Trung Quốc sạc pin, người Mỹ trả tiền
“Chính sách công nghiệp” theo “nền kinh tế hỗn hợp*” — một phương thức hoạt động từ lâu đã được chứng minh là không hiệu quả — xảy ra khi nhà nước, với trí tuệ không thể sai lầm của mình, quyết định những dự án kinh doanh tư bản nào sẽ thành công và đổ một lượng lớn tiền mặt khó kiếm được của người đóng thuế vào đó. Ví dụ nổi tiếng nhất là Bộ Thương mại và Công nghiệp Quốc tế Nhật Bản (MITI).
Nhà kinh tế học quá cố Charles Schultze, người từng giữ những chức vụ hàng đầu trong chính phủ thời các Tổng thống Kennedy, Johnson, và Carter, hiểu rõ sự ngu muội của chính sách công nghiệp. Trong một bài báo của Viện Brookings, ông Schultze đã minh họa sự phi lý của việc để cho một bộ máy quan liêu của chính phủ chọn ra người thắng kẻ thua trong khu vực tư nhân. Ông nêu rằng MITI đã “rất cố gắng — và rõ ràng là đã cố mà không mang lại kết quả nào — để loại Honda ra khỏi lĩnh vực kinh doanh xe hơi.” (Vào những năm 1960, người ta cho rằng việc hợp nhất ngành sản xuất xe hơi của Nhật Bản thành một số công ty rất lớn là khôn ngoan).
Tất nhiên, hãng xe bị lạnh nhạt Honda đã trở thành câu chuyện thành công lớn nhất trong ngành xe hơi Nhật Bản, khi trở thành nhà sản xuất động cơ đốt trong lớn nhất thế giới đồng thời là nhà sản xuất xe hơi đầu tiên của Nhật Bản thực sự trở thành nhà xuất cảng ròng từ cơ sở tại Hoa Kỳ. Thành công của Honda đã buộc ngành công nghiệp xe hơi cao ngạo của Hoa Kỳ phải tự đổi mới để giống Honda hơn; và ngay cả sau khi đã làm như vậy, thì hai trong số ba đại công ty xe hơi của Hoa Kỳ vẫn rơi vào tình trạng phá sản được định sẵn trong khi đã nhận hàng chục tỷ USD tiền cứu trợ của chính phủ liên bang từ thời Tổng thống Jimmy Carter cho đến thời Tổng thống Barack Obama.
Liệu ai đó ở sâu trong bộ máy quan liêu của chính phủ Tổng thống Clinton, một chính phủ vẫn luôn tự hào về việc kết nối tất cả các lớp học công lập với internet — có thể xác định được ai sẽ là doanh nhân sáng tạo và năng động nhất của thế kỷ tiếp theo khi ông ấy còn là một cậu chàng thanh niên lập dị ở độ tuổi 20 di cư từ Nam Phi qua Canada, người đã có hai bằng đại học khi bỏ học sau hai ngày dự thính tại Stanford và đang thiết kế phần mềm du lịch và ngân hàng — hay không? Dĩ nhiên là không. Và tương tự như vậy, không một “chuyên gia” nào ở Hoa Thịnh Đốn với tiền của người khác giao cho lại có thể tìm ra được ông Elon Musk, không một cơ quan liên bang nào có thể biết rằng ông Michael Dell, người sửa chữa và chế tạo máy điện toán của quý vị khi còn là sinh viên vào đầu những năm 1980 trong phòng ký túc xá của Đại học Texas, sẽ sớm (sau khi bỏ học) trở thành ông vua máy điện toán cá nhân.
Dù cho thuật ngữ “thị trường tự do” lấy lợi ích của chính một quốc gia làm mục tiêu do chính phủ dẫn hướng nghe phi lý đến mức độ nào, thì quý vị có thể hình dung ra cảnh các nhà lập pháp phân bổ tiền cho các ngành công nghiệp của quốc gia khác không? Lại còn là cho một đối thủ ngoại quốc nữa?
Quý vị không cần phải tưởng tượng. Với mọi ý định và mục đích, Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Joe Biden đang thực hiện một chính sách công nghiệp — “cải thiện các mô hình đầu tư của chúng ta,” như các nhà kinh tế cánh tả Ira Magaziner và Robert Reich đã từng định nghĩa — trong đó người đóng thuế ở Hoa Kỳ đang không tài trợ cho những người Mỹ chọn lọc mà là cho các công ty ở Hoa lục dưới quyền tối cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Nhân danh năng lượng xanh và xoa dịu Trung Quốc, Tổng thống Biden dự kiến sẽ phủ quyết một nghị quyết chung, vốn yêu cầu bãi bỏ một quy định của Cơ quan Quản lý Đường cao tốc Liên bang (FHWA) mà sẽ miễn trừ một số yêu cầu sản xuất trong nước đối với bộ sạc xe điện (EV) do chính phủ tài trợ. Nghị quyết kể trên đã thông qua Thượng viện Hoa Kỳ với tỷ lệ 50 trên 48, với các thượng nghị sĩ Đảng Dân Chủ Sherrod Brown (Ohio), Joe Manchin (West Virginia), Jon Tester (Montana), và thượng nghị sĩ độc lập đại diện Kyrsten Sinema (Arizona) tham gia cùng các thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa. Luật được Thượng nghị sĩ Marco Rubio của Florida và các thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa Kevin Cramer (North Dakota), Roger Marshall (Kansas), và Rick Scott, vị thượng nghị sĩ khác của Florida, giới thiệu hồi đầu năm nay.
Họ bị thúc đẩy bởi việc chính phủ Tổng thống Biden trì hoãn thực hiện 5 tỷ USD chi tiêu cơ sở hạ tầng đã được thông qua cho các trạm sạc xe điện theo yêu cầu sản xuất “Mua hàng Mỹ.” Đỉnh điểm là chính phủ đã miễn trừ để cho phép lắp đặt bộ sạc xe điện do Trung Quốc sản xuất cho đến tháng Mười năm sau, chỉ để cơ quan có thẩm quyền FHWA gia hạn thời gian đó thêm năm năm nữa. Điều đó có nghĩa là, như Thượng nghị sĩ Rubio đã tuyên bố, phần lớn trong số 5 tỷ USD tiền đóng thuế này “sẽ rơi vào tay các công ty Trung Quốc xây dựng các trạm sạc xe điện ở Hoa Kỳ.”
Và có một bối cảnh lớn hơn, khá đáng lo ngại ở đây, cũng là kết quả của các chính sách thân thiện với Trung Quốc và lấy sự nóng lên toàn cầu làm trung tâm của Tổng thống Biden. Các khoản tín thuế có lợi cho xe điện được quy định trong luật có nhan đề mang tính lừa dối là Đạo luật Giảm Lạm Phát đã thúc đẩy Công ty Ford Motor chi 3.5 tỷ USD để xây dựng một nhà máy sản xuất pin lithium gần Battle Creek ở miền nam Michigan, một cơ sở sẽ phụ thuộc vào công ty Contemporary Amperex Technology Co. (CATL) của Trung Quốc, nhà cung cấp cho Tesla và là nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới.
Theo Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Hoa Kỳ-Trung Quốc độc lập, người sáng lập và Giám đốc điều hành CATL Tăng Dục Quần (Zeng Yuqun) là thành viên của Ủy ban Quốc gia Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC), một “cơ quan điều phối quan trọng” do Ban Thường vụ Bộ Chính trị của ĐCSTQ lãnh đạo. (Công nghệ lithium mà liên doanh Ford-CATL sẽ sử dụng được thiết kế bởi một công ty Mỹ đã phá sản và được Trung Quốc mua lại với giá hời).
Vào Ngày Trái Đất năm ngoái (2022), Tổng thống Biden thậm chí còn cam kết “bắt đầu quá trình trong đó mọi phương tiện trong quân đội Hoa Kỳ … sẽ thân thiện với khí hậu.” Trong khi đó, Trung Quốc đang trên đà kiểm soát toàn bộ ⅓ lượng lithium của thế giới chỉ sau hai năm nữa.
Từ lâu, người ta đã biết rằng các chính trị gia chi tiêu lớn không gặp khó khăn gì trong việc mạnh tay lãng phí, hoặc tham lam kiếm bộn tiền cho mình bằng tiền thuế của người dân. Giờ thì chúng ta biết họ cũng không ác cảm với việc tiền đó rơi vào tay các tổ chức dưới sự kiểm soát của đối thủ lâu dài quan trọng của chúng ta trên thế giới.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times