Từ tuổi thiếu niên đến tuổi trưởng thành: Là trách nhiệm chứ không chỉ các nghi lễ
Đánh dấu những thời khắc thay đổi từ thiếu niên thành người lớn
Từ điển bách khoa Britannica trực tuyến định nghĩa ‘nghi thức của sự chuyển đổi’ là một “sự kiện mang tính nghi lễ, tồn tại trong tất cả các xã hội được biết đến trong lịch sử, đánh dấu sự chuyển đổi từ địa vị xã hội hoặc tôn giáo này sang địa vị xã hội hoặc tôn giáo khác.”
Trong cùng bài viết, tác giả cung cấp thêm những thông tin cụ thể: “Nhiều nghi thức thông thường và quan trọng nhất có liên quan đến các khủng hoảng sinh học, hoặc các cột mốc quan trọng của cuộc đời — sinh ra, trưởng thành, sinh nở và qua đời — khiến địa vị xã hội thay đổi và, do đó, dẫn đến thay đổi trong các mối quan hệ xã hội của những người liên quan. Những nghi thức chuyển đổi khác để tôn vinh những thay đổi hoàn toàn về văn hóa, chẳng hạn như việc bắt đầu tham gia vào các hội nhóm trong xã hội gồm những người có sở thích đặc biệt — ví dụ như hội sinh viên đại học.”
Trong văn hóa phương Tây, nhiều nghi thức trong số này theo truyền thống có liên quan đến nghi thức tôn giáo. Ví dụ, trong nhiều thế kỷ, trẻ em được rửa tội, thanh thiếu niên được tham gia lễ ban thánh thể đầu tiên và làm lễ trưởng thành, nam nữ kết hôn trong nhà thờ, các linh mục, các tu sĩ hoàn thành các khóa học và sẽ có nghi lễ công nhận địa vị mới của họ, những người hấp hối giã từ cuộc sống với những nghi lễ cuối cùng. Trong đức tin của người Do Thái, các cậu bé khoảng 13 tuổi sẽ trải qua lễ trưởng thành (bar mitzvah), một giai đoạn tu dưỡng về đức tin, được công nhận trưởng thành và năng lực tham gia các buổi lễ tôn giáo.
Nhưng còn thời nay thì sao? Liệu một buổi lễ hay một số bài kiểm tra nào đó trong thế giới thế tục của chúng ta đánh dấu sự chuyển đổi từ tuổi thiếu niên sang tuổi trưởng thành không?
Một vài sáng kiến trong thế giới hiện đại
Một nghi thức của sự chuyển đổi thường liên quan đến một hành trình chuyển từ quen thuộc sang mới mẻ, một cuộc thám hiểm được thực hiện thông qua sự học hỏi hoặc một số loại thử thách hoặc sự kiện trọng đại, và sự chuyển đổi của bản thân cá nhân đó.
Xã hội của chúng ta có rất nhiều nghi thức như vậy, mặc dù chúng hiếm khi được nêu ra bằng tên gọi. Một thanh niên 16 tuổi học luật đường bộ, vượt qua bài thi và có bằng lái xe, nhờ đó có được quyền hợp pháp lái xe có trọng lượng hai tấn với tốc độ 70 dặm một giờ trên đường cao tốc. Một Hướng đạo sinh đạt được thành tích cao nhất trong nhóm của mình, cấp bậc Đại bàng, thường được kỷ niệm bằng một một buổi lễ đặc biệt và long trong. Xã hội vẫn coi việc tốt nghiệp trung học là một bước chuyển tiếp sang giai đoạn trưởng thành, học sinh tốt nghiệp sẽ bước vào đại học hay nhập ngũ hoặc gia nhập lực lượng lao động. Một số nhà thờ Cơ đốc giáo vẫn ban các bí tích cho thanh niên, và tất nhiên theo sau buổi lễ là các hoạt động lễ hội.
Tuy nhiên, những bước chuyển đổi này và các bước trưởng thành khác vẫn còn thiếu thứ gì đó. Chúng là phần thưởng cho thành tựu đạt được, tất cả đều ổn và tốt thôi, nhưng hiếm khi gánh nặng trách nhiệm đi kèm được thực hiện nghiêm túc, mà điều này chắc chắn là một trong những yếu tố quan trọng của việc trở thành người trưởng thành.
Xưa và Nay
Kết hôn, mua căn nhà đầu tiên, và sinh con: Theo truyền thống, những sự kiện này báo hiệu cho những người xung quanh một bước chuyển đổi quan trọng sang thế giới của những người trưởng thành.
Sứ đồ Phao-lô nói, “Khi tôi còn là con trẻ, tôi nói như con trẻ, tư tưởng như con trẻ, suy xét như con trẻ; khi tôi đã thành nhân, bèn bỏ những điều thuộc về con trẻ.”
Nhẫn cưới, nợ nhà, và một chiếc túi xách đựng tã lót tiện dụng là những dấu hiệu bên ngoài cho thấy những thói quen nông nổi như — bánh pizza cho bữa sáng, chơi điện tử từ sáng sớm đến tối mịt, những chuyến đi đến biển trong kỳ nghỉ xuân — giờ đây là những ký ức được giấu kín trong chiếc rương trên tầng gác mái.
Thời nay, mọi thứ đã thay đổi một chút. Trong bài viết có nhan đề “If you’re in your 20s and you don’t feel like an adult yet, here’s why,” (Nếu bạn ở độ tuổi 20 và bạn chưa cảm thấy mình là người trưởng thành, thì đây là lý do tại sao) tác giả Derrick Clifton, cũng như nhiều người khác trên diễn đàn trực tuyến, đã viết về những lý do tại sao những người ở độ tuổi 20 và thậm chí 30 không coi mình là người trưởng thành. Nhiều người trong số họ vẫn chưa kết hôn — độ tuổi kết hôn trung bình của phụ nữ Mỹ hiện nay là 28, đối với nam giới là 30 — một số ít đã mua nhà, và nhiều người vẫn e dè về việc trở thành cha mẹ. Bốn mươi bảy phần trăm thanh niên từ 18 đến 29 tuổi sống với cha mẹ hoặc người thân khác, đang trả các khoản vay sinh viên, và thường làm những công việc mà họ cho là không xứng đáng với tài năng của mình.
Đúng là quyền sở hữu nhà và những thứ tương tự là dấu hiệu của tuổi trưởng thành, nhưng việc coi độ tuổi 29 là điểm kết thúc của tuổi thiếu niên chắc chắn sẽ khiến một số người cảm thấy bối rối. Ngài George Washington đã đi khảo cứu rừng rậm ở tiểu bang Virginia khi ông 17 tuổi. Tuổi trung bình của lính bộ binh ở Việt Nam là 22, trong khi tuổi trung bình của những người mới làm mẹ là 21 vào năm 1970. Bên cạnh đó, nếu chúng ta kéo dài tuổi thiếu niên thêm một thập niên nữa lên 30, điều đó có nghĩa là một người hiện nay mất gần 40% cuộc đời của mình để tiếp tục làm trẻ con.
Công thức này không ổn. Chẳng hạn, tôi có hai người bạn tốt, ở độ tuổi 38 và 63, họ chưa bao giờ sở hữu nhà, từng sống với cha mẹ ở tuổi trưởng thành, chưa bao giờ kết hôn, và chưa bao giờ sinh con, nhưng theo bất kỳ thông số nào thì cả hai đều đủ tiêu chuẩn là người trưởng thành. Tôi cũng biết một người đàn ông khoảng 40 tuổi, đã là một người chồng, người cha, và là chủ sở hữu nhà, nhưng nhiều người quen biết anh lại vẫn xem anh là trẻ con.
Vậy thì, chúng ta có nên chỉ định một nghi thức chuyển đổi để nói với người trong cuộc rằng: “Hôm nay, quý vị là người lớn”?
Rắc rối với những ý tưởng
Ở đây, chúng ta gặp phải ít nhất hai vấn đề nữa, một vấn đề liên quan đến văn hóa nói chung và vấn đề còn lại liên quan đến cá nhân của mỗi thanh niên mà chúng ta định biến họ trở thành người trưởng thành có trách nhiệm sau một đêm.
Trong trường hợp đầu tiên, nền văn hóa của chúng ta đã coi thường tất cả các nghi thức và nghi lễ. Ví dụ, hãy nghĩ về các đám tang. Trong phần lớn lịch sử của quốc gia chúng ta, việc chôn cất người thân hoặc người quen là một sự kiện trang trọng. Bạn thuê người điều phối tang lễ, mua quan tài, có lẽ tổ chức một buổi phúng viếng, tiến hành các nghi lễ tại nhà thờ và tại nơi an táng, và vậy là, bạn đã đưa tiễn người đã khuất bằng một buổi lễ.
Thời nay, nhiều người vẫn thực hành những nghi lễ trên, nhưng không phải tất cả mọi người vẫn thực hiện nghi thức [tiễn đưa] cuối cùng này. Một số người quen của tôi đã đưa những người thân yêu của họ, thường là đã được hỏa táng, chôn cất xuống đất mà không có bất kỳ nghi lễ nào. “Hôm qua còn ở đó, hôm nay đã ra đi,” là lời tiễn biệt thông thường. Một người phụ nữ khác đã cất giữ tro cốt của chồng mình trong tủ nhiều năm, mà không bao giờ giải thích lý do tại sao.
Vài năm qua chúng ta đã có phương pháp chôn cất mới nhất theo đúng nghĩa đen, những người dự tuân theo nghi thức cũ của nhà thờ, “cát bụi trở về với cát bụi,” bằng cách ủ xác của người thân và sử dụng để bón cho khu vườn.
Điểm quan trọng thứ hai khiến những người trẻ tuổi tự hỏi khi nào và làm cách nào họ sẽ trở thành người lớn thực sự. Vào ngày sinh nhật thứ 18, khi họ đã đến tuổi trưởng thành, chúng ta có thể tổ chức một buổi lễ trọng đại cho dịp này. Một diễn giả có thể chào mừng họ đến với giai đoạn mới của cuộc đời như những người lớn, chúng ta có thể cấp chứng chỉ xác nhận sự trưởng thành, và có thể ăn mừng bằng một bữa tiệc lớn sau đó. Nhưng đề xướng này cũng có một nhược điểm lớn: Nếu ứng viên của chúng ta không cảm thấy mình là người trưởng thành, thì nghi thức của sự chuyển đổi này và tất cả những lời khen ngợi trên thế giới sẽ không khiến anh ta trở thành người trưởng thành.
Điều duy nhất thực sự quan trọng
Và vì vậy, một lời nhắn đến các độc giả, dù bạn vẫn còn đang mùa xuân của cuộc đời hay đã tuổi xế chiều: Bạn chỉ là người trưởng thành khi bạn nghĩ mình thực sự là một người trưởng thành. Không quan trọng bạn sống ở đâu, bạn làm công việc gì, liệu bạn đã kết hôn, hay bạn có bốn đứa con hoặc không có đứa con nào. Bạn là người trưởng thành chỉ khi bạn nghĩ về bản thân mình theo cách đó.
Đối với các bạn đang ở độ tuổi 20, nếu bạn làm việc và biết san sẻ phần việc với mọi người, nếu bạn đang trả tiền mua một chiếc xe hơi và nhớ thay nhớt sáu tháng một lần, nếu bạn bỏ qua trò chơi điện tử Minecraft sang một bên để xúc tuyết dọn đường lái xe cho người hàng xóm lớn tuổi của mình, nếu bạn chịu trách nhiệm khi bạn mắc sai lầm, rất có thể bạn đã là người trưởng thành.
Hoàng đế và triết gia La Mã Marcus Aurelius từng viết: “Đừng lãng phí thời gian để tranh luận thế nào là một người tốt. Hãy trở thành người đó.”
Quỳnh Chi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times