Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Mỹ cảnh báo các công ty tài chính không lừa đảo bằng ‘chữ in nhỏ’ trong hợp đồng
Cơ quan này phát hiện ra rằng các công ty đang đưa vào hợp đồng các điều khoản không thể thực thi về mặt pháp lý, có thể là nhằm mục đích ‘khiến người dân nhầm lẫn về những quyền lợi của họ.’
Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng (CFPB) đã ban hành một thông tư thông báo, yêu cầu ngành tài chính không được tham gia thực hiện bất kỳ điều khoản hợp đồng lừa đảo nào đối với khách hàng.
Thông tư này cảnh báo các công ty không được sử dụng các điều khoản bất hợp pháp hoặc không thể thực thi trong các hợp đồng dịch vụ và sản phẩm tài chính tiêu dùng.
“Các công ty sử dụng chiến thuật in chữ nhỏ này để cố gắng đánh lừa người tiêu dùng tin rằng họ đã từ bỏ một số quyền hoặc biện pháp bảo vệ hợp pháp nhất định,” thông cáo báo chí ngày 04/06 của CFPB cho biết. Cơ quan này cảnh báo rằng các tổ chức tham gia vào các hành động như vậy có nguy cơ vi phạm Đạo luật Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng.
CFPB cho biết: “Kiểu in chữ nhỏ này có thể chỉ là một nỗ lực nhằm gây nhầm lẫn cho người dân về những quyền lợi của họ.”
Ví dụ: một số công ty thêm một điều khoản “miễn trừ trách nhiệm chung” vào các hợp đồng để bảo vệ mình hoàn toàn khỏi các vụ kiện. Tuy nhiên, CFPB lưu ý rằng hầu hết các tiểu bang đều đã có luật quy định các trường hợp ngoại lệ đối với những điều khoản miễn trừ này.
Cơ quan này lưu ý rằng có những luật bảo vệ người tiêu dùng không thể bị bãi bỏ bất kể hợp đồng có nội dung như thế nào. Đạo luật Cho vay Quân đội cấm các hợp đồng tín dụng có các điều khoản khiến quân nhân và người phụ thuộc từ bỏ quyền tranh chấp pháp lý.
Tương tự, Đạo luật Trung thực trong Cho vay cấm in các quy tắc cho vay mua nhà buộc chủ nhà phải tham gia vào các quy trình trọng tài hoặc không xét xử tại tòa để giải quyết các vấn đề liên quan đến giao dịch vay mượn.
CFPB cho biết họ “liên tục” tìm thấy các ví dụ về các điều khoản hợp đồng cho vay lừa đảo nhằm mục đích từ bỏ một số quyền nhất định của người đi vay mà về mặt pháp lý là không thể từ bỏ được.
Trong một trường hợp, cơ quan này đã xác định một ngân hàng đã sử dụng các hợp đồng nêu rõ rằng khách hàng không thể tiếp cận tòa án để ngăn chặn việc thu hồi nợ bằng cách trích thu nhập một cách sai trái. Việc thu hồi nợ bằng cách trích thu nhập cho phép chủ nợ thu tiền từ tài khoản ngân hàng của một cá nhân nợ họ. Tuy nhiên, cơ quan này lưu ý rằng quyền của người tiêu dùng mắc nợ đó không thể bị từ bỏ.
Một nhà cung cấp dịch vụ chuyển tiền bị phát hiện đã đưa ra những tuyên bố tiết lộ sai lệch cho rằng khách hàng có quyền hạn chế trong việc giải quyết bất kỳ sai sót nào do công ty gây ra. CFPB chỉ ra rằng những điều khoản này không thể thực thi được theo Đạo luật Chuyển tiền Điện tử và Quy tắc Chuyển tiền.
Một nhà cung cấp dịch vụ cho vay mua xe hơi bị phát hiện đã đưa ngôn ngữ gợi ý khách hàng không thể thực hiện quyền phá sản của mình vào trong hợp đồng. Điều khoản này cũng không thể thực thi được.
CFPB cho biết họ đã ban hành thông tư để bảo đảm rằng sự tương tác giữa người dân và các tổ chức tài chính là thuận mua vừa bán và công bằng. Cơ quan này đã thông báo cho các ngân hàng và công ty tài chính rằng việc cố gắng ngăn cản khách hàng đăng những đánh giá trung thực trực tuyến thông qua các điều khoản hợp đồng có thể là bất hợp pháp.
Năm ngoái, CFPB đã đề xướng một quy định yêu cầu một số công ty phi ngân hàng nhất định phải cung cấp cho cơ quan này các chi tiết về những điều khoản hợp đồng nhằm hạn chế hoặc từ bỏ quyền của khách hàng.
Giám đốc CFPB Rohit Chopra cho biết: “Luật pháp liên bang và tiểu bang cấm một loạt các điều khoản hợp đồng mang tính cưỡng chế nhằm kiểm duyệt và hạn chế các quyền tự do và quyền lợi cá nhân.”
“CFPB sẽ có hành động chống lại các công ty và cá nhân cố tình đưa những điều khoản này vào bản in chữ nhỏ của họ.”
Trấn áp các hành vi lừa đảo
Gần đây, chính phủ đã có hành động chống lại các công ty có hành vi lừa đảo. Hôm 14/05, CFPB thông báo rằng người tiêu dùng bị Think Finance LLC “lừa dối” sẽ nhận được số tiền bồi thường hơn 384 triệu USD.
Một số luật của tiểu bang vô hiệu hóa bất kỳ khoản vay nào nếu lãi suất cao hơn mức giới hạn do cơ quan lập pháp tiểu bang quy định. Cơ quan này cho biết các khoản phí của Think Finance là quá cao.
Công ty này “đưa ra những yêu cầu sai trái và lấy tiền bất hợp pháp từ tài khoản ngân hàng của người tiêu dùng để trả những khoản nợ không phải là nợ theo luật pháp ở 17 tiểu bang.”
Vụ kiện này được CFPB đệ trình vào tháng 11/2017. 17 tiểu bang là Arizona, Arkansas, Colorado, Connecticut, Illinois, Indiana, Kentucky, Massachusetts, Minnesota, Montana, New Hampshire, New Jersey, New Mexico, New York, North Carolina, Ohio, và South Dakota.
Hôm 08/05, CFPB thông báo phân phối gần 40 triệu USD cho hơn 118,000 người Mỹ bị công ty fintech LendUp Loans “lừa dối.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times