Cảnh sát Hồng Kông bắt giữ hai nhân sỹ trước ngày tưởng niệm Vụ thảm sát Thiên An Môn, đe dọa phóng viên The Epoch Times
Đêm hôm 03/06 trước ngày tưởng niệm vụ thảm sát Thiên An Môn, cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ một người đàn ông 62 tuổi, nâng tổng số vụ bắt giữ lên 8 người.
Trong đêm trước ngày tưởng niệm 35 năm Vụ thảm sát Thiên An Môn, cảnh sát Hồng Kông đã bắt giữ một người đàn ông 62 tuổi có mối liên hệ với bảy vụ bắt giữ trước đó vì những bài đăng liên quan đến ngày 04/06. Ngoài ra, Cảnh sát Hồng Kông cũng đã bắt giữ một nghệ sỹ đường phố, và đe dọa một ký giả của The Epoch Times đang ghi hình trực tiếp.
Hôm 03/06, cảnh sát Hồng Kông cho biết họ đã bắt giữ một người đàn ông 62 tuổi về “Tội liên quan đến ý đồ xúi giục nổi loạn.” Thông cáo báo chí cho biết việc bắt giữ người đàn ông này có liên quan đến bảy vụ bắt giữ trước đó do các bài đăng liên quan đến “dịp nhạy cảm.” Dịp nhạy cảm được nhắc đến này có vẻ là ngày 04/06, ngày tưởng niệm Vụ thảm sát Thiên An Môn.
Mặc dù thông cáo báo chí không nêu tên người đàn ông bị bắt, nhưng truyền thông địa phương xác thực người đàn ông này là người cậu của bà Trâu Hạnh Đồng (Tonyee Chow Hang-tung). Bà Trâu là luật sư, nhà hoạt động nổi tiếng và là cựu Chủ tịch Liên minh Hồng Kông Ủng hộ các Phong trào Dân chủ Yêu nước của Trung Quốc, một tổ chức đứng sau lễ tưởng niệm Vụ thảm sát Thiên An Môn hàng năm tại thành phố (sau đây gọi là “Liên minh”).
Người nghệ sỹ đường phố bị bắt giữ
Khoảng 9 giờ tối hôm 03/06, cảnh sát đã bắt giữ nghệ sỹ biểu diễn Tam Mộc (Sanmu Chen – Trần Thức Sâm) bên ngoài Trung tâm thương mại SOGO.
Khi đó, ông Trần đang mô phỏng lại động tác uống rượu và giơ hai ngón tay lên trời ở trước xe cảnh sát nhưng không phát ngôn. Những viên cảnh sát lập tức bao vây ông và tiến hành phong tỏa để điều tra. Khoảng năm phút sau, ông bị đưa đi trên một xe cảnh sát. Cảnh sát sau đó cho biết rằng một người đàn ông xuất hiện và gây hỗn loạn đã bị đưa đến đồn cảnh sát để điều tra và đã được phóng thích vô điều kiện sau khi thẩm vấn.
Hôm 03/06, ông Trần bị cảnh sát giam giữ vì đã la to: “Người Hồng Kông, đừng sợ! Đừng quên sự kiện Lục Tứ [Vụ thảm sát Thiên An Môn],” theo phóng viên The Epoch Times và các phóng viên khác có mặt tại hiện trường.
Nhiếp ảnh gia bị đe dọa
Khoảng 4 giờ chiều hôm 03/05, khi nhiếp ảnh gia Thái Văn Hân (Kiri Choy) của The Epoch Times đang tường thuật trực tiếp bên ngoài Trung tâm thương mại SOGO ở Vịnh Causeway, Hồng Kông, thì một chánh thanh tra và một viên cảnh sát mặc thường phục đến ngăn trở. Họ nói rằng việc tường thuật trực tiếp có thể “gây ảnh hưởng đến sự bài trí của cảnh sát, gây cản trở cho việc thi hành nhiệm vụ của họ.” Họ đe dọa sẽ bắt giữ vị ký giả này nếu cô vẫn tiếp tục.
Sau khi dừng phát trực tiếp, cô Thái nói chuyện với các viên cảnh sát và chỉ vào những hãng thông tấn cũng đang ghi hình khác tại hiện trường.
Những cảnh sát này khẳng định rằng cô Thái đã nhắm vào các hoạt động của cảnh sát, và yêu cầu cô “hãy nghĩ đến cảm xúc của cảnh sát” và cảnh báo cô rằng “nếu nhắm vào cảnh sát, cô sẽ gặp rắc rối.”
Cô Thái sau đó đã liên lạc với đội liên lạc truyền thông của cảnh sát và được truyền đạt bằng miệng rằng được phép tường thuật trực tiếp.
Ngoài ra, theo cô Thái, công an đã kiểm tra và ghi nhận danh tính các ký giả có mặt tại hiện trường, thẩm vấn về nơi ký giả cư trú, và cho biết rằng họ muốn nắm bắt danh tính của các hãng truyền thông.
Sự kiện Lục Tứ
Vào ngày 04/06/1989, chính quyền cộng sản cầm quyền ở Trung Quốc đã điều động quân đội và xe tăng đến trung tâm thủ đô của Trung Quốc và nổ súng nhắm vào các sinh viên không có vũ trang tham gia biểu tình kêu gọi ủng hộ dân chủ và một xã hội cởi mở hơn. Kể từ đó, bất cứ nội dung nào nhắc đến vụ thảm sát này đều bị chính quyền Hoa lục kiểm duyệt nghiêm ngặt.
Trong ba thập niên vừa qua, ngoài Đài Loan ra, Hồng Kông, từng là một thuộc địa của Anh quốc, vẫn là nơi duy nhất trên lãnh thổ Trung Quốc tổ chức các buổi thắp nến tưởng niệm công khai quy mô lớn để tưởng nhớ hàng ngàn sinh viên bị sát hại dưới bàn tay của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Buổi thắp nến tưởng niệm cuối cùng do Liên minh tổ chức tại Công viên Victoria diễn ra vào năm 2019, đánh dấu 30 năm Vụ thảm sát Thiên An Môn.
Vào năm 2020 và 2021, chính quyền Hồng Kông đã cấm tụ tập do đại dịch.
Tháng 09/2021, sau khi Luật An ninh Quốc gia được ban hành, các nhà lãnh đạo của Liên minh đã bị bắt, và Liên minh đã bị giải tán. Kể từ khi đó, những buổi thắp nến tưởng niệm đã chấm dứt, mặc dù người dân vẫn tìm cách khác để tưởng nhớ Vụ thảm sát Thiên An Môn ở xung quanh Vịnh Causeway gần Công viên Victoria. Những hành động tưởng niệm này thường xuyên phải đối mặt với sự trấn áp của cảnh sát.
Trong hai năm liên tiếp, buổi tưởng niệm ngập tràn ánh nến ở Công viên Victoria với hàng chục ngàn người tham gia đã bị thay thế bởi các hội chợ và lễ hội của các nhóm thân Bắc Kinh. Hôm 03/06, có hơn 100 viên cảnh sát, trong đó có một số người mặc quân phục đã được bố trí ở khu vực này, cùng với nhiều xe thiết giáp, xe cảnh sát, và xe buýt quân sự đóng tại các khu vực lân cận.
Tám người đã bị bắt giữ vì tham gia tưởng niệm Vụ thảm sát Thiên An Môn
Năm 2024 đánh dấu lễ tưởng niệm Vụ thảm sát Thiên An Môn đầu tiên theo Điều 23 mới của luật Hồng Kông kể từ khi được ban hành hồi Tháng Ba. Điều 23 đã nhấn sâu thêm nỗi lo ngại về sự xói mòn quyền tự do của các cư dân Hồng Kông khi chính quyền mở rộng quyền lực để đối phó với những thách thức có thể xảy ra đối với sự cai trị của họ, trong đó có việc trừng phạt tội phản quốc và nổi dậy với mức án lên tới tù chung thân.
Ông Thang Gia Hoa (Ronny Tong Ka-wah) là luật sư cấp cao kiêm thành viên không chính thức của Hội nghị Hành chính Hồng Kông. Ông không tin rằng các hoạt động tưởng niệm này có ý đồ nổi loạn, và việc công dân thắp nến trong Công viên Victoria không phải là vi phạm pháp luật miễn là không gây ảnh hưởng đến người khác.
“Nói chung, quý vị có thể làm điều mà quý vị muốn mà không gây ảnh hưởng đến người khác,” ông cho biết hôm 02/06, đồng thời nhấn mạnh rằng nếu các hoạt động bất hợp pháp đồng thời xảy ra tại hiện trường thì có thể khiến nảy sinh nghi ngờ.
Tuy nhiên, hôm 28/05, cảnh sát Hồng Kông bắt giữ thêm sáu người tưởng niệm Vụ thảm sát, trong đó có bà Trâu Hạnh Đồng, 39 tuổi; mẹ của bà Trâu Hạnh Đồng là bà Trâu Lưu Hóa Trân (Chow Lau Wah-chun), 65 tuổi; bà Lưu Gia Nghi (Lau Ka-yee), cựu thành viên Ủy ban Thường vụ thuộc Liên minh Hồng Kông Ủng hộ các Phong trào Dân chủ Yêu nước của Trung Quốc, cùng ông Quan Chấn Bang (Kwan Chun-bong), 52 tuổi; bà Trần Kiếm Cầm (Katrina Chan Kim-kam), 37 tuổi, cựu ủy viên ủng hộ dân chủ thuộc Hội đồng Quận Thuyên Loan (Tsuen Wan); và nha sỹ Lý Doanh Tư (Lee Ying-chi), 55 tuổi. Những người này bị cáo buộc vi phạm Điều 24 Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông, trong đó nói về việc “kích động lật đổ.”
Hôm 29/05, vợ của ông Quan là bà Phan Ấu Thúy (Poon Yau-chui) cũng bị bắt giữ. Ngoại trừ bà Trâu, sau đó những người khác đều đã được tại ngoại.
Tuệ Chân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times