Nhà kinh tế Nouriel Roubini: Hoa Kỳ, Châu Âu sắp suy thoái trong một ‘cơn bão hoàn hảo’
Theo nhà kinh tế học nổi tiếng Nouriel Roubini, Mỹ, Châu Âu, và các nền kinh tế phát triển khác có thể sẽ suy thoái trong năm nay, trong bối cảnh lạm phát tăng vọt.
Ông Roubini đã đưa ra cảnh báo trên trong một cuộc phỏng vấn với đài ABC của Úc hôm 02/03, lưu ý rằng dữ liệu kinh tế mới nhất đến từ Hoa Kỳ, Châu Âu, và các nền kinh tế phát triển khác cho thấy lạm phát hiện khá “dai dẳng.”
Được mệnh danh là “Dr. Doom” vì là một trong những nhà kinh tế đầu tiên nêu ra cuộc suy thoái năm 2008, kinh tế gia này đã tuyên bố rằng các ngân hàng trung ương ở các quốc gia đó đang phải đối mặt với một “tình thế tiến thoái lưỡng nan” khi họ cần tăng lãi suất cao hơn để chống lại lạm phát, nhưng điều đó có thể buộc nền kinh tế sớm thu hẹp.
Theo ông Roubini, nếu các ngân hàng trung ương không tăng lãi suất hơn nữa, thì sẽ có một “hiệu ứng mất neo (de-anchoring) đối với lạm phát và kỳ vọng lạm phát”, điều có thể dẫn đến bất ổn kinh tế vĩ mô.
Ông Roubini, giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh Stern của Đại học New York, nói: “Vì vậy, tôi cho rằng chúng ta sẽ có một cuộc suy thoái, ở Hoa Kỳ, ở Châu Âu, ở các nền kinh tế phát triển khác vào thời điểm mà lạm phát chưa trở lại mức 2%, đó là định nghĩa của một cuộc suy thoái do lạm phát đình trệ.”
‘Cơn bão hoàn hảo’ đang hình thành
Nhà kinh tế lưu ý rằng một “cơn bão hoàn hảo” đang hình thành trong năm nay — lạm phát, suy thoái, lạm phát đình trệ, và một cuộc khủng hoảng nợ tiềm ẩn — có thể dẫn đến một “cuộc khủng hoảng nợ-lạm phát đình trệ lớn.”
Lạm phát đình trệ được đặc trưng bởi sự chậm lại do một giai đoạn kinh tế tăng trưởng (hoặc trì trệ), lạm phát gia tăng, và thất nghiệp gia tăng xảy ra cùng lúc. Lạm phát đình trệ là một vấn đề đối với các nhà hoạch định chính sách kinh tế vì các hành động nhằm giảm lạm phát có thể khiến tình trạng thất nghiệp trở nên nghiêm trọng hơn.
Ông Roubini nói rằng lạm phát đình trệ là hoàn cảnh “tồi tệ nhất” vì tình trạng mất việc làm gia tăng, tỷ lệ thất nghiệp cao, thị trường lao động yếu kém, và lạm phát vượt xa tốc độ tăng lương.
“Vì vậy, lạm phát đình trệ ảnh hưởng tới cả những người có việc làm, ảnh hưởng tới tiền lương thực tế của họ, bởi giá cả sẽ tăng nhanh hơn tiền lương, và một số người bị mất việc làm và thu nhập của họ. Vì vậy, lạm phát đình trệ là hoàn cảnh tồi tệ nhất trong mọi hoàn cảnh đối với người lao động.”
Ông Roubini trước đây đã cảnh báo về khả năng xảy ra lạm phát đình trệ trong một bài bình luận viết cho tạp chí Time hồi tháng Mười (2022). Các nhà kinh tế khác đã đưa ra những cảnh báo tương tự.
Nhiều dữ liệu lạm phát gần đây đã chỉ ra rằng giá cả vẫn cao hơn dự kiến, bao gồm cả Chỉ số Giá Chi tiêu Tiêu dùng Cá nhân (PCE) — đo lường mức giá mà những người sống ở Hoa Kỳ đang trả cho hàng hóa và dịch vụ và là thước đo ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang để đo lạm phát.
Fed cho biết dữ liệu lạm phát ‘quá nóng’
Chỉ số giá PCE cốt lõi, không bao gồm các lĩnh vực năng lượng và thực phẩm có giá dễ biến động, đã tăng tới 4.7% so với một năm trước, tăng từ mức 4.6%. Trong khi đó, giá PCE cốt lõi, một lần nữa không bao gồm thực phẩm và năng lượng, đã tăng 0.6% so với tháng trước, tăng từ mức 0.4%.
Hiện nay, nhiều nhà kinh tế kỳ vọng Fed sẽ thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ của mình để đạt được mức lãi suất mục tiêu 2%.
Hồi tháng Mười Hai, các quan chức Fed dự báo rằng lãi suất quỹ liên bang sẽ tăng lên khoảng 5.0–5.25%, và sau đó ngân hàng trung ương sẽ tạm dừng tăng lãi suất.
Hôm thứ Năm (02/03), Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết dữ liệu gần đây cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng không chậm lại nhiều, và thị trường lao động vẫn đang hoạt động ở mức không bền vững, đồng thời số liệu lạm phát sẽ không nhúc nhích.
Ông Waller cho biết trong bài diễn văn tại một cuộc họp của Liên minh Ngân hàng Cỡ-Trung Hoa Kỳ (MBCA) ở Los Angeles, California: “Mặt khác, nếu các báo cáo dữ liệu đó tiếp tục quá nóng, thì phạm vi mục tiêu chính sách sẽ phải được nâng lên thậm chí là nhiều hơn nữa trong năm nay để bảo đảm rằng chúng ta không mất động lực vốn có trước khi dữ liệu cho tháng Một được công bố.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times