Có phải nền kinh tế Hoa Kỳ sắp rơi tự do?
Mọi người đều thích nhìn thấy các chuyên gia lúng túng, nhưng việc con số dự báo đồng thuận 190,000 việc làm mới cho tháng Một của Wall Street bị thổi bay bằng số liệu thực tế 517,000 đã là xấu hổ quá mức. Chủ đề ưa thích của giới truyền thông đang là tỷ lệ thất nghiệp, vốn được cho là sẽ tăng lên, nhưng thay vào đó lại ở mức 3.4%, và hiện ở mức thấp nhất kể từ trước khi con người đặt chân lên mặt trăng.
Với kỷ nguyên kỳ lạ hậu phong tỏa COVID-19 không có tham chiếu, việc đoán già đoán non nổi lên ở khắp mọi nơi. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell, người vừa vui vẻ giảm tốc độ thắt chặt lãi suất của Fed trong cuộc chiến chống lạm phát cao nhất trong vài thập niên, và thậm chí còn khoe khoang rằng đã đạt được “giảm lạm phát trong lĩnh vực hàng hóa”, có thể phải tiếp tục tăng 50 điểm cơ bản trở lên thay vì mức tăng 25 điểm cơ bản mới nhất của Fed, mức thấp nhất kể từ tháng 03/2021.
Các nhà phân tích cho rằng suy thoái kinh tế sắp xảy ra hoặc đã ở đây giờ đang nói về “hạ cánh mềm.” Những người khác tin rằng họ đang bị ảo giác, chẳng hạn như nhà kinh tế trưởng Mark Zandi của Moody, người đã viết trong một tweet rằng báo cáo việc làm của Cục Thống kê Lao động của Bộ Lao động là “quá mạnh” đến mức ông không tin. Và khi đề cập đến nỗi lo suy thoái kinh tế của các nhà kinh tế học trong những tháng qua, nhà kinh tế Justin Wolfers của Đại học Michigan và Viện Brookings đã tuyên bố đây là “dự đoán sai lầm lớn nhất về nền kinh tế” trong cuộc đời ông.
Chiến lược gia Alan Ruskin của Deutsche Bank nói với khách hàng: “Có cảm giác rằng thị trường lao động không phù hợp với nhiều tín hiệu tăng trưởng yếu khác. … Ở mức tối thiểu, dữ liệu này sẽ yêu cầu các nhà giao dịch rút lui và tập hợp lại.”
Lĩnh vực giải trí và khách sạn có mức tăng trưởng việc làm lớn nhất, với tổng số 128,000 vị trí đã được tuyển dụng. Tiếp theo là các ngành dịch vụ khác, các ngành dịch vụ trong lĩnh vực chuyên nghiệp và kinh doanh với mức tăng 82,000 và chăm sóc sức khỏe với mức tăng 58,200. Nhưng đồng thời, tốc độ tăng lương đang chậm lại. Và hiện có gần hai công việc cho mỗi nhân viên tương lai, trong khi các nhân viên hiện tại vẫn kén chọn về việc rời bỏ sự thoải mái khi làm việc từ xa tại nhà để trở lại văn phòng.
Và rồi cũng có sự xen kẽ song song của các đợt sa thải lớn tại các công ty công nghệ. Amazon, công ty mẹ Alphabet của Google, Meta, Microsoft, và Twitter đang loại bỏ một lượng lớn công việc bắt đầu từ cuối năm ngoái sang đầu năm nay. PayPal dự tính cắt giảm 2,000 nhân viên; hãng phần mềm Splunk sẽ cắt giảm 4% lực lượng lao động; công ty bảo mật trực tuyến Okta đang cắt giảm khoảng 5% việc làm; Pinterest đang sa thải một lượng nhân sự đáng kể; và Miro đang chuẩn bị giảm khoảng 7% nhân viên của mình.
Kiểm tra lại với các chuyên gia, chúng ta được nghe về tầm quan trọng của việc giảm thiểu thu hẹp quy mô trong ngành công nghệ, được giải thích là điều chỉnh lại sau COVID. Nhà kinh tế lao động Kathryn Edwards nói với ABC News: “Công nghệ có mặt ở khắp nơi trong cuộc sống của chúng ta, vì vậy có vẻ như ngành này nên có mặt ở khắp nơi trong thị trường lao động của chúng ta, nhưng tình huống không nhất định là như vậy.”
Thật an ủi biết bao khi siêu cường vốn đã đặt chân lên mặt trăng và giành chiến thắng trong Chiến Tranh Lạnh đang tán tụng về tăng trưởng việc làm trong lĩnh vực dịch vụ, trong khi những công việc cao cấp nhất thì lại rơi rụng? Từ điển Anh ngữ Oxford định nghĩa “McJob” (từ mượn tiền tố Mc của hãng McDonald’s), một thuật ngữ ban đầu được sử dụng để chống lại các Tổng thống Ronald Reagan và George H.W. Bush, là “một công việc được trả lương thấp, không hấp dẫn với ít triển vọng, đặc biệt là một công việc đã được tạo ra nhờ sự mở rộng của lĩnh vực dịch vụ.”
Có vẻ như báo cáo việc làm này đã gây bất ngờ cho những người theo dõi nền kinh tế để kiếm sống khi lạm phát cao dường như bị kích hoạt bởi việc ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức vào đầu năm 2021. Có cảm giác tình huống này giống như một chiếc phi cơ mà phi công không hề hay biết về tốc độ bay, độ cao, hướng đi và đích đến của phi cơ này. Và khi một chiếc phi cơ đột ngột tăng độ cao với tốc độ lớn bất ngờ, thì nó có nguy cơ rơi vào trạng thái dừng khí động học ở độ cao lớn (trạng thái thất tốc), điều có thể nhanh chóng khiến nó lao xuống đất.
Có thể nào những Amazon, những Google, những Microsoft, và những PayPal, các công ty đã thay đổi cuộc sống của chúng ta bằng những đổi mới công nghệ của họ, có nhận thức tốt hơn về nền kinh tế ngày nay so với những người trong ngành kinh doanh khách sạn? Liệu Chủ tịch Powell có đóng vai trò mà cơ phó của Chuyến bay xấu số 447 của Air France năm 2009 đã đóng, khi hiểu sai một loạt tình huống bất thường, chưa từng có trong buồng lái, và phản ứng tại bảng điều khiển của phi cơ bằng cách tiến hành các thao tác trái ngược hẳn với các quy trình thích hợp không? Khác xa với bất kỳ cuộc hạ cánh nhẹ nào, kết quả là sự mất kiểm soát hoàn toàn với việc chiếc phi cơ phản lực đang bay từ độ cao lớn nhất mà nó từng đạt được trên bầu trời lao xuống đại dương chỉ trong vòng chưa đầy bốn phút.
Nêu lên những lo ngại này không có nghĩa là thúc giục Cục Dự trữ Liên bang mềm mỏng. Nhưng COVID-19 không phải là con dê thế tội và Tổng thống Vladimir Putin cũng không phải là người đã ký hàng ngàn tỷ USD chi tiêu mới gây lạm phát. Chính Tổng thống Joe Biden đã mang đến cho chúng ta một nền kinh tế điên rồ đến mức dường như không ai có thể hiểu được nó một cách chính xác. Vì vậy, tốt nhất là nên bước đi cẩn thận.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times