Công việc nhà là vô giá! Hãy để trẻ học làm việc nhà ngay từ khi còn nhỏ
Một năm sau bữa tối giao thừa, tôi hỏi mấy cháu nhỏ trong nhà, “Có ai muốn rửa bát không?”. Đứa cháu gái mười tuổi của tôi đang xem TV, ngẩng đầu lên hỏi: “Giúp rửa bát có được thêm tiền lì xì không ạ?”. Tôi khẽ cau mày, lắc đầu rồi đi vào bếp rửa bát.
Cách đây không lâu, tôi thấy một tin tức rằng trẻ em ở Anh càng ngoan ngoãn thì cha mẹ càng phải chi nhiều tiền hơn. Bởi vì mỗi lần làm việc nhà, mỗi lần có biểu hiện tốt hơn một chút thì cha mẹ đều phải “trả công”.
Khi trò chuyện với một phụ huynh trong buổi chúc Tết, cô ấy kể rằng khi còn nhỏ mẹ cô quản giáo rất nghiêm. Năm học lớp 4 tiểu học, cô đã phải gánh vác những công việc nhà nặng nhọc như nấu ăn, rửa bát, giặt giũ quần áo của cả gia đình (cô có một chị cả và ba anh trai), hơn nữa phải làm một cách tỉ mỉ và gọn gàng, giẻ lau bếp phải được giặt sạch, vắt khô và trải ra ngay ngắn, v.v.
Cô ấy nói rằng cô từng không hiểu, và cũng từng phàn nàn trong tâm rằng mẹ đã quá nghiêm khắc với mình. Tuy nhiên khi lớn lên, cô cảm nhận sâu sắc rằng chính nhờ được nuôi dạy nghiêm khắc và có một tuổi thơ vất vả, nên cô mới có thể kiên cường bước qua những giông tố của cuộc sống. Cô đã học được cách chịu đựng khó khăn, học cách phó xuất và suy nghĩ cho người khác.
“Điều quan trọng là giáo dục cho trẻ về ‘phó xuất không kể thưởng’”, cô ấy nói. Chỉ có học được cách “phó xuất không kể thưởng” thì mới có thể có một cuộc sống suôn sẻ và hạnh phúc.
Khi cha mẹ đang làm việc vất vả để chăm sóc gia đình, trẻ lại không muốn đảm đương một chút việc duy nhất mà mình có thể làm – đó là làm việc nhà, thì vô hình trung trẻ đã hình thành thói quen tự tư và ích kỷ. Một người ích kỷ sẽ luôn đòi hỏi nhiều hơn những gì anh ta phó xuất, vì vậy cho dù hoàn cảnh có tốt đẹp hay thành công đến đâu, người đó cũng sẽ không bao giờ cảm thấy hạnh phúc và hài lòng.
Bởi vì cuộc sống là được kết thành từ những con người và sự vật xung quanh. Thành công trong sự nghiệp và học hành, chẳng qua cũng chỉ một chiếc vương miện trên đầu, không thể thay thế được cuộc sống thực tế hàng ngày, tâm tình, tâm cảnh và cả sức khỏe của người đó.
Tôi nhớ có lần đọc một bài báo trên Epoch Times, tác giả là một nữ giáo viên luyện thi ở một trường tiểu học. Cô ấy kể rằng có một học sinh luôn không thể thích nghi với lớp học thêm và hòa nhập vào tập thể. Cô ấy liền giao nhiệm vụ cho học sinh: đó là hàng ngày phải dọn dẹp tủ sách trước khi về nhà. Cô cũng không có dụng ý đặc biệt gì khi để đứa trẻ làm việc này, nhưng nó lại giống như một “phản ứng hóa học”, cháu bé đã có thể nhanh chóng hòa nhập với môi trường. Tác giả bài viết cho rằng dù chỉ là một việc làm nhỏ nhưng sẽ mang lại cho trẻ cảm giác an toàn và thân thuộc. Khi trẻ có cảm giác trách nhiệm với hoàn cảnh sống ở một mức độ nào đó, các em sẽ không cảm thấy lạc lõng.
Đôi khi để trẻ em làm việc nhà, thì còn phiền phức hơn là chúng ta tự làm thay cho chúng. Thế nhưng trong quá trình này, bạn có thể cho trẻ biết rằng: mái ấm này không chỉ là của riêng bố mẹ, mà còn là của bản thân con; cũng giống như đồ chơi của con, ngôi nhà này cần được giữ gìn, bảo vệ và chăm sóc cẩn thận. Điều này giúp trẻ học được rằng các con là một phần của gia đình và nên có trách nhiệm với gia đình này, thay vì trong ý nghĩ chỉ nghĩ đến bản thân muốn gì.
Lý Như Tâm thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ