Khi con bạn đến tuổi nổi loạn, làm sao để đối phó
Khi cô con gái của bạn đi học, bạn mở rộng vòng tay để ôm tạm biệt nó. Nó đón nhận cái ôm như một cây cột điện bị con nhím đâm vào. Trái tim của bạn trùng xuống. Cô bé ngọt ngào của bạn đâu rồi? Bạn đã làm gì mà con lại từ chối mình?
Nhiều bậc cha mẹ trải qua những khoảnh khắc tương tự sẽ cảm thấy lo lắng. Một loạt cảm giác tội lỗi, tổn thương và xấu hổ đột nhiên trào dâng vì sự hiểu lầm: Cha mẹ nhìn nhận sai về hành vi của con mình.
Cha mẹ ngay lập tức cho rằng việc bị từ chối là do lỗi của họ. Tất nhiên là như vậy, họ có lý, bởi vì họ là những người tác động lớn đến con cái mình. Sự thật là vậy, nhưng đôi khi trẻ có những cảm xúc và suy nghĩ nằm ngoài tầm ảnh hưởng của cha mẹ. Làm cha mẹ, điều quan trọng là chúng ta phải hiểu điều này.
Học cách độc lập
Thanh thiếu niên trải qua các giai đoạn phát triển mà chúng cần học tính độc lập, và điều này có nghĩa là chúng sẽ tạo ra một số khoảng cách với cha mẹ mình. Chúng có thể làm những điều vô lý và gây tổn thương cho cha mẹ. Một cô bé 13 tuổi luôn tình cảm với cha bỗng không chịu để ông ôm. Biểu cảm của cô bé như thể nói: “Tránh xa con ra, ghê quá!”
Đáng buồn thay, nhiều ông bố lầm tưởng rằng cô con gái cưng của họ không còn thích họ nữa, và có lẽ rằng họ thực sự đáng sợ. Một người cha có thể kết luận rằng nếu cô bé không muốn thể hiện điều gì với bố, anh ta cũng đành chấp nhận.
Đừng làm vậy. Khi con gái từ chối bạn, cô bé thực sự đang nói, “Con không thích chính mình. Mọi người nhìn chằm chằm vào con vì con quá béo, quá cao, xấu xí, ngu ngốc, v.v.” Hành vi của cô bé cho thấy cô đang từ chối chính mình chứ không phải cha mẹ. Điều này thật không dễ dàng cho các bậc cha mẹ.
Sự phát triển của thanh thiếu niên có thể thúc đẩy trẻ hành động tử tế trong một phút và cáu kỉnh ngay phút tiếp theo. Chúng đang bối rối. Ngày hôm nay chúng muốn không gian riêng, và ngày hôm sau chúng lại muốn cha mẹ ở bên. Không có sự nhất quán trong hành vi của chúng. Một ngày nọ, cậu con trai sẽ dành cả buổi chiều để chơi trò chơi điện tử trong phòng một mình, và ngày hôm sau cậu sẽ muốn thay dầu xe cùng bố. Tâm trạng của chúng có thể dao động dữ dội, nhưng chúng ta cần nhớ rằng, sau vài năm, sự dao động này sẽ biến mất ở hầu hết thanh thiếu niên. Việc của chúng ta chỉ đơn giản là chờ đợi và cố gắng giữ an toàn cho các chàng trai, cô gái của mình cho đến khi điều đó xảy ra.
Báo động
Đôi khi, những gì biểu hiện như thể sự phát triển bình thường của thanh thiếu niên thực sự lại là triệu chứng của bệnh trầm cảm hoặc chứng lo âu. Cha mẹ có thể mắc sai lầm khi cho rằng các dấu hiệu cảnh báo này là hành vi bình thường của con. Dưới đây là cách bạn có thể phân biệt giữa tình trạng muốn giữ khoảng cách ở tuổi thiếu niên và chứng trầm cảm hoặc lo âu, cả hai đều đã tăng vọt trong thời kỳ COVID-19.
Các triệu chứng của bệnh trầm cảm bao gồm:
- cô lập đến mức hiếm khi tương tác với các thành viên trong gia đình, chẳng hạn như chiều nào cũng ngồi một mình trong phòng
- thay đổi bạn bè
- thay đổi cách ngủ
- thay đổi khẩu vị
- không có khả năng tập trung
- ngày càng ít nói chuyện với bạn bè
- nói về cái chết và cách chúng sẽ tự sát nếu chúng định làm điều đó
- ngừng tận hưởng những thứ mà chúng có
- mệt mỏi liên tục
- thay đổi cách ăn mặc
- có vẻ ngoài luộm thuộm
Nếu một thanh thiếu niên mắc nhiều hơn ba dấu hiệu này, hãy xem xét khả năng con bạn bị trầm cảm và đưa chúng đến gặp bác sĩ.
Theo báo cáo của WBUR, Bệnh viện Nhi đồng Boston đã chứng kiến sự gia tăng 47% số trẻ em nhập viện vì có ý định tự tử hoặc đang cố tự tử trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10 năm 2020, so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, cha mẹ đừng sợ hãi. Hãy khôn ngoan và thận trọng đồng thời thể hiện tình cảm và sự quan tâm nhiều hơn đến con mình. Nếu bạn cho rằng con đang chán nản, thay vì lo lắng không đâu, hãy hỏi trực tiếp. Nhiều thanh thiếu niên cảm thấy nhẹ nhõm khi ai đó giải quyết vấn đề giúp chúng.
Cách giúp đỡ những đứa trẻ đang tuổi thiếu niên
Cho dù con bạn đang thích nghi khá tốt với những thay đổi trong cuộc sống, thể hiện sự xa cách lành mạnh với người thân hay sống chung với chứng trầm cảm, thì cha mẹ có thể làm một số điều quan trọng để giúp con mình.
Đầu tiên, như tôi đã nói trước đó, đừng bao giờ xem xét hành vi của con một cách đơn lẻ. Hầu hết thời gian, hành vi xấu không liên quan đến cha mẹ. Đó là về chúng. Nếu bạn tập trung vào nguyên nhân bạn gây ra hành vi đó, bạn sẽ bị cuốn theo cảm xúc, khiến bạn không thể xử lý tốt tình huống.
Thứ hai, khi con đẩy cha mẹ ra xa, hãy thay đổi cách bạn tiếp cận con, nhưng đừng bao giờ lùi bước. Từ chối cha mẹ đồng nghĩa với việc từ chối chính con, và điều con cần là sự thấu hiểu, quan tâm và công nhận. Vì vậy, thay vì nói: “Con bị sao vậy? Con chưa bao giờ hành xử như thế”, hãy nói kiểu như: “Bố mẹ nhận thấy rằng gần đây con không phải là chính mình. Bố mẹ biết rằng điều này là bình thường, nhưng nếu bố mẹ có thể làm bất cứ điều gì để giúp con, hãy cho bố mẹ biết. Con có thể tin tưởng bố mẹ và bố mẹ sẽ luôn ủng hộ con.”
Thật khó nói điều này với một thanh thiếu niên đang có cách hành xử khó chịu, nhưng đó là cách chắc chắn nhất để giúp con.
Thứ ba, hãy nhẹ nhàng, tình cảm. Một lần nữa, điều này thật khó khăn – đặc biệt là khi bạn muốn treo nó lên cho rồi – nhưng điều con cần khi cảm thấy không ổn là biết rằng dù thế nào đi nữa, bố mẹ vẫn yêu nó. Con có thể khó chịu như con muốn và ngồi trong phòng suốt đời, nhưng con không thể làm gì để khiến bố mẹ ngừng yêu con. Hãy cho con biết điều này một cách chân thành nhất.
Hầu hết thanh thiếu niên không còn muốn thể hiện tình cảm như trước nữa, và điều đó không sao cả. Thay vì ôm và hôn con gái bạn trước mặt bạn bè nó, hãy làm điều đó một cách riêng tư. Nếu con hoàn toàn không thoải mái khi ôm, bạn chỉ cần chạm vào đỉnh đầu hoặc vai của con. Một trong những cách tốt nhất để thể hiện tình cảm là vào phòng của con bạn lúc cuối ngày và ngồi ở cuối giường, hỏi về một ngày của chúng, dù chỉ trong vài phút.
Chứng kiến một thiếu niên trải qua giai đoạn đau khổ thật không dễ dàng. Nhưng đây là một điều mà tôi biết chắc: Bạn có thể làm được.
Ngân Hà biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times