Chuyên gia Đài Loan đi đầu về công nghệ phòng thủ AI để ngăn chặn nỗ lực thao túng bầu cử của ĐCSTQ ở Đài Loan
Khi cuộc bầu cử ở Đài Loan ngày càng đến gần, các chiến dịch gây ảnh hưởng của Trung Quốc đang tìm cách thao túng kết quả theo hướng có lợi cho mình thông qua chiến lược chiến tranh nhận thức. Đáp lại, một chuyên gia Đài Loan và công ty của ông đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để theo dõi và chống lại các hành động phá hoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Ông Ethan Vưu Dĩ Khâm (Ethan Yi-chin Tu), nhà sáng lập Phòng thí nghiệm AI Đài Loan, cho biết trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng: “Đài Loan dẫn đầu thế giới về công nghệ AI phòng thủ trước cuộc chiến nhận thức của Bắc Kinh.”
Theo chuyên gia này, Phòng thí nghiệm AI Đài Loan có thể là nơi đầu tiên sử dụng AI để chống lại cuộc chiến thông tin giả của ĐCSTQ. “Mặc dù AI chủ yếu được sử dụng cho các chiến dịch tấn công, nhưng chúng tôi đang đi tiên phong trong ứng dụng phòng thủ của nó,” ông nói.
Ông Vưu là cựu giám đốc phát triển chính của Microsoft Corp.
AI trong phản công
Hôm 13/01, dự kiến khoảng 19.5 triệu cử tri Đài Loan sẽ bầu tổng thống mới và các thành viên của cơ quan lập pháp quốc gia gồm 113 ghế. Ba trong số các đảng lớn nhất ở Đài Loan — Đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền, phe đối lập gồm Quốc Dân Đảng (KMT) và Đảng Nhân dân Đài Loan (TPP), một đảng tương đối mới được thành lập vào năm 2019 — đều giành được một vé tranh cử tổng thống và phó tổng thống.
Dẫn đầu trong hầu hết các cuộc thăm dò địa phương là ứng cử viên của DPP – đương kim phó tổng thống Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) và ứng cử viên liên danh của ông là bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim), người đã từ chức đại sứ trên thực tế của Đài Loan tại Hoa Kỳ hồi tháng Mười Một. Ở vị trí thứ hai là ứng cử viên tổng thống Quốc Dân Đảng ông Hầu Hữu Nghi (Hou Yu-ih), thị trưởng đương nhiệm của thành phố Tân Bắc, và ứng cử viên liên danh với ông là ông Triệu Thiếu Khang (Jaw Shaw-kong), một nhân vật truyền thông địa phương. Ông Kha Văn Triết (Ko Wen-je), cựu thị trưởng Đài Bắc là ứng cử viên của TPP, đã chọn một thành viên cùng đảng, là nhà lập pháp Ngô Hân Doanh (Wu Hsin-ying), làm ứng cử viên liên danh.
ĐCSTQ, vốn có ý định chiếm giữ Đài Loan bằng các biện pháp hòa bình hoặc chiến tranh, từ lâu đã coi DPP với thái độ thù địch, coi đảng và nghị trình của đảng này là những vật cản trên con đường “thống nhất” với hòn đảo tự trị. Trong khi đó, chế độ cộng sản lại ủng hộ các ứng cử viên Quốc Dân Đảng, những người coi Bắc Kinh ít đe dọa đến an ninh quốc gia của hòn đảo hơn.
Theo ông Vưu, ĐCSTQ sử dụng công nghệ thông tin để can thiệp vào công việc của Đài Loan.
“Đài Loan thường xuyên đóng vai trò là nơi thử nghiệm các hoạt động như vậy của ĐCSTQ do môi trường ngôn luận rất tự do. Nhiều vụ thao túng trong diễn ngôn này, dù tập trung vào các vấn đề bầu cử hay trưng cầu dân ý của một quốc gia, thường biểu hiện đầu tiên ở Đài Loan,” ông nói.
ChatGPT, chatbot do OpenAI tạo ra và ra mắt hồi tháng 11/2022, có thể nhanh chóng tạo ra các bài viết thuyết phục cho các trương mục giả nhằm phát tán thông tin sai sự thật, ông Vưu cho biết. “Nhiệm vụ của chúng tôi là chống lại các cuộc tấn công từ các công cụ như ChatGPT. Chúng tôi đang ở thế phòng thủ.”
Bằng việc sử dụng các mô hình quy mô lớn để xác định trương mục mạng xã hội nào đang được kiểm soát, “chúng tôi giám sát nội dung mà các trương mục bị thao túng này đang phát tán trên Internet,” ông nói.
“Thông qua việc phân tích tỉ mỉ bản chất các cuộc tấn công và xác định mục tiêu của những trương mục này, cộng với quan sát sâu rộng và phân tích dài hạn về các nhóm trương mục phối hợp này, chúng tôi có được thông tin chi tiết về mô hình của họ.”
Ông Vưu cho biết công ty của ông đã và đang xuất bản các báo cáo quan sát AI hàng tuần về các hành động phá hoại của ĐCSTQ đối với cuộc bầu cử ở Đài Loan và “nhận dạng lối kể chuyện của chính quyền này.”
Chiến tranh nhận thức của ĐCSTQ
Báo cáo của Phòng thí nghiệm AI Đài Loan cho biết: “Từ tháng 09/2023 đến tháng 11/2023, lối tường thuật chính của các kênh truyền thông trực thuộc nhà nước của CHND Trung Hoa [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] liên quan đến việc đe dọa Đài Loan bằng chiến tranh, cáo buộc chính phủ Đài Loan đã đẩy hòn đảo này đến bờ vực chiến tranh.
“Vào tháng Mười Hai (2023), khi cuộc bầu cử đến gần, giọng điệu đe dọa chiến tranh giảm dần. … Trung Quốc chuyển trọng tâm sang nhấn mạnh vào hệ thống giáo dục và các vấn đề kinh tế của Đài Loan.”
Ông Vưu cho biết các hãng thông tấn nhà nước và các nền tảng truyền thông xã hội liên tục đưa ra một số câu chuyện ủng hộ ĐCSTQ. Đặc biệt, báo cáo lưu ý rằng “hai nhóm trương mục khiêu khích trên Facebook đã góp phần tạo ra hơn 50% tổng số hoạt động khiêu khích tại tất cả các trang dành cho người hâm mộ” của các ứng cử viên, chuyên gia này cho biết.
“Xem xét kỹ lưỡng thì; quý vị sẽ thấy rằng hai nhóm [trương mục khiêu khích trên Facebook] này cũng đồng thời thao túng các vấn đề sinh kế của Hoa Kỳ và tấn công chính phủ ông Biden bằng tiếng Anh,” ông giải thích.
Ông Vưu tin rằng những hành động này là do một cơ quan bên ngoài Đài Loan thực hiện.
“Một cuộc điều tra trước đây cũng xác định một số lượng đáng kể các trương mục này sử dụng các thiết bị do Trung Quốc sản xuất làm cổng VPN để xâm nhập vào các nền tảng như PTT bằng cách sử dụng trương mục người dùng bị xâm nhập,” ông nói.
PTT là diễn đàn trực tuyến nổi tiếng của Đài Loan do ông Vưu sáng lập.
“Sau đó, trên các diễn đàn trực tuyến của Đài Loan, họ lan truyền thông tin giả, chẳng hạn như báo cáo về các thi thể trôi nổi trên biển, tuyên bố về phi đạn của Trung Quốc và tin tức bịa đặt về việc Hoa Kỳ và Đài Loan sản xuất vũ khí sinh hóa trong một hội nghị ở Biển Đông,” ông nói.
ĐCSTQ tìm cách phá hoại nền dân chủ
Những hoạt động này cuối cùng phục vụ ĐCSTQ như một chiến thuật để “tự thể hiện mình là người báo hiệu hòa bình; và trong trường hợp xảy ra xung đột, thì sẽ quy kết bất kỳ cuộc chiến nào xảy ra sau đó là do các hành động của Hoa Kỳ, hoặc phù hợp với lợi ích của Trung Quốc,” ông Vưu nói.
Những hoạt động này cũng liên quan đến việc trấn áp các ngôn luận bất lợi cho Bắc Kinh, ông nói thêm. “Ví dụ, nếu ai đó ủng hộ các phong trào ở Hồng Kông, các trương mục phối hợp sẽ cùng tham gia tấn công.”
Theo ông Vưu, các trương mục phối hợp thể hiện một số điểm đặc trưng, chẳng hạn như tham gia đồng thời vào các cuộc thảo luận trực tuyến cụ thể với quy mô nhóm nhất quán và sử dụng ngôn ngữ, khẩu hiệu theo thói quen. Một số trương mục tuân theo “lịch trình” với giờ làm việc được xác định rõ ràng. Ông cho biết, các trương mục phối hợp liên tục đăng về cùng một chủ đề, với mỗi bài đăng sẽ kích hoạt sự giao tiếp từ khối cơ sở người dùng “lớn hơn năm lần so với bình thường.”
Báo cáo của Phòng thí nghiệm AI Đài Loan cũng cho thấy ĐCSTQ đã nhắm mục tiêu vào các ứng cử viên của Quốc Dân Đảng và DPP như thế nào để tìm ra vị trí thích hợp của mình và buộc Quốc Dân Đảng phải chấp nhận lựa chọn ứng cử viên của mình.
Hơn nữa, ĐCSTQ có mục đích tấn công các ứng cử viên từ tất cả các đảng phái chính trị, về cơ bản thúc đẩy một câu chuyện ám chỉ sự chia rẽ nội bộ trong các quốc gia dân chủ, khiến việc đạt được sự đồng thuận trở nên khó khăn, ông Vưu nói.
Bản tin có sự đóng góp của Song Tang, Yi Ru, và Frank Fang
Tịnh Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times