Cư dân mạng Hồng Kông lên án quy định mới ‘công chức không được phép chỉ trích chính phủ’
Gần đây, chính phủ Hồng Kông đã sửa đổi Quy tắc Công chức, yêu cầu tất cả công chức, viên chức phải trung thành với Trưởng Đặc khu đương nhiệm và chính quyền Bắc Kinh mà họ đang phục vụ, không được bình luận chính sách của chính phủ với tư cách là công chức, tuyệt đối không để công chúng nghi ngờ chính phủ Đặc khu Hồng Kông. Thông tin này vừa mới đưa ra đã bị cư dân mạng lên án.
Theo một thông cáo báo chí được công bố trên trang web chính thức của Chính phủ Hồng Kông hôm 07/06, Cục Quản lý Công vụ Hồng Kông thông báo đến toàn bộ giới công chức rằng cơ quan này đã ban hành bản thay đổi mới của Quy tắc Công chức” (gọi tắt là “Quy tắc phiên bản mới”).
Quy tắc phiên bản mới yêu cầu tất cả công chức, viên chức phải trung thành với Trưởng Đặc khu đương nhiệm và chính quyền trung ương (Bắc Kinh) mà họ phục vụ, không được từ chối thực hiện mệnh lệnh do quan điểm chính trị hoặc sở thích cá nhân khác nhau.
Đồng thời, Quy tắc phiên bản mới còn quy định: Tất cả công chức, viên chức không được phép bình luận (bao gồm trực tuyến và trên mạng xã hội hoặc bằng phương thức khác) về bất kỳ chính sách nào của chính phủ (đặc biệt là các chính sách liên quan đến công việc công chức của họ) hoặc ủng hộ ý kiến phản đối của người khác với tư cách là công chức, viên chức. Tuyệt đối không được để công chúng nghi ngờ chính phủ Đặc khu Hồng Kông.
Bà Dương Hà Bội Nhân (Yang He Beiyin), Cục trưởng Cục Quản lý Công vụ Hồng Kông, cho biết: “Sau khi ban hành Quy tắc phiên bản mới, chúng tôi sẽ tiến hành tuyên truyền và khai triển các hoạt động khác theo giai đoạn, nhằm nâng cao nhận thức của công chức về Quy tắc phiên bản mới.”
Hôm 08/06, nhà bình luận độc lập Thái Thận Khôn (Cai Shen Kun) đã đăng một bài viết trên nền tảng xã hội X có nội dung là, “Tôi luôn cho rằng Trưởng Đặc khu Lý Gia Siêu (John Lee Ka-chiu) xuất thân từ cảnh sát là kẻ chấm dứt nền văn minh và tự do của Hồng Kông. Dù sao chăng nữa, các Trưởng Đặc khu trước đây cũng còn chút giới hạn và sự tôn trọng, còn biết giữ lại một chút tôn nghiêm cho người dân Hồng Kông! Chỉ có ông Lý Gia Siêu này, vì muốn làm hài lòng Bắc Kinh mà đã dốc toàn lực phá hủy Hồng Kông, đưa ra rất nhiều chính sách vô nhân đạo dùng cảnh sát làm loạn Hồng Kông. Tôi tin rằng, cho dù Lý Gia Siêu lấy lòng Bắc Kinh, quỳ gối đối với Bắc Kinh như thế nào đi nữa, cuối cùng ông ta cũng sẽ không có kết cục tốt! Giống như Giám đốc Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Macau Trương Hiểu Minh (Zhang Xiao Ming), người đã làm loạn Hồng Kông năm đó.”
Năm 2020, ông Trương Hiểu Minh, khi đó là Giám đốc Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông và Macau của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cùng với 10 quan chức Hoa lục và Hồng Kông khác, đã bị chính phủ Hoa Kỳ đưa vào danh sách trừng phạt vì làm tổn hại đến quyền tự do tự trị của Hồng Kông. Tháng 03/2024, ông Trương Hiểu Minh bị cách chức Phó Tổng Thư ký Hội nghị Hiệp thương Toàn quốc của ĐCSTQ. Ngày 06/06, ông Trương Hiểu Minh tiếp tục bị miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ Hội nghị Hiệp thương chính trị Toàn quốc Khóa 14 của ĐCSTQ.
3 cổ động viên bị bắt giữ vì không đứng lên khi sân vận động túc cầu Hồng Kông phát quốc ca Trung Quốc
Sau Phong trào Dù vàng năm 2014 và Phong trào Phản đối Luật Dẫn độ năm 2019, ĐCSTQ thông qua chính quyền Hồng Kông dần siết chặt kiểm soát đối với người dân Hồng Kông.
Theo trang thông tin trực tuyến “Hồng Kông 01” (HK01), vào tối thứ Năm (06/06), tại Sân vận động Hồng Kông đã diễn ra trận đấu vòng loại World Cup giữa đội tuyển túc cầu Hồng Kông và đội tuyển Iran. Khi phát bài quốc ca của ĐCSTQ trước trận đấu, có 3 cổ động viên đã không đứng dậy hoặc quay lưng lại sân vận động. Cảnh sát bắt và dẫn họ đi vì cho rằng họ “xúc phạm quốc ca.” Sau đó, cả 3 người này được bảo lãnh tại ngoại nhưng vẫn phải trình diện với cảnh sát Hồng Kông vào tháng Bảy tới.
Cảnh sát Hồng Kông tuyên bố rằng công khai hoặc cố ý xúc phạm quốc ca là phạm tội, có thể bị phạt 50,000 dollar Hồng Kông và 3 năm tù.
Đối với việc này, nhiều người dùng mạng bình luận rằng, “Thật quá đáng, xem túc cầu cũng bị giám sát,” “Không biết còn tưởng đang xem túc cầu ở Bắc Hàn,” “Ngồi xe lăn thì có thể không đứng được không?”
Chính quyền ĐCSTQ đã thực hiện Luật Quốc ca vào năm 2017, yêu cầu những người tham gia phải đứng nghiêm khi đang phát quốc ca Trung Quốc. Tháng 06/2020, cơ quan lập pháp Hồng Kông đã thông qua Pháp lệnh Quốc ca. Ngoài việc quy định không được thay đổi lời bài hát, hát một cách méo mó hoặc tổn hại giá trị của quốc ca Trung Quốc, pháp lệnh này còn yêu cầu mọi người phải đứng nghiêm và trang trọng trong suốt thời gian phát quốc ca.
Bình luận: Chỉ khi ĐCSTQ sụp đổ, Hồng Kông mới có thể khôi phục lại phong thái ngày xưa
Những năm gần đây, với việc thực thi các luật đã có hiệu lực là Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông và Điều lệ Bảo vệ An ninh Quốc gia theo Điều 23 Luật Cơ bản Hồng Kông, quyền tự do ngôn luận và tín ngưỡng cùng các quyền tự do khác của người dân Hồng Kông đã nhanh chóng bị hạn chế ngày càng nghiêm trọng.
Ký giả kỳ cựu người Úc gốc Hồng Kông, Tiến sĩ chính trị Lâm Tùng (Lin Song), trước đây đã từng nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng, “Hiện tại Hồng Kông đã trở thành một xã hội “pháp trị” (rule by law) mượn danh pháp luật để đối phó với phe đối lập, trở thành một xã hội chỉ cho phép bầu ra những người được ĐCSTQ chỉ định.”