Chuyên gia: Trung Quốc chịu áp lực quốc tế bất chấp các chuyến công du ngoại quốc gần đây của ông Tập
Gần đây, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã thực hiện các chuyến công du ngoại quốc cấp lãnh đạo, gặp gỡ các nhà lãnh đạo thế giới sau khi ông bảo toàn nhiệm kỳ thứ ba với tư cách là Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong kỳ Đại hội Đảng Toàn quốc được tổ chức hồi tháng trước (10/2022). Các hãng thông tấn chính thức của Trung Quốc đang ca ngợi những thành tựu ngoại giao của ông Tập trong các chuyến đi này. Tuy nhiên, các nhà phân tích quốc tế chỉ ra rằng ông đạt được rất ít thành tựu, và rất khó để che giấu những khủng hoảng mà chế độ của ông đang phải đối mặt.
Ông Tập đã gặp Tổng thống Joe Biden tại Bali, Indonesia, hôm 14/11 trước thềm hội nghị thượng đỉnh G20. Trong sự kiện được tổ chức vào ngày 15 và 16/11 này, ông Tập cũng đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo thế giới khác. Từ ngày 17 đến ngày 19/11, ông đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu-Thái Bình Dương (APEC) tại Bangkok, Thái Lan.
Các hãng thông tấn chính thức của ĐCSTQ đã đưa tin về việc ông Tập tham gia các sự kiện quốc tế này và tán dương những thành tựu của ông. CCTV đưa tin về cuộc gặp giữa ông Tập và ông Biden, cho biết: “Chủ tịch Tập đã chỉ ra phương hướng và con đường cho sự phát triển của mối bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc.” Tân Hoa Xã đã đăng một bài báo có nhan đề “Bài diễn thuyết quan trọng của Chủ tịch Tập Cận Bình tại giai đoạn đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh G20 lần thứ 17 định ra hướng đi cho sự phát triển toàn cầu.”
Ông Tập không đạt được nhiều thành tựu
Ông Tô Tử Vân (Su Tze-yun), một nhà phân tích cao cấp tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh của Đài Loan, nói với The Epoch Times hôm 17/11 rằng sau Đại hội Đảng, ông Tập đã tổ chức nhiều cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo thế giới vì ông đang tìm kiếm sự công nhận và ủng hộ của quốc tế dành cho nhiệm kỳ thứ ba của ông, điều này sẽ gián tiếp chứng minh rằng quyền lực của ông ta đã được hợp pháp hóa. “Nhưng ngoài việc đó ra thì, ông ta không đạt được bất cứ điều gì về mặt ngoại giao.”
Ông Tô cho biết ĐCSTQ lo ngại nhất về việc bị Hoa Kỳ và các đồng minh kiềm chế. “Sau khi ông Tập Cận Bình gặp ông Biden, thông cáo báo chí của Trung Quốc nói rằng Hoa Kỳ hứa sẽ không có ý định kiềm chế ĐCSTQ, nhưng Tòa Bạch Ốc không đưa ra tuyên bố nào như vậy.”
Ông Tô chỉ ra rằng liên quan đến bang giao Hoa Kỳ-Trung Quốc, ông Tập đang ở thế ‘cưỡi trên lưng cọp’, tiến thoái lưỡng nan. “Về vấn đề Đài Loan, ông Tập đã phản ứng thái quá khi Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Pelosi đến thăm Đài Loan. Vậy nếu ông McCarthy đến thăm Đài Loan sau khi trở thành tân chủ tịch của Hạ viện, thì sẽ lại có một cuộc tập trận quân sự khác ở Eo biển Đài Loan hay sao? ĐCSTQ sẽ phải đối phó với tình huống này thế nào đây, khó lắm. Bất kể đảng này làm gì, thì đều sẽ bị mắc kẹt trong thế tiến thoái lưỡng nan.”
Ông nói: “Thành tựu ngoại giao lần này của ông Tập là rất hạn hữu. Đó chỉ đơn thuần là một nghi thức để tự phong cho mình tính chính danh trên trường quốc tế sau Đại hội Toàn quốc khóa 20 của ĐCSTQ.”
Trung Quốc sẽ duy trì ngoại giao ‘chiến lang’
Tiến sĩ Trịnh Khâm Mô (Cheng Chin-mo), trưởng Khoa Ngoại giao và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Đạm Giang ở Đài Loan, nói với The Epoch Times hôm 19/11: “Sau Đại hội toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ, ông Tập đã xem xét lại ‘chính sách ngoại giao nước lớn mang đặc sắc của ĐCSTQ’, chủ yếu là có tác dụng trong tuyên truyền nội bộ. Chính sách này nhấn mạnh rằng dưới sự lãnh đạo của ĐCSTQ, vị thế quốc tế của Trung Quốc đã được nâng lên thành một nước lớn trên thế giới, và ông Tập đang đặt định hướng đi cho thế giới hỗn loạn ngày nay. Đối với các mối bang giao, đảng này sẽ tiếp tục chính sách ngoại giao ‘chiến lang’ của mình, nhưng nó sẽ được che đậy một cách tinh tế hơn.”
Hôm 18/11, ông Tập đã thông báo rằng ông sẽ cân nhắc việc tổ chức Diễn đàn Hợp tác Quốc tế “Vành đai và Con đường” lần thứ ba vào năm tới.
Tuy nhiên, ông Trịnh cho biết “ĐCSTQ vẫn sử dụng các phương pháp truyền thống để kích thích kinh tế, mua chuộc các chính trị gia địa phương để thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường vốn gần như đã phá sản. Chính sách zero COVID của ĐCSTQ đã khiến nền kinh tế trong nước suy thoái nhanh chóng, mang lại cho Hoa Kỳ và các nước phương Tây một hoàn cảnh rất thuận lợi.”
Nhà bình luận về các vấn đề Trung Quốc sống tại Hoa Kỳ Vương Hách (Wang He) cho biết trong bài bình luận của mình cho The Epoch Times rằng đánh giá từ hội nghị thượng đỉnh G20, ĐCSTQ không có được thế thượng phong trong các sự kiện ngoại giao đa phương, và sức ảnh hưởng quốc tế của đảng này đang thui chột. Ông nói thêm rằng năm 2022 không chỉ là một bước ngoặt đối với nền kinh tế Trung Quốc và quyền lực chính trị của ĐCSTQ, mà còn có thể là một bước ngoặt đối với ảnh hưởng quốc tế của ĐCSTQ.
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung và Lạc Á
Hồng Ân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times