Các chuyên gia: ĐCSTQ không trù định xâm lược Đài Loan, nhưng vẫn đang chuẩn bị cho chiến tranh
Cuộc thanh trừng quân sự nội bộ của ĐCSTQ và việc thiếu khả năng tác chiến đổ bộ đã cản trở chế độ này thôn tính Đài Loan bằng vũ lực.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Trung ở San Francisco hồi tuần trước, Bắc Kinh phủ nhận việc họ có kế hoạch tấn công Đài Loan vào năm 2027 hoặc 2035, đồng thời Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đồng ý nối lại lại liên lạc quân sự.
Các chuyên gia Đài Loan cho rằng ĐCSTQ có thể không tấn công Đài Loan (Trung Hoa Dân Quốc) trong thời gian ngắn do năng lực quân sự không đủ và tình trạng hỗn loạn trong nội bộ, những họ vẫn đang chuẩn bị cho cuộc chiến đó.
Ông Lý Chính Tú (Li Zhengxiu), một trợ lý nghiên cứu tại Quỹ Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Đài Loan, nói với The Epoch Times rằng các thời điểm cho cuộc tấn công Đài Loan theo kế hoạch của ĐCSTQ vào năm 2027 hoặc 2035 về cơ bản không phải do ĐCSTQ định ra, mà là suy đoán của quân đội Hoa Kỳ hoặc các học giả nghiên cứu của Hoa Kỳ.
Ông nói rằng ĐCSTQ hiện không trù định tấn công Đài Loan, và không có lý do gì để sử dụng vũ lực đối với Đài Loan. Nếu họ tiến hành chiến dịch đổ bộ, xét theo sức mạnh quân sự hiện tại của ĐCSTQ, thì họ không có cơ hội chiến thắng. Tuy nhiên, “cho dù đó là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, v.v., thì những nước này đều đang chuẩn bị cho khả năng xảy ra xung đột ở Eo biển Đài Loan. ĐCSTQ cũng đang chuẩn bị cho điều đó.”
Khi Tổng thống Joe Biden hội đàm với lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình trong hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại San Francisco, chế độ cộng sản đã thu hẹp lại hoạt động quân sự xung quanh Đài Loan. Tuy nhiên, sau hội nghị thượng đỉnh, quân đội của chế độ cộng sản Trung Quốc đã nối lại hoạt động xâm nhập không phận trên Eo biển Đài Loan.
Trong cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập, Hoa Kỳ và ĐCSTQ có quan điểm rất khác nhau về vấn đề Đài Loan. Hoa Kỳ kiên quyết phản đối việc đơn phương thay đổi hiện trạng. ĐCSTQ phủ nhận việc họ có kế hoạch tấn công Đài Loan vào năm 2027 hoặc năm 2035, nhưng vẫn đề cập đến các phương án sử dụng quân lực, cho rằng “vào một thời điểm nào đó, đến một lúc nào đó chúng ta cần hướng tới những giải pháp rộng lớn hơn.”
Ngay sau hội nghị thượng đỉnh APEC, ĐCSTQ lại gia tăng các hoạt động quân sự xung quanh Đài Loan. Bộ Quốc phòng Đài Loan đưa tin rằng trong ngày 18/11, chín lần xuất kích của phi cơ Trung Quốc tiếp tục hoạt động quanh Eo biển Đài Loan và vượt qua đường trung tuyến của Eo biển Đài Loan. Đường trung tuyến này, trước đây là “lằn ranh đỏ” mặc định giữa Trung Quốc và Đài Loan, hiện thường xuyên bị phi cơ quân sự Trung Quốc vượt qua. Ngoài ra, ĐCSTQ còn điều động chiến hạm thực hiện cái gọi là “các đợt tuần tra sẵn sàng chiến đấu” ở eo biển này.
Thiếu năng lực tác chiến đổ bộ
Ông Thư Hiếu Hoàng (Shu Hsiao-Huang), một trợ lý nghiên cứu tại Viện Quốc phòng và An ninh Đài Loan, nói với The Epoch Times rằng ĐCSTQ vẫn đang tăng cường các hoạt động hải quân và không quân xung quanh Đài Loan và ít nhiều là để chuẩn bị cho chiến tranh. “Tuy nhiên, không dễ để thực sự tiến hành một chiến dịch quân sự đổ bộ qua eo biển Đài Loan. Quân đội của ĐCSTQ hiện thiếu năng lực trong lĩnh vực này.”
Ông nói thêm rằng một khi xảy ra cuộc đối đầu trực diện với Hoa Kỳ ở Eo biển Đài Loan hoặc Biển Đông, họ sẽ gặp bất lợi.
“Có thể thấy từ lịch sử về các cuộc chiến tranh trước đây, ĐCSTQ dựa nhiều hơn vào các chiến thuật tấn công biển người. Nếu xảy ra chiến tranh ở Biển Hoa Đông hoặc Biển Đông, thì đó sẽ là trận chiến trên biển và trên không, vốn bị chi phối bởi công nghệ. Chiến thuật biển người mà ĐCSTQ trước giờ vẫn hay sử dụng sẽ không còn hiệu quả nữa,” ông Tô Tử Vân (Su Tze-yun), một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia Đài Loan, cho biết: “Nếu trong tương lai không may thực sự xảy ra một cuộc chiến tranh hỏa lực, thì khả năng thất bại của ĐCSTQ là xấp xỉ hơn 90%.”
Các vấn đề nội bộ của quân đội ĐCSTQ
Ông Thư cho rằng có nhiều yếu tố chưa biết về nhuệ khí quân sự của ĐCSTQ, và việc chống tham nhũng của chính quyền này sẽ có tác động đến quân đội. “Chúng ta phải đặc biệt chú ý đến sự tác động này. Liệu có xảy ra tình trạng quân đội không nghe lệnh trung ương rồi tự mình hành động không? Trong trường hợp đó, rất có thể sẽ vô tình kích khởi những cuộc xung đột trong khu vực.”
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung, Lạc Á, Tống Đường, và Dịch Như
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times