Sự kiểm soát của ông Tập đang ngăn Trung Quốc vượt qua Mỹ
Các chính sách của ông Tập đã hủy hoại nền kinh tế Trung Quốc
Dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, sẽ khó có khả năng để Trung Quốc phục hồi kinh tế hoặc vượt qua Hoa Kỳ trong vài thập niên tới, nếu không muốn nói là bất khả thi.
Từ năm 1980 đến năm 2019, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Trung Quốc là 8%. Trong những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng hàng năm đều giảm sút. Và năm nay, Trung Quốc dự kiến sẽ công bố con số thấp nhất trong nhiều thập niên, có thể dưới 3%.
Quyền lực hoàn toàn rơi vào tay ông Tập đồng nghĩa với việc quốc gia này sẽ bị lèo lái hướng theo tầm nhìn tương lai của ông ấy: an ninh thắt chặt hơn và thống nhất Đài Loan bằng vũ lực. Nâng cao tăng trưởng kinh tế không phải là ưu tiên hàng đầu mặc dù ông Tập kêu gọi Trung Quốc trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030.
Để đạt được mục tiêu của ông Tập, nền kinh tế sẽ phải tăng trưởng với tốc độ trung bình 5% mỗi năm. Với tốc độ tăng trưởng chậm như trong năm nay, tình trạng yếu kém chung của nền kinh tế, các đợt phong tỏa COVID-19 đang diễn ra, nợ nần chồng chất, thâm hụt ngân sách nghiêm trọng, và khủng hoảng nhân khẩu học, thì điều này có vẻ khó xảy ra. Trên thực tế, với tốc độ tăng trưởng hiện tại dưới 3%, Trung Quốc sẽ không thể vượt qua Hoa Kỳ cho đến năm 2060.
Trong những thập niên trước, Trung Quốc đã tăng trưởng bằng cách di cư người dân từ nông thôn lên thành thị, nơi mà mức đóng góp GDP của một công nhân nhà máy cao gấp bốn lần so với một nông dân. Việc di cư hàng trăm triệu người đã khiến cho quy mô GDP của Trung Quốc tăng lên đáng kể. Giờ đây, quốc gia này phần lớn đã được đô thị hóa, vì vậy không còn sự tăng trưởng nhảy vọt nào có thể xảy ra ở những nơi này nữa.
Trong quá khứ, Trung Quốc cũng đã dùng việc xây dựng cơ sở hạ tầng để thúc đẩy nền kinh tế. GDP tăng đáng kể khi các tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên và các tuyến đường bộ cải tiến được xây dựng giữa các thành phố. Hiện tại, gần như cả quốc gia này đã được kết nối thông qua đường và tàu cao tốc, ngoại trừ những ngôi làng nhỏ ít người biết đến và chưa phát triển. Mặc dù việc kết nối các các làng mạc có thể làm tăng GDP của nhiều ngôi làng, nhưng việc đó sẽ có tác động rất ít hoặc không ảnh hưởng đến GDP quốc gia. Trên thực tế, chi phí xây dựng một tuyến giao thông kết nối như vậy rất dễ vượt quá cả lợi ích đạt được.
Trung Quốc thực sự đã chạm đến ngưỡng mức sinh lợi giảm dần về mặt chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, trong đó mỗi dollar chi cho cơ sở hạ tầng có tác động nhỏ hơn lên GDP. Để tạo ra 1 USD tăng trưởng cho GDP, Trung Quốc phải đầu tư trung bình 8 USD. Tệ hơn nữa, nếu những đồng USD đó được viện trợ thông qua nợ, thì giờ đây những chi tiêu này sẽ còn tốn kém hơn khi lãi suất trên các thị trường nợ có chủ quyền trên thế giới tăng lên. Bất kỳ khoản nợ thêm nào được sử dụng để viện trợ cho cơ sở hạ tầng sẽ phải được cộng vào tổng nợ của Trung Quốc, tính cả nợ chính phủ và tư nhân thì đã bằng 270% GDP.
Một vấn đề khác mà Trung Quốc phải đối mặt là tỷ lệ sinh giảm sút. Để duy trì quy mô lực lượng lao động của mình, Trung Quốc sẽ phải đạt trung bình 2.1 ca sinh nở cho mỗi gia đình. Tuy nhiên, vào năm 2021, tỷ lệ sinh của Trung Quốc chỉ là 1.15. Việc tăng trưởng nền kinh tế với lực lượng lao động ngày càng giảm sút đòi hỏi phải cải thiện năng suất lao động để gia tăng mức đóng góp của mỗi người lao động vào GDP. Điều này có thể đạt được thông qua công nghệ và sản xuất hàng hóa có giá trị cao hơn.
Bằng cách chuyển đổi sang lĩnh vực sản xuất cao cấp hơn, Đức, Nhật Bản, Nam Hàn, và Đài Loan đã duy trì mức sống cao mặc dù lực lượng lao động đang giảm dần. Thay vì làm công việc sản xuất cấp thấp được trả 500 USD mỗi tháng như công nhân Trung Quốc, thì hàng tháng mỗi công nhân Nhật Bản bình thường đóng góp 2,000 USD vào GDP nhờ nền sản xuất tân tiến.
Mặc dù Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai, tính trên bình quân, người dân Trung Quốc vẫn nghèo hơn nhiều so với người Mỹ. Một người Trung Quốc bình thường chỉ kiếm được khoảng 12,500 USD mỗi năm, trong khi người Mỹ bình thường kiếm được gần 70,000 USD. Xét về GDP bình quân đầu người, Trung Quốc cao hơn nhiều nước Á Châu nhưng lại thua xa Đài Loan, Nam Hàn, Nhật Bản, và Singapore. Và ông Tập dường như không có khả năng thu hẹp khoảng cách đó.
Dường như Trung Quốc đã mắc vào cái được gọi là bẫy thu nhập trung bình. Nói chung, ngay cả những quốc gia có mức tăng trưởng cao cũng sẽ chững lại khi họ đạt mức thu nhập trung bình. Điều này là do khả năng cạnh tranh cũng như đầu tư và đổi mới của quốc gia đó bị đình trệ. Mức lương thấp như ở Trung Quốc, vẫn cao hơn nhiều so với mức lương trung bình 130 USD/tháng trong ngành sản xuất ở Ấn Độ hay 200 USD/tháng ở Việt Nam. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc không còn sức cạnh tranh trong lĩnh vực sản xuất cấp thấp. Đồng thời, Trung Quốc thiếu vốn, sự đầu tư, công nghệ, và nhân lực để thay thế các công việc sản xuất ở nhà máy cấp thấp bằng một số công việc sản xuất cao cấp tương tự.
Trung Quốc đang phải đối mặt với nhu cầu phải tăng năng suất của lực lượng lao động đang già hóa để duy trì tốc độ tăng trưởng. Nhưng tăng trưởng năng suất đã giảm khoảng 50% trong thập niên vừa qua. Với tỷ lệ suy giảm quy mô lực lượng lao động và tăng trưởng năng suất hiện tại của Trung Quốc chỉ đạt 0.7, quốc gia này sẽ gần như hòa vốn. Năng suất chỉ phát triển đủ nhanh để bù đắp sự suy giảm về quy mô lực lượng lao động.
Dưới sự kiểm soát của ông Tập
Các nhà phân tích phương Tây từng tin rằng một quốc gia không thể giàu lên nếu thiếu các quyền tự do căn bản. Tự do báo chí và tự do ngôn luận được cho là cần thiết để theo đuổi nghiên cứu học thuật và thúc đẩy sự sáng tạo cũng như đổi mới cần thiết để phát triển nền kinh tế. Sau đó, Trung Quốc xuất hiện và có thể đạt mức tăng trưởng hai con số từ năm này qua năm khác mặc dù có một chính quyền độc tài. Đúng ra, đại nhảy vọt đã diễn ra sau năm 1978 cùng với sự mở cửa của xã hội Trung Quốc. Tuy nhiên, sự phát triển của Trung Quốc thực sự đã thách thức quan điểm của phương Tây rằng tự do là điều cần thiết để một quốc gia trở nên giàu có.
Sau nhiều thập niên tăng trưởng chưa từng có nhờ xuất cảng, cựu lãnh đạo Hồ Cẩm Đào nhận ra rằng sự tăng trưởng cần phải cân bằng hơn. Ông Tập lên nắm quyền cũng nói về việc đa dạng hóa nền kinh tế và gia tăng tiêu dùng tính theo tỷ lệ phần trăm GDP. Nhưng thay vì tự do hóa nền kinh tế, ông Tập đã bắt đầu siết chặt gọng kìm của mình, sử dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ mới để kiểm soát gần như mọi khía cạnh trong sống của người dân. Cuộc đàn áp của ông đối với việc đầu tư “hỗn loạn” đã gần như làm sụp đổ nền kinh tế. Vào thời điểm mà Trung Quốc cần phải đổi mới để phát triển, các biện pháp kiểm soát của ông Tập đang kìm hãm sự phát triển, và việc nâng cao chuyên môn cũng như nghiên cứu và đổi mới ở Trung Quốc đang chậm lại.
Giờ đây, khi ông Tập bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba chưa từng có tiền lệ, nền kinh tế Trung Quốc đang ở trong tình trạng tồi tệ. Lĩnh vực bất động sản sụt giảm 30%. Lĩnh vực công nghệ đã mất hơn 1 ngàn tỷ USD trong hai năm. Các cuộc tẩy chay nợ nhà ngày càng diễn ra thường xuyên hơn khi người mua nhà từ chối thanh toán cho các bất động sản đã hoàn thiện một nửa và quá hạn từ lâu của các chủ đầu tư đang trên bờ vực vỡ nợ. Việc đóng băng tài khoản tiết kiệm ở các ngân hàng nhỏ hơn ở vùng nông thôn ngày càng xảy ra nhiều hơn nhằm ngăn chặn việc rút tiền ra khỏi ngân hàng. Tỷ lệ thất nghiệp đang gia tăng, và người dân đang nhận thấy mức sống của họ bị đe dọa. Phản ứng của ông Tập là chuyển trọng tâm ra khỏi nền kinh tế.
Theo bài diễn văn khai mạc tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), hiện ông Tập đang ưu tiên an ninh hơn tăng trưởng kinh tế. Vì an ninh không đem lại lợi ích về mặt kinh tế, điều này sẽ khiến kinh tế Trung Quốc ít có khả năng phục hồi hơn.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cũng đang ưu tiên bảo đảm an ninh hơn là thương mại với Trung Quốc bằng cách cắt giảm khả năng tiếp cận của Trung Quốc đối với các vi mạch bán dẫn tiên tiến.
Hai nhà lãnh đạo này đang tấn công nền kinh tế Trung Quốc từ hai bên bờ Thái Bình Dương. Bắc Kinh cần vi mạch bán dẫn để chuyển đổi sang sản xuất cao cấp hơn và cứu lấy nền kinh tế của mình. Vi mạch bán dẫn cũng là thứ bắt buộc phải có cho vũ khí thế hệ tiếp theo mà ĐCSTQ cần để đạt được ưu thế về mặt quân sự so với Hoa Kỳ. Và tất nhiên, Trung Quốc cần tiền để tài trợ cho việc đầu tư công nghệ, mua vũ khí và các chương trình phát triển trang bị vũ khí. Các lệnh cấm về vi mạch bán dẫn cũng đang khiến các công ty Mỹ và các công ty khác rời khỏi Trung Quốc, điều đang làm giảm cơ hội cho hoạt động gián điệp công nghiệp của ĐCSTQ. Do đó, Trung Quốc sẽ không còn có thể đổi mới thông qua ép buộc chuyển giao công nghệ như họ đã từng làm trước đây.
Từ nay trở đi, sự kìm kẹp vốn đang giết chết con ngỗng đẻ trứng vàng của ông Tập, khó có khả năng giảm bớt. Kể từ sau cuộc thanh trừng chính trị diễn ra sau Đại hội Đảng, hầu như không còn ai trong ĐCSTQ có thể chống lại ông Tập. Và nếu ông Tập không thay đổi hướng đi, ông sẽ không đạt được mục tiêu Trung Quốc trở thành siêu cường kinh tế và quân sự của mình, hoặc Bắc Kinh sẽ thay thế Hoa Kỳ trở thành nhà lãnh đạo của một trật tự thế giới mới do Trung Quốc dẫn dắt.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times