Trẻ em là cái bóng của chính người lớn chúng ta
Chủ đề của hội đọc sách hôm nay của chúng tôi là “giáo dưỡng trẻ em”. Thầy giáo Quách đã chia sẻ lại một tình huống xảy ra ở lớp học. Trong một tiết học, thầy đề ra cho cả lớp một câu hỏi như sau:
Câu trả lời nào sau đây là sai?
- Tự nhặt đồ chơi.
- Giúp mẹ rửa bát.
- Khi bố gọi thì không trả lời.
Hầu hết các em trong lớp đều viết đáp án 3, chỉ có hai em viết đáp án khác. Thế là sau tiết học, thầy tìm các em để tìm hiểu rõ thêm. Trong đó có một em vì không hiểu câu hỏi nên chọn một cách tùy tiện; em còn lại đưa ra lý do là: có một lần em ấy giúp mẹ rửa bát, vô tình làm vỡ bát, em không chỉ bị mắng mà còn bị giáo huấn một trận nặng nề. Điều này khiến em cho rằng không được giúp mẹ rửa bát ở nhà.
Đây là kết luận dựa trên kinh nghiệm bản thân của đứa trẻ, giáo viên thực sự không thể trách được nên đành tính là câu trả lời đúng và cho điểm. Thầy Quách tò mò hỏi thêm: “Nhưng mà, tại sao con không chọn đáp án ‘Khi bố gọi thì không trả lời’?”. Em học sinh này nói: “Thường thì con gọi bố, bố không trả lời, vì vậy khi bố gọi con, con cũng có thể không trả lời”. Thầy Quách thực sự bất ngờ, sau đó kiên nhẫn giải thích cho em, nhưng trong lòng không khỏi thở dài, quả thật “thân giáo (dạy bằng hành động gương mẫu) quan trọng hơn ngôn giáo (dạy bằng lời)”! Chúng ta có thể thấy rằng cha mẹ là tấm gương học tập trực tiếp nhất của con trẻ.
Tiểu Linh thì kể về cuộc trò chuyện với người hàng xóm. Người hàng xóm hỏi cô: “Nếu tôi vẫn cứ mãi cắt móng tay cho con trai tôi, liệu sau này khi tôi về già, nó có cắt móng tay cho tôi hay không?”. Tiểu Linh trả lời chắc chắn rằng: “Không. Bởi vì từ nhỏ cháu chưa học cắt móng tay, sau này cháu tự cắt cho mình còn khó, huống chi là cắt móng tay cho cha mẹ”. Tú Huệ cho rằng: “Điều đó còn phải xem trạng thái của con bạn khi bạn giúp cháu cắt móng tay. Nếu cháu cho rằng việc cha mẹ phục vụ mình là chuyện đương nhiên, thì cơ hội con trả ơn bạn trong tương lai là rất ít. Nếu cháu ôm giữ lòng biết ơn, thì về sau cháu sẽ báo đáp cha mẹ”.
Từ biểu hiện của con trẻ, chúng ta có thể nhìn thấy phương thức nuôi dạy con và sự tương tác giữa cha mẹ và con cái. Từ tâm thái của cha mẹ, chúng ta có thể nhìn thấy vết tích của sự nuông chiều hay không. Không thể phủ nhận rằng con trẻ chính là cái bóng của cha mẹ. “Thân thẳng không sợ bóng nghiêng”, ngược lại, nếu thân bạn không thẳng thì làm sao có thể mong bóng không nghiêng được?
Sau một hồi thảo luận sôi nổi, mọi người đi đến kết luận rằng: “Chúng ta đang nuông chiều con cái một cách thái quá, dù là cố ý hay không!”
Trải qua những năm tháng vất vả, chúng ta luôn mong muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho con cái. Dưới sự bao bọc, sắp xếp và vật chất đủ đầy từ cha mẹ, sự quan tâm thái quá khiến trẻ em cho rằng bản thân mình là trung tâm. Bởi vậy, các em không học được cách biết ơn, quý trọng phúc phận, tôn trọng và sẻ chia, cũng như tính tự lập và tự tin, tương lai của các em quả thực đáng lo ngại!
Thục Dung vừa kết thúc khóa học giáo dục mầm non, cô cảm thán rằng những người sắp làm cha mẹ nên hoàn thành khóa học giáo dục trước rồi hẵng quyết định có con, như thế mới hiểu được cách giáo dục con cái. Đây thực sự là điều đáng tiếc, chúng ta thường là vừa học vừa làm, làm theo cách của cha mẹ chúng ta, và yêu thương con theo cách mà chúng ta cho là đúng. Trước đây, chúng ta mong muốn có được vật chất dồi dào nên ham học hỏi nhiều năng khiếu khác nhau, để bây giờ lại kỳ vọng đứa trẻ cũng làm được như vậy. Mặc dù chúng ta có thể cảm thấy hài lòng và thành công, nhưng điều đó lại khiến con trẻ chịu tổn thương không kém. Giáo dục không nên tự mình mò mẫm, phỏng đoán một cách mù quáng. Tác hại của việc nuông chiều con trẻ là vô cùng nghiêm trọng, bởi vậy giáo dục con cần phải có trí tuệ và dụng tâm.
Làm cha mẹ, chúng ta hãy cẩn thận lắng nghe tiếng nói của trẻ, để trẻ có cơ hội chịu đựng một chút khó khăn và vấp ngã trong quá trình trưởng thành, giúp trẻ học cách gánh chịu trách nhiệm trong quá trình học tập và lao động. Như vậy, trẻ mới có thể trân trọng giá trị của vật chất, dưỡng thành khả năng tự chăm sóc bản thân và làm việc, từ đó tôn trọng cuộc sống, biết ơn mọi người xung quanh và hình thành một nhân sinh quan đúng đắn. Đừng để con cái của chúng ta trở thành những người khổng lồ về tri thức nhưng lại là những chú lùn về cuộc sống. Như thế mới là tình yêu thực sự của cha mẹ dành cho con trẻ.
Tương Nghi thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ