Bộ ba anh hùng: Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan, nữ Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, và Đức Giáo hoàng John Paul II
Ba nhà lãnh đạo phi thường này đã góp phần lật đổ Liên bang Xô Viết
Cựu Thủ tướng Anh Thatcher, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Reagan, và Đức Giáo hoàng John Paul II đã chứng minh cho công chúng thấy sự chính trực và ý chí kiên định của mình trong suốt nhiệm kỳ dài của họ.
Trong phần giới thiệu về cuốn sách “Heroes” (Những Vị Anh Hùng) của mình, sử gia Paul Johnson nhận xét về những khó khăn cố hữu trong việc định nghĩa một anh hùng. Cuối cùng, ông kết luận rằng “hành động anh hùng được tìm thấy ở mọi thời đại và ở khắp mọi nơi. Sự nhìn nhận của công chúng là tiêu chí quan trọng và điều này lại mang tính độc đoán, kỳ quặc, thường là phi lý (và cũng dễ thay đổi), khiến cho công việc đánh giá trở nên chua chát hơn.”
Người Mỹ đã nếm trải trái đắng này trong thế kỷ 21. Các học giả, chính trị gia, và đám đông những người hùa theo đã tấn công các biểu tượng lịch sử như cựu Tổng thống George Washington, cựu Tổng thống Thomas Jefferson, và Tướng Robert E. Lee. Hành vi này đi xa đến mức là bôi nhọ hoặc phá hoại các bức tượng của những danh nhân này vì họ có liên quan đến chế độ nô lệ. Nhà thám hiểm Christopher Columbus, cố tổng thống Abraham Lincoln, nhà giáo dục Booker T. Washington, cố tổng thống Theodore Roosevelt, và nhiều người khác cũng bị tấn công, tất cả đều vì nhiều lý do khác nhau.
Dù sao đi nữa, thì nhân loại chúng ta chắc chắn cần có những vị anh hùng của mình, bằng chứng là những lời khen ngợi của người hâm mộ dành cho cựu Tổng thống Barack Obama và ông Donald Trump. Một số người khác thì lựa chọn các nhân vật nổi tiếng như các vận động viên, minh tinh điện ảnh, hay thần tượng âm nhạc để ái mộ.
Bản thân cuốn sách của sử gia Johnson cũng cho thấy một số điều mơ hồ này. Đây là những nhân vật mà chúng ta có thể mong đợi sẽ tìm thấy — Hoàng đế Julius Caesar, Nữ hoàng Elizabeth I, Phó Đô đốc Nelson .v.v. — nhưng trong cuốn sách này cũng có các nữ minh tinh như bà Mae West và Marilyn Monroe. Bất chấp những lập luận của ông Johnson, có lẽ chúng ta có thể phỏng đoán chắc chắn rằng, nữ diễn viên Monroe là trường hợp đặc biệt. Bất kể đức hạnh và khuyết điểm của mình, bà vẫn xuất hiện trong một số cuốn sách và bài báo khác — ca ngợi bà như một người hùng.
Những trái tim dũng cảm cuối thế kỷ 20
Ở chương cuối của cuốn sách này, tác giả Johnson giới thiệu đến độc giả “Ba vị anh hùng thuần hóa Gấu: Cựu Tổng thống Mỹ Reagan, cựu Thủ tướng Anh Thatcher và Đức Giáo hoàng John Paul II.”
Tất nhiên, “Con Gấu” mà sử gia Johnson đề cập đến là Liên bang Xô Viết. Quốc gia này đi đến sự sụp đổ một phần là vì nhiều chính sách thất bại của chủ nghĩa cộng sản, nhưng cũng vì cựu tổng thống Hoa Kỳ, thủ tướng Anh, và Giáo hoàng Ba Lan đã tạo áp lực chính trị to lớn lên thể chế mà ngài Reagan từng gọi là “đế chế ma quỷ.”
Thêm nữa, vì thường xuyên có hành động chống lại những phản đối gay gắt và những chỉ trích khó nghe, bà Thatcher, ông Reagan, và Giáo hoàng John Paul II đã làm thay đổi chiều hướng của các sự kiện trong phạm vi ảnh hưởng của riêng họ. Nữ Thủ tướng Thatcher đánh bại các liên đoàn lao động vốn đã mất kiểm soát, Tổng thống Reagan khôi phục niềm tự hào và nền kinh tế Hoa Kỳ sau nhiệm kỳ tổng thống đầy ảm đạm của ông Jimmy Carter, và Giáo hoàng John Paul II đã lèo lái Nhà thờ Thánh Peter tránh xa những cuộc cải cách cấp tiến cực đoan nổi lên sau Cộng đồng Vatican lần thứ hai (Vatican II).
Ngài John Paul II trở thành giáo hoàng vào năm 1978, bà Margaret Thatcher làm thủ tướng vào năm 1979, và ngài Ronald Reagan trở thành tổng thống vào năm 1981. Việc ba nhà lãnh đạo đầy quyền lực và mạnh mẽ như vậy của thế giới tự do, gần như đồng thời nắm giữ các chức vị cao trong thời điểm trọng đại của lịch sử — dường như không thể giải thích được là do an bài của Thượng Đế, định mệnh hay là vận may. Việc một chính trị gia chuyên nghiệp, một diễn viên và một mục sư cùng có chung tầm nhìn về tự do và tinh thần nhân loại cũng là điều bí ẩn không kém. Sự cộng tác giữa họ đã phát huy tác dụng một phần là vì Chiến Tranh Lạnh và thời đại mà họ đang sống, tuy nhiên bộ ba nhân vật này cũng có một số điểm chung về thời niên thiếu và tuổi trẻ, mà có lẽ nhờ đó đã mở ra cánh cửa cho tình bằng hữu thân thiết [sau này.]
Thời niên thiếu của ba nhà lãnh đạo
Trong số ba nhân vật này, thì bà Margaret Hilda Roberts (1925-2013) có tuổi thơ và thời niên thiếu bình yên nhất. Bà lớn lên ở thị trấn Grantham, thuộc hạt Lincolnshire, nước Anh. Cha mẹ bà là tín đồ Giám Lý (Methodist) ngoan đạo và là chủ cửa hàng thuộc tầng lớp trung lưu. Giống như nhiều người Mỹ và người Ba Lan đương thời, bà được giáo dục về tính tiết kiệm ở nhà bằng lời dạy và những tấm gương. Người cha đáng kính của bà, ông Alfred, từng là ủy viên hội đồng thành phố và sau này là thị trưởng của thị trấn, đã khơi dậy niềm hứng thú của bà đối với chính trị từ rất sớm. Bà học tập rất chăm chỉ ở trường, ở đó một trong số giáo viên của bà là Cô Kay đã truyền cho bà niềm yêu thích đối với môn hóa học. Sau đó, bà tốt nghiệp chuyên ngành này ở Đại Học Oxford.
Cựu Tổng thống Ronald Reagan (1911-2004) lớn lên ở thị trấn nhỏ Dixon, tiểu bang Illinois. Cha ông là một người nghiện rượu và là nhân viên bán hàng nên rất khó nuôi sống gia đình. Tuy nhiên, mẹ ông là bà Nelle lại có ảnh hưởng sâu sắc đối với con trai. Bà Nelle là một tín đồ Cơ Đốc Giáo ngoan đạo, kiên quyết phản đối nạn phân biệt chủng tộc thời bấy giờ, và ngay cả trong những thời điểm khó khăn đó, bà vẫn dành rất nhiều thời gian để giúp đỡ những người kém may mắn hơn. Từ mẹ, ông Reagan đã thấm nhuần lý tưởng giúp đỡ người nghèo có sinh kế thay vì “bố thí.” Ông chơi thể thao rất giỏi, diễn nhiều vở kịch do mẹ tổ chức và những vở kịch ở trường, đồng thời trở thành chủ tịch hội học sinh ở trường trung học. Sau này, khi theo học tại trường Đại học Eureka, ông vẫn tiếp tục các hoạt động này, đồng thời làm việc để trang trải học phí và đôi khi gửi tiền về nhà phụ giúp gia đình.
Giáo hoàng Karol Wojtyla (1920-2005) trải qua thời thơ ấu và thiếu niên ở thị trấn Wadowice, Ba Lan. Mẹ ông qua đời khi ông lên 8 tuổi. Bốn năm sau đó, người anh trai thân yêu của ông, một bác sĩ y khoa mới vào nghề, cũng qua đời. Từ cha mình, một người lính hết lòng vì hạnh phúc của cậu con trai còn sống, ông Wojtyla đã học được cách trân trọng đức tin Công Giáo, điều mà sau này ông gọi là “giáo hội tại gia” của mình. Là người đam mê trượt tuyết và chơi bóng đá, ông cũng thể hiện niềm say mê kịch nghệ. Khi ông học đại học ở thành phố Krakow, cha ông cũng chuyển đến đây. Ông tiếp tục diễn xuất trong một thời gian, thậm chí sau khi Đức quốc xã đóng cửa trường đại học, ép buộc ông và những người khác phải lao động chân tay. Vào năm 1942, ông bắt đầu học làm linh mục trong một trường dòng bí mật do tổng giám mục thành phố điều hành.
Thời trung niên
Khi trưởng thành, ba nhân vật này bắt đầu những hành trình rất khác nhau. Đầu những năm 1950, bà Thatcher rời khỏi lĩnh vực hóa học, chuyển sang nghiên cứu và hành nghề luật, đồng thời đắm mình trong giới chính trị. Vào năm 1959, bà trở thành thành viên của Nghị Viện. Ở thời điểm đó, ông Reagan đã tạo được danh tiếng ở Hollywood với vai trò là diễn viên hạng B và xuất hiện trên truyền hình. Trong khi, ông Wojtyla đã trở thành linh mục và được tấn phong làm giám mục vào năm 1958.
Cùng thời điểm đó, Chiến Tranh Lạnh giữa phương Tây và Liên bang Xô Viết vẫn tiếp diễn mà không [có dấu hiệu] suy giảm. Để dự đoán vào thời điểm đó, rằng ba nhân vật vốn là những người xa lạ với nhau này, sẽ hình thành một liên minh trong suốt 20 năm nhằm chấm dứt cả Chiến Tranh Lạnh lẫn Liên bang Xô Viết là sự việc vượt ngoài khả năng tiên đoán của bất cứ nhà tiên tri nào.
Can trường trước khó khăn
Trong đoạn văn cuối của cuốn sách “Heroes” (Những Vị Anh Hùng), sử gia Johnson hỏi rằng, làm thế nào chúng ta có thể nhận ra những người hùng trong thời đại của mình. Rồi ông liệt kê ra bốn phẩm chất mà ông cho là phù hợp: ông viết rằng, những vị anh hùng sở hữu “một tư duy hoàn toàn độc lập,” tiếp đến là năng lực và ý chí để thực hiện những lý tưởng đó “một cách kiên định và nhất quán.” Họ bỏ ngoài tai những lời chỉ trích của giới truyền thông miễn là họ “tin tưởng vững chắc” rằng mình đang làm điều đúng đắn. Cuối cùng, những người hùng “luôn hành động bằng lòng dũng cảm của mình, bất chấp hậu quả có thể xảy đến” với chính họ.
Bà Thatcher, ông Reagan, và ông John Paul II đã thể hiện rõ ràng những phẩm chất này trong suốt nhiệm kỳ dài của họ trước công chúng. Ví dụ, trong phần thảo luận về giáo hoàng và các vấn đề của Giáo hội, sử gia Johnson viết rằng “ông không bao giờ cho phép mình chệch hướng khỏi chương trình phục hồi mà ông theo đuổi một cách đều đặn và kiên trì suốt nhiệm kỳ làm giáo hoàng lâu dài của mình.” Tùy theo hoàn cảnh, dấu ấn về sự kiên định và lòng dũng cảm tương tự như vậy cũng có trong bà Thatcher và ông Reagan.
Rõ ràng, cả ba người đã rèn giũa những khả năng này trong nhiều năm, trước khi trở thành những nhân vật có tầm ảnh hưởng quốc tế. Suốt 20 năm làm việc trong Nghị Viện trước khi trở thành nữ thủ tướng đã giúp bà Thatcher quen với sự rối ren của chính trị và chủ nghĩa bè phái. Sự nghiệp của ông Reagan trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình, và điện ảnh đã tạo nên tài năng diễn thuyết và sức thu hút để đưa ông tiến vào văn phòng thống đốc của tiểu bang California, và sau đó là Tòa Bách Ốc. Năm thập niên thương thuyết với các chính phủ cực quyền của Giáo hoàng John Paul đã giúp ông mài giũa những kỹ năng và hiểu biết thực tế để chiến đấu và đánh bại chủ nghĩa cộng sản.
Lập nên những Quán quân Đức hạnh
Hẳn là không còn đủ chỗ để sử gia Johnson khám phá về tuổi thơ của bà Thatcher, ông Reagan và ông Wojtyla. Tuy nhiên, nếu chúng ta nhìn vào những năm tháng tuổi trẻ đó, chúng ta sẽ tìm thấy cội nguồn đã khiến lòng dũng cảm và nghị lực của họ đơm hoa. Mỗi người trong số họ đều trưởng thành trong các cộng đồng mà đã nuôi dưỡng và trao cho họ cơ hội để phát triển tài năng. Mỗi người được nuôi dưỡng và trưởng thành bằng tình yêu thương, sự khích lệ của cha mẹ, những người đã dạy họ đức hạnh. Từng người trong số họ đều lớn lên trong một gia đình có đức tin tôn giáo mạnh mẽ chứ không chỉ chiếu lệ. Và mỗi người đều sớm được học về sự cần thiết và giá trị của việc lao động chăm chỉ, nỗ lực cá nhân, và tham vọng ngay chính.
Đất, nước, và ánh sáng mặt trời đã sản sinh ra không chỉ những vị anh hùng mà còn là những người đàn ông và phụ nữ tốt. Bất kể thời đại và bất kể địa vị của họ trong cuộc sống, những người như vậy luôn khan hiếm trong bất cứ xã hội nào. Cuộc đời của bà Thatcher, ông Reagan, và ông John Paul sẽ nhắc nhở tất cả chúng ta, đặc biệt là các bậc cha mẹ, rằng sự hình thành nhân cách — tạo nên lòng tốt và chủ nghĩa anh hùng — bắt đầu từ những bài học được dạy bảo ngay từ tấm bé.
Hoàng Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times