Chuyên gia không tin chính sách sẽ giải quyết được bong bóng địa ốc Trung Quốc
Sau khi ông Tập Cận Bình nói “Nhà là để ở chứ không phải để đầu cơ”, và Trung Quốc sẽ “xây dựng một hệ thống nhà ở với nhiều nhà cung cấp và nhiều kênh hỗ trợ khác nhau để khuyến khích cả việc thuê lẫn việc mua bất động sản” tại cuộc họp toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ), phương tiện truyền thông của đảng đưa tin rằng “chính sách đã vạch ra đường hướng” cho sự phát triển địa ốc của Trung Quốc trong năm năm tới.
Một chuyên gia tài chính nói với The Epoch Times, mặc dù chính sách có thể ảnh hưởng đến hướng đi của thị trường, nhưng bản thân thị trường là chìa khóa cho sự phát triển.
Khủng hoảng địa ốc
Khi Trung Quốc trì hoãn công bố tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý thứ ba trong tuần lễ diễn ra kỳ đại hội toàn quốc lần thứ 20, truyền thông đã đưa tin rằng các nhà phát triển địa ốc ở Trung Quốc đang lo lắng không biết ban lãnh đạo sẽ đưa ra những tín hiệu gì để giải quyết cuộc khủng hoảng của thị trường này.
Dữ liệu mới nhất của Trung Quốc về đầu tư địa ốc cho thấy mức giảm 8% so với cùng thời kỳ năm ngoái từ tháng 01-09/2022.
Theo Trung Quốc Tân Văn Xã (CNS), cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, các nhà phân tích Trung Quốc tin rằng “chính sách” này mang lại định hướng cho các nhà phát triển và thị trường, và chiến lược của chính phủ sẽ hỗ trợ sự phát triển bền vững của thị trường bằng cách “hỗ trợ việc thuê và mua” như là “đường lối” chính của họ.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn gần đây với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times, ông Khâu Vạn Quân (Paul W. Chiou), chuyên gia tài chính tại Đại học Northeastern, Boston cho biết kinh nghiệm trong quá khứ đã chứng minh rằng các chính sách của ĐCSTQ thường dẫn đến đầu cơ thị trường và suy giảm đầu tư.
Ông Khâu giải thích rằng các khoản trợ cấp của chính phủ có thể cung cấp cho các nhà phát triển một số khoản cứu trợ trong vài tháng, nhưng sẽ không đủ để trang trải cuộc khủng hoảng do doanh số bán hàng chậm và thiếu dòng tiền.
Khủng hoảng hình thành trong 20 năm
Cuộc cải tổ nhà ở của Trung Quốc năm 1998 đã khởi đầu một giai đoạn mới của việc thương mại hóa địa ốc. Ông Khâu nói: “Giá nhà ở đã tăng từ bốn đến năm lần từ năm 1998 đến năm 2019.”
Ông nói, giá nhà ở những khu vực đắc địa của các thành phố hạng nhất như Thượng Hải và Bắc Kinh thậm chí còn cao hơn so với New York và Los Angeles, nhưng “GDP bình quân đầu người của Trung Quốc chỉ bằng 1/5 so với Hoa Kỳ. Xương sống để hỗ trợ giá nhà cao không tồn tại.”
Trong bối cảnh thiếu các kênh đầu tư, dự trữ ngoại hối lớn của Trung Quốc vào thời điểm đó, đã là một phần lý do khiến các chính quyền địa phương chọn phát triển địa ốc để thúc đẩy nền kinh tế. Ông Khâu giải thích: “Nhưng hai thập niên phát triển quá mức, cùng với quan niệm sai lầm rằng giá nhà ở sẽ chỉ tăng chứ không giảm, nên mới hình thành một bong bóng nghiêm trọng như vậy như ngày hôm nay.”
Ba yếu tố
Ông Khâu cho biết có ba yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển địa ốc của Trung Quốc.
Đầu tiên là chất lượng tài sản và nguồn vốn.
Dữ liệu cho thấy tỷ lệ quá hạn đối với tất cả các khoản vay của tất cả các ngân hàng thương mại, là 1.73% vào cuối năm 2021, cao hơn của Hoa Kỳ là 1.31%.
Ông Khâu đã giải thích lý do gây ra các khoản nợ xấu này bao gồm việc ngày càng xuất hiện nhiều những tòa nhà thi công dở dang và các cuộc tẩy chay vay thế chấp ở Trung Quốc; gánh nặng tiềm ẩn đối với các ngân hàng Trung Quốc từ khoản lỗ hàng năm hơn 10 tỷ USD và khoản nợ hơn 1 ngàn tỷ USD từ tuyến đường sắt cao tốc quốc gia Trung Quốc; các khoản vay hoặc viện trợ ngoại quốc chưa thanh toán liên quan đến Sáng kiến Vành đai và Con đường, cũng như sự suy giảm kinh tế toàn cầu.
Ông nói rằng chất lượng tài sản trong lĩnh vực tài chính của Trung Quốc đã giảm xuống mức đáng lo ngại, và rõ ràng là đang thiếu vốn.
Thứ hai là người dân không sẵn lòng đầu tư vào địa ốc.
Trong hai năm, đầu tư địa ốc của Trung Quốc cho thấy mức tăng trưởng âm rất lớn hầu như hàng tháng, và cho thấy mức độ thiện chí trong việc đầu tư là thấp.
Thứ ba là mối bang giao của Trung Quốc.
Ông Khâu nói rằng mối bang giao xấu đi trên trường quốc tế của Trung Quốc với Hoa Kỳ và Úc, chẳng hạn, cuối cùng sẽ trở thành một vấn đề thương mại. Xuất cảng và ngoại thương giảm sút sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế và sức tiêu thụ của Trung Quốc.
Ông Khâu nói rằng để một chính sách có hiệu lực, thì chính sách ấy cần có thời gian để phát triển. Đánh giá về hiện tượng nói trên, ông bày tỏ sự dè dặt đối với thị trường địa ốc Trung Quốc.
Bản tin có sự đóng góp của Lâm Sầm Tâm
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times