông đã ủng hộ việc bãi bỏ nô lệ và cải cách xã hội. Ông Beecher chú trọng đến việc giáo dục cho cả con gái lẫn con trai của mình, và bà Harriet có thể tự do đọc sách từ thư viện lớn của ông. Giống như nhiều người đương thời, bà đặc biệt say mê thơ của thi sĩ nổi tiếng Lord Byron (1788–1824), một nhân vật tiếng tăm, tựa như ngôi sao nhạc rock trong thời đại của ông, và cũng là người có ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc đời của bà Stowe cả thập niên sau khi ông qua đời.
Sau khi làm giáo viên và trên hành trình trở thành nhà văn, bà Harriet kết hôn với ông Calvin Stowe, một giáo sư và học giả về Kinh Thánh, người đàn ông góa vợ trước đây từng kết hôn với một trong những bạn thân của bà. Họ cùng nhau nuôi dưỡng bảy người con. Ngay cả khi hai vợ chồng đối mặt với khó khăn về tài chính, ông Calvin luôn khích lệ vợ mình viết lách. Với việc xuất bản cuốn sách “Uncle Tom’s Cabin” (Túp lều Của Bác Tom), những khó khăn tài chính của họ đã được giải quyết. Bà Stowe tiếp tục viết cho đến khi tuổi già khiến bà không thể tiếp tục, và bà xuất bản hơn 30 cuốn sách.
Vào năm 1853, trong chuyến đi tới Anh quốc để quảng bá cuốn sách bán chạy nhất của mình, bà Stowe có cơ hội gặp và kết bạn với bà Anne Isabella Milbanke (1792–1860), người vợ bị chỉ trích vốn sống ly thân với nhà thơ Lord Byron trong thời gian dài, bà cũng là mẹ của người con hợp pháp duy nhất của ông.
Khơi ra một cuộc chiến
Thời trẻ, như nhiều người khác, nhà văn Stowe nghe những lời bóng gió và đồn thổi về Quý bà Byron, về tính khí lạnh lùng của bà và việc bà bỏ rơi chồng mình, mà hậu quả là khiến ông sống lang bạt ở ngoại quốc, cờ bạc, uống rượu và theo đuổi những người phụ nữ khác. Nhiều năm sau đó, bà viết: “Vẫn nguyên vẹn trong ký ức của tác giả, ở thị trấn vùng núi hẻo lánh, nơi người phụ nữ ấy sống những ngày đầu sau vụ ly thân, vụ ly thân của thi sĩ Lord Byron với vợ là chủ đề vừa đủ cho một mùa đàm tiếu.”
Lòng thương cảm dành cho thi sĩ Byron đã dần chuyển thành sự kinh hãi khi vào năm 1856, bà Stowe một lần nữa đến thăm Quý bà Byron và biết được sự vũ phu, thói uống rượu bạt mạng và tính khí lăng nhăng của ông. Điều kinh hoàng nhất là câu chuyện về mối quan hệ thân mật của ông với người chị cùng cha khác mẹ là Augusta và đứa trẻ được sinh ra từ mối tình đó.
Nhiều người khác cũng biết về những chi tiết tồi tệ trong đời sống bí mật của ông Byron, và bà Stowe quyết định không kể những bí mật của Quý bà Byron, vì bà muốn tự mình công khai trước công chúng. Cho đến năm 1869, bà tình cờ đọc cuốn hồi ký vừa được xuất bản của Bá tước Teresa Guiccioli, người tình cuối cùng của ông Byron. Những hồi tưởng của bà Guiccioli đã công kích Quý bà Byron, đổ lỗi cho thái độ lạnh lùng và sự cuồng tín tôn giáo của bà dẫn đến hành vi nổi loạn và cái chết sớm của nhà thơ.
Trận chiến bắt đầu
Vào tháng 9/1869, tạp chí The Atlantic Monthly đăng bài viết của bà Stowe “The True Story of Lady Byron’s Life” (Câu chuyện có thật về cuộc đời của Quý bà Byron). Trong bài viết dài này, nhà văn Stowe trước tiên đánh giá nhà thơ Lord Byron như cách mà công chúng biết về ông: “một người được thiên phú mọi nét quyến rũ tự nhiên, tài năng và sự lịch thiệp, nhưng chỉ vì một bước sai lầm trong cuộc hôn nhân không phù hợp đã hủy hoại cuộc đời ông.”
Sau đó, bà cho biết rằng việc nữ bá tước Teresa Guiccioli bôi nhọ hình ảnh của Quý bà Byron của đã châm ngòi cho sự phản bác này. Bà trích dẫn những dòng thơ dài của ông Byron, tái hiện lại những cuộc thảo luận xung quanh ông từ thời thơ ấu của bà, kể chi tiết quá trình tán tỉnh dẫn đến cuộc hôn nhân của ông Byron và bà Anne, đồng thời viết về cuộc sống của ông như một kẻ phóng túng.
Và rồi tin tức chấn động là đây: “Ông đã bí mật ngoại tình với một người họ hàng cận huyết thống, gần đến mức nếu bị phát hiện chắc chắn sẽ hủy hoại ông hoàn toàn và đẩy ông khỏi xã hội văn minh.”
Lời cáo buộc về tội loạn luân đã gây ra cuộc bùng nổ hiếm thấy trong lĩnh vực văn học.
Cuộc phản công
Sự phẫn nộ ập đến sau bài viết “True Story” (Chuyện thật) của bà Stowe khiến cho văn hóa tẩy chay thời nay dường như chỉ là lời thì thầm trong gió. Hàng ngàn độc giả của Tạp chí The Atlantic hủy mua ấn phẩm, gần như làm cho tạp chí suýt đóng cửa, và những điều sỉ nhục đổ dồn từ mọi phía. Nhiều người chỉ trích bà Stowe cảm thấy choáng váng trước những tiết lộ về hành vi tình dục không phù hợp như vậy trên báo chí. Những người hâm mộ ông Byron cũng đáp trả bằng những lời phỉ báng, ủng hộ quan điểm rằng Quý bà Byron đã phá hủy cuộc hôn nhân, và cho rằng bà ta đã bịa đặt về quá khứ của ông Byron, và rằng bà Stowe cũng chẳng hơn gì một kẻ viết dạo.
Trong cuốn tiểu sử “Harriet Beecher Stowe,” tác giả Suzanne Coil nói rằng một nghị sĩ đã xin lỗi Vương Quốc Anh — “không có điều gì từ ngòi bút của bà ta được công chúng Mỹ xem là đáng tin cậy” — và Hạ viện Anh đã tranh luận về việc liệu có nên bị cấm bà vào Quốc đảo Anh vĩnh viễn hay không.
Một trong số ít những người đứng ra bảo vệ bà Stowe, là hàng xóm của bà ở Hartford, nhà văn Mark Twain. Ông viết sáu bài bình luận về “vụ bê bối của ông Byron” để ủng hộ cả bà Stowe và Quý bà Byron. Về Lord Byron, ông thấy rằng thi sĩ này là: “một người đàn ông tồi tệ, có lẽ rất tồi tệ thì đúng hơn, một người đàn ông với trí tuệ tuyệt vời, bản tính động vật mãnh liệt, tính tự ái và ích kỷ mạnh mẽ, và ông có ít hoặc không có nguyên tắc đạo đức nào để kiềm chế hoặc kiểm soát một trong hai điều đó.”
Và phản ứng của bà Harriet Stowe thế nào? Tương tự như cách bà đã làm với cuốn “Túp Lều Của Bác Tom,” bà đáp trả những lời bôi nhọ bằng cách viết cuốn “Lady Byron Vindicated,” (Minh Oan Cho Quý Bà Byron), một tác phẩm lịch sử về vụ bê bối từ năm 1815 — năm vợ chồng Byron kết hôn — cho đến thời điểm hiện tại của bà. Tuy việc minh oan này không thuyết phục được công chúng, mặc dù đã thu hút sự quan tâm của các phong trào đòi trao quyền bầu cử cho phụ nữ và người ủng hộ nữ quyền, cuốn sách này thất bại đáng kể.
Danh dự và Tình bạn
Một số tác giả tranh luận với lý lẽ rằng bằng việc phản đối sự phỉ báng Quý bà Byron, nhà văn Stowe cũng có ý định thúc đẩy nữ quyền, rằng có thể bà hy vọng thúc đẩy sự nghiệp đó như bà từng làm với phong trào bãi bỏ [chế độ nô lệ]. Trong “Vindication,” (Minh Oan) chúng tôi tìm thấy nhiều tài liệu để ủng hộ quan điểm đó. Đây chỉ là một đoạn được trích từ “Chương III. Hồ sơ Âm mưu”:
“Bài học cho người phụ nữ trong tình huống đáng thương của những lời biện hộ đặc biệt này là, người đàn ông có thể đặt mình hạ đẳng hơn cả loài cầm thú, có thể lăn lộn trong bùn dơ như lợn, có thể biến ngôi nhà của mình thành địa ngục, đánh đập và hành hạ con nhỏ, bỏ rơi chiếc giường hôn nhân để theo đuổi những kẻ thứ ba đáng khinh; dẫu thế, tất cả điều này không làm tan biến lời thề nguyện hôn nhân từ phía cô, cũng như không trả tự do cho cô khỏi nghĩa vụ tôn trọng [những] ký ức của anh ta.”
Mặt khác, bà Stowe không phải là một trong những người theo chủ nghĩa nữ quyền nhiệt thành nhất đương thời. Hơn nữa, bà nhận thức rất rõ về tình huống rắc rối có thể xảy ra từ những tiết lộ công khai của mình về ông Byron. Nếu bà muốn viết để ủng hộ nữ quyền, bà có thể dễ dàng lựa chọn một cách tiếp cận ít gây tranh cãi hơn.
Thay vì suy đoán về động lực đằng sau bài viết của bà Stowe “The True Story of Lady Byron’s Life” (Câu chuyện thật về cuộc đời của Quý bà Byron), có lẽ chúng ta nên đọc chính lời giải thích của bà, mà chúng ta tìm thấy trong đoạn đầu của cuốn “Vindication” (Minh oan):
“Và, trước tiên, tại sao tôi lại tiết lộ điều này?
“Về nội dung này, tôi xin trả lời ngắn gọn, Bởi lẽ tôi xem đó là trách nhiệm của mình.
“Tôi làm điều này để bảo vệ một người bạn yêu quý, người đáng được tôn trọng, mà ký ức của cô trong con mắt của thế giới văn minh là những lời buộc tội bằng những tội ác kinh tởm nhất, nhưng tôi biết chắc chắn rằng cô ấy vô tội.”
Hữu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times