Cuộc chiến trường kỳ về quy định hành chính
Trong bài diễn thuyết Thông điệp Liên bang năm 2019 trước Quốc hội của mình, Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích “những lời kêu gọi mới về việc áp dụng chủ nghĩa xã hội ở nước ta,” khẳng định rằng “Hoa Kỳ được thành lập dựa trên tự do và độc lập, chứ không phải sự áp bức, thống trị và kiểm soát của chính phủ,” rằng “chúng ta được sinh ra trong tự do và chúng ta sẽ tiếp tục có quyền tự do,” và ra lệnh rằng “đêm nay, chúng ta làm mới lại quyết tâm của mình rằng Hoa Kỳ sẽ không bao giờ là một nước xã hội chủ nghĩa.”
Những cuộc tấn công dữ dội của cánh tả thường được dùng để đánh giá về nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, chẳng hạn như những cáo buộc về ảnh hưởng của Nga đối với chiến dịch tranh cử của ông, vốn là một cuộc điều tra lãng phí ba năm với tiền thuế của người dân đã thể hiện sự mất uy tín hoàn toàn; hai cuộc đàn hặc thất bại; ngoài ra là vấn đề chính sách, kiểm soát biên giới để ngăn chặn nhập cư bất hợp pháp và sử dụng chính sách thương mại như vũ khí chống lại các đối thủ ngoại quốc như Trung Quốc; và cuối cùng, cứu đất nước khỏi những gì chúng ta biết hiện tại đó là ba ứng viên Tối cao Pháp viện do bà Hillary Clinton đề cử.
Nhưng có thể nói rằng những hành động quan trọng nhất của cựu tổng thống nhằm chống lại sự xâm lấn của chủ nghĩa xã hội — và những hành động đó bị đầm lầy Hoa Thịnh Đốn thù ghét và phản đối nhất — đều nằm trong lĩnh vực về quy định hành chính.
Sự phản kháng đối với các biện pháp phi thường trong việc giảm bớt quy định của chính phủ ông vẫn chưa ngừng lại.
Trong những ngày gần đây, chúng ta đã thấy ngành công nghiệp Mỹ phàn nàn rằng Hoa Thịnh Đốn đang áp đặt lên nền kinh tế Hoa Kỳ một chế độ quy định ngân hàng có tính trừng phạt cao hơn nhiều so với các xu hướng ở Liên minh Âu Châu theo xã hội chủ nghĩa. Chẳng hạn, Bộ Giao thông Vận tải của Bộ trưởng Pete Buttigieg vừa hủy bỏ ủy quyền năm 2020 của Tổng thống Trump cho phép vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng qua đường sắt; và Tổng thống Joe Biden thậm chí còn khôi phục lại các quy định về mức lương cao như mức hiện hành của Đạo luật Davis-Bacon năm 1931 cho các nghiệp đoàn lao động lớn có ảnh hưởng chính trị để áp dụng cho các sáng kiến năng lượng xanh của Đạo luật Giảm Lạm phát bị đặt sai tên, trong khi những quy định này đã ngừng áp dụng từ thời Tổng thống Reagan.
Có một đặc tính phi dân chủ cố hữu đối với sự khao khát không ngừng áp đặt ngày càng nhiều quy định. Sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Trump đã chỉ thị các cơ quan hành pháp đăng tải tài liệu hướng dẫn của họ lên Internet và xác định những quy tắc họ sử dụng để lập ra chúng. Tài liệu phải ở dạng “một cơ sở dữ liệu duy nhất, có thể tìm kiếm được, được lập bảng mục có chứa hoặc có liên kết đến tất cả các tài liệu hướng dẫn đang có hiệu lực.” Mục đích là “để bảo đảm rằng người Mỹ chỉ phải tuân thủ những quy tắc ràng buộc được áp đặt thông qua các đạo luật được ban hành hợp lệ hoặc thông qua các quy định được ban hành hợp pháp dưới các đạo luật này, và rằng người Mỹ được thông báo công bằng về nghĩa vụ của mình…” Phương pháp này nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng, tuy nhiên Tổng thống Biden đã thu hồi sắc lệnh này ngay vào ngày đầu tiên ông nhậm chức, yêu cầu các cơ quan ngừng công bố và giải thích [các tài liệu] cho công chúng, đồng thời gỡ bỏ trang web hướng dẫn của các cơ quan.
Khi đó, người ta có thể thắc mắc: Nếu các quy định hành chính rất tốt và cần thiết, tại sao các nhà quản lý này không muốn công chúng biết càng nhiều về các quy tắc càng tốt?
Sau sự việc hủy bỏ sắc lệnh của ông Trump vốn nhằm yêu cầu sự minh bạch của chính phủ, bà Susan Dudley, người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Quy định của Đại học George Washington và là người giám sát quy định trong Tòa Bạch Ốc thời Tổng thống George W. Bush, đã cảnh báo vào hai năm trước rằng trong khi “Tổng thống Biden chắc chắn đang thể hiện sự khiêm tốn cá nhân nhiều hơn người tiền nhiệm của mình… ông ấy cũng phải thực hiện sự khiêm tốn trong quy định hành chính.” Bà lưu ý rằng “khi thu hồi các sắc lệnh về quy định hành chính của cựu Tổng thống Trump, Tổng thống Biden đã bỏ đi một thứ giá trị. Ông ấy đã hủy bỏ Sắc lệnh 13891, trong đó yêu cầu các cơ quan phải lấy ý kiến của công chúng khi phát triển hướng dẫn mới quan trọng và đưa tất cả hướng dẫn của họ trở nên dễ dàng truy cập trực tuyến,” đây là minh chứng cho một “sáng kiến của ông Trump nhận được sự ủng hộ chung từ một loạt các chuyên gia về chính sách và luật, những người vốn lo lắng về sự thiếu minh bạch và lạm dụng hướng dẫn trong nhiều thập niên.”
Chính phủ Tổng thống Trump tự hào về việc cắt giảm gần tám quy định hành chính cho mỗi quy định mới được áp dụng, với hiệu quả cuối cùng là nâng thu nhập thực tế của người Mỹ lên hơn 3,000 USD mỗi năm cho một gia đình, cũng như tiết kiệm cho người tiêu dùng và doanh nghiệp hơn 220 tỷ USD mỗi năm. Và ngay cả khi các tòa án ngăn chặn việc cắt giảm bớt quy định của ông Trump, thì vẫn có những cải tổ. Thêm vào đó, dù chính phủ Biden đang tích cực đảo ngược nỗ lực nới lỏng quy định của người tiền nhiệm, nhưng không phải lúc nào ông Biden cũng có thể thành công. Đơn cử, quyền hạn quản lý quy định khí hậu sâu rộng của Tổng thống Barack Obama đối với việc sản xuất điện của các tiểu bang đã bị Tổng thống Trump bãi bỏ, nhưng hiện Tổng thống Biden không thể khôi phục, và chính phủ của ông buộc phải theo đuổi một phương pháp khác.
Tính phi dân chủ trong thái độ đối với bộ máy quản lý quy định hành chính còn trở nên mạnh mẽ hơn nhiều khi nói đến niềm tin mù quáng mà các thành viên Đảng Dân Chủ ở Hoa Thịnh Đốn đặt lên những người được cho là chuyên gia của bộ máy quan liêu chính phủ này. Điều này gợi nhớ đến Dự án Cybersyn, một nỗ lực vào đầu những năm 1970 của thủ tướng Chile, ông Salvador Allende, để chứng minh rằng máy điện toán là giải pháp cho việc quản lý thành công nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Trong khi đó, sáu thẩm phán Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ — ba người được Tổng thống Trump bổ nhiệm — đã ngăn chặn việc thụ động tuân theo các quan chức không được bầu trong phán quyết mang tính bước ngoặt của vụ West Virginia kiện Cơ quan Bảo vệ Môi trường hồi năm ngoái.
Ý kiến của Chánh án John Roberts kết luận rằng “thật không hợp lý khi Quốc hội trao cho Cơ quan Bảo vệ Môi trường quyền tự mình áp dụng” một kế hoạch quy định hành chính nhằm chuyển dịch toàn đất nước ra khỏi việc sử dụng than đá trong sản xuất điện. “Một quyết định tầm cỡ và trọng đại như vậy phải thuộc về chính Quốc hội, hoặc một cơ quan hoạt động theo sự ủy quyền rõ ràng từ cơ quan đại diện đó (Quốc Hội).” Nói cách khác, các dân biểu (các thành viên Quốc Hội) sẽ quyết định những vấn đề lớn, chứ không phải các “chuyên gia” không được bầu.
Tán thành với quan điểm trên, Thẩm phán Neil Gorsuch cũng lưu ý rằng “khi Quốc hội có vẻ chậm trễ trong việc giải quyết vấn đề, thì việc những người trong Nhánh Hành pháp có thể tự mình tìm cách giải quyết vấn đề là điều đương nhiên. Nhưng Hiến Pháp không cho phép các cơ quan sử dụng các quy định được viết và chỉ thị từ Tổng thống (mà không thông qua Quốc Hội) để thay thế cho luật được các dân biểu thông qua.”
Đáng tiếc là phần lớn cái gọi là Đạo luật Giảm Lạm phát của Tổng thống Biden — thay vì giảm lạm phát, lại áp đặt nghị trình bảo vệ môi trường cực đoan — được thiết lập để sử dụng quy trình lập pháp cho việc tấn công vào phán quyết của Tối cao Pháp viện. Vì vậy, cuộc chiến trường kỳ về quy định (và chủ nghĩa xã hội) vẫn diễn ra đẫm máu từ năm này qua năm khác.
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times