Ông Tập buông xuôi và thất bại ư? Không hề – Chỉ có phương Tây là đang lầm tưởng thôi!
Khi các cuộc biểu tình dưới nhiều hình thức khác nhau lan rộng ở Trung Quốc cũng là lúc Chính sách Phong tỏa của ông Tập Cận Bình bị phá sản, phương Tây lại một lần nữa hiểu sai nghiêm trọng về ông Tập và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), mà lần này ngay cả những người chỉ trích gay gắt nhất của ông Tập ở trên mạng cũng sa lưới.
Với chính sách chống dịch chỉ để giữ thể diện được thực hiện mà không có sự chuẩn bị nào cho các hậu quả về y tế cũng như các hậu quả khác, nhiều người tự hỏi liệu ông Tập có phải là đang đột ngột bị dồn vào trạng thái buộc phải “thảng bình” (buông xuôi) hay không. Có thể ông ấy đã mất động lực để chiến đấu [với dịch bệnh] hoặc không biết phải làm gì khi chính sách phong tỏa nghiêm ngặt khét tiếng của mình bị sụp đổ? Hay ông Tập chỉ đơn giản là đang muốn so đo hơn thua với những người chỉ trích trong nước bằng cách buông tay và để con siêu vi khuẩn này mặc sức tung hoành?
Trong sách lược của ĐCSTQ, thì dù nhà nước có hành động hay không hành động, đối với bất kể sự việc nào, thì ẩn đằng sau đó đều là những ý đồ chiến lược sâu xa. Vậy nên, đằng sau thái độ buông xuôi trước dịch bệnh ấy, ắt sẽ là một mưu sách lạnh lùng và đầy toan tính của ĐCSTQ. Và ông Tập, với xuất thân từ Hồng Vệ binh và thường xuyên nhấn mạnh vào việc thực hiện “các cuộc đấu tranh”, thì nhất định cũng không phải là người chịu nằm yên. Vậy thì, điều gì đang xảy ra?
Câu hỏi này sắp được nhiều quan chức Trung Quốc trả lời – chiến lược mới của ông Tập là khiến cho đất nước này đạt được miễn dịch cộng đồng càng nhanh càng tốt, lý tưởng nhất là trong vòng một tháng. Vì vậy mà giờ đây, một số quan chức hàng đầu của tỉnh và thành phố lớn đang hí hửng tuyên bố rằng tỷ lệ lây nhiễm trong dân số của họ là 80% trở lên, mặc dù không lâu trước đó, tất cả họ đều mạnh dạn tuyên bố không có ca nhiễm nào theo lệnh phong tỏa của ông Tập, điều mà WHO cho là nhảm nhí. Bằng việc đạt được miễn dịch cộng đồng trên toàn quốc theo cách đó và sau đó thúc đẩy nền kinh tế khởi động lại, ông Tập và ĐCSTQ của ông ta có thể mang về một chiến tích khác để phô trương tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC) vào mùa xuân này.
Theo chiến lược mới kể trên, việc chính quyền Trung Quốc từ chối lời đề nghị tài trợ vaccine miễn phí của ngoại quốc nhìn bề ngoài thì dường như là ngu ngốc nhưng kỳ thực lại rất khôn ngoan – và rằng việc từ chối này không phải là để giữ thể diện. Vào lúc này đây, các loại vaccine hữu hiệu sẽ khởi tác dụng phụ diện đối với chiến lược mới của ông Tập. Tại sao vậy? Và liệu rằng nền kinh tế có suy yếu khi có quá nhiều người thiệt mạng như vậy hay không?
Câu trả lời của chính quyền cộng sản sẽ là không, và điều đó cũng có thể đúng theo một ý nghĩa hắc ám khác. Nền kinh tế Trung Quốc có thể mạnh lên nhờ có nhiều ca tử vong, mà trên thực tế tất cả đều tập trung ở những người mắc bệnh mạn tính và những người già yếu, chỉ với một tỷ lệ rất nhỏ các trường hợp ngoại lệ. Theo quan điểm của Đảng này, đây là một cơ hội kép và đáng giá ngàn vàng để vừa có thể giải quyết ra trò vấn đề già hóa của Trung Quốc, vừa có thể tiết kiệm kha khá chi phí thuốc men cho đất nước.
Paxlovid ư? Họ chẳng cần đâu. Pfizer cho biết Trung Quốc sẽ không trả cái giá mà các nước nghèo như El Salvador đang phải trả. Bỏ tiền ra mua thuốc để làm gì trong khi Trung Quốc đang muốn tống khứ mớ hỗn độn và gánh nặng này đi cơ chứ? (Tuy nhiên cũng phải lưu ý một điều là, Trung Quốc vẫn luôn nhập cảng các loại vaccine mRNA và thuốc Paxlovid, nhưng với số lượng có hạn để sử dụng ở Hồng Kông và Ma Cao cũng như cho một số vị lãnh đạo chóp bu của Đảng và các quan chức công quyền bằng cách phân phối thông qua Hệ thống Cung cấp Đặc biệt của họ).
Và nếu như hậu quả phụ của việc theo đuổi chiến lược mới này là tái lây nhiễm cho phần còn lại của thế giới, đặt gánh nặng y tế và tài chính lên các quốc gia ở phương Tây, những nước không nhẫn tâm để người dân dễ bị tổn thương của họ ra đi như lá rụng mùa thu, vậy thì tại sao lại không làm? Để đạt mục đích đó, ông Tập đã nhanh chóng mở cửa biên giới Trung Quốc để công dân của quốc gia này đi chu du khắp nơi. Đó là lý do vì sao khi những chiếc phi cơ chở hành khách Trung Quốc với người mang mầm bệnh chiếm đa số hạ cánh xuống phương Tây, thì các nhà ngoại giao của ông Tập lại chỉ trích gay gắt và gây áp lực lên những quốc gia nào nhanh chóng thực hiện các biện pháp kiểm soát biên giới để sàng lọc những người nhiễm COVID-19 đến từ Trung Quốc.
Xâu chuỗi lại mọi vấn đề, mọi người có thể nhìn thấy một bức tranh rõ ràng: Không phải là từ bỏ hay buông xuôi vấn đề COVID, mà thực tế là ông Tập đang quay ngoắt sang chính sách Không Vaccine-Không Y liệu. Chiến lược đó đích thị là đang giúp ích rất lớn cho ông ta, cho Đảng của ông ta, và cho cả nhà nước cộng sản này. Vừa hay là, nhân cơ hội này, ông Tập có thể ném một con siêu vi khuẩn tương đương với hàng chục quả bom hạt nhân vào phương Tây.
Dĩ nhiên, nhiều người có thể hỏi: Hiện tại có khá nhiều cuộc nổi dậy của quần chúng chống lại ông Tập và sự lãnh đạo của ông Tập, chẳng phải đây là một dịp tốt để các phe phái đối lập trong Đảng tấn công Tập, để ông ấy mất đi quyền lực hoặc ít nhất là bị suy yếu quyền lực trong nội bộ Đảng hay sao? Nếu như những người chỉ trích ông Tập không xem xét nghiêm túc bản chất phản nhân dân của toàn bộ ĐCSTQ, thì họ sẽ không tìm thấy câu trả lời đúng đắn, bởi vì điều đó trái ngược với những gì họ nghĩ.
Năm ngoái, với một số sai lầm trong chính sách – từ việc ủng hộ một Tổng thống Putin không được lòng mọi người dân thế giới cho đến việc thực hiện chính sách phong tỏa nghiêm ngặt ở Thượng Hải và các nơi khác gây thiệt hại cho nền kinh tế, v.v. – thực sự có thể đã làm tổn hại đến quyền lãnh đạo của ông Tập và có khả năng làm suy yếu nỗ lực của ông cho nhiệm kỳ Chủ tịch thứ ba. Ở phương Tây, sự phẫn nộ của người dân có thể khiến cho một chính phủ phải hạ đài, nhưng ở Trung Quốc thì lại khác. Cuộc Cách mạng Giấy Trắng và các hành động bất tuân tương tự của quần chúng, xảy ra ngay trước khi ông Tập đảo ngược chính sách phong tỏa, đang tiếp thêm sức mạnh cho ông Tập trong việc thực hiện giấc mộng đế vương của mình, giờ đây lại có thêm sự trợ lực từ các đối thủ chính trị. Tại sao lại như thế?
Các đối thủ chính trị của ông Tập trong nội bộ Đảng – phe Đoàn Thanh niên Cộng sản và tàn dư của phe Giang Trạch Dân – vẫn đang hiện hữu ở khắp nơi ngoại trừ những cấp bậc cao nhất kể từ cuộc thanh trừng tại Đại hội 19 gần đây. Họ cũng tham nhũng và chỉ biết hại người ích ta trên mọi phương diện như ông Tập, lý do căn bản nhất là vì họ đại diện cho các nhà tư bản thân hữu và có quyền kiểm soát chi phối trong khu vực tư nhân. Và họ cũng khao khát muốn bảo vệ quyền cai trị của ĐCSTQ bằng mọi giá giống như ông Tập và phe cánh của ông ấy.
Hiện tại các cuộc nổi dậy gần đây đều là những cuộc nổi dậy của người dân chân chính, mặc dù vẫn chỉ đang le lói và còn xa mới trở thành “các cuộc cách mạng” như trong trí tưởng tượng của người phương Tây, nhưng cũng không gây ra mối nguy hiểm cận kề nào đối với sự cai trị của ĐCSTQ. Thế nhưng, nếu không bị dập tắt từ trong trứng nước, thì những hành vi bất tuân nhỏ nhặt đó cũng có thể làm xói mòn quyền uy và thế lực của ĐCSTQ, đẩy nhanh tốc độ suy tàn về lâu dài của đảng này. Sẽ không có phe phái nào của ĐCSTQ để điều đó xảy ra, bất kể họ có nắm quyền hay không. Thậm chí không được để đảng này trông như là đang nhượng bộ trước áp lực của người dân. Đây là một quy ước bất thành văn và cố hữu trong tất cả các phe phái của ĐCSTQ.
Vì vậy, sẽ có một thỏa hiệp – ông Tập sẽ bảo toàn nhiệm kỳ Chủ tịch nước lần thứ ba vào mùa xuân này, nhưng bù lại ông ta sẽ phải làm gì đó để giảm bớt sự phản đối của phe đối lập, chẳng hạn như không có thêm bất kỳ cuộc trấn áp nào nữa đối với các doanh nghiệp lớn nhất, vốn được một nhóm các giám đốc doanh nghiệp nổi tiếng của Trung Quốc vinh danh trước đó.
Sự thỏa hiệp xấu xa tương tự giữa các phe đối lập đã xảy ra vào mùa xuân năm 1989 khi hầu hết những người ban đầu thì phản đối cuộc đàn áp đẫm máu nhưng sau lại quay sang ủng hộ ông Đặng Tiểu Bình; một số khác được cho về hưu sớm và sẽ không bị trừng phạt nếu im lặng. Người tỏ ra là đứng về phía người dân – ông Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang), đã nhận bản án chung thân tại nhà. Được xem như một người hùng ở phương Tây, thế nhưng ông Triệu chưa từng máy môi lên án vụ thảm sát này trước công chúng. Đó là bởi vì lòng trung thành của ông ấy trước nhất là dành cho Đảng – nào có khác gì tên sát nhân Đặng. Một phe cầm quyền của ĐCSTQ có thể bị đánh bại và bị phế truất, nhưng chỉ bởi các đối thủ trong nội bộ đảng đang trong một cuộc tranh đấu quyền lực mờ ám – và không bao giờ, không bao giờ bị người dân khai trừ, hoặc có biểu hiện là sẽ bị khai trừ.
Và như vậy, nghịch lý thay, Cuộc Cách mạng Giấy Trắng và các “cuộc cách mạng” khác xảy ra trong một hoặc hai tháng qua đã củng cố chứ không làm suy yếu, nỗ lực của ông Tập cho nhiệm kỳ Chủ tịch nước lần thứ ba, khi các đối thủ trong nội bộ Đảng của ông ta đã đến để giao kèo với ông ta và hiệp lực ủng hộ ông ta chống lại những bất đồng chính kiến ở khắp nơi. Đây là bản chất và truyền thống của ĐCSTQ. Bỏ qua điều này sẽ dẫn đến việc đánh giá quá thấp khả năng tồn tại của ĐCSTQ và đánh giá quá cao sức mạnh của sự bất đồng chính kiến, những sai lầm vẫn đang lặp đi lặp lại ở phương Tây.
Doanh Doanh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times